Beyond Two Souls – Tôi được sinh ra với một món quà kì lạ… với khả năng nhìn thấy được những điều mà chưa có một ai có thể làm được trước đây…” – lời nói đầy trĩu nặng, thấm buồn và đâu đó là sự da diết, đong đầy cảm xúc của nữ nhân vật chính như đang muốn được kể lại, được nghe thấy cuộc hành trình tìm lại bản ngã của chính mình.
Với lời mở đầu đầy cuốn hút, bí ẩn và tràn đầy cảm xúc. Ắt hẳn, người chơi sẽ khó lòng từ chối lời mời gọi của trò chơi…
Và tựa game mà người viết đang nói tới, đó chính là Beyond Two Souls – một trò chơi từng độc quyền cho hệ máy PS3 trước kia và nay đã đổ bộ lên hệ máy PS4.
Là trò chơi thuộc thể loại phiêu lưu tương tác, Beyond Two Souls là tựa game tiếp theo sau thành công của Heavy Rain đến từ hãng game Quantic Dream.
Vậy với lần phát hành lần này trên hệ máy PS4, liệu rằng Beyond Two Souls sẽ còn tiếp tục mang đến cảm xúc đến cho những người chơi mới cũng như những người chơi từng sở hữu nó?
Vietgame.asia xin mời bạn hãy cùng xem qua bài đánh giá sau đây.
[su_heading style=”flat-blue” size=”35″ margin=”50″]BẠN SẼ THÍCH[/su_heading]
CẢM XÚC – ẤN TƯỢNG MẠNH MẼ!
Trong hầu hết các buổi phỏng vấn về Beyond Two Souls, David Cage luôn nhắc đến từ “cảm xúc” dành cho tựa game này.
Và đúng vậy, ngay từ những giây phút đầu tiên, người viết đã có thể cảm nhận được không khí mà tựa game muốn mang lại thông qua câu chuyện mà nó muốn mang tới.
Với Beyond Two Souls, thực thể Aiden chính là mấu chốt qua trọng trong cuộc hành trình của Jodie.
Về cơ bản, lối chơi của Beyond Two Souls đều tương đối giống so với những trò chơi thuộc thể loại phiêu lưu tương tác gần đây: chủ yếu theo dõi các đoạn cắt cảnh, nghe hội thoại nói chuyện, tương tác thông qua các sự lựa chọn và những lựa chọn ấy sẽ tác động tới hoàn cảnh, tính cách hay kể cả cách câu chuyện sẽ diễn ra.
Thế nhưng, điểm làm Beyond Two Souls trở nên độc đáo hơn so với những tựa game phiêu lưu tương tác khác đó chính là Aiden, thực thể luôn bám sát Jodie.
Người chơi sẽ được luân phiên chuyển đổi qua lại mọi lúc mọi nơi, giữa Aiden và Jodie nhằm giải quyết một số câu đố, tìm đường để vượt qua chướng ngại vật, hay đơn giản chỉ là những hành động nhỏ nhặt như ru ngủ Jodie khi cô nàng còn nhỏ, chữa lành vết thương, thôi miên hay bảo vệc Jodie khỏi vòng vây của địch, xem lại những trường đoạn quá khứ của bất kì ai đó cũng như trải nghiệm được cảm xúc của họ ra sao và đang như thế nào…
Sự đa dạng của lối chơi luôn được thay đổi tùy vào diễn biến của câu chuyện.
Kể cả những lựa chọn mà người chơi quyết định trong các đoạn đối thoại của game, cũng ảnh hưởng phần nào đó tới cá tính của Jodie cũng như câu chuyện sau này.
[su_quote]Sẽ có những lựa chọn khó khăn, cũng như các lựa chọn mang tới cảm xúc dâng trào[/su_quote]Đây là điểm khá thú vị, làm người viết tò mò nếu lựa chọn khác, liệu Jodie hoặc Aiden sẽ ra sao.
Và nên nhớ, Aiden cũng có thể làm ảnh hưởng tới toàn bộ câu chuyện và cả lên chính Jodie.
Nhắc đến Beyond Two Souls, ta không thể nào bỏ qua những lựa chọn trong game, bởi vì chúng cực kì đa dạng, sâu sắc.
Trong một chương, luôn có hàng tá những lựa chọn và kết cục khác nhau, kể cả cách hành sự của Aiden cũng có nhiều cách để giải quyết, những ảnh hưởng của chúng, hướng đi và hậu quả trong câu truyện của Beyond Two Souls.
Sẽ có những lựa chọn khó khăn, cũng như các lựa chọn mang tới cảm xúc dâng trào mà đâu đó thông qua những câu thoại, người chơi sẽ nhìn thấy bản thân mình.
Ngoài ra, game cũng có những trường đoạn hành động và thường đi chung với các QTE (Quick Time Event – bấm nút theo ngữ cảnh).
Tuy nhiên, trò chơi có đôi chút khác biệt đó là thay vì ấn các nút như: X, O, vuông, tam giác, thì người chơi phải phán đoán thông qua cử động của nhân vật chính.
Ví như khi Jodie đấm qua phải, màn hình sẽ “slow motion” (chuyển động chậm) trong một thời gian ngắn, người chơi phải ấn cần analog trái qua bên phải và tương tự ở những cử động khác của Jodie.
Đây là một thêm thắt khá thử thách, đòi hỏi sự phán đoán cao. Và rất may, do nhà sản xuất hiểu điều này sẽ gây khó khăn cho trải nghiệm của một số người chơi nên họ đã cho thêm một lựa chọn khác là hiện nút cho người chơi bấm.
Người chơi có thể thoải mái tùy chọn bật tắt tính năng này thông qua mục “Option” của trò chơi.
Những câu chuyện và tình tiết của Beyond Two Souls rất nhiều, vì muốn khắc họa nên một nhân vật phức tạp, đầy đủ sắc thái và cam go.
Nên bên cạnh Jodie, cô còn được gặp qua những người bạn khác với những mảng đời khác nhau, những khó khăn khác nhau hay cho tới cả những mối tình ngọt ngào, ngại ngùng hay đơn giản là những tâm sự của chính bản thân Jodie, giữa sự sống và cái chết, giữa sự mất mát và sinh tồn…
Chính những giây phút như thế, tạo nên được mạch cảm xúc liên kết người chơi với Jodie, với chính Aiden và kể cả những nhân vật phụ trong game, cho ta thấy được những gì cô trải qua, những gì mà người chơi tác động tới, những gì mà những nhân vật trong game tác động đến Jodie và Aiden. Để ta cảm nhận cái mạch cảm xúc mà tựa game mang tới.
HÌNH, ÂM – NỐT SON VÀNG HOÀN HẢO
Beyond Two Souls sử dụng engine mới của Quantic Dream thời bấy giờ nhằm nâng cấp mạnh mẽ về mặt hình ảnh, hiệu ứng so với tựa game Heavy Rain.
Quantic Dream không ngại ngùng phô diễn nền đồ họa cực kì bắt mắt của mình ngay từ những giây phút đầu của game.
Đôi khi là những cơn mưa trắng xóa, bão cát, sa mạc, cho tới những phân đoạn hành động, cháy nổ mịt mù mà không hề làm khung hình bị giảm đi chút nào.
Đi cùng với việc áp dụng “motion capture” (bắt chuyển động) tiên tiến, hãng đã chi mạnh và mời nữ diễn viên Ellen Page về để thủ vai cho Jodie.
Thổi hồn mạnh mẽ một cách chân thật nhất đến từng giây phút trong game, với độ chi tiết cao về hình thể nhân vật.
Mọi cảm xúc đều được lột tả tự nhiên đến bất ngờ!
Vì được phát hành lại trên PS4, Quantic Dream cũng có sự nâng cấp nhẹ trong việc đẩy cao chi tiết hình ảnh từ nhân vật tới ngoại cảnh, hiệu ứng ánh sáng và đổ bóng vật thể.
Quantic Dream gần như đã tiến xa hơn rất nhiều nếu so với các sản phẩm trước từng làm, mọi thứ trong game đều được gọt giũa kĩ càng, mang lại một bầu không khí rất thực mà cũng không kém phần lung linh, gợi mở.
Tuy nhiên có một chút thất vọng – và cũng tùy vào cảm nhận của người chơi khác nhau – đó là game không bỏ đi hai viền đen trên dưới cũng như khóa khung hình ở tốc độ 30 khung hình/giây.
Và để làm nên một phần hình hoàn hảo, chúng ta không thể không nhắc tới âm thanh của game.
Là một hãng không mấy xa lạ và hứa hẹn mang đến cuộc hành trình đầy cảm xúc, ắt hẳn và cũng là đương nhiên, Beyond Two Souls chắc chắn sẽ làm được điều đó.
[su_quote]Mỗi vùng đất người chơi đi qua trong game đều mang một bản nhạc khác nhau, với cảm xúc thăng hoa dần theo từng đỉnh điểm của cốt truyện[/su_quote]Những bản nhạc nền đầy xao xuyến đan xen các khúc nhạc gây cấn, thôi thúc, ma mị và bí ẩn.
Đúng vậy, người chơi sẽ được trải nghiệm đầy đủ mọi thứ khi bước chân vô game.
Những bản nhạc nền của game được “nhào nặn” dưới bàn tay của Normand Corbeil (Heavy Rain, Fahrenheit…), thật đáng tiếc là ông đã qua đời khi chưa kịp hoàn thành.
Về sau, các bản nhạc nền được Lorne Balfe (Assassin’s Creed 3, Call of Duty: Modern Warfare 2, Kung Fu Panda 3…) tiếp tục thực hiện.
Nên người chơi hoàn toàn có thể yên tâm về chất lượng mà game sẽ mang lại.
Bên cạnh nhạc nền đầy quyến rũ, phần lồng tiếng đóng góp một phần cực kì lớn!
Với các diễn viên nổi tiếng như Ellen Page, Willem Dafoe… những nhân vật trong game như bước chân từ ngoài đời thực vào game.
Những đoạn hội thoại được gọt giũa, lột tả hết sức chân thực, đôi khi gai góc, đôi khi đau khổ, vài đoạn mãnh liệt… Càng khiến cho cảm xúc người chơi thêm phần thăng hoa, làm cho trò chơi thêm sức quyến rũ ngọt ngào!
[su_heading style=”flat-blue” size=”35″ margin=”50″]BẠN SẼ GHÉT[/su_heading]
NHỮNG LỖI LẶT VẶT NHỎ…
Cốt truyện Beyond Two Souls rất hay, cảm xúc nhưng có những tình tiết chưa mượt mà, hoặc không cần thiết.
Vô hình chung, khiến game có cảm giác đôi lúc hơi bị lê thê, kéo dài không cần thiết. Có thể khiến một số người chơi cảm thấy “khó chịu” vì sự chậm chạp trong tiến triển cốt truyện.
[su_quote]có nhiều phân đoạn không cần phải áp dụng tới QTE, khiến game hơi bị “khiên cưỡng” ở khá nhiều trường đoạn[/su_quote]Tuy rằng việc biến thể QTE của game tương đối mới lạ, nhưng cũng như cốt truyện, có nhiều phân đoạn không cần phải áp dụng tới QTE, khiến game hơi bị “khiên cưỡng” ở khá nhiều trường đoạn. Phần nào đó ảnh hưởng trải nghiệm tới người chơi.
Điều khiển trong game tuy đã khắc phục được so với Heavy Rain khi không còn kì quặc nữa, nhưng đôi khi độ phản hồi của điều khiển – nhất là chuyển động – chưa được nhuần nhuyễn cũng như đôi khi bị trễ khi người chơi ấn.
THÔNG TIN
- Sản xuất: Quantic Dream
- Phát hành: Sony Computer Entertainment
- Thể loại: Phiêu lưu
- Ngày ra mắt: 24/11/2015 (PS4) | 08/10/2013 (PS3)
- Hệ máy: PS4, PS3
CẤU HÌNH TỐI THIỂU
- OS: N/A
- CPU: N/A
- RAM: N/A
- VGA: N/A
- HDD: N/A
CẤU HÌNH THỬ NGHIỆM
- OS: N/A
- CPU: N/A
- RAM: N/A
- VGA: N/A
- HDD: N/A
GAME ĐƯỢC HỖ TRỢ BỞI SCE ASIA
GAME ĐƯỢC CHƠI TRÊN HỆ PS4
BÀI MỚI NHẤT
- Kingdom Come: Deliverance 2 có kịch bản dài hơn cả Baldur’s Gate 3? – Tin Game
- Một hacker đã xâm nhập vào 66 tài khoản Path of Exile 2! – Tin Game
- Cựu Giám đốc The Witcher 3 hé lộ The Blood of Dawnwalker – Tin Game
- Tổng hợp đánh giá Dynasty Warriors: Origins: Khá – Tốt – Tin Game
- Titan Quest 2 bất ngờ bị lộ video lối chơi! – Tin Game
- Atomfall hé lộ lối chơi trong trailer mới! – Tin Game