Skip to content

Call of Duty: Modern Warfare – Đánh Giá Game

Call of Duty: Modern Warfare

Modern WarfareThời điểm đấy trong năm đã đến, và chúng ta lại tiếp tục một lần nữa nói về những lời hứa hẹn của Activision dành cho Call of Duty 20xx, một dòng game vốn kì thị tựa đề sáng tạo và hơi bị ám ảnh với từ “warfare”.

Năm nay, những lời hứa hẹn đó có phần táo bạo hơn chút với Call of Duty: Modern Warfare: không Season Pass, không bán DLC chứa màn chơi mới, có Crossplay (chơi liên thông hệ máy với nhau), engine đồ họa mới và hầm bà lằng hổ lốn những thứ khác “nâng tầm” nó khỏi những người anh em tiền nhiệm. “Nâng tầm” ở đây được đặt trong dấu ngoặc kép là bởi, Call of Duty: Modern Warfare ở một mức độ nào đó đã thực hiện đầy đủ những lời hứa hẹn đó.

Tuy nhiên, khá đáng tiếc là với mỗi một bước tiến thì nó lại có hai bước lùi.


BẠN SẼ GHÉT

BÌNH MINH ĐÃ LẶNG, TỪ LÂU LẮM RỒI…

Nếu như câu hỏi đầu tiên của bạn dành cho Call of Duty: Modern Warfare là “game có bao nhiêu fan-service?” thì bạn không cần phải chờ cho đến khi câu chuyện này kết thúc.

Dẫu cho “lằn ranh giữa thiện và ác đang mờ đi” là một trong những trích dẫn phổ biến nhất được phun ra từ đại úy Price nhà ta, thực chất chúng ta chỉ cần khoảng 30 phút để nhận biết được đâu là phe chính nghĩa, và những kẻ xấu sẽ luôn cố gắng chứng tỏ rằng chúng rất là “xấu” đề phòng nếu bạn không nhận ra. Phải, 12 năm sau tựa game Modern Warfare đầu tiên và Infinity Ward lại tái diễn nỗi niềm mong mỏi của toàn thể đại bộ phận người hâm mộ của Call of Duty: bắn lính Nga rất là thú vị và ngầu lòi!

Một cuộc vận chuyển gas hóa học tới quốc gia hư cấu Urzikstan thất bại, khiến cho sĩ quan CIA Alex phải yêu cầu sự viện trợ của lão làng SAS – John Price. Thành phố London, tiếp tục một lần nữa trở thành “túi đấm” của làng game, bị đánh bom chỉ 24 giờ ngay sau đó. Trung sĩ Kyle Garrick gia nhập Price và cùng gặp gỡ phe kháng chiến Urzikstan, dẫu đầu bởi Farah Karim. Họ có một kẻ thù chung, đó là Ng… à mà thôi, đoán xem?

Bởi do thảo luận về việc liệu Call of Duty: Modern Warfare có mang tính chất tuyên truyền cho quân đội Mỹ, theo người viết, là một đề tài dính dáng tới chính trị và ai cũng biết rằng video game là đồ chơi và đồ chơi đừng có dại mà liên đới tới chính trị, thế nên có lẽ sự tập trung của bạn nên hướng về cái cách mà Infinity Ward đặc tả phe chính nghĩa và thủ ác trong trò chơi.

Nhưng mà khoan, thành kiến của họ lại hiện rõ ban ngày trong những phân đoạn được cho là tăm tối và tàn bạo của trò chơi. Trong Call of Duty: Modern Warfare, chúng ta chứng kiến quân đội Nga thực hiện tội ác chiến tranh như cơm bữa, trong đó dân thường ăn đủ từ hành quyết, tra tấn, tới bị oanh tạc bởi khí gas hóa học. NPC ở London may mắn hơn chút, họ chỉ “ăn” đạn lạc hoặc nổ tung bởi vài tay đánh bom Al-Quatala liều chết. Không phải do lính Nga làm nhưng mà… bạn hiểu đó.

Định nghĩa về “chiến tranh tàn bạo” của trò chơi dường như chỉ gói gọn bên trong số lượng dân thường bị tử nạn trên màn hình cùng tần suất tiếng hét của họ. Yếu tố này đáng lý ra sẽ mang lại tác động lớn lao hơn nếu như câu chuyện của Call of Duty: Modern Warfare không diễn ra với tốc độ của một chiến phi cơ X-15, trong đó hơn phân nửa thời lượng xoay quanh Farah, quá khứ của cô và cuộc phiêu lưu khắp năm châu bốn bể của Garrick và Price, còn Alex không có nổi một tuyến truyện cá nhân hoàn chỉnh.

Còn phe phản diện? Chúng ta đối phó với thủ lĩnh tổ chức khủng bố Al-Quatala, “The Wolf” vào phần đầu. Đến giữa game, mục tiêu chuyển sang tướng Barkov, tướng lĩnh dẫn đầu lực lượng Nga xâm lăng Uzikstan. Nhưng khoan, trước khi đuổi đánh Barkov thì chúng ta phải săn lùng The Butcher, cánh tay phải của The Wolf. Hắn bắn một đứa trẻ bỏ chạy nên 100% bạn bắt buộc phải ghét hắn, cho dù bạn mới chỉ gặp hắn đúng một lần duy nhất! Còn Barkov? Hắn tàn ác đến mức… nực cười từ hành động đến cử chỉ, khiến cho những phân cảnh đáng lý ra “tàn bạo” lại trở nên lố lăng quá mức cần thiết! Đây là kết quả của việc đưa một nhân vật chỉ ở cấp trùm phụ trong một tựa game Far Cry làm trùm chính trong một game khác có tông điệu nghiêm túc!

Vết thương lớn nhất trong phần chơi đơn của Call of Duty: Modern Warfare, rất may mắn và cũng xui xẻo… lại nằm ở phần kết. Toàn bộ nhiệm vụ cuối cùng “cố” kết thúc câu chuyện của game nhanh chóng chỉ để “khoe” yếu tố fan-service mà Infinity Ward muốn nóng lòng cho người chơi biết.

Kết quả là chúng ta được thưởng lãm một đoạn kết cực kỳ phi logic, thiếu thốn cảm xúc, và cũng cố làm bạn quên rằng đây thực chất chỉ là… đoạn mở đầu (Prologue) trong một câu chuyện ba phần mới. Nó hoàn toàn chẳng mang lại sự thỏa mãn nào về mặt nội dung, và chắc chắn không thể so bì được cái khoảnh khắc khi chúng ta tiễn Zakhaev bằng một viên M1911 của 12 năm về trước…

Vết thương lớn nhất trong phần chơi đơn của Call of Duty: Modern Warfare, rất may mắn và cũng xui xẻo… lại nằm ở phần kết

Điều đáng tiếc nhất, đó là nếu Infinity Ward chăm chút cho nội dung của Call of Duty: Modern Warfare nhiều hơn, đi xa hơn với tham vọng của họ, thì nó có thể thực sự so kè với phiên bản Modern Warfare gốc để trở thành phần chơi đơn xuất chúng nhất của dòng game từ trước đến nay – đơn giản là bởi nó không hề thiếu những nốt cao đáng ngưỡng mộ. Dòng game này đã tồn tại được hơn 15 năm nhưng có lẽ đây là lần đầu tiên mà nó “có gan” đến mức độ này.

Chúng ta nhập vai vào Farah từ khi còn là một đứa trẻ, chứng kiến quê nhà chìm trong bụi vàng của khí gas hóa học, xác chết rải rác khắp mọi nẻo đường, nếu họ hấp hối thì cũng bị kết liễu ngay lập tức, nếu họ ở ngoài phạm vi của khí gas thì cũng bị hành quyết. Trong vai Garrick, chúng ta thâm nhập vào căn hộ của những kẻ đánh bom London đằng sau mảng màu xanh lạnh lẽo của chiếc kính nhìn đêm. Một viên đạn lạc đâm xuyên một người phụ nữ vô hại đang cố với lấy đứa trẻ sơ sinh trong nôi sẽ không buộc bạn phải quay trở lại điểm lưu tạm (checkpoint), nhưng sẽ để cho bạn khoảnh khắc ngắn để nghĩ ngợi về hành động của mình. Kể cả Price cũng phá vỡ những gì mà chúng ta mong đợi về mẫu nhân vật mà ông thuộc về từ trước đến nay.

Call of Duty: Modern Warfare

Nhưng, bước ra ngoài những màn chơi này, thì chúng ta lại bị bó trong chính khuôn khổ của Call of Duty: Modern Warfare. Quay ngược lại màn chơi đầu tiên nhập vai Garrick tại London, nếu như bạn nổ súng trước khi quả bom phát nổ, trò chơi sẽ “đá” bạn trở về điểm lưu tạm (checkpoint) ngay trước đó vì bạn đã “phạm phải quy luật giao tranh”. Trong một phân cảnh thấm vấn một nhân vật nhất định, bạn sẽ có cơ hội đe dọa tính mạng của người vô tội – nhưng nó chỉ nằm ở “đe dọa”, bởi lựa chọn đổ máu cũng sẽ lại… quay về điểm lưu kia.

Dẫu với thân thế là một tựa game cực kỳ tự hào về bản chất “mặt xám trong đạo đức”, trò chơi này không bao giờ khiến người chơi phải hoài nghi về tính anh hùng của những người được coi là anh hùng. Kết quả là những lựa chọn “có sức nặng” mà Infinity Ward hứa hẹn cuối cùng lại trôi bồng bềnh như những cơn gió nhẹ.

Sự mất cân đối trong trọng tâm tiếp tục hiện hữu trong thiết kế nhiệm vụ của Call of Duty: Modern Warfare. Điểm sáng lớn nhất của toàn bộ trò chơi là màn chơi [Going Dark], đưa Garrick và Price vào một cuộc đột kích dinh thự Barkov. Đúng như cái tên, phong cách chơi trong màn chơi này có hơi hướm Splinter Cell kết hợp với màn [Liberation] trong Call of Duty: WWII. Toàn bộ bóng đèn có thể bị bắn vỡ, để bạn thoải mái tung hoành bên trong bóng đêm trong lúc quét sạch 3 địa điểm mà nhiệm vụ giao cho, theo thứ tự mà bạn muốn. Đi qua cửa trước, luồn qua cửa sổ, leo lên nóc, lẻn qua nhà kính… mức độ tự do mà màn chơi này mang lại thật sự khó tin nổi dành cho một tựa game Call of Duty, và sẽ là một sự lãng phí không nhỏ nếu nó không được lặp lại và tiến triển trong các tựa game tiếp theo.

Phần còn lại trong chế độ chơi đơn?

Ngoài một số điểm sáng le lói như Clean House, nửa đầu của The Wolf’s Den, cuộc tháo chạy trong Going Dark và trận phòng thủ đại sứ quán Hoa Kỳ trong The Embassy, thì các màn chơi tuyến tính của Call of Duty: Modern Warfare diễn ra với sợi dây kết nối lỏng lẻo. A.I tệ lậu vô tình giúp cho nó trở thành phần chơi chiến dịch (Campaign) dễ nhất ở độ khó Veteran, và khôi hài nhất là sự lạm dụng những nhân tố “gimmick” như AC130 hay máy bay phát nổ trong một số màn đầu, tạo ấn tượng rằng Infinity Ward đang rất cố giữ sự tập trung của người chơi thay vì tin tưởng vào các màn đấu súng truyền thống…

Và bấy nhiêu đó tóm gọn phần chơi chiến dịch của Call of Duty: Modern Warfare – một phần chơi mang trong mình tham vọng lớn, nhưng rốt cuộc được thực hiện lững lờ,


ĐIỆP VỤ… KHẢ Ố!

Cái quái gì đang diễn ra với phần chơi Spec Ops trong Call of Duty: Modern Warfare vậy?

Nếu như bạn còn nhớ đến mục chơi cộng tác từng góp mặt trong Modern Warfare 2 và 3, thì chúng là những nhiệm vụ tuyến tính có nội dung riêng và chiều dài vừa phải, đa phần lấy địa điểm trong mục chơi đơn và biến tấu để mỗi màn có tính chất riêng. Ví dụ như Overwatch trong Modern Warfare 2 đặt một người chơi vào sau họng súng AC130, hỗ trợ người còn lại đến đích trên mặt đất. Giá trị chơi lại của chúng không cao so với Zombies, nhưng nhìn chung chúng mang lại những kịch bản “nếu như” khá thú vị song hành với mạch truyện chính.

Spec Ops trong Call of Duty: Modern Warfare… thực chất không phải là Spec Ops truyền thống. Nó chỉ sở hữu đúng một màn chơi Safeguard được gọi là “màn cổ điển” nhưng thực chất nó giống Survival thủ qua lượt thì hơn. Nội dung chính nằm ở bốn phần Operation, trong đó người chơi được thả vào một bản đồ lớn và thực hiện các nhiệm vụ rất là căn bản mà game đề ra, như triệt hạ hoặc giải cứu mục tiêu. Màn chơi Crosswind khác biệt hơn chút khi cho người chơi thâm nhập một chiếc tàu bay chở hàng khá tương đồng với Mile High Club.

Người viết thực sự rất khó tìm ra được một điểm sáng le lói nào đó về Spec Ops. Trong chế độ này, bạn và ba người còn lại sẽ bị “quay như dế” qua những nhiệm vụ không được chỉ định rõ ràng, chẳng hạn như vác NPC lên vai nhưng game chẳng thèm thông báo điểm tập kết nằm ở đâu. Kẻ thù xuất hiện vô tội vạ từ tứ phương tám hướng, đôi khi đằng sau hoặc ngay bên cạnh bạn, cùng với lượng máu gia tăng theo thời gian và đến một thời điểm nhất định, 15 viên của một khẩu AR cũng chẳng đủ để hạ một tay lính thường. Và đó là chưa kể đến hệ thống điểm lưu tạm (checkpoint) hoạt động dựa theo cảm tính nếu cả bốn người “đo đường”.

Spec Ops của Call of Duty: Modern Warfare – một phần chơi thiếu đầu tư trầm trọng, thiếu logic, và thiếu cả lý do để tồn tại

Phần chơi này hoàn toàn chẳng có một dòng chảy nhất định cũng như lý do để người chơi thực sự đầu tư thời gian vào nó, ngoại trừ yêu cầu mở khóa một số nhân vật trong Multiplayer. Điểm kinh nghiệm có được từ Spec Ops “nhỏ giọt như nước rỉ”, chúng không có phần thưởng, không có cơ chế chơi mang tính hỗ trợ đồng đội, và trên hết là thiết kế màn chơi rộng lớn không hề giúp ích gì cho hành vi “thả” địch như vũ bão.

Và bấy nhiêu đó tóm gọn phần chơi Spec Ops của Call of Duty: Modern Warfare – một phần chơi thiếu đầu tư trầm trọng, thiếu logic, và thiếu cả lý do để tồn tại.


Call of Duty: Modern Warfare

CHIẾN TRANH NHẦM NƠI

Và đây, Multiplayer, phần “thịt nạc” của Call of Duty, lý do mà 90% người đến với dòng game này. Bởi bem nhau bằng dấu “hitmarker” chưa bao giờ cũ.

… và cũng (không) ngạc nhiên khi nó tiếp tục mắc phải nhiều sai lầm ngớ ngẩn!

Call of Duty: Modern Warfare đã ra mắt được gần hai tuần và có lẽ không ai không biết đến tình trạng siêu tệ lậu của các màn chơi trong phần chơi Multiplayer. Bạn đã nghe đến tiếng tăm lẫy lừng của Gustav Cannon trong WWII, một màn chơi sở hữu vị trí lợi thế lớn đến mức có tầm nhìn xuống 80% phần còn lại của bản đồ chứ? Infinity Ward đã thành công trong việc tái hiện đặc điểm không đụng hàng đó với Euphrates Bridge, trong đó chiếc bệ pháo được thay bằng một cây cầu dài, đội nào chiếm được cầu thì đội bên kia chỉ biết khóc tiếng mán.

Picadilly, đại lộ dẫn đến khu diễn xiếc cùng tên tại London được bê nguyên xi từ phần chơi chiến dịch với phần “râu ria” ở hai phía hồi sinh được chỉnh chọt đôi chút. Kết quả? Chúng ta có một bản đồ với các tầm nhìn dài ngắn không đồng đều cực “quái thai”, một khu đường hầm được tạo nên… chẳng để làm gì cả, một cửa hiệu có tầng 2 nhìn trực tiếp vào cờ B và C, cùng cả hai vị trí hồi sinh thưa thớt vật chắn tới mức đáng quan ngại.

Các màn chơi được cho là “ổn” thực chất cũng chẳng “ổn” 100% trong một số chế độ nhất định. St Petrograd trong chế độ Search and Destroy vì một lý do nào đó lại đặt đội tấn công tới bom A gần hơn đội phòng thủ. Arklov Peak, màn chơi 10vs10 duy nhất mà người viết cho là “chơi được” lại khá nhàm chán trong Headquarters, ngoại trừ vị trí HQ tại khu chuồng trại. Cờ B của Rammaza trong chế độ Domination hớ hênh như người mẫu Victoria’s Secrets.

Trong hơn 20 giờ đồng hồ dành cho Multiplayer, đối với người viết thì thực sự chỉ có Hackney Yard và Gun Runner là hai màn chơi chấp nhận được – một dấu hiệu chẳng hề ổn dành cho một tựa game chỉ có sáu màn chơi 6vs6 và 3 màn chơi 10vs10.

Call of Duty: Modern Warfare

Bên cạnh thiết kế bố cục, còn có hai lý do khác khiến cho các màn chơi trong Call of Duty: Modern Warfare trở nên “cực hình” đúng nghĩa.

Đầu tiên là vấn đề về mức độ… hiển thị hình ảnh. Công nghệ đồ họa tối tân giúp cho trò chơi đạt được chất lượng hình ảnh bám sát đời thật, đồng nghĩa với việc nó cũng đi kèm theo những hệ lụy “không được phép có mặt” trong một tựa game chơi mạng. Kết quả là những không gian tối trở nên quá tối, và cũng bởi mô hình nhân vật không đính vài hạt đèn sáng trên thân thể như trong Black Ops 4 nên công việc tìm kiếm kẻ địch trên màn hình đôi khi khó hơn cả đào vàng. Đừng cảm thấy lạ nếu như bạn nhận ra mình thấy được địch do… tên của chúng hiện trên đầu, chứ không phải do mình nhìn thấy thân thể địch trước.

Thế nhưng, Infinity Ward khá khôn khéo khi khiến nhân vật của người chơi la toáng lên “CONTACT!!!”, kể cả khi bạn có mở toanh hai con mắt mà vẫn chẳng thấy địch đâu. Chức năng này đáng lý ra sẽ hữu dụng hơn nếu như… kẻ địch không nghe được nó.

Vấn đề hiển thị mở rộng sang cả môi trường và ánh sáng. Màn chơi Hill của chế độ Gunfight sở hữu mật độ cỏ bay phấp phới dày đặc và cũng giúp ích rất tốt cho các tay núp lùm. Mặt khác, ánh sáng mặt trời từ buổi chiều tà tại St. Petrograd sẽ làm bạn nổ đôm đốm mắt nếu bạn xui xẻo quay camera về hướng Tây.

Vấn đề thứ hai, đó là tần suất hồi sinh. Không thể ngờ được rằng Call of Duty: World War II đã bị Modern Warfare chính thức soán ngôi vị “cơ chế hồi sinh tệ lậu bậc nhất dòng game” chỉ trong vòng 2 năm sau. Lại một lần nữa nhắc đến Piccadilly, màn chơi bị nguyền rủa này có lẽ cần được hiến tế máu của trinh nữ mới chịu đổi vị trí hồi sinh. Euphrates Bridge trời đánh sở hữu bố cục đầy tuyệt hảo như đã nói ở trên, trong đó đội nào càn quét phe còn lại sẽ được hồi sinh… ngay bên dưới cây cầu, chứ không phải từ vị trí hồi sinh gốc.

Piccadilly, màn chơi bị nguyền rủa này có lẽ cần được hiến tế máu của trinh nữ mới chịu đổi vị trí hồi sinh

Trò chơi này còn có hiện tượng hồi sinh một người chơi lẻ ngay tại điểm xuất phát của phe địch nhưng lại không có ý định mang phần còn lại của đội sang. Kẻ địch đột ngột xuất hiện ngay sau lưng bạn? Hãy làm quen với điều đó đi.


BẠN SẼ THÍCH

DÁM LÀM THÌ SẼ THẮNG!

Sau toàn bộ những con sâu làm rầu nồi canh đó, người viết vẫn cứ tiếp tục quay trở lại Call of Duty: Modern Warfare hằng đêm. Đó có lẽ là bảo chứng cho thấy được chất lượng đáng nể trong lối chơi của game.

“Tinh tế” có lẽ chưa đủ để mô tả sức nặng trong các cuộc đấu súng của trò chơi. Từng tiếng vang ầm ĩ của mỗi viên đạn thoát khỏi nòng, từng tiếng keng của vỏ đạn chạm đất, từng mảng khói trào ra khỏi họng súng một cách bạo lực, từng cú giật mạnh bạo qua mỗi pha bóp cò. Tất cả tạo nên cảm giác bắn súng có một không hai trong toàn bộ lịch sử của Call of Duty, trong đó, bạn có thể cảm nhận được tình yêu nồng nàn của Infinity Ward dành cho nghệ thuật xả đạn trong tựa game này.

Call of Duty: Modern Warfare

Tình yêu đó tiếp tục tìm được bến đỗ mới trong hệ thống Gunsmith.

Tối đa 5 phụ kiện cho một khẩu súng, mỗi vũ khí có cấp độ riêng có thể lên đến 70 cùng số lượng phụ kiện không đếm xuể. Dẫu cho sở hữu số lượng “khủng bố” như vậy, trò chơi thể hiện công dụng và khuyết điểm của từng bộ phận một cách trực quan, đủ để người chơi hiểu rằng mình sẽ đánh đổi mặt nào khi quyết định gắn từng mẩu sắt lên vũ khí của mình: một khẩu AR không có báng súng sẽ có thời gian bật ngắm nhanh hơn nhờ vào trọng lượng nhẹ nhưng độ giật thiếu ổn định, đạn có đường kính lớn sẽ gây sát thương cao hơn nhưng tốc độ đạn bay chậm hơn, miếng da nổi hạt bọc tay cầm súng sẽ giúp ngắm bắn ổn định hơn nhưng giảm tốc độ di chuyển khi đang ngắm.

Phần chơi Multiplayer của Call of Duty: Modern Warfare có khá nhiều vấn đề. 6vs6 gặp phải vấn nạn bản đồ tệ lậu, 10vs10 cùng vấn đề này cộng thêm quãng thời gian… cuốc bộ đầy chán nản (bởi thực sự kích cỡ của chúng cho thấy có lẽ chúng được thiết kế cho 20vs20, chứ không phải 10vs10), và Ground War 32vs32 vẫn tiếp tục là các trận chiến hỗn loạn nhưng rỗng ruột. Vậy, tại sao bạn không lựa chọn một chế độ chơi khiêm tốn hơn đôi chút – Gunfight chẳng hạn?

Phải, chế độ 2vs2 nho nhỏ này vô tình trở thành phần chơi sáng giá nhất trong Multiplayer của Call of Duty: Modern Warfare. Vũ khí ngẫu nhiên đồng đều cho cả bốn người chơi, tức bạn không cần phải đối phó với combo M4 + 725 đang khủng bố tinh thần cộng đồng trong những ngày gần đây. Các bản đồ nhỏ được thiết kế cho giao chiến tốc độ cao, tức bạn không cần phải thở dài trong lúc chạy bộ giữa các màn chơi quá khổ so với mức cần thiết. Công thức 2vs2 phát huy hiệu quả với lối chơi “nhiều ăn liều”, công bằng và chẳng hề kém kịch tính trong Gunfight.

Và bấy nhiêu đó tóm gọn Multiplayer trong Call of Duty: Modern Warfare – cơ chế bắn súng hoàn mỹ tự mình “gồng gánh” lối thiết kế bản đồ chỉ muốn lắc đầu.

chế độ 2vs2 nho nhỏ này vô tình trở thành phần chơi sáng giá nhất trong Multiplayer của Call of Duty: Modern Warfare

THÔNG TIN

  • Sản xuất: Infinity Ward
  • Phát hành:
    Activision
  • Thể loại: Hành động
  • Ngày ra mắt: 25/10/2019
  • Hệ máy: PC, Xbox One, PS4

CẤU HÌNH TỐI THIỂU

  • OS: Windows 7 64-bit (SP1) or Windows 10 64-bit
  • Processor: Intel Core i3-4340 or AMD FX-6300
  • Memory: 8GB
  • Graphics Card: Nvidia GeForce GTX 670/Nvidia GeForce GTX 1650 or AMD Radeon HD 7950 – DirectX 12.0 compatible system
  • Storage: 175GB

CẤU HÌNH THỬ NGHIỆM

  • OS: Windows 10 64-bit
  • CPU: AMD Ryzen 3600X
  • RAM: 32GB
  • VGA: PowerColor Red Devil VEGA56 8GB
  • SSD: 250GB

GAME ĐƯỢC HỖ TRỢ BỞI ACTIVISION BLIZZARD

GAME ĐƯỢC CHƠI TRÊN HỆ PC


BÀI MỚI NHẤT


7.0

"Thật gần mà cũng thật xa" có lẽ là lời miêu tả đầy đủ nhất dành cho tiềm năng của Call of Duty: Modern Warfare - một phiên bản reboot vừa táo bạo nhưng cũng vừa thiếu đường nét.

Tác giả

Abydon Belegarssøn

“Happiness can be found even in the darkest of times, if one only remembers to turn on the light.” - Albus Percival Wulfric Brian Dumbledore. ᚠᚢᚦᚨᚱᚲᚷᚹᚺᚾᛁᛃᛇᛈᛉᛊᛏᛒᛖᛗᛚᛜᛞᛟ

Thảo luận