Vào năm 2012, Stephen Kick thành lập ra Nightdive Studios tại Vancouver, bang Washington Hoa Kỳ, với mục đích “tái sinh” những tựa game cổ điển về với hiện trạng của chúng trên phần cứng hiện đại. Thành công lớn mà hãng đạt được với System Shock 2: Enhanced Edition – phiên bản nâng cấp của tựa game kinh điển từ Looking Glass Studios là lời bảo chứng cho tham vọng của Nightdive Studios, rồi bắt đầu dẫn đến những màn “trỗi dậy từ 6 tấc đất” của những Turok, Wizardry, Forsaken, Strife – và mới đây nhất là Blood.
Trường hợp của Blood có thể nói là đặc biệt hơn cả, bởi vì tương tự với một dòng game khác của Monolith Productions là No One Lives Forever, không một ai biết được chính xác rằng đâu mới là phía thực sự nắm giữ toàn phần thương hiệu của tựa game FPS cổ điển này bên cạnh hãng phát hành gốc là Atari. Bên cạnh đó, mã nguồn của trò chơi cũng đã “cuốn theo chiều gió”, vậy đâu mới là hướng đi đúng đắn để đưa Blood trở lại?
Câu trả lời của Nightdive Studios, đó là… làm lại toàn bộ game trên nền bộ khung sườn “gà nhà” KEX Engine, tái tạo toàn bộ những kỹ thuật dựng hình và mô phỏng AI từ nền Build engine nguyên gốc nhưng giờ đây được phụ trợ bởi các công nghệ mới, như hỗ trợ độ phân giải 4K, đổ bóng môi trường (Ambient Occlusion), nội suy điểm ảnh (Interpolation), đồng bộ dọc (V-Sync), khử răng cưa (Anti-aliasing) và còn nhiều hơn nữa. Tất cả đều được gói gọn trong Blood: Fresh Supply.
[su_heading style=”flat-blue” size=”35″ margin=”50″]BẠN SẼ THÍCH[/su_heading]
ĐỎ TRỖI DẬY
Là một trong số ba tựa game chủ lực của nền Build engine, Blood luôn luôn tạo ra dấu ấn riêng so với hai người “đồng hương” là Duke Nukem và Shadow Warrior nhờ vào kho vũ khí cực kỳ phá cách của mình. Đa phần các tựa game FPS vào thời điểm bấy giờ (và cả ngày nay) đều luôn khởi đầu với một khẩu súng lục “bé hạt tiêu” với hỏa lực tạm bợ, thì Blood: Fresh Supply không ngần ngại ném cho bạn một khẩu súng bắn hạt sáng (flare gun) đốt cháy kẻ địch sau vài giây chạm vào mục tiêu. Thay cho dao hoặc kiếm là một chiếc… đinh ba, thay cho lựu đạn là các gói TNT, thay cho súng phun lửa là bình đựng khí nén và một chiếc bật lửa.
Kinh qua những món “hàng nóng” thông thường như shotgun, súng máy Thompson, M-16, nhân vật chính của chúng ta Caleb còn giữ trong tay một con… búp bê trừ tà. Chọt cây kim vào búp bê và quỷ dữ sẽ nhanh chóng tan biến thành những bãi máu. Nghe qua thì có vẻ hơi “làm màu”, nhưng thực chất nó lại là vũ khí bắn… “tỉa” khá là bá cháy do nó gây sát thương lên kẻ địch ngay khi bạn “khai hỏa”. Chế độ “bắn” phụ của nó còn khiến cho mục tiêu nổ tung, để cho kẻ thù xung quanh chịu trận.
Đúng vậy, Blood là một trong những tựa game FPS đầu tiên tận dụng cơ chế chế độ bắn phụ gán cho chuột phải. Shotgun bắn hai viên cùng lúc, TNT cho phép đặt trên đường đi và phát nổ khi kẻ địch dẫm phải, Thompson tự xả một tràng đạn trước mặt. Hẳn nhiên, không phải chế độ bắn phụ nào cũng hữu dụng, và đôi khi chúng ngốn quá nhiều đạn để có thể phung phí thoải mái, nhưng đó vẫn là lựa chọn mà bạn có quyền tận dụng trong chiến đấu.
[su_quote]Blood là một trong những tựa game FPS đầu tiên tận dụng cơ chế chế độ bắn phụ gán cho chuột phải[/su_quote]
Không những “lạ” ở kho vũ khí, mà cả những địa danh mà bạn kinh qua trong suốt 6 chương (4 chương của game gốc cùng 2 chương trong 2 gói mở rộng Cryptic Passage và Plasma Pak) cũng đa dạng và kỳ quặc hệt như vậy. Chỉ nội trong hai chương đầu tiên là The Way of All Flesh và Even Death May Die, chúng ta có cơ hội kinh qua một bến tàu hỏa (và cả trực tiếp trên con tàu), một lễ hội hắc ám với vài tay diễn kịch câm, một đền thờ cổ xưa, một khu khách sạn âm ỉ được đón đầu bằng một vườn mê cung, và những hầm mộ tối tăm bên dưới lòng đất ở phía Đông giá lạnh. Chúng tăng dần quy mô lẫn mức độ lắc léo trong bố cục của mỗi màn chơi, và nhờ vào cảnh quan lẫn bầu không khí đặc sắc mà chúng rất ít khi mang lại cảm giác tương đồng nhau – dẫu cho cách thức chúng kết nối với nhau ở khởi đầu và kết thúc của mỗi màn là cực kỳ khéo léo.
Tuy vậy, các màn chơi trong Blood: Fresh Supply có lẽ hơi quá phức tạp so với mức cần thiết, bởi thực sự dẫu cho đã kinh qua vô vàn game trên nền Build lẫn id Tech đời đầu, người viết vẫn có cảm giác mình bị lạc đường với số lần không đếm xuể kể từ nửa sau chương 2 trở đi. Có lẽ sẽ tốt hơn nếu Blood: Fresh Supply đánh dấu biểu tượng của các cánh cửa bị khóa trên bản đồ 2D, nó sẽ giúp người chơi mới dễ dàng tìm được điểm đến tiếp theo một khi có được chìa khóa tương ứng.
Điều đó không có nghĩa là “lạc lối” bên trong Blood: Fresh Supply là một giai đoạn nặng nhọc gì, bởi toàn bộ các màn chơi đều chẳng thiếu thốn vô số khu vực (và đôi khi là cả hẳn màn chơi) bí mật mang lại cho người chơi tài nguyên, cũng như tạo đường đi tắt giúp việc “cuốc bộ” trong game không quá chán chường.
NHỮNG CẢI TIẾN NHỎ SÁNG GIÁ
Blood: Fresh Supply được xây dựng trên nền KEX Engine hoàn toàn mới do Nightdive Studios tự tay phát triển, sử dụng asset của tựa game gốc. Thế nên bạn hoàn toàn không cần phải lo rằng mình phải chỉnh chọt bất kỳ thứ gì để game hoạt động ổn thỏa trên PC hiện đại. Blood: Fresh Supply hỗ trợ sẵn tỷ lệ màn hình 16:9 cho tới độ phân giải 4K, chế độ Borderless Windowed, tùy chỉnh thiết lập điều khiển đến “tận răng”, một số hiệu ứng hình ảnh tân thời, ba dạng API đồ họa Vulkan, DX 11 và OpenGL 3.2, cho phép mod thả ga cũng như chức năng chia màn hình đến tận… 8 phần. Dĩ nhiên, ưu điểm lớn nhất đó là bạn không cần phải chạy game thông qua DOSBox.
Vào thời điểm ra mắt vào đầu tháng 5, Blood: Fresh Supply gặp phải cơ số lỗi liên quan đến dao động âm thanh và một số khía cạnh kỹ thuật khác. Đến nay, ngoài việc thưởng thức chế độ co-op khá trầy trật (có lẽ do netcode… lởm), thì tình trạng của trò chơi ở thời điểm hiện tại khá là toàn vẹn.
Vậy, có lý do nào để chọn Blood: Fresh Supply thay vì BloodGDX?
[su_quote]có lý do nào để chọn Blood: Fresh Supply thay vì BloodGDX[/su_quote]
Nếu như bạn chưa biết, BloodGDX là bản port được xây dựng trên nền EDuke32 (bộ trích xuất Build engine nổi tiếng nhất hiện nay) được thực hiện bởi Alexander Makarov ra mắt vào năm 2017. BloodGDX cho đến nay vẫn được cho là phiên bản Blood hoàn chỉnh nhất về mặt tính năng, trong đó đáng nói nhất là nó hỗ trợ toàn bộ các bản mod của phiên bản Blood gốc.
Nếu như bạn chỉ là người chơi phổ thông, thì thật tình mà nói, số điểm khác biệt giữa BloodGDX và Blood: Fresh Supply là không đáng kể. Nếu bạn là modder, quan tâm đến những thứ nhỏ nhặt nhất của phiên bản Blood đầu tiên như skybox chẳng hạn, thì… thật ra vẫn chẳng có điểm khác biệt nào đáng nhắc đến giữa hai phiên bản này. Với việc Blood: Fresh Supply được bán với giá khá rẻ chỉ 10 USD (5 USD nếu bạn sở hữu bản game gốc), thì thật sự tính năng “cắm-và-chạy” mà không đòi hỏi thao tác nào khác từ người dùng là cái giá không quá đắt đỏ để được thưởng lãm một trong những tựa game FPS kinh điển nhất mọi thời đại trong năm 2019.
THÔNG TIN
- Sản xuất: Nightdive Studios
- Phát hành: Atari
- Thể loại: Hành động
- Ngày ra mắt: 9/5/2019
- Hệ máy: PC
CẤU HÌNH TỐI THIỂU
- OS: Windows 7 64-bit
- CPU: Intel or AMD Dual-Core at 2.0 GHz
- RAM: 1 GB
- VGA: GPU with OpenGL 3.2 or DirectX 10 support (256 MB)
- HDD: 1 GB
CẤU HÌNH THỬ NGHIỆM
- OS: Windows 10 Pro 64-bit
- CPU: Ryzen R7 1700 @ 3.7 GHz
- RAM: 16 GB
- VGA: MSI Rx Vega 56 Airboost
- HDD: Samsung 950 Pro 256GB
GAME ĐƯỢC HỖ TRỢ BỞI NIGHTDIVE STUDIOS
GAME ĐƯỢC CHƠI TRÊN HỆ PC