Tất cả mọi người hầu như đều biết đến những vị hiệp sỹ, viking hay samurai, bởi vì chẳng cần phải ghiền game hay phim ảnh mới biết đến lịch sử “đẫm máu” của các dòng tộc, quốc gia tranh đấu lẫn nhau và dĩ nhiên, họ chẳng thiếu cách thức để xưng bá thiên hạ. Với tư cách là một nhà phát triển game rất biết cách “chế tác” lịch sử bằng những tư liệu có sẵn và tạo nên “gia vị” riêng của mình – đã được thể hiện một cách triệt để qua dòng game Assassin’s Creed, thì hẳn Ubisoft chẳng có lý do gì để mà không thể hiện lại tài năng đó khi tạo nên nên những vị anh hùng chính thức của For Honor. Họ từng là ai ngoài đời? Nguồn cảm hứng tạo nên họ là từ đâu? Những nhân vật này có chính xác với sử sách hay không? Hãy cùng Vietgame.asia khám phá ngay sau đây nhé![su_heading style=”line-blue” size=”35″]XEM THÊM[/su_heading][timeline post=”120285, 120157″][su_divider]
KENSEI
“Kensei” đơn giản là các kiếm sư samurai sở hữu trong mình tinh thần võ sĩ đạo (Bushidō) bất diệt – những chuẩn mực và quy tắc mà không chỉ có mỗi samurai và mọi võ sĩ Nhật Bản đều phải tuân theo, nhấn mạnh sự ngay thẳng, can đảm, lòng từ bi, sự tôn trọng, tính toàn vẹn và dĩ nhiên là danh dự của mình. Thanh kiếm ōdachi (từ “ō” có nghĩa “mạnh mẽ” hoặc “vĩ đại”) mà Kensei mang theo mình là một phiên bản trường kiếm của katana mang cả ý nghĩa truyền thống và thực dụng, được samurai sử dụng rộng rãi để đối đầu với kỵ binh trong lịch sử.
Mô tả của Kensei trong For Honor nhắc đến việc “chiến đấu và hy sinh cho Nhật Hoàng”, và mặc dù lòng trung thành chính là một trong những yếu tố của tinh thần võ sĩ đạo, đa số samurai thề một mực bổn phận với dòng tộc và chúa tể của mình hơn.
NOBUSHI
Theo For Honor, Nobushi là những chiến binh được chọn lựa để bảo vệ những ngôi làng cách quá xa thành thị và nằm ngoài tầm với của quân đội. Tuy nhiên, điều mà chúng ta nên quan tâm nhất ở Nobushi là vũ khí của họ – cây trường kích Naginata.
Naginata là một cây gậy dài với lưỡi gươm cong ở đầu được sử dụng bởi những người phụ nữ thuộc các dòng tộc thượng lưu thời Edo với mục đích tự vệ. Trước đó vào thời kỳ Kamakura, nó được sử dụng bởi các Onna-bugeisha – những nữ chiến binh sát cánh cùng các samurai trực tiếp tham gia trên chiến trường. Một trong số họ được biết đến với cái tên Nakano Takeko, bà dẫn dắt một nhóm nữ chiến binh chiến đấu độc lập trong Trận Hội Tân diễn ra vào năm 1868 do họ không được phép chiến đấu cùng với nhóm quân chính. Cuối cùng, khi Nakano bị bắn trọng thương tại Ōgaki, bà yêu cầu người người em gái xử tử mình và mang đầu của mình đem đi chôn để kẻ địch không thể lấy nó làm chiến lợi phẩm. Kể từ đó, Naginata được xem như là vũ khí mang trong mình linh hồn tự tôn của Nakano Takeko, và tinh thần chiến đấu quyết liệt của Nobushi cũng từ đó mà ra.
OROCHI
Yamata no Orochi hay còn gọi là Bát Kì Đại Xà là một con rắn tám đầu, tám đuôi trong thần thoại Nhật Bản. Orochi là những chiến binh ninja với tài thuật thoắt ẩn, thoắt hiện, biến hóa khôn lường. Bạn nhận ra mối quan hệ rồi chứ?
Được mô tả là những “bóng ma trên chiến trường” sử dụng tài thuật “núp lùm” và vô ảnh, họ có thể được xem là phiên bản “nhẫn giả” tham gia trực tiếp trên chiến trường với sức bền cao hơn đôi chút. Nếu như bạn chưa biết, thì ninja là một phần trong đại gia đình samurai, được huấn luyện cho các nhiệm vụ yêu cầu hành động bí mật hoặc những hoạt động gián điệp. Vũ khí của Orochi là kiếm katana cơ bản và ám khí shuriken dành cho chiến đấu ở tầm xa.
SHUGOKI
Hơi khó để có thể tìm ra được tung tích của Shugoki trong lịch sử. Cái tên Shugoki mang hàm nghĩa “bảo hộ” (守護) và “ác quỷ” (鬼), mặt nạ của Shugoki có thể lấy cảm hứng từ khuôn mặt của lôi thần Raijin trong thần thoại Nhật Bản, và vũ khí của Shugoki là cây gậy Kanabō được sử dụng bởi các quỷ nhân Oni, thế nên chẳng lạ lùng gì khi mà For Honor đặc tả họ rằng “sở hữu sức mạnh phi thường của quỷ”.
Thế nhưng, dẫu cho sở hữu vẻ ngoài đầy hung tợn như vậy, các Shugoki trong For Honor thực chất lại là những người bảo hộ dành cho người dân. Người viết không rõ là điều này có chính xác với lịch sử hay không, tuy nhiên hẳn không ai có thể phàn nàn gì khi mà có những gã lực lưỡng như sumo đeo trên mình chiếc mặt nạ quỷ nặng vài tấn sẵn sàng bóp nát mọi thứ trong nắm tay đang bảo vệ mình cả.
RAIDER
Tương tự với Kensei, Raider là các viking thể hiện rõ nhất hình mẫu viking nguyên bản trong lịch sử. Nếu như bạn đã từng chơi qua The Elder Scrolls V: Skyrim thì hẳn bạn đã biết đến biệt hiệu của Lydia là “housecarl” (húskarlar) – tức là hộ vệ của nhà vua và những người mang tước hiệu thuộc dòng tộc cao quý. Raider là những housecarl thề một mực trung thành với người mà mình phục vụ, cực kỳ bản lĩnh trên chiến trường cùng với lòng dũng cảm vô biên và toàn vẹn không tì vết.
Bức họa dệt Bayeux mô tả các housecarl chiến đấu cho vua Harold năm 1066 rằng họ chiến đấu với một cây rìu dài bên mình – cũng là vũ khí chính của các Raider trong For Honor.
WARLORD
Goði trong ngôn ngữ Bắc Âu cổ tức là tộc trưởng hoặc mục sư, hẳn nhiên Warlord trong For Honor mang ý nghĩa đầu tiên nhiều hơn. Các Goði nắm lấy quyền dẫn dắt bang tộc bằng máu, vàng và thế lực của mình, họ không chỉ dùng bạo lực để giải quyết vấn đề của mình, mà còn tổ chức những buổi tiệc lớn và tặng quà cho những người phục vụ và tận tâm để thể hiện lòng bác ái của mình.
Tương tự với Goði, Warlord dẫn dắt những linh hồn trung thành với mình chiến đấu bằng nghĩa khí. Có một điều khá lạ lùng là vũ khí chính của Warlord lại là Gladius – cây kiếm ngắn của lính bộ binh La Mã. Có lẽ đây chỉ là một phần trong thiết kế cân bằng giữa tấn công và phòng thủ của Warlord chứ không thực sự lấy cảm hứng từ lịch sử.
VALKYRIE
Valkyrie là một cái tên được Ubisoft sử dụng vì nó phổ biến và nghe “thuận tai” bởi thực chất trong thần thoại Bắc Âu, Valkyrie không hề trực tiếp ra trận, họ là những nữ chủ chọn ra những chiến binh xứng đáng được tới Đại Sảnh Tử Nhân – Valhalla. Những chiến binh này trở thành các einherjar, và họ được Valkyrie tiếp đãi rượu thịt trong lúc chờ đợi Ragnarok xảy đến.
Các nữ chiến binh Bắc Âu cổ được biết đến với các tên “shieldmaiden” (skjaldmær) vẫn là chủ đề cho các cuộc tranh luận về lịch sử Bắc Âu và có không ít người hoài nghi về sự tồn tại của họ. Một trong những dấu ấn về shieldmaiden rõ rệt nhất là sử thi Vǫlsunga, đặt trọng tâm xoay quanh shieldmaiden và valkyrie mang tên Brynhildr. Ít ra thì Valkyrie trong For Honor vẫn sở hữu một đặc điểm đúng với nguyên tác thần thoại – vũ khí của họ là những ngọn giáo.
BERSERKER
Berserker là nguồn gốc của cụm từ “berserk”, tức là “cuồng bạo”, “độc tàn”. Berserker là những nhà vô địch chiến đấu mà không cần đến một mảnh giáp sắt nào trên người mình, họ ra trận với những mảnh áo làm bằng da thú và không cần đến bất kỳ thứ gì che chở cho mình, bởi bản chất của Berserker là chiến đấu như dã thú – thậm chí, một số ghi chép còn cho biết đôi lúc họ còn không thể phân biệt được bạn hay thù trên chiến trường.
Berserker được cho biết là tôn thờ gấu và sở hữu quyền năng của loài dã thú này – lý do là vì gấu là một trong những loài tổ vật của Odin. Khi Berserker trở nên điên cuồng, họ gào rú như thú dữ, bọt chảy từ miệng, gặm vành sắt của chiếc khiên mà họ giữ trên tay và trở nên miễn nhiễm với lửa và sắt. Biểu tượng của những chiến binh gấu được thể hiện bằng chiếc mũ lông gấu cao của lính hoàng gia Đan Mạch và vương quốc Anh ngày nay.
WARDEN
Đóng vai trò thể hiện hình mẫu căn bản của các hiệp sỹ trung cổ, Warden được xem là chiến binh mẫu mực và mạnh mẽ, mang trong mình khí chất tự tôn, trung thành, cùng với tài ngoại giao kiệt xuất, hiện thân của chính tước hiệu được ban cho mình.
Các tác phẩm của Le Morte d’Arthur, đặc biệt là King Arthur, Hiệp Sỹ Bàn Tròn và Lancelot đã chỉ ra rằng: hiệp sỹ luôn phải dũng cảm, trung thực, hào kiệt, “tôn trọng kẻ yếu và che chở cho họ”. Thế nên không phải ngẫu nhiên khi mà vẻ ngoài của Warden toát lên khí chất mạnh mẽ, lớn lao như một ngọn núi. Cây đại kiếm (longsword) là vũ khí cực kỳ phổ biến của hiệp sỹ thế kỷ 16, và việc sử dụng chuôi kiếm để tất sát kẻ thù hoàn toàn là kỹ năng có thật được hiệp sỹ vận dụng khi đánh tay đôi trong lịch sử.
CONQUEROR
Thiết kế của Conqueror trong For Honor mang nhiều nét tương đồng với hiệp sỹ dòng đền tham gia vào cuộc Thập Tự Chinh vào thế kỷ 11-13. Cuộc Thập Tự Chinh không đạt được thắng lợi, song Đức Giáo Hoàng tuyên bố rằng mọi trọng tội đều sẽ được tha thứ nếu như những người tử tù tham gia vào các cuộc chiến tiếp theo. Điều này hoàn toàn khớp với lý lịch “cựu tù khổ sai” của Conqueror.
Mặc dù For Honor không hề nhắc đến việc Conqueror tham gia vào các cuộc chiến tôn giáo, vũ khí của họ – cây chùy gai, có thể là dấu hiệu ám chỉ nguồn gốc của họ.
PEACEKEEPER
Những người “gìn giữ hòa bình” của For Honor nguyên bản là các sát thủ Ba Tư – fida’yin, được huấn luyện vào khoảng thế kỷ 12 với mục đích chính là thực hiện các công việc ám sát và thủ tiêu trong im lặng. Cũng tương tự như Peacekeeper, fida’yin mang theo mình con dao găm tẩm độc và được mô tả rằng có thể “thắng trận trước khi kẻ thù kịp nhận ra sự xuất hiện của mình”.
Liên hệ giữa Peacekeeper và lịch sử tới đây là hết. Có một điểm đáng lưu tâm là nếu như bạn để ý kỹ thì Peacekeeper phản đòn bằng con dao găm rồi mới ra đòn kế tiếp bằng thanh kiếm của mình, đây là một đòn thế có thật và được sử dụng phổ biến rộng rãi trong võ thuật châu Âu.
LAWBRINGER
Đúng với cái tên của mình, Lawbringer là những người thực thi pháp luật, thanh trừng và xóa sổ tội ác. Thế nên chẳng phải ngạc nhiên khi mà vẻ ngoài của họ trông giống như những gã đao phủ thời Trung cổ. Dĩ nhiên, cảnh sát không hề tồn tại mãi cho đến thế kỷ 19, trong thời kỳ những năm 1200 của thế kỷ 13 khi mà các dòng tộc Anh Quốc cao quý còn đang sống trong lâu đài, thì các chấp hành viên tự trị đã bắt đầu rảo bước tại các ngôi làng để đảm bảo sự an nguy của người dân.
Vào thời kỳ Saxon, các chấp hành viên chủ yếu thực thi yêu cầu của tòa án. Mãi đến tận sau này thì các chấp hành viên mới được đặc tả bằng vẻ ngoài thị oai, và hẳn nhiên, Lawbringer với một bộ giáp sắt vững chãi và chiếc rìu chiến không thể nào phù hợp hơn được nữa với hình ảnh của một người thực thi công lý thời trung cổ.[su_divider][su_heading style=”flat-blue” size=”35″]LỜI KẾT[/su_heading]Mặc dù tất cả những vị anh hùng trong For Honor không thực sự chính xác với nguyên tác lịch sử hay thần thoại cho lắm (nhưng có ai yêu cầu độ chính xác cao đâu nhỉ?), không thể phủ nhận rằng Ubisoft đã hoàn toàn thành công trong việc tạo cho họ những danh tính riêng đủ để người chơi tách bạch rõ điểm đặc sắc của họ. Ngoài ra, chắc gì đây là 12 nhân vật duy nhất của trò chơi? Ubisoft hoàn toàn có thể giới thiệu những chiến binh Sparta, La Mã hay Hung Nô trong thời gian sắp tới lắm chứ, và đến lúc đó chúng ta lại một lần nữa được “bóc mẽ” những cái tên mới và luôn tiện học “lịch sử” thêm một lần nữa.
Vietgame.asia đã sẵn sàng chinh chiến vì danh dự vào ngày Valentine sắp tới. Còn bạn thì sao?[su_divider]