ASUS TUF Gaming Z690 PLUS WIFI D4 – ASUS là một trong những cái tên đứng đầu trong làng sản xuất phần cứng với đủ mọi sản phẩm công nghệ phục vụ người dùng, nhưng nhóm khách hàng được “chiếu cố” nhiều nhất có lẽ là nhóm các game thủ.
Mặc dù đã từ lâu, hãng sử dụng dòng sản phẩm Strix để phục vụ cho nhóm khách hàng đặc thù này, thế nhưng một thế lực mới nổi gần đây, dòng sản phẩm TUF với phương châm “ăn chắc mặc bền” cũng rất được lòng cộng đồng game thủ khi tập trung mạnh vào sự bền bỉ và hiệu năng sản phẩm.
Nhưng cũng nhờ việc cắt bỏ đi nhiều yếu tố rườm rà, không cần thiết làm cho các mẫu bo mạch dòng TUF có mức giá mềm hơn, thực dụng hơn, và cũng hấp dẫn hơn trong mắt các game thủ khát khao sức mạnh.
Cùng với sự ra mắt dòng vi xử lý thế hệ thứ 12 và chipset Z690 thế hệ mới của Intel, dòng sản phẩm TUF cũng đón nhận một mẫu bo mạch chủ hoàn toàn mới với tên gọi ASUS TUF Gaming Z690 PLUS WIFI D4.
Liệu một bo mạch chủ dòng TUF nổi tiếng với sự đơn giản và bền bỉ có đủ sức thuyết phục game thủ?
Hãy cùng Vietgame.asia tìm hiểu các bạn nhé!
ASUS TUF Gaming Z690-PLUS WIFI D4 – “CỨNG” CẢ VỀ TÍNH NĂNG LẪN THIẾT KẾ
Đầu tiên, phải thấy rằng dường như ASUS đã không thay đổi nhiều về thiết kế vỏ hộp của ASUS TUF Gaming Z690 PLUS WIFI D4 so với “đàn anh” ASUS TUF Gaming Z490-Plus (Wi-fi) ra mắt hồi năm ngoái.
Cũng vẫn tông màu đen quen thuộc với hình ảnh và tên sản phẩm choán hầu hết không gian phía trước vỏ hộp, có thay đổi chăng là logo của TUF đã được “cách điệu” theo phong cách mới, đã từng xuất hiện trên mẫu card đồ hoạ ASUS TUF GAMING RX 6800 XT.
Mặt sau vỏ hộp là một số thông tin công nghệ đáng chú ý, trong đó có thể kể đến công nghệ USB 3.2 Gen 2×2 với khả năng truyền tải lên đến 20Gbps, khả năng chống ồn âm thanh chủ động hay mạng LAN 2.5G tiên tiến.
Bên trong hộp là một gói phụ kiện, bao gồm chứng chỉ TUF về độ tin cậy, nhãn dán TUF Gaming, đĩa CD trình điều khiển, hướng dẫn sử dụng, cáp 2xSATA và ăng-ten Wi-Fi đi kèm với đế từ tính.
Về mặt thiết kế, ASUS TUF Gaming Z690 PLUS WIFI D4 mang dáng dấp vô cùng quen thuộc, khá giống với sản phẩm tiền nhiệm trong cách thức bố trí bảng mạch, nhưng với phần tản nhiệt cho chipset được thu nhỏ có phần khiêm tốn, tách rời khỏi các miếng tản nhiệt cho ổ cứng SSD khe M.2.
Các khe cắm mở rộng trên ASUS TUF Gaming Z690 PLUS WIFI D4 bao gồm một khe cắm PCIe 5.0 x16, một khe cắm PCIe 3.0 x16 với hỗ trợ chế độ x4, một khe cắm PCIe 3.0 x4 và hai khe cắm PCIe 3.0 x1
Việc hỗ trợ chuẩn công nghệ PCIe 5.0 là một bước tiến vô cùng đáng kể, giúp Intel lần đầu tiên có thể vượt qua được “đội đỏ” về công nghệ sau nhiều năm quanh quẩn với chuẩn PCIe 3.0.
Ngoài các khe M.2 nằm gần tản nhiệt chipset, chúng ta sẽ tìm thấy nhiều khe M.2 hơn bên dưới cảc tản nhiệt M.2 dài và ngắn, tạo nên tổng cộng bốn khe M.2 trên ASUS TUF Gaming Z690 PLUS WIFI D4.
Các khe M.2 này đều được trang bị cần xoay M.2 Q-Latch với khả năng giúp người dùng kết nối với ổ cứng SSD nhanh chóng mà không cần đến việc tháo và gắn ốc loại siêu nhỏ, rất dễ đánh rơi như trước.
Theo sơ đồ chính thức của chipset Intel Z690, các khe cắm M.2 đầu tiên được kết nối với CPU trong khi ba khe còn lại được kết nối với PCH, tất cả đều có khả năng hỗ trợ lên đến PCIe 4.0 cho nhu cầu thiết bị lưu trữ tốc độ cao.
Các cổng SATA vẫn xuất hiện trên mẫu bo mạch chủ này, nhưng thay vì sắp xếp tất cả trong một cụm, ASUS quyết định chia ra hai nhóm đặt ở các vị trí khác nhau trên bo mạch chủ.
Đối với thiết kế nguồn điện, ASUS TUF Gaming Z690 PLUS WIFI D4 có 8 chân và 4 chân cho 12V EPS với cấu hình cấp điện 14 + 1, từ đó mà hệ thống tản nhiệt cho các VRM này phải được mở rộng với kích thước và quy mô hơn hẳn trên các thế hệ trước đó.
Không chỉ nâng cấp về số lượng, ASUS còn nâng cấp các MOSFET với khả năng chịu dòng điện lên 80A mỗi chiếc, thay vì MOSFET 50A của sản phẩm tiền nhiệm.
Dưới bộ tản nhiệt VRM, chúng ta có thể thấy các dãy công suất có nhãn Sic659 trên đó, được cho là MOSFET mới của Vishay.
Dãy công suất được định mức 80A mỗi bộ và bộ điều khiển ASP2100 PWM để cung cấp năng lượng cần thiết cho Bộ xử lý Intel Core thế hệ 12 mới nhất.
Không quá “màu mè” như các dòng sản phẩm bo mạch chủ cao cấp sử dụng màn hình gỡ lỗi, ASUS TUF Gaming Z690 PLUS WIFI D4 chỉ được trang bị một loạt đèn LED gỡ lỗi để giúp khắc phục sự cố dễ dàng hơn. Đây là một trong những tính năng mà người viết cho rằng khá cần thiết, nhất là với các game thủ hay nâng cấp, thay đổi thiết bị của mình theo thời gian.
Không giống như các mẫu bo mạch chủ sở hữu chipset Z690 cao cấp hơn hỗ trợ các mẫu DDR5 đắt đỏ, mẫu bo mạch chỉ hỗ trợ mô-đun bộ nhớ DDR4 với 4 khe cắm, cho dung dung lượng tối đa ở mức 128GB và tần số lên đến DDR4-5133 thông qua ép xung để giảm chi phí “đầu tư ban đầu” cho game thủ.
Hệ thống âm thanh trên bo mạch chủ này là Realtek S1200A audio codec, được đặt bên dưới nắp logo TUF và tụ âm thanh Nichicon thường thấy trên nhiều bo mạch chủ hiện nay.
Với tỷ lệ SNR lên đến 108dB theo thông số kỹ thuật chính thức, hệ thống âm thanh của TUF Gaming Z690-PLUS WIFI dư sức phục vụ nhu cầu của mọi game thủ.
Điểm đáng chú ý nhất với mẫu sản phẩm dòng TUF năm nay chính là việc ASUS đã “chuẩn hoá” việc trang bị Wifi 6 cho bo mạch chủ, giúp người dùng có thể tận hưởng tốc độ kết nối không dây cao lên đến 2400MBps cùng với chất lượng bảo mật hàng đầu hiện nay.
Các cổng USB bao gồm bốn cổng USB 3.2 Gen1, hai cổng USB 3.2 Gen2, một cổng USB 3.2 Gen 1 Type-C và một USB 3.2 Gen2x2 Type-C.
Tổng kết
Nếu bạn đang cân nhắc việc lắp ráp một dàn PC đời mới mà không quá quan tâm đến các yếu tố trang trí màu mè, ASUS TUF Gaming Z690 PLUS WIFI D4 là một lựa chọn không tồi khi hoàn toàn thoả mãn các nhu cầu của bạn mà vẫn giúp bạn tiết kiệm chi phí ở mức tối đa.
Đúng với tên gọi của nó (TUF là chơi chữ của từ Tough, tức sự cứng rắn, mạnh mẽ), ASUS đã tạo ra một chiếc bo mạch chủ có thể đương đầu với những thử thách khó nhất.