Bravely Default 2 – Từ trước đến nay, khi nhắc đến thể loại game nhập vai Nhật Bản (J-RPG) thì khó có cái tên hãng nào qua mặt được Square Enix – dù xét về số lượng, chất lượng hay thâm niên.
Là một hãng game lâu đời “chuyên trị” J-RPG, không có gì lạ khi Square Enix sở hữu cho mình rất nhiều thương hiệu game J-RPG “siêu to khổng lồ” như Final Fantasy, Dragon Quest…
Tuy thời gian gần đây, Square Enix có dấu hiệu “tụt dốc không phanh” với “bom xịt” Final Fantasy XV, cũng như gánh điều tiếng là “không làm nổi game mới ra hồn mà chỉ biết remake game cũ đi vắt sữa”, nhưng không thể phủ nhận rằng “lạc đà chết vẫn to hơn ngựa”, nói gì thì Square Enix vẫn sở hữu dàn nhân viên tài năng, cùng với kho “gia tài tri thức” kếch sù tích lũy qua hàng chục năm trời.
Những năm gần đây, Square Enix có vẻ như đang tìm lại chính mình, khi liên tiếp đầu tư vào các mảng game J-RPG có tính chất “hoài cổ”, xây dựng từ những giá trị gốc rễ.
Và công thức này có vẻ khá thành công khi với các tựa game “nhỏ mà có võ” như Octopath Traveler hay Bravely Default, Square Enix lại nhanh chóng chứng tỏ rằng khó có ai qua mặt nổi họ về khoản làm game J-RPG được.
Nhắc đến Bravely Default, thì từ sau hai phiên bản trên hệ máy cổ lổ sĩ Nintendo 3DS, người hâm mộ dòng game đặc biệt này vẫn khắc khoải mong chờ một phiên bản hay hơn, đẹp hơn, phát hành trên một hệ máy đỡ “sida” hơn – và một lần nữa, bộ “song ca vàng” Nintendo và Square Enix đã đáp lại sự mong mỏi này với Bravely Default 2 – ra mắt trên hệ máy Nintendo Switch vào ngày 26.02.2021 vừa qua.
Vốn thu được khá nhiều ý kiến trái chiều từ khi ra mắt bản chơi thử (demo) từ cuối 2020, và bộ sậu của Square Enix lại rất cầu thị khi đã nhanh tay sửa chữa, bổ cứu rất nhiều đóng góp quý giá từ người hâm mộ, Bravely Default 2 chính thức rõ ràng đã chinh phục được nhiều thiện cảm hơn từ giới mộ đạo nói riêng và cộng đồng game thủ khó tính nói chung.
Vậy, Bravely Default 2 có thể viết tiếp pho sử thi hoành tráng cho Square Enix hay không?
Mời bạn đọc Vietgame.asia cùng tìm hiểu qua bài đánh giá sau.
BẠN SẼ THÍCH
Những giá trị truyền thống được cách tân
Về cơ bản thì Bravely Default 2 cũng không khác nhiều với hai phiên bản “tiền nhiệm”, khi sở hữu một cốt truyện đơn giản đến mức tưởng như người chơi đang lạc vào một tựa game thời “một ngàn chín trăm hồi đó”: 4 nhân vật chính đồng hành truy tìm 4 viên thuỷ tinh nguyên tố để cứu thế giới khỏi bị diệt vong.
Nghe quen không?
Nhưng mà chính vì nó đơn giản đến mức ngô nghê như vậy, mà lại khiến cho người chơi có thời gian tập trung chú tâm vào hệ thống chiến đấu, cũng như những chi tiết lặt vặt khác, vốn được “cài cắm” rất khéo léo trong game.
Tổ đội trong Bravely Default 2 bao gồm 4 nhân vật là “anh xuyên không tên-gì-cũng-được”, cựu công chúa vong quốc Gloria, “chúa hề” quý tộc Elvis và cô nàng đánh thuê vui tính Adelle.
Trừ nhân vật chính có tính cách khuôn mẫu đến mức hơi mờ nhạt, dàn 3 nhân vật còn lại cùng các NPC trong tuyến truyện đều được thể hiện khá tốt, thông qua những đoạn hội thoại nhóm và cốt truyện chính.
Về lối chơi, Bravely Default 2 mang lại những giá trị truyền thống của một tựa J-RPG cổ điển khi người chơi sẽ phải chạy qua chạy lại rất nhiều lần trong các thành phố và hầm mộ – vừa để làm nhiệm vụ chính/ phụ, vừa để tìm tòi các rương báu bí mật, và dĩ nhiên là cũng để “cày cấp”.
Các thành phố và hầm ngục trong Bravely Default 2 được thiết kế khá thú vị với nhiều lớp đan xen chồng chéo lên nhau một cách vừa vặn, khiến người chơi phải chạy tới chạy lui nhiều lần nhưng lại không quá “phát ngấy”.
game tối giản/chỉnh sửa những bất cập cố hữu của dòng game J-RPG.
Những thùng đồ nằm trong góc khuất, những cửa bí mật sau tường, hay những sự kiện kích hoạt theo mốc thời gian ngày đêm… thảy đều gợi nên nhiều hoài niệm tươi đẹp của thời hoàng kim J-RPG trên hệ PlayStation X, với những cái tên quen thuộc như Final Fantasy VIII hoặc The Legend of Dragoon.
Tương tự như các bản Bravely Default trước đó, Bravely Default 2 còn đặc biệt ở cái cách mà game tối giản/chỉnh sửa những bất cập cố hữu của dòng game J-RPG.
Chẳng hạn, Bravely Default 2 loại bỏ hoàn toàn cơ chế “chạm trán ngẫu nhiên”, mà cho kẻ địch xuất hiện trên bản đồ – việc đánh hoặc không, chủ động gây chiến hoặc đánh lén sau lưng mang lại các ưu thế khác nhau, thậm chí kẻ địch quá yếu sẽ tự động “vắt giò lên cổ” để tránh né người chơi… đều là những cải tiến hết sức quý giá!
Hệ thống chiến đấu độc đáo!
Nói đến J-RPG là nói đến những trận đánh theo lượt nhàm chán, mà người chơi chỉ có nhấn nhấn nút, ngồi xem diễn hoạt, và lặp lại vài triệu lần.
Tuy không hẳn tất cả J-RPG đều như vậy, nhưng không thể phủ nhận đặc tính “nặng cày cuốc” và “kém năng động” đã khiến J-RPG trở nên hơi khó tiếp thu với lớp game thủ cận đại ngày nay.
Bravely Default 2 không cố làm khác đi cái lối chơi truyền thống này (điều mà kha khá tựa game khác cố làm mà thất bại), thay vào đó, tựa game này chọn cách khiến trải nghiệm chơi “đỡ nhàm chán” hơn bằng cách đưa vào nhiều việc khiến người chơi phải thao tác và suy nghĩ hơn.
Chẳng hạn, cơ chế Default (vào thế thủ giảm sát thương, thúc lượt kế nhanh đến hơn, và tích trữ 1 điểm Brave) và Brave (dùng điểm Brave để nhanh chóng có thêm tối đa đến 3 lượt hành động liên tiếp) khiến cho quy trình cày cấp và đánh trùm trở nên khác biệt hoàn toàn, tùy theo cách người chơi sử dụng.
Bởi vì dù không Default thì người chơi vẫn hoàn toàn có thể sử dụng Brave 4 lần, với cái giá là mất đi 3 lượt kế tiếp.
Vì vậy, người chơi Bravely Default 2 phải suy nghĩ rất nhiều về việc khi nào dùng Brave, khi nào không.
Điều này bao gồm việc thấu hiểu rõ thứ tự hành động của phe ta và phe địch, cách hành xử của bọn trùm (chúng cũng có thể Brave nhé), diễn tiến của trận đấu mà đưa ra những quyết định hợp lý.
Tương tự như rất nhiều game khác của Square Enix, trong Bravely Default 2 người chơi có kha khá lựa chọn chức nghiệp cho các nhân vật của mình.
Cụ thể, mỗi khi diệt được một trùm trong cốt truyện, người chơi sẽ thu được viên đá Asterisk của chúng – đồng nghĩa với việc “mở khóa” được thêm một chức nghiệp mới mà vừa được “demo” bởi chính con trùm đó.
Bravely Default 2 cho người chơi mang theo bộ kỹ năng của hai chức nghiệp cùng lúc – nghề chính thì sẽ thăng cấp theo lượng JP “cày được”, nghề phụ thì không thăng cấp nhưng vẫn sử dụng các kỹ năng trong đó bình thường.
tựa game này chọn cách khiến trải nghiệm chơi “đỡ nhàm chán” hơn bằng cách đưa vào nhiều việc khiến người chơi phải thao tác và suy nghĩ hơn
Đi kèm với các nội tại đặc thù của nghề, cũng như các trang bị đi theo chức nghiệp, người chơi Bravely Default 2 có vô số cách xây dựng tổ đội tùy theo sở thích và mức độ cần thiết trong các giai đoạn khác nhau của game.
Những trận đánh trùm trong game luôn sở hữu một sức hút kỳ lạ, khi mà độ khó của chúng không phải đến từ chỉ số cực cao đến mức vô lý, mà là từ “kho” hành vi đồ sộ, mỗi con mỗi khác.
Bọn trùm trong Bravely Default 2 tượng trưng cho một nhân vật đã luyện “max” một chức nghiệp mới – thứ mà người chơi hoàn toàn không có thông tin về thứ nó có thể làm, đi kèm với chỉ số cao và các phụ trợ như phản đòn, Brave liên tục, đề kháng hiệu ứng…
Việc này buộc người chơi phải có sự thích ứng rất nhanh với trận đấu để đưa ra các giải pháp thích đáng, nếu không muốn thấy màn hình đen đen với dòng chữ GAME OVER hiện ra thường xuyên.
Hình đẹp – Âm khá
Không biết từ bao giờ, nhưng cái định kiến “game của Square Enix là phải đẹp” đã tồn tại trong đầu tất cả game thủ trên đời như một điều mặc định.
Thật vậy, người ta có thể chê về thiết kế nhân vật “sến súa kiểu HKT” hoặc hiệu ứng màu mè cải lương hơi lố, chứ chưa có ai chê là game Square Enix vẽ không đẹp cả.
Do vậy, chuyện đồ họa của Bravely Default 2 nằm ở mức “đẹp” nó cũng khá là bình thường.
Thoát khỏi cái khung thiết kế nhân vật chibi “cụt chân” ở các phiên bản trước, tỉ lệ nhân vật mới trong Bravely Default 2 có vẻ “ổn áp” hơn hẳn khi chúng tuy vẫn “cu-te phô mai que”, nhưng diện tích đầu-thân-tay-chân đã đủ để diễn tả được tính cách và thần thái của các nhân vật trong các tình huống khác nhau.
Với đặc thù mỗi nhân vật sẽ có một bộ “đồ vía” tuỳ theo nghề chính của mình, việc “chế cháo” sao cho 4 người làm cùng nghề mà vẫn có nét vừa “đồng phục” vừa có nét riêng, cũng là một nỗ lực phi thường rất đáng khen!
Và lần này thì trừ bộ “áo lụa Hà Đông” của nghề Monk hơi “cải lương” ra, thì nhìn chung các phục trang chức nghiệp đều được thiết kế rất ngầu, rất đẹp.
Bravely Default 2 không có quá nhiều thành phố, nhưng mỗi nơi đều được xây dựng rất tinh tế, tỉ mỉ với đường ngang ngõ tắt, hệt như nhìn vào một sa bàn 3D thu nhỏ vậy.
Thành phố sa mạc Savalon bị ngập lụt hoặc kinh đô ma thuật Wiswald, tất thảy đều tạo nên những ấn tượng rất mạnh khi thời gian người chơi gắn bó với mỗi nơi là khá lâu.
Về khâu tạo hình, thiết kế quái vật, thì với Bravely Default 2, Square Enix đã đẩy mọi thứ lên một tầm cao mới.
Không còn bọn vũng nhầy Slime hoặc đám áo giáp ma thuật “đi đâu cũng thấy”, “nhìn mãi phát ngán”, dàn quái vật trong Bravely Default 2 có hình thù vô cùng đẹp mắt, mới lạ và đa dạng.
Từ những ma pháp sư bay lơ lửng trong bộ áo choàng rách cho đến những cục thịt nhầy nhụa được quấn chằng vào nhau, gợi nên những liên tưởng rất mạnh đến thế giới huyền ảo mà kinh tởm của H.P Lovecraft.
dàn quái vật trong Bravely Default 2 có hình thù vô cùng đẹp mắt, mới lạ và đa dạng
Phần âm nhạc trong Bravely Default 2 không quá tệ, nhưng cũng không thật sự xuất sắc để có thể bình luận những câu đại loại như “đi vào lòng người” hay “tuyệt phẩm để đời” được.
Chúng có mặt ở đó, rất phù hợp với bối cảnh, và nghe không đến nỗi chán – Hết!
Tuy vậy, khâu lồng tiếng cả tiếng Anh hay Nhật lại cũng đều rất xuất sắc và truyền cảm, nêu bật lên được cá tính của từng nhân vật, từ chính cho đến NPC lề đường.
BẠN SẼ GHÉT
Vài bất cập nho nhỏ
Nhìn chung thì về mặt tổng thể, Bravely Default 2 tựa như một bức tranh khá hoàn mỹ, chỉ có những khuyết điểm lặt vặt mà phải “dí” mắt vào soi thật kỹ mới nhận ra.
Và dĩ nhiên để cho bài đánh giá có tính khách quan hơn, người viết mạn phép gom chúng lại một chỗ để dễ bề “phàn nàn” hơn.
Trước tiên phải nói đến là chất lượng đồ hoạ không đồng đều.
Tuy vậy, đây là vấn đề chung của hệ máy Nintendo Switch chứ không phải lỗi của Bravely Default 2.
Khi cắm vào đế sạc và chơi trên màn TV lớn, Bravely Default 2 có chất lượng đồ hoạ cực kỳ ổn áp với hình ảnh mượt mà, màu sắc tươi tắn.
Tuy vậy, ở chế độ cầm tay thì sự tương phản về chất lượng hình ảnh lại trở nên quá mạnh mẽ và rõ ràng, vì độ “răng cưa” ở hình mẫu nhân vật lúc này lại quá là hiển nhiên và không thể che giấu nổi.
Kế đến, không hiểu do là “lỗi” hay là “tính năng”, mà một số thao tác trong Bravely Default 2 diễn ra khá sượng và “trễ”, chẳng hạn mỗi khi bấm mở Party Chat, hoặc chuyển đổi từ game vào trình đơn chính/trình đơn lưu game.
Đây là một vấn đề rất nhức nhối và sơ đẳng, vì những chuyện “lông gà lông vịt” này lẽ ra không nên tồn tại ở một tựa game trị giá 59.99 Biden mới phải!
ở chế độ cầm tay thì sự tương phản về chất lượng hình ảnh lại trở nên quá mạnh mẽ và rõ ràng
Sau cùng, đó là một vấn đề hơi buồn cười – đó là trong các trận đấu, nhân vật trong Bravely Default 2 khi ra đòn lại chỉ đứng yên một chỗ mà ra đòn, chứ không lao vào kẻ địch để tay đấm chân đá “túi bụi”.
Đi kèm theo đó là vì game cho người chơi tùy chọn tăng tốc nhanh gấp 4 lần các diễn hoạt chiến đấu, dẫn đến việc nhiều khi xem nhân vật chiến đấu mà cứ như đang… xem tấu hài!
Dẫu biết việc tiết chế diễn hoạt là để khâu “cày cuốc” đỡ mất thời gian hơn, nhưng nó vẫn để lại trong lòng người viết một vệt “lợn cợn” khó bỏ qua được.
THÔNG TIN
- Sản xuất: Claytechworks
- Phát hành: Square Enix
- Thể loại: Nhập vai
- Ngày ra mắt: 26/02/2021
- Hệ máy: Nintendo Switch
CẤU HÌNH TỐI THIỂU
- OS: N/A
- CPU: N/A
- RAM: N/A
- VGA: N/A
- HDD: N/A
CẤU HÌNH THỬ NGHIỆM
- OS: N/A
- CPU: N/A
- RAM: N/A
- VGA: N/A
- HDD: N/A
GAME ĐƯỢC HỖ TRỢ BỞI SQUARE ENIX – CHƠI TRÊN HỆ SWITCH