Black Myth: Wukong – Trong các quốc gia thuộc khối Đồng Văn, Trung Quốc là nước có bề dày lịch sử văn hóa lâu đời và đồ sộ nhất, với nhiều tác phẩm nổi tiếng được thế giới công nhận như Tam Quốc Chí, Thủy Hử, Hồng Lâu Mộng hay Binh Pháp Tôn Tử…
Ngành công nghiệp game của Trung Quốc hiện đang thuộc hàng phát triển nhanh nhất thế giới, với doanh thu thị phần (PC, Mobile và Console) chiếm 45.5 tỷ USD (số liệu năm 2022 từ Niko Partners – NV).
Tuy sở hữu những điều kiện lý tưởng như vậy, nhưng Trung Quốc tới giờ vẫn chưa sở hữu thương hiệu game “ngoại tuyến” (offline), hay còn gọi là game chơi đơn, nào nổi bật.
Thậm chí, các tác phẩm văn học lừng danh của họ cũng trở thành thương hiệu game lẫy lừng nhưng lại do… các hãng game Nhật làm, như Dynasty Warriors (Tam Quốc Chí) và Suidoken (Thủy Hử)…
Mọi chuyện bắt đầu thay đổi trong năm 2024, khi studio Game Science tung ra Black Myth: Wukong sau nhiều năm phát triển và đạt thành công cực lớn trong thời gian vừa qua. Nó không chỉ có ý nghĩa quan trọng với Trung Quốc, mà còn “thức tỉnh” thị trường game offline của thế giới khi “đại dịch woke” đang bị lạm dụng tràn ngập, gây mất thiện cảm, thẩm mỹ và làm vô số trò chơi “tự hoại” bản thân, kéo theo hệ quả nhiều studio đóng cửa, lực lượng lao động bị thất nghiệp ngày càng nhiều hơn.
Black Myth: Wukong cũng cho thấy những thị trường game lớn ở Trung Quốc, Hàn Quốc vốn nổi bật và vô cùng thịnh hành ở việc phát triển mảng game online, game mobile bỗng dưng “quay xe” đầu tư làm những tựa game chơi đơn chất lượng không kém cạnh những studio tên tuổi ở trời Tây, đơn cử như các sản phẩm Lies of Pi, Stella Blade… và đạt thành công lớn không ngờ về tài chính lẫn danh tiếng.
Điều này mang lại tín hiệu khả quan cho mảng game offline đóng dấu “AAA” (game được vốn tư “khủng”, đội ngũ phát triển vài trăm người, chi phí tiếp thị khổng lồ – NV), vốn không còn được cho là “mảnh đất đầu tư màu mỡ” trong khoảng thời gian vài năm trở lại đây nữa.
Điều gì làm Black Myth: Wukong trở thành một hiện tượng lớn toàn cầu, một “cú hích” cho ngành công nghiệp game thế giới đang trì trệ?
BẠN SẼ THÍCH
Thế giới Tây Du kỳ ảo!
Game Science đã đầu tư rất chỉn chu vào trải nghiệm của người chơi ở nhiều mặt, cho họ hòa mình vào thế giới trong truyện Tây Du Ký chân thật nhất có thể: từ hình ảnh, âm nhạc cho đến trang phục, vũ khí, nhân vật và cảnh vật đều được xây dựng rất chi tiết, hấp dẫn.
Ngay từ những phân khúc đầu game, người chơi đã bị mê hoặc bởi phong cách mỹ thuật đặc sắc đậm màu văn hóa Trung Hoa của trò chơi. Với sức mạnh của Unreal Engine 5, phong cảnh cùng kiến trúc chùa chiền, đền đài trong Black Myth: Wukong được thiết kế tuyệt đẹp đến ngỡ ngàng và mang lại cảm giác vô cùng “điện ảnh”, đủ để thỏa mãn và khỏa lấp được bất kỳ một bộ óc giàu trí tưởng tượng nhất!
Những khung cảnh như bước ra từ các bức tranh thủy mặc, những công trình kiến trúc nổi bật trong hầu hết các Chương đều được đội ngũ Game Science xây dựng một cách chỉn chu và đầy sự tôn trọng. Đặc biệt, điều làm nên sự đỉnh cao cho những “siêu công trình” này là chúng đều được dựng theo các thắng cảnh nổi tiếng của Trung Quốc. Như Chương đầu dễ liên tưởng đến cảnh vật của khu du lịch nổi tiếng ở Quế Lâm. Chương thứ hai lại mang không khí của vùng sa mạc Tân Cương nổi tiếng.
“Khủng” nhất chắc phải kể đến “Tiểu Tây Thiên” (Xiaoxitian) ở Chương 3 – nơi người chơi sẽ phải há hốc mồm trước Thần điện như được bê nguyên xi từ đời thực vào vậy. Ảo hơn cả, là Thần điện Tiểu Tây Thiên này không chỉ đóng vai trò như một bức nền, mà trong một số trường đoạn chính người chơi sẽ được thu nhỏ lại và “chu du” trong chính Tiểu Tây Thiên đó, với mức độ chi tiết phải khiến người viết sững sờ!
Chính nhờ sự hoành tráng này, mà tính quảng bá văn hóa của Black Myth: Wukong đã giúp thúc đẩy mảng du lịch ở hàng chục những địa điểm cổ kính Trung Quốc, tăng doanh số đến hơn 50%. Sức ảnh hưởng quả thực đáng nể!
Không chỉ cuốn hút người chơi bởi ngoại cảnh xuất sắc, nền đồ họa thuộc hàng “thượng hạng” của Black Myth: Wukong còn khiến người chơi mê mẫn bởi sự tỉ mỉ cho những mảnh giáp vận lên người Thiên Mệnh Hầu. Bạn đọc có thể chưa biết, ban đầu Black Myth: Wukong được phát triển trên nền Unreal Engine 4, tuy nhiên Game Science đã bất ngờ hoãn ra mắt và đầu tư thêm một năm ròng chỉ để… mang hết tất cả những gì tinh túy nhất qua Unreal Engine 5, nhờ những công nghệ vượt trội của nó. Đó là lúc người chơi sẽ phải choáng ngợp trước sự lộng lẫy của những chiến bào trong game.
Một khi mở giao diện hành trang, người viết luôn phải trầm trồ trước sự “ngầu lòi” mà ngỡ bản thân là Tề Thiên Đại Thánh tái sinh vậy. Từng đường nét uốn lượn của hoa văn trên từng mắt giáp, đến sự lung linh lấp lánh của những chất liệu quý hiếm làm nên sự trang trọng của chiến bào. Sự chi tiết này tất nhiên không chỉ tập trung ở giao diện trang bị, mà game thủ hoàn toàn có thể “soi” bằng hệ thống chụp ảnh (photo mode) “căng đét” của game. Game Sciecne có vẻ rất biết “chiều” người hâm mộ của mình ở khoản thời trang này.
Tiện kể về phần hành trang, game còn chăm chút phần “nội tại”: từ giao diện trình đơn (menu), các biểu tượng (icon) cho tới những thứ như hành trang, bách khoa toàn thư, bảng kỹ năng, trang bị, được thiết kế dễ nhìn nhờ bố cục sắp xếp thông tin hợp lý, gọn gàng chứ không rối rắm như các game “cộp mác AAA” thời gian gần đây, như Starfield là một ví dụ điển hình.
Đồng hành cùng nền đồ họa, với những fan của bộ phim Tây Du Ký (1986), chúng ta sẽ gặp lại bài hát “thương hiệu” từ bản phim này trong game – Celestial Symphony (Vân Cung Tấn Âm), nó được phối âm, phối khí hiện đại hơn nhưng vẫn giữ được chất hùng hồn, hoành tráng như ngày nào!
Không dừng ở mỗi bài nhạc chủ đạo, với mỗi chương trong Tây Du Ký mà người chơi sẽ chu du qua đều có các bản nhạc nền phù hợp, được sử dụng như một phép kể chuyện để nâng cảm xúc của người chơi lên mức cao nhất. Lúc thì ý nghĩa và ca từ đều như những lời răn dạy và nêu bật lên thông điệp của màn chơi (Chương 2), lúc thì sâu lắng chạm tâm can đi kèm một “MV” ngôn tình bi ai (Chương 4), khi thì rộn ràng tiếng trống thúc giục và đầy anh hùng ca nhưng lại để lại một sự trống rỗng đến khó thở (Chương 5), càng làm sâu đậm thêm kỷ niệm của những người hâm mộ bộ phim.
Năm trăm năm sau khi thỉnh kinh, Black Myth: Wukong vẫn sẽ cho người chơi gặp lại những nhân vật biểu tượng quen thuộc làm nên thương hiệu Tây Du Ký như Dương Tiễn, Tứ Đại Thiên Vương, Hắc Hùng Tinh, Trư Bát Giới… Những nhân vật này được thiết kế vừa đẹp (Bình Bình), vừa dễ thương mà độc đáo (Trư Bát Giới), lại vừa uy dũng như Dần Tướng Quân, Hồng Hài Nhi, Dương Tiễn…
Được biết, tạo hình của các nhân vật trong Black Myth: Wukong, đặc biệt là những nhân vật nữ đều được lấy mẫu lại từ những nữ diễn viên lồng tiếng có ngoại hình thuộc hàng “hoa đán”, ưng mắt chứ không như trào lưu làm game từ phương Tây hiện nay đa phần đang cố ý cổ xúy mẫu hình nhân vật nữ nếu không thô kệch thì bặm trợn (dù cũng được áp dụng công nghệ tương tự) và được các kênh truyền thông tung hê như “hình mẫu đẹp” hiển nhiên vậy!
Bên cạnh dàn “sao chính” với những tên tuổi đã quen thuộc làu làu với các fan Tây Du Ký, người chơi còn đụng độ với vô số yêu quái được dựng hình ấn tượng: từ các loài sói, chuột, quạ, rắn cho tới những loài “siêu tưởng” như dạ xoa, rồng, ma quỷ chốn âm tào không thua kém các siêu phẩm như Elden Ring, Dark Souls hay Bloodborne đến từ nhà FromSoftware là bao.
Với con số thống kê có được từ bộ Du Ký có sẵn trong game, số lượng nhân vật tổng quát của Black Myth: Wukong lên đến hơn… 200 nhân vật, đủ các thể loại.
Lại nói về nhân vật chính của chúng ta, Tôn Ngộ Không.
Những “trò khỉ” quen thuộc trên màn ảnh được tái hiện lại trong Black Myth: Wukong và do đích thân người chơi “biểu diễn” thật sảng khoái.
Nào là những màn múa gậy đỡ tên vùn vụt cho đến “thiên biến vạn hóa” dài ngắn tùy ý của Như Ý Kim Cô Bổng khi giao đấu, hay tuyệt kỹ leo lên thân gậy trứ danh thật sự làm thỏa mãn những người hâm mộ bộ phim Tây Du Ký.
Hệ thống phép thuật của Black Myth: Wukong thì miễn chê: vừa đẹp mắt vừa hiệu quả, tuy rằng có những phép e rằng… quá mạnh, đủ để dùng chúng cho tới nửa sau game như Định Thân (Immobilize) thường dùng để “điểm huyệt” đối thủ, hay với phép Phân Thân (A Pluck of Many) khi nâng cấp lên tối đa có thể cho phép người chơi “không cần động một móng tay” mà vẫn có thể hạ gục nhiều trùm nhỏ (mini boss).
Game Science đã đầu tư rất chỉn chu vào trải nghiệm của người chơi ở nhiều mặt, cho họ hòa mình vào thế giới trong truyện Tây Du Ký chân thật nhất có thể
Một game Souls-like “ngon” tuyệt!
Phần cốt lõi của Black Myth: Wukong, hiển nhiên vẫn là những pha chiến đấu đặc sắc. Trong những đoạn trailer được tung ra lúc ban đầu khi chưa ra mắt, game để lại khá nhiều hoài nghi từ phía người chơi: Đây có phải là game “souls-like”? Trông có vẻ “giống” nhưng lại “không” mà… cũng không thể chắc chắn.
Và khi trò chơi được ra mắt, có thể thấy Black Myth: Wukong như “một biến thể” của dạng “Souls-like”, được làm “nhẹ” hơn nhưng không có nghĩa là dễ dàng, thường được gọi là “Souls-lite”.
Bởi chính sự phổ biến và có lượng người chơi hùng hậu trong khoảng 5 năm trở lại đây, việc Black Myth: Wukong kế thừa những đặc trưng của kiểu game “souls-like” này là điều dễ hiểu. Điểm khó là Game Science phải biết cách cân bằng giữa “học hỏi” và “sao chép”, bởi lẽ ngoài kia đã có rất nhiều “tấm gương” cho thấy để đạt được cảnh giới của Souls-game từ nhà FromSoftware là điều gần như không thể.
Vậy bí quyết chính là “học hỏi” và “kết hợp” để đảm bảo độ cân bằng, vừa giảm được độ kén người chơi, vừa tạo ra một lối đi mới mà ở đó có thể sau này chúng ta sẽ còn có một hậu truyện của Black Myth: Wukong còn đột phá hơn nữa.
Sự “học hỏi” mà game có cũng được tinh chỉnh rất nhiều và chủ yếu mang tính “làm quen” là chủ yếu. Lấy ví dụ như hệ thống chiến đấu có nhịp độ và phải dựa vào thanh thể lực, tuy nhiên sự phụ thuộc không quá nặng như trong các Souls-game, mà ngược lại chỉ đóng vai trò quan trọng ở trong hai Chương đầu.
Một khi đã làm quen được với hệ thống chiến đấu có nhịp độ của game, người chơi sẽ chẳng cần phải quá bận tâm đến thanh thể lực, mà chỉ chú trọng vào trao đổi chiêu thức với các con trùm như cách mà Sekiro: Shadows Die Twice đã từng làm.
Việc lên cấp cũng không cần thiết phải thu thập tiền tệ (Will) quá nhiều, bởi lẽ người chơi sẽ không gặp bất cứ một hình thức trừng phạt nào sau khi “tèo”, hay kể cả là “tẩy điểm” và thử lại một lối phát triển sức mạnh khác. Người chơi chỉ đơn giản là quay lại miếu thờ gần nhất mà thôi. Điều này giảm nhẹ bớt phần nào sự bí bách trong quá trình đối đầu với các con trùm khó nhằn, vừa cho phép người chơi có nhiều sự lựa chọn để tối ưu hóa cách chơi của mình.
Mà để nói đến sự đa dạng, Black Myth: Wukong đem đến một sự học hỏi khác từ dòng game Nioh, hệ thống thế đánh (stance) gồm 3 thế khác nhau: Smash stance (phách côn), Pillar stance (lập côn) và Thrust stance (trạc côn); mỗi thế côn sẽ bao gồm hai lối phát triển và người chơi cũng có thể thay đổi linh hoạt giữa ba thế côn này trong quá trình chiến đấu. Qua đó, dù vũ khí chỉ xoay quanh mỗi hai loại là Thương và Côn, thì khả năng sáng tạo của người chơi vẫn không bị giới hạn quá nhiều.
Ngoài hệ thống kỹ năng chiến đấu, nhân vật còn có thêm hẳn… vài trang dành cho các chỉ số/kỹ năng nội tại và các kỹ năng phép thuật/ biến hóa phụ trợ khác nhau với tổng số cực lớn.
Mặc dù kịch bản của Black Myth: Wukong được viết như phần hậu truyện về thời kỳ hậu Tây Du, nhưng các sự kiện, những màn đánh trùm của game sẽ luôn khiến người chơi hồi tưởng lại từng khoảnh khắc hùng tráng trong bộ phim tuổi thơ, thậm chí đôi khi bạn phải nhớ chúng đã diễn ra như thế nào để “qua ải” dễ dàng hơn!
Như ở chương hai, khi người chơi đấu với Hoàng Phong Quái, yêu quái có tuyệt chiêu Tam Muội Thần Phong làm chao đảo tam giới và mù mắt Tôn Ngộ Không (truyện/phim), cơn bão cát của gã yêu quái này rất ghê gớm khiến việc tiêu diệt y rất khó khăn. Tuy nhiên, nếu người chơi từng xem qua Tây Du Ký hẳn sẽ biết có các pháp bảo đặc biệt giúp “trấn yểm” đám yêu ma này, trận đánh nhờ đó cũng sẽ dễ thở hơn. Và đó là lúc game “khai mở” cho người chơi rằng game không hề tuyến tính, dễ hay khó là nằm ở cách người chơi khám phá thế giới mà nhà phát triển đã dày công xây dựng.
Black Myth: Wukong như “một biến thể” của dạng “Souls-like”, được làm “nhẹ” hơn nhưng không có nghĩa là dễ dàng
Đen tối, đầy triết lý nhân sinh của Phật giáo!
Không như Tây Du Ký tập trung vào chuyến Tây Du thỉnh kinh của thầy trò Đường Tăng, Black Myth: Wukong tập trung về số phận của các nhân vật sau những sự kiện trong Tây Du Ký.
Game phân ra nhiều câu chuyện cho mỗi chương, đậm tính ẩn dụ, châm biếm phê phán hiện thực cuộc sống. Đặc điểm này lại khá giống với một tác phẩm vĩ đại khác của Trung Quốc: Liêu Trai Chí Dị.
Tông truyện được phóng tác, tăm tối và buồn thảm hơn Tây Du Ký, nhiều fan có thể thích điều này vì chúng để lại ấn tượng khó phai sau khi trải nghiệm. Chẳng hạn câu chuyện về Kim Trì Trưởng lão và lòng tham hư danh, chuyện tình dang dở từ sự ngộ nhận chốn Thiên đình của Trư Bát Giới nhà ta, hay câu chuyện bi thảm về chàng thư sinh và hồ ly nhỏ… Đúng hay sai, thiện hay ác, thật khó mà một lời quyết được!
Cái hay, cái đặc sắc của Black Myth: Wukong khi thể hiện những câu chuyện bi ai nhưng đầy triết lý nhân sinh chính là việc game “rải” nhiều thông tin qua nhiều hình thức khác nhau, thu hút sự quan tâm lẫn “sưu tầm” từ phía người chơi.
Đó có thể là sự góp nhặt lời kể của những NPC, là những mô tả ẩn ý trong các bích họa (tranh tường), là những điều “cộng thêm” từ các vật phẩm hay thú vị hơn là những đoạn phim hoạt họa ngắn kết mỗi chương được đầu tư chu đáo theo nhiều trường phái hội họa nổi tiếng, trong đó có các trường phái hội họa cổ điển Trung Quốc, hoạt họa hiện đại Trung Quốc, phong cách Ghibli anime, hay có một số phim làm khác hẳn các đoạn còn lại, như Chương 2 – câu chuyện chàng thư sinh và hồ ly nhỏ, sử dụng hoạt hình rối (stop-motion).
Game phân ra nhiều câu chuyện cho mỗi chương, đậm tính ẩn dụ, châm biếm phê phán hiện thực cuộc sống
BẠN SẼ GHÉT
Một chút nữa thôi là thành tuyệt tác
Nếu người chơi chưa từng đụng đến các tác phẩm về Tây Du Ký, thì Black Myth: Wukong sẽ khiến bạn khó hiểu, rất khó hiểu do không có phần mở đầu hay dẫn truyện cần thiết về bối cảnh thần thoại trong Tây Du Ký. Đó là điều khiến game không thực sự được đánh giá cao bởi các nhà phê bình đến từ phương Tây.
Sự khác biệt chủ yếu ở chỗ văn hóa và thần thoại Á Đông nói chung lẫn Trung Quốc nói riêng quá đậm đặc, dẫn đến các ý nghĩa cốt lõi của Đạo giáo và Phật giáo được truyền tải thông qua những thông điệp rất mơ hồ trong cốt truyện của Black Myth: Wukong, khiến chúng trở nên vô cùng “khó nuốt” với các nhà phê bình phương Tây.
Chưa kể, mỗi Chương của game đều là một câu chuyện có phần độc lập nên càng khó liên kết theo một mạch chính phụ rõ ràng. Điều này cũng liên hệ đến bản thân người viết từng trải nghiệm Dante’s Inferno cách đây gần 15 năm, dựa trên tác phẩm Thần khúc của đại thi hào người Ý – Dante Alighieri, và kết quả là: “Không hiểu gì!”
Một điểm hơi “khó ưa” khác của game đó là những bức tường vô hình, “biên giới không thể vượt qua” được thể hiện chưa hợp lý, chẳng hạn khá nhiều nơi trong game bạn nghĩ “còn có thể đi được” thì bị chặn nhưng có những nơi trông “không vượt qua được” rành rành thì thật ra… mở ra khu vực ẩn!
Về độ khó, thử thách, Black Myth: Wukong không phải là tựa game hành động truyền thống “dễ thở”, mà theo mô-tuýp “Souls-lite” như đã đề cập nên có thể nhiều người thấy game quá khó và bế tắc, khi không có hướng dẫn nhiệm vụ hay bản đồ rõ ràng, lại gặp nhiều con trùm quá mạnh. Rất may là điều này đã được khắc phục ít nhiều do hiệu ứng từ cộng đồng người chơi đông đảo, luôn chia sẻ những bí quyết để giúp cả những “gà mờ” vẫn có thể “try-hard” để trải nghiệm game một cách tương đối trọn vẹn.
Hệ thống nâng cấp của game thiết kế khá khó chịu, đặc biệt ở đầu game, khi để các chỉ số cơ bản (base stats) chung với kỹ năng và phép, khiến người chơi phải “hi sinh” chỉ số sinh tồn để cho các kỹ năng hay phép, điều này hạn chế các lựa chọn khi đánh các con trùm đầu.
Bên cạnh đó, màn giới thiệu các kỹ năng và phép của các NPC cho nhân vật chính (Destiny One) khá nhạt nhẽo và gượng ép, cảm giác như “ồ tao có cái này hay, cho mày nè, thử đi”, trong khi vốn Tôn Ngộ Không năm xưa phải bái sư tu luyện muốn trọc cả đầu.
Và cuối cùng là khả năng tối ưu của game trên PS5, hệ máy console duy nhất chơi được Black Myth: Wukong ngay từ ngày đầu: rất tệ!
Đây không phải lần đầu người viết chơi game bị rớt khung hình (fps) liên tục như vậy, nhưng tuột thẳng xuống “đáy” như Black Myth: Wukong thì là lần đầu, điều này càng thêm khó chịu khi bạn đang đối đầu với những con trùm khó.
Black Myth: Wukong không phải là tựa game hành động truyền thống “dễ thở”, mà là Souls-lite nên có thể nhiều người thấy game quá khó và bế tắc