Bulletstorm: Full Clip Edition – Bạn có biết FPS là một trong những thể loại game “trẻ mãi không già” chứ? Không, người viết không nói đến tuổi đời của thể loại này đâu, mà là những trò chơi FPS được coi là “cổ điển” hoàn toàn có đủ vị thế để đứng ngang hàng (đôi khi đánh bại) các sản phẩm hiện đại khi chỉ nói về mặt thiết kế lối chơi.
Đây là năm 2018 nhưng cộng đồng modding của phiên bản Doom đầu tiên vẫn đang lớn mạnh cơ mà!
Painkiller, một trong những sản phẩm FPS cổ điển, và thỉnh thoảng được gọi bằng cụm từ “một phiên bản Serious Sam thiếu màu sắc đến từ Ba Lan”, đã đưa hãng phát triển People Can Fly vào tầm ngắm của Epic Games.
Cuộc đời sau đó của “những người Warsaw biết bay” gắn liền với Gears of War, khăng khít đến nỗi sản phẩm độc lập tiếp theo của họ là một trò chơi được tạo ra cũng chỉ để… quảng bá cho Gears of War 3 – đó là Bulletstorm, một trong những tựa game FPS “chìm” nhất trong thế hệ console 7, nhưng sở hữu cho mình một cộng đồng người hâm mộ đấy nhiệt huyết.
7 năm sau, mối lương duyên giữa People Can Fly và Epic Games bị tháo gỡ.
Gearbox Software mở màn bộ phận phát hành game của mình bằng cách mang Bulletstorm đến công chúng hiện đại bằng một phiên bản… remaster, với tên gọi dường như muốn châm chọc những ai rành rọt súng ống – Bulletstorm: Full Clip Edition.
Thế nhưng, khác với những tựa game FPS kinh điển, có lẽ thời gian đã khiến cho Bulletstorm trở nên nhạt nhòa đi ít nhiều.
BẠN SẼ GHÉT
CŨ KỸ VÀ GƯỢNG GẠO!
Khi phiên bản Bulletstorm nguyên gốc ra mắt vào năm 2011, thực sự người viết cực kỳ trông chờ nó bởi nhiều lý do khác nhau – vì nó đến từ nhà phát triển của Painkiller, vì nó trông “ngầu lòi”, và vì nó tự xưng là một tựa game bắn súng nhịp độ cao, đối lập với trào lưu game bắn súng quân sự nhảm nhí đang thịnh hành vào thời điểm này do sự bùng nổ của Call of Duty.
Chúng ta đang nói về mốc thời gian mà DICE cũng cố nhét vào Battlefield 3 một phần chơi đơn tệ hại đến nỗi bãi phế liệu lớn nhất trên Trái đất cũng không muốn chứa chấp, thế nên sự mới mẻ mà Bulletstorm mang lại là không thể bàn cãi – đặc biệt khi Epic Games và People Can Fly tự tin đến mức cho ra mắt một “trò chơi” nhỏ nhại lại trào lưu này mang tên Duty Calls.
Nhưng đó là chuyện của năm 2011.
Kể từ đó cho đến nay, không ít các sản phẩm FPS mang trên mình phong thái cổ điển bắt đầu “trồi” lên mặt đất, nhưng cũng không quên hiện đại hóa cho hợp thời (trong đó có một phiên bản làm lại của Painkiller mang tên Hell & Damnation), và điều quan trọng nhất: chúng “ăn tiền” ở rất nhiều yếu tố bên cạnh khoản “đì đoàng” chính.
Đây là điểm trượt chân của Bulletstorm: Full Clip Edition, đặc biệt ở cái sự “đạo đức giả” của People Can Fly khi chọc cười các đặc điểm khuôn mẫu của thể loại bắn súng quân sự, nhưng bản thân họ lại vận dụng chúng vào trong Bulletstorm.
nhưng đó là chuyện của năm 2011. Kể từ đó cho đến nay, không ít các sản phẩm FPS mang trên mình phong thái cổ điển bắt đầu “trồi” lên mặt đất, nhưng cũng không quên hiện đại hóa cho hợp thời
Bulletstorm: Full Clip Edition là một tựa game FPS cực kỳ tuyến tính với độ dài 7 giờ đồng hồ, song nhịp độ được cân bằng quá kém cỏi khiến cho 2 giờ đồng hồ ở gần cuối game có thể được lượt bỏ và chẳng ảnh hưởng gì đến cốt truyện.
Ấy khoan, cốt truyện?
Đúng, nếu như bạn coi mô-típ những nhân vật sáo rỗng trả thù và chơi khăm lẫn nhau, hội thoại tệ hại chỉ với một vài điểm nhấn nằm ở cái cách sử dụng từ ngữ thô tục khéo léo, dẫn chuyện nhảm toẹt chẳng có gì đọng lại, và phong cách hài hước phù hợp cho trẻ em dưới 12 tuổi đủ điều kiện để được gọi là “cốt truyện”, thì có lẽ Bulletstorm: Full Clip Edition có thể thỏa mãn bạn!
Bạn muốn tìm kiếm sự hài hước có chừng mực trong một tựa game FPS?
Hãy thưởng thức hai phiên bản Shadow Warrior của Flying Wild Hog, một mình Lo Wang cũng đủ đánh tan nát các bìa các tông dán nhãn “nhân vật” trong Bulletstorm: Full Clip Edition.
[su_quote][/su_quote]
Có rất nhiều nhân tố trong lối chơi của Bulletstorm: Full Clip Edition mà kể cả cho bạn có chơi vào năm 2011 hay 2018 đi chăng nữa, chúng cũng không giấu nổi bản chất cũ kỹ và thiết kế kém cỏi của mình.
Toàn bộ trò chơi là tập hợp rất nhiều khu vực tuyến tính cùng cực nối đuôi nhau, với cách thức sắp đặt quãng nghỉ kỳ quặc, đôi khi buộc bạn phải mò vào các đường đi nhỏ hẹp giữa các khu vực bắn nhau rộng thênh thang.
Bạn không có khả năng nhảy (chỉ có thể giữ nút Space để trèo qua chướng ngại vật) nhưng lại có nút hạ người (Crouch) mặc dù nó chẳng phục vụ gì cho lối chơi, số lượng “tường vô hình” đầy rẫy khắp các màn chơi là không thể đếm xuể, trò chơi lạm dụng QTE nhiều ngang ngửa bất kỳ tựa game bắn súng quân sự nào…
Và cá biệt điểm khiến người viết bực mình nhất: các diễn hoạt được thực hiện tự động “đông như quân Nguyên” – bạn muốn nhảy xuống đất từ một khu vực trên cao?
Nhấn nút R!
Bạn muốn leo cầu thang? Nhấn R và xem phim cắt cảnh ngắn.
Bạn muốn leo chênh đênh trên một thanh chắn dọc để bước vào khu vực trước mặt mình?
Nhấn R và click hai nút chuột trái/phải theo chỉ dẫn của màn hình, thay vì nhảy lên và giữ nút W như các tựa game thông thường.
Có một điều gì đó rất ngang trái của châm ngôn “tốc độ là trên hết” trong lối chơi của Bulletstorm: Full Clip Edition, nhưng nó lại bị xáo trộn bằng các diễn hoạt tuyến tính tới mức “ngu xuẩn”, chỉ có thể tồn tại trong những tựa game FPS ra mắt vào khoảng thời điểm năm 2011.
Kho vũ khí của người chơi trong Bulletstorm: Full Clip Edition thực sự chỉ ở mức tạm được.
Khẩu súng trường tự động Peacemaker Carbine cũng là vũ khí cơ bản thực sự quá tầm thường và không đáng để chiếm lấy vị trí của khẩu súng chính (bạn không thể đổi nó với vũ khí khác) – chỉ thực sự khá khẩm nếu bạn sử dụng chế độ bắn “gồng”; khẩu súng tỉa Head Hunter chỉ nổi bật ở khoản cho phép người chơi điều chỉnh 1/3 đường bay của viên đạn, bạn không thể làm quá nhiều thứ sáng tạo đối với nó, và cách thức hoạt động của nó mang lại cảm giác đối lập với nhịp độ của trò chơi; Chaingun là khẩu súng 6 nòng căn bản nhất mà bạn sẽ được gặp, không có gì đáng để bàn đến; cách thức sử dụng súng bắn mìn cỡ đại Bouncer rối rắm không cần thiết.
May mắn thay, khẩu “đại bác cầm tay” Screamer, shotgun 4 nòng Boneduster và súng bắn mũi khoan Penetrator đủ “sướng tay” và uy lực để bù trừ cho những khẩu súng mờ nhạt kể trên.
Đi đôi với kho vũ khí là một hệ thống nâng cấp súng ống khá “kỳ quặc” trong Bulletstorm: Full Clip Edition, tạo nên một vòng lặp kém hút và không đủ để hấp dẫn người chơi tận dụng toàn bộ hệ thống Skillshot của trò chơi. Nếu như bạn chưa từng chơi qua phiên bản gốc thì Skillshot là một trong những tính năng sáng giá của Bulletstorm, bao gồm hơn 150 các pha “hành hạ” đối phương đầy sáng tạo mà trò chơi yêu cầu, tạo nên động lực để người chơi thử nghiệm và tìm tòi những phương thức mới mẻ để triệt hạ các loạt địch thủ.
Thực hiện Skillshot sẽ mang lại cho bạn điểm SP, và bạn có thể sử dụng SP để… mua thêm đạn?
Và đây là đặc điểm mâu thuẫn nhất trong lối thiết kế chính của Bulletstorm: Full Clip Edition. Game cung cấp cho người chơi 6 khẩu súng (7 nếu tính cả chiếc roi), và mỗi khẩu súng sở hữu một chế độ bắn “gồng” sử dụng số lượng đạn riêng biệt. Vấn đề ở chỗ là sau khi mở khóa chế độ bắn gồng thì người chơi không còn món “đồ chơi” thú vị nào để mở khóa nữa, khiến cho 1/3 cuối của Bulletstorm: Full Clip Edition trở nên lặp lại một cách vô vị và nhàm chán.
Sau khi mở khóa khẩu Penetrator cũng là vũ khí cuối cùng, toàn bộ điểm SP mà bạn giành được dường như chỉ để làm một công việc duy nhất: cung cấp đạn.
Điều này khiến cho lối chơi của Bulletstorm: Full Clip Edition vướng vào vòng lặp luẩn quẩn đáng chán: bạn thực hiện Skillshot đầy đẹp mắt để lấy SP, dùng SP để mua đạn, dùng súng đạn để tiếp tục thực hiện nhiều Skillshot hơn, rồi lại dùng SP đó để mua thêm đạn, cứ thế lặp lại cho tới cái kết của game. Đây thực sự là một thiếu sót quá lớn trong một trò chơi ủng hộ các pha hành động mãn nhãn, bởi những viên đạn thực sự là phần thưởng tệ hại nhất mà bất kỳ ai có thể đánh đổi những trường đoạn bắn nhau “ngầu lòi” để lấy được.
Nếu như People Can Fly không thể tìm ra phương thức nào để tưởng thưởng xứng đáng người chơi cất công tạo nên các chuỗi Skillshot liên hoàn, thì chi bằng tháo gỡ hệ thống nâng cấp và để người chơi tự khám phá Skillshot thì hơn.
Cuối cùng, kể cả khi bạn là một người hâm mộ “cứng” của trò chơi này, thì cái giá 40 USD của nó là thực sự… không thể chấp nhận nổi.
Ngoại trừ sự xuất hiện của thanh chỉnh FOV và không còn “tính năng” Mouse Smoothing, thì sự khác biệt giữa Bulletstorm: Full Clip Edition và bản gốc có lẽ nhỏ bằng một hạt gạo.
Đồ họa của game vẫn cực kỳ đẹp mắt nhưng phiên bản remaster chẳng mang lại nâng cấp nào đáng kể (đến cả một chế độ khử răng cưa “ra hồn” cũng chẳng có), chất lượng trộn âm kém khiến giọng nhân vật trong nhiều đoạn phim cắt cảnh bị “dội”.
Có thể nói đây là phiên bản remaster tạm bợ nhất mà người chơi có cơ hội thưởng thức kể từ khi thế hệ console thứ 8 ra mắt cho tới nay.
Nếu như phải tìm một điểm để khen, thì đó là nó không dính phải đầy lỗi game mà thôi.
BẠN SẼ THÍCH
GÌN GIỮ TINH THẦN “MƯA ĐẠN”
Nói qua thì cũng phải nói lại, dẫu cho rất nhiều mặt trong Bulletstorm: Full Clip Edition trở nên lỗi thời vào năm 2018, nhưng cốt lõi lối chơi của game vẫn không đổi.
Cơ chế bắn súng vẫn rất đầm tay và tạo cảm giác sảng khoái như ngày nào, đặc biệt bởi không phải lúc nào mà chúng ta cũng có cơ hội được chạm tay vào một khẩu súng “bá cháy” như Screamer.
Hệ thống Skillshot có thể chưa được thiết kế ổn thỏa (như đã nói ở trên), nhưng sẽ là một lời nói dối nặng nề nếu như cho rằng “nghịch ngợm” với các thử thách mà Skillshot đề ra là không thú vị (đôi khi cũng khá hài hước nữa).
Và hẳn nhiên, đến hiện tại thì Bulletstorm: Full Clip Edition vẫn giữ ngôi vị của trò chơi với chức năng… tung cước sáng tạo nhất trong thể loại game FPS, cho đến thời điểm hiện tại.
Đạp những tên lưu manh vào kẽm gai, xương rồng, dây điện hở, cây ăn thịt, hay đơn giản là bay xuống vực!
Đạp những chiếc mìn vào hàng tá kẻ thù, đạp bể đầu những tên trùm (hoặc đạp… mông chúng cũng được), đạp những chiếc kén ký sinh Nom để chúng đáp vào đầu địch thủ.
Kết hợp nó với chiếc roi điện dùng để kéo bất kỳ thứ gì có thể tương tác được lại gần, và chúng ta có một trò chơi “mô phỏng quyền cước” đầy thú vị, nực cười và chẳng giống ai.
Bulletstorm: Full Clip Edition vẫn giữ ngôi vị của trò chơi với chức năng… tung cước sáng tạo nhất trong thể loại game FPS
- Sản xuất: People Can Fly
- Phát hành: Gearbox Publishing
- Thể loại: Hành động
- Ngày ra mắt: 08/04/2017
- Hệ máy: PC | Xbox One | PS4
- OS: Windows 7/8/8.1/10 x64
- CPU: AMD A8-3850
- RAM: 6GB
- VGA: Radeon HD 6850
- HDD: 15 GB
- CPU: Intel Core i3 4170 3.7Ghz
- RAM: 8 GB
- VGA: Sapphire AMD Radeon R7 260X 2GB OC Edition
- HDD: 1TB
GAME ĐƯỢC HỖ TRỢ BỞI GEARBOX PUBLISHING – CHƠI TRÊN HỆ PC