Cold War Beta – Call of Duty: Black Ops Cold War, phiên bản thứ… khoan, có bao nhiêu bản Call of Duty rồi nhỉ?
*lật lật Wikipedia* MƯỜI BẢY Á??? “Ê hèm”
Call of Duty: Black Ops Cold War là phiên bản thứ mười bảy của dòng game bắn súng trứ danh nhưng cũng đầy tranh cãi.
Theo lẽ thường thì đây là lúc mà người viết châm vài câu bông đùa về cách đặt tên thiếu sáng tạo của dòng game, những đút kết từ phiên bản năm ngoái rồi dẫn đến một danh sách bao gồm “game năm nay nên có/không nên có những gì” nhưng rồi lại thôi.
Bởi vì làm vậy cũng khiến cho những dòng chữ này lặp lại đến chán chường như bản thân cái dòng game này.
Chưa kể, thật điên rồ khi mà chúng ta lại phải dùng cụm từ “được cái này, mất cái kia” khi nói về những gì đáng mong đợi ở một dòng game chạm con số 17: chúng ta có một phần chơi Battle Royale quy mô lớn và hoàn toàn miễn phí, nhưng Spec Ops là món “đồ thừa” đúng nghĩa; chúng ta có crossplay, không có Season Pass, không cơ chế Pay-to-Win (cám ơn Black Ops 4 đã đưa 8 ký tự này vào mô tả của một trò chơi trên PC/console) nhưng chế độ Survival lại độc quyền PS4 trong một năm.
Và đó là hai mặt của Call of Duty, một dòng game đóng vai trò không chỉ là sản phẩm giải trí, mà còn là nền tảng thương mại để Activision giở những chiêu trò “tung hỏa mù” trước các con chiên ngoan đạo của mình.
Thế nên thay vì thở dài về Call of Duty và những mong muốn hão huyền về những tiềm năng đáng tiếc của nó, người viết khởi động Call of Duty: Black Ops Cold War Beta (sau đây tác giả sẽ viết vắn gọn là Cold War Beta) với ấn tượng về trải nghiệm rất tích cực về Modern Warfare, bởi cho dù Activision chơi trò gì đi chăng nữa thì chí ít, nếu không cải thiện lớn thì nó vẫn tái tạo được những đặc thù của Modern Warfare.
Đó là lúc mà chúng ta có thể phớt lờ cái mặt “tư bản” của Call of Duty để tập trung vào phần hồn của nó.
Và nó (Cold War Beta) đã thực hiện đúng như kỳ vọng.
ĐƠN GIẢN LÀ “PHONG CÁCH TREYARCH”!
Modern Warfare có thể nói là một cuộc lột xác ngoạn mục của Call of Duty, không phải là bởi nó cố nhại lại những mô-típ tân thời của ngành công nghiệp vào thời điểm ra mắt, mà là vì nó nâng cái cốt lõi của bản thân dòng game lên đến chuẩn mực mới.
Bạn có thể thích hoặc ghét Modern Warfare, nhưng sự thật rằng nó là trò chơi FPS đại chúng có cơ chế bắn súng xuất sắc nhất, có cảm giác và tác động mạnh mẽ, chỉn chu nhất ở thời điểm hiện tại, là điều khó có thể chối cãi!
Bạn có thể trông đợi những tính chất tương tự trong Cold War Beta, nhưng với ghi nhớ về những… đặc thù riêng của game từ Treyarch.
Các phiên bản Call of Duty của họ chưa bao giờ vượt trội về mặt kỹ thuật, thế nên những động tác di chuyển, bắn súng, nạp đạn, cho tới tiếng súng, hiệu ứng khói nòng đều trông giống như chúng đang “nhại” Modern Warfare trên một nền tảng engine mới.
Dẫu cho trò chơi không ồn ào đến mức “điên cuồng” như tựa game 2019, nó tận dụng những nâng cấp mới mẻ để thúc đẩy thế mạnh về chơi mạng (multiplayer) của Black Ops: tốc độ.
Người chơi không còn có cơ chế Tactical Sprint với hai tầng chạy nhanh (di chuyển của nhân vật bình thường là chạy bước ngắn, khi kèm SHIFT sẽ chạy tăng tốc), nhưng tốc độ trượt người… phi thực tế, perk Gung-Ho được “mở khóa” ngay từ cấp đầu tiên cùng TTK (thời gian hạ địch) cao hơn giúp cho người chơi luôn tự tin chạy và di chuyển trong Cold War Beta.
Về mặt lý thuyết, nó không nhanh hơn Modern Warfare nhiều, nhưng TTK thấp cộng với các bản đồ hơi… thừa mứa cửa sổ, khiến cho Modern Warfare không có cảm giác tự do về di chuyển như hiện tại.
THIẾT KẾ MÀN CHƠI: TỰ NHIÊN, MỚI MẺ!
6 bản đồ của Cold War Beta rất tuyệt vời… về mặt bố cục!
Treyarch cuối cùng cũng thoát khỏi mô-típ bản đồ ba làn cũ kỹ để tạo nên các sân chơi có dòng chảy chiến đấu tự nhiên trong Cold War Beta, cũng như mới mẻ về địa điểm.
“Satellite” là bản đồ ưa thích nhất của người viết với các đụn cát ở phần rìa “trông thì có vẻ an toàn nhưng thực ra không an toàn”, cùng các thay đổi độ cao hợp lý.
Màn chơi này gợi nhớ đến những pha giao chiến ở sa mạc nóng bỏng trong Battlefield 1 năm nào.
“Armada” bao gồm ba chiến hạm ngoài đại dương với những đường dây zipline, và khéo léo pha trộn bắn súng dưới nước từ hai phiên bản Black Ops gần đây nhất.
“Moscow” là một tràng hành lang CQC đội lốt quy mô trung bình dễ chơi và dễ kiểm soát nhất mà người viết từng gặp.
“Crossroads” là phiên bản thông minh hơn của Karst River Quarry.
Và “Miami” nhờ vào bố cục “vuông” chơi rất bén trong chế độ VIP Escort, và chắc chắn sẽ là bản đồ “số dzách” trong chế độ Search & Destroy.
CÁC CHẾ ĐỘ CHƠI: TRẬT TỰ, CUỐN HÚT!
Bên phía chế độ chơi cũng không kém cạnh.
Ngoài năm chế độ Core truyền thống (Domination, Team Deathmatch, Hardpoint, Kill Confirmed, riêng Control vừa được thêm vào ngày 17-10 vừa qua), Cold War Beta mang đến hai phần chơi mới có “nề nếp” hẳn hoi.
Combined Arms: phiên bản chiến tranh diện rộng với khí tài của tựa game này, nhưng khác với Ground War (của Modern Warfare), quy mô của nó chỉ dừng ở 12 chọi 12, và thay vì chiếm 5 điểm cùng lúc, hai đội sẽ giằng co một điểm duy nhất được “mở khóa” tuần tự sau khi được chiếm, đội nào chiếm được điểm cuối cùng sẽ thắng trận.
Nó không cầu kỳ, có trật tự và có quy mô ổn định cho một chế độ quy mô lớn (đối với Call of Duty), và người viết thực sự ưa thích nó hơn là cái sự “hỗn loạn không não” được thiết kế hời hợt trong Ground War của Modern Warfare.
Fireteam: Dirty Bomb: “Teaser nhá hàng” dành cho bản đồ Warzone của Cold War Beta.
Nó khá tương đồng với “Plunder” khi đưa tổ đội bốn người vào một bản đồ lớn, mỗi đội thu thập Uranium để kích hoạt bom phóng xạ rải rác trên bản đồ, bom nổ sẽ lấp khu vực tương ứng trong phóng xạ và lùa toàn bộ các đội về các khu vực nhỏ còn lại.
Nó pha trộn khéo léo Plunder và mô-típ Battle Royale truyền thống, thế nên cho dù người viết không thực sự thích việc bị bắn sau lưng khó kiểm soát (do ai cũng có thể hồi sinh bằng cách nhảy dù xuống), thực sự đây là một lựa chọn sáng giá nếu bạn ưa thích Plunder.
Người viết hoàn toàn tự tin khi nói rằng 6 bản đồ chính và hai bản đồ trong chế độ Fireteam: Dirty Bomb, mà sẽ-không-ai-nói-cho-bạn-biết-rằng-được-cắt-ra-từ-bản-đồ-Warzone-mới-đâu, chơi cuốn hút hơn cả thảy bất kỳ bản đồ nào trong Modern Warfare.
PHẦN NHÌN: CÒN RỐI, KHÓ QUAN SÁT
Nhưng, hiện tại trò chơi lại mắc vấn đề hiển thị “đau đầu” hơn cả tựa game năm ngoái.
“Cartel” về mặt lý thuyết là một màn rất thú vị, na ná “Jungle” với độ dàn trải độ cao tuyến tính hơn, với những bụi cây ở giữa bản đồ là một đặc điểm thú vị, nhưng độ tương phản màu sắc kỳ quặc, cùng nhân vật chìm vào môi trường khiến cho nó thật sự nặng nề đối với cặp mắt.
“Crossroads” đôi khi cũng mắc vấn đề tương tự khi giao chiến tầm xa, và “Miami”… người viết rất thích bắn súng vào buổi đêm, nhưng nó thật sự cần thêm vài ngọn đèn đường.
Có ba phương thức mà Cold War Beta cần và nên thực hiện để cải thiện độ hiển thị: “đính” những đốm đèn đỏ trên trang phục của nhân vật hệt như Black Ops 4, cân chỉnh ánh sáng trong một số bản đồ cụ thể, và phân tách các nhân vật theo phe – người viết thật sự bật cười khi gõ những từ này bởi không thể tin được rằng Treyarch không làm điều này ngay từ đầu.
Không giống như hai phe Coalition và Allegiance của Modern Warfare, nhân vật mà người chơi chọn sẽ luôn là “avatar” của người chơi, cho dù tham gia trận dưới danh nghĩa CIA hay Spetsnaz.
Kết quả là chúng ta có thể chứng kiến một Frank Woods lái xe buggy chạy long nhong giữa sa mạc với một Frank Woods khác ngồi gật gù ở ghế còn lại, hay trong phim cắt cảnh một Frank Woods lái trực thăng chở… bốn Frank Woods “mặt đơ như nhau” khác nhảy xuống Moscow, hay một lúc khác bạn sẽ bắt gặp gã Frank Woods bật dậy khỏi tấm ngụy trang tuyết và ngay lập tức… có ba Frank Woods khác theo ngay sau!
Thật khôi hài!
Woods là nhân vật ưa thích thứ ba của người viết trong cả dòng game, nhưng người viết khá chắc chắn rằng người Mỹ không thắng chiến tranh lạnh bằng một quân đoàn “bản sao” của anh ta.
Vấn đề này còn ảnh hưởng đến lối chơi của Cold War Beta, bởi bạn sẽ gặp không ít trường hợp dạng như một đồng đội dùng “skin” Russell Adler chạy vào một góc, bạn chờ vài giây, một Adler khác ra khỏi đúng góc vừa rồi và “tiễn bạn” về màn hình hồi sinh.
Người viết cũng gặp phải trường hợp nhìn thấy một cái xác và không có đồng đội nào ở gần trên bản đồ nhỏ (mini-map), nhưng không thể biết được xác đó có phải là đồng đội hay không để mà nên đẩy lên tiếp.
Tên của đồng đội lại nằm lệch sang một bên trên đỉnh đầu nhân vật thay vì căn giữa như trước, nên đừng ngạc nhiên nếu bạn hay xả đạn vào đồng đội.
Điều này không thể chấp nhận được, đặc biệt khi tất cả những khuyết điểm này sẽ phá hỏng hoàn toàn chế độ “Hardcore”.
Đó không phải là khuyết điểm duy nhất ảnh hưởng đến trải nghiệm thực chiến trong Cold War Beta.
THIẾU CHỈN CHU
Trò chơi ở tình trạng hiện tại khá… thiếu chỉn chu.
- Động tác bật ngắm bị khựng trong ít nhất một khung hình, không mượt mà như trong Modern Warfare.
- Động tác nạp đạn của một số khẩu súng trông khá ổn, một số khác thiếu chuyển động camera linh hoạt như trong Modern Warfare.
- Động tác trượt người ở góc nhìn thứ ba thiếu tự nhiên.
- Người chơi rất dễ nhảy nhầm lên vật thể kể cả khi quay mặt đi.
- Lựu đạn choáng trông có vẻ như nó “hô biến” từ trước camera tầm 1m rồi bay đi, chứ không phải xuất hiện trên tay nhân vật.
- Biểu thị lựu đạn ở gần rất không rõ ràng, rất khó để biết người chơi đang ở phạm vi nổ nhưng đủ sống hay không.
- Thời gian chỉnh sửa Loadout sau khi hồi sinh quá ngắn.
KHO VŨ KHÍ: THAY ĐỔI NHỎ, TẠM ỔN!
Cơ chế Gunsmith quay trở lại trong Call of Duty: Black Ops Cold War Beta với một số thay đổi nhỏ.
Đầu tiên, phải cám ơn Treyarch vì họ không gán khuyết điểm vô tội vạ vào các phụ kiện, trong đó đáng kể nhất là các ống ngắm không còn giảm tốc độ bật ngắm.
Gunsmith nay loại bỏ phần Weapon Perk, bởi Treyarch ưa thích Fast Mag hơn Sleigh of Hand.
Ống giảm thanh giấu người chơi khỏi bản đồ nhỏ (mini map) như truyền thống.
Một số phụ kiện mới giúp ích khá nhiều khi người chơi cần chọi phương tiện cơ giới (chưa rõ có ảnh hưởng Scorestreak không), và cá nhân người viết hoan nghênh sự trở lại của Dual Mags cho dù nó không hoạt động giống như trong Black Ops 1.
Phần còn lại của Loadout cũng có vài điểm khác biệt.
Field Upgrade giờ là một phần của từng Loadout và nó bao gồm Proximity Mine (cám ơn trời), mìn Gas (cám ơn trời x2) và đáng kể nhất, SAM Turret.
Có một thiết bị mới là Field Mic mà người viết khá phân vân, nó sẽ đánh dấu kẻ địch đang phát ra âm thanh trên bản đồ nhỏ trong bán kính của nó, và bởi do bản beta chưa có perk Ninja vốn dùng để cản tiếng bước chân, hơi khó để có thể đo lường được độ phá game của thiết bị này ở thời điểm hiện tại.
Wildcard cũng trở lại, tinh giản hơn và cũng hơi… kỳ quặc hơn.
Gunfighter tăng số lượng phụ kiện trên vũ khí chính từ 5 lên 8, Danger Close là sự kết hợp của Shrapnel (nhân đôi Lethal) và Fully Loaded (tối đa đạn sẵn có khi xuất phát) từ Modern Warfare, Lawbreaker là kết hợp của Overkill/Underkill (mang hai vũ khí chính hoặc hai vũ khí phụ) và Gluttony (gắn nhiều perk thuộc một phân khúc cùng lúc), và Greed nay cho phép gắn thêm một perk từ cả ba phân khúc.
Người viết cảm thấy thay đổi này khá hời hợt do Cold War Beta không còn sử dụng Pick 10, khiến cho Wildcard trở thành một nhân tố… có ngớ ngẩn mới không dùng trong Loadout, thay vì tạo nên các cách xây dựng Loadout thú vị như trước.
Ngoài ra, việc Danger Close là Wildcard đầu tiên được “mở khóa” khiến cho game hơi bị nặng tình trạng “spam” lựu đạn ở thời điểm hiện tại – một vấn đề mà Black Ops 4 đã giải quyết khá thành công.
SCORESTREAK: CÓ VẺ “CHƯA ỔN”!
Cuối cùng, hệ thống Scorestreak mới có lẽ sẽ là một thử nghiệm gây tranh cãi nhất từ Treyarch.
Mọi Scrorestreak giờ đây có số điểm yêu cầu gấp đôi so với trước, nhưng điểm Scorestreak sẽ không “reset” khi người chơi bị hạ!
Về lý thuyết, đây là một phương thức chống “snowball” khá hay ho, xử lý được vấn đề người chơi đang hoành hành càng được phép hoành hành mạnh bạo hơn.
Bù lại, nó sẽ không hữu ích mấy với những người chơi đang trầy trật, bởi hệ số nhân điểm tăng dần qua từng mạng đoạt được sẽ bị “reset” khi người chơi bị hạ, và nó sẽ khiến cho quá trình đoạt Scorestreak khó nhằn hơn.
Và cũng bởi người chơi giờ đây không quan tâm mình có chết hay không, nó cũng góp phần thúc đẩy chiếm điểm hoặc thực hiện nhiệm vụ mà chế độ chơi đề ra.
Về căn bản, nó chỉ là hệ thống Support Streak Package của Modern Warfare 3 nhưng được thưởng theo thời gian như vũ khí Specialist của hai phiên bản Black Ops gần đây nhất, kết hợp với đặc tính Persistence từ Infinite Warfare.
Người viết thực sự không tìm được cảm giác phấn khích khi đoạt được Scorestreak như trước, một phần là bởi hệ số nhân điểm khiến cho việc đo lường xem mình còn cách Scorestreak bao nhiêu khó khăn hơn trong thực chiến, phần còn lại là Scorestreak xuất hiện một cách bộc phát nếu bạn không để ý đến nó.
Mặc dù người viết không có trở ngại lấy Scorestreak trong Cold War Beta so với phiên bản nào khác, hiện tượng 90% thời lượng trận hoàn toàn “bình yên” rồi bỗng 20 UAV và 50 Artillery Strike đột ngột tung hoành khắp bản đồ trong phút cuối của trận vẫn khá là… dội!
KHI NÀO RA MẮT?
Call of Duty: Black Ops Cold War chỉ còn chưa đầy một tháng để mài dũa những khía cạnh đang còn chắp vá trong phiên bản beta này, nhưng sự thật là, giống như những tựa game trước, có lẽ phải đến tháng 1 năm sau trò chơi mới thực sự đến trạng thái “chơi tốt” khi nội dung mới ập đến, lỗi được sửa, netcode ổn định hơn.
Chúc may mắn dành cho Treyarch và hy vọng Call of Duty: Black Ops Cold War sẽ sẵn sàng khi nó bắt đầu nổ “phát súng” chính thức vào ngày 13/11 sắp tới.