Chơi thử Call of Duty Vanguard Beta – 2021 có lẽ là một năm đầy sóng gió đối với Activision Blizzard khi công ty này lần lượt đối mặt với những biến cố lớn nhỏ, nào là những lùm xùm bất bình đẳng giới, quấy rối tại môi trường công sở, hay gần đây nhất là vụ kiện đưa thông tin sai lệch đến các cổ đông có lẽ phần nào đã gây ảnh hưởng tiến độ ra mắt của các trò chơi sắp tới.
Cộng thêm tình hình dịch bệnh căng thẳng, qua đó mà kéo theo một loạt tin đồn về việc Activision sẽ phá bỏ thông lệ hàng năm, đó là hoãn phiên bản Call of Duty sắp tới đến năm 2022.
Tuy nhiên, bỏ qua những thông tin đồn đoán, Call of Duty: Vanguard đã bất ngờ được hé lộ qua sự kiện Gamescom 2021 với Sledgehammer Games là đội ngũ phụ trách chính trong việc phát triển.
Phiên bản này cũng dần thu hút được sự chú ý từ phía người hâm mộ nhờ được phát triển trên khung phần mềm IW 8.0 trứ danh, từng được Infinity Ward dùng để tạo ra Modern Warfare 2019, một trong các phiên bản Call of Duty ấn tượng nhất về mặt nội dung lẫn hình ảnh.
Vậy, bạn có thể mong chờ gì từ bản chơi thử Call of Duty Vanguard Beta?
Hãy cùng Vietgame.asia tìm hiểu qua bài viết sau nhé!
1. TÔI ĐÃ THẤY “THỨ NÀY” Ở ĐÂU RỒI?
Sau vài giờ đồng hồ trải nghiệm, bản chơi thử Call of Duty Vanguard Beta bộc lộ rõ những lợi thế về mặt đồ họa nhờ được phát triển trên engine IW 8.0.
Các khung cảnh ngập tràn chi tiết và màu sắc, nhưng cũng không quá phô trương đến mức gây rối mắt người chơi như Cold War.
Một loạt nội dung từ hai phiên bản trước cũng có màn tái xuất, nhưng phần lớn là được cắt ghép, thêm bớt từ Modern Warfare, như cơ chế Tactical Sprint cho phép bạn nhấn phím chạy hai lần để tăng tốc độ, hay hoạt ảnh giữ thao tác ADS (Aim Down Sight) trong lúc thay đạn, đều được đưa vào trong Vanguard. Thậm chí hướng bố trí các thông tin như loại trang bị, Field Upgrade, Killstreak trên màn ảnh gần như không có sự khác biệt.
Bản đồ của phần game này phối trộn khá nhiều công thức, chủ yếu là theo mô-típ ba làn đường, được áp dụng cho các sân chơi chật hẹp như Eagle’s Nest, Hotel Royale, nhưng kết cấu cũng vừa đủ thoáng để nhét từ hai đến ba cứ điểm, phục vụ cho các mục chơi khác.
Các bản đồ kể trên cũng được lồng ghép rất nhiều điểm thông giữa ba làn đường, khiến nhịp độ trận đấu gia tăng một cách chóng mặt, nhưng cũng rất hiệu quả trong việc giải quyết những tên ưa thích lối chơi “núp lùm”.
Hai bản đồ tầm trung của game là Red Star và Gavutu có kết cấu thông thoáng, không có điểm nóng cố định nhưng vẫn sở hữu một số điểm cao thấp ở vùng ngoại vi phục vụ những màn đọ súng tầm xa.
Bản chơi thử Call of Duty: Vanguard Beta có cho mình các chế độ chơi cơ bản là Domination, Team Deathmatch, Search and Destroy, Kill Confirmed và Patrol (phiên bản di động của Hardpoint) đi kèm với một mục chơi đặc trưng là Champion Hill.
Cuối cùng, phiên bản này cũng không quên trình diễn đến người chơi kho súng cũ kĩ từ thời WW2 với đa dạng các thể loại từ súng trường, tiểu liên, shotgun,… chúng được hiện đại hóa bằng mục mở khóa súng đậm tính “cày cuốc” với một loạt phụ tùng như ống nhắm laze, họng súng hay loại đạn.
Tính năng gán kỹ năng bổ trở (Perk) cũng xuất hiện trở lại, tuy nhiên, lượng ô điều chỉnh sẽ đủ cho tất cả bộ phận, thay vì bị giới hạn ở mức năm điều chỉnh như Modern Warfare.
Giao diện chỉnh sửa vũ khí nhìn chung khá trực quan, nhưng cách phần biểu hiện ưu nhược điểm tác động qua lại với bốn chỉ số cơ bản (Firepower/Speed/Accuracy/Ammo) khá thừa mứa, thiếu đồng nhất, không phản ánh rõ những thay đổi mà bộ phận đem lại.
2. CHẤT RIÊNG
Trò chơi sở hữu TTK (Time to kill) khá thấp, có thể nói là nằm giữa Cold War và Modern Warfare, cộng thêm “damage drop off” cao, dẫn đến sự gia tăng đáng kể mật độ giao tranh tầm gần.
Bản đồ cũng được thiết kế cho phép người chơi tiếp cận một điểm từ nhiều hướng, dễ dàng bị bắn trúng kể cả đang núp sau vật chắn.
Qua đó game rất ưu ái lối chơi táo bạo, chủ động săn lùng kẻ địch, cùng lúc có xu hướng bài trừ lối chơi thụ động, “núp lùm” (camping).
Trò chơi cũng được thêm vào những rào chắn ở nhiều điểm cho phép người chơi phá hủy bằng nút cận chiến, hoặc lao đầu vào nhằm tăng tính “phá hủy màn chơi” của game.
Cuối cùng, Champion Hill là chế độ đặc trưng duy nhất được giới thiệu trong bản chơi thử Call of Duty: Vanguard Beta, cơ bản, bạn sẽ được xếp tổ đội với một đến ba người chơi (tùy vào chế độ bạn lựa chọn) và lần lượt đấu chọi với các đội khác, cơ chế này pha trộn giữa Team Deathmatch với lối loại trừ của mô hình Auto battler (Auto Chess), nhưng thay vì xếp trận ngẫu nhiên, hai đội sát điểm nhau nhất sẽ được đưa vào chung một trận.
Mỗi đội sẽ có 12 mạng, đội bạn sẽ thua khi tiêu hao hết số mạng đó trong các trận đấu.
Sau khoảng hai ván đấu, bạn sẽ được đưa về sảnh chung để mua vũ khí, Perk hay nâng cấp bằng tiền thu thập được trong trận chiến.
Nhìn chung, Champion Hill không thực sự hấp dẫn, nhịp độ trận đấu tuyến tính đến mức nhàm chán, bởi bạn chỉ việc lao vào bắn nhau, mua những món trang bị được cho là “ngon” nhất trò chơi để tạo lợi thế và giành chiến thắng, qua đó mà khiến mục chơi này thiếu trầm trọng yếu tố bất ngờ, dễ dàng gây “cụt hứng” chỉ sau hai đến ba lần trải nghiệm.
3. CẢM NHẬN CÁ NHÂN
Vậy, Call of Duty: Vanguard là cái quái gì? Tại sao thứ này lại tồn tại?
Đấy là câu hỏi người viết liên tục tự đặt ra sau vài giờ đồng hồ trải nghiệm.
Tuy nhiên, câu hỏi trên không đồng nghĩa với việc đây là một trò chơi dở, bởi phiên bản này cũng có một số cải tiến nhất định, những đổi mới mà hai phiên bản trước đó là Modern Warfare 2019 và Cold War đã bỏ lỡ.
Nhưng chính do việc quá chú tâm vào chỉnh sửa và cải thiện những yếu tố “cũ mèm” để rồi dồn những chi tiết đó dưới danh “một tựa game hoàn toàn mới” đã dẫn đến bản chơi thử Call of Duty Vanguard Beta trông chẳng có gì đặc sắc.
Nói cách khác, qua bản chơi thử, Vanguard như một DLC cho phép bạn gộp Modern Warfare 2019 và Cold War chung một nền tảng, với quả đề tài WW2 (hay hậu WW2) đã bị “vắt” cạn từ đời nào.
Trò chơi cũng thể hiện rõ sự lười nhác của bên phát triển qua một loạt nội dung được tái sử dụng, từ các hoạt ảnh chạy nhảy cho đến hầu hết giao diện người dùng đều có “bóng dáng” của những phần game trước.
Chi tiết mới mẻ nhất được lồng ghép trong màn chơi có lẽ là những tấm ván gỗ cho phép bạn phá hủy để mở rộng tầm bắn, nhưng chúng lại khá khuôn mẫu, có thể dễ dàng bị phá sạch chỉ bằng vài pha lao người, hay nói đúng hơn là chỉ có tác dụng “làm màu” trong những phút đầu game.
Cơ chế này cũng không có tác dụng làm vật chắn tầm nhìn bởi tên kẻ địch luôn hiện rõ như ban ngày, kể cả khi người chơi chỉ bị lộ qua một khe rất nhỏ.
Lỗi âm thanh khiến tiếng súng, bước chân lúc to lúc nhỏ, có khi là không nghe được gì cũng xuất hiện khá thường xuyên, đôi lúc cũng kéo theo một số lỗi hình ảnh và hiện tượng sụt khung hình trong những đoạn bắn súng cao trào.
Tóm lại, mảng trực tuyến được trình diễn trong bản chơi thử không thể hiện tốt điểm đặc sắc, mới mẻ của mình, nhưng kết cấu tổng quan nhìn chung vẫn được trau chuốt tốt.
Tuy nhiên, cũng khá khó nhằn để đưa ra những nhận định chính xác cho game, bởi Vanguard vẫn chưa phô diễn bất kỳ nội dung nào khác ngoài mục chơi trực tuyến, cũng có thể phần chơi đơn sẽ được thể hiện tốt hơn vào thời điểm ra mắt.
Chưa kể, nhà phát triển cũng hứa hẹn bổ sung chế độ Zombie cùng những bản cập nhật chéo với mục chơi Warzone, đây có lẽ là những điểm sáng giá để bạn cân nhắc trải nghiệm phiên bản Call of Duty năm nay.
4. KHI NÀO RA MẮT?
Đợt chơi thử Call of Duty Vanguard Beta đang diễn ra đến hết 22/09/2021.
Phiên bản chính thức sẽ được ra mắt vào 05/11/2021.
GAME ĐƯỢC HỖ TRỢ BỞI
ACTIVISION BLIZZARD – CHƠI TRÊN HỆ PC