Chrono Cross – Khó có thể phủ nhận là dạo gần đây Square Enix rất thích sống trong hào quang quá khứ của họ.
Bằng chứng là liên tiếp các bản hết “remaster” (tút lại) rồi “remake” (làm lại) rồi “reboot” (khởi động lại), từ Final Fantasy Pixel Remaster, tới Final Fantasy VII Remake, tới cả Tomb Raider.
Mục tiêu tiếp theo mà Square Enix muốn “xào” lại là Chrono Cross, cụ thể là Chrono Cross: The Radical Dreamers Edition.
Được quảng bá là “có nền đồ họa tút lại nhưng vẫn giữ nguyên những tinh hoa của phiên bản gốc”, kèm theo phần truyện “Radical Dreamers” chưa bao giờ được ra mắt ngoài Nhật Bản, Chrono Cross: The Radical Dreamers Edition đã khiến cho rất nhiều người hâm mộ nóng lòng chờ đợi.
Vậy Chrono Cross: The Radical Dreamers Edition liệu có phải là một tựa game đáng chơi? Hãy cùng Vietgame.asia tìm hiểu qua bài đánh giá sau.
BẠN SẼ THÍCH
Đơn giản là… một trong những cốt truyện JRPG hay nhất!
Chrono Cross, theo cảm nhận của người viết, vốn đã là một trong những cốt truyện JRPG rất hay, ra mắt vào thời hoàng kim của Squaresoft (trước khi sát nhập với hãng phát hành game Enix để tạo ra Square Enix ngày nay – NV), có thể sánh ngang với những ông lớn tới từ Final Fantasy hay Dragon Quest.
Chrono Cross: The Radical Dreamers Edition, với bản chất là một bản “remaster” (tút lại), tất nhiên sẽ khác với Final Fantasy VII Remake, bảo lưu 100% những gì được coi là tinh tuý nhất của cốt truyện Chrono Cross, giúp người dùng có thể trải nghiệm nguyên tác một cách toàn vẹn và không thay đổi.
Nói rộng thì cốt truyện Chrono Cross là hậu bản của Chrono Trigger, nhưng nếu vì một lý do nào đó mà bạn chưa chơi Chrono Trigger (bạn nên chơi ngay nếu là “fan cứng” JRPG), thì bạn cũng sẽ không gặp nhiều vấn đề khi chơi Chrono Cross, vì những mối liên kết xuất hiện rất muộn và cũng không phải là thứ gì quá nghiêm trọng.
Trong Chrono Cross, người chơi sẽ vào vai Serge, một thanh niên 17 tuổi đang sống rất thoải mái ở ngôi làng Arni của mình, bỗng nhiên bị ném sang một chiều thực tại song song nơi một thảm họa đã xảy ra và Serge ở vũ trụ đó đã… chết từ năm 10 tuổi!
Tất nhiên, vũ trụ song song này sẽ rất khác với vũ trụ mà Serge còn sống, và người chơi sẽ phải di chuyển liên tục giữa hai thế giới để giải quyết các vấn đề , và chứng kiến hiệu ứng cánh bướm nơi một hành động, chỉ cần một tác động nhỏ thôi, cũng dẫn tới hai kết quả hoàn toàn khác nhau.
Với một nền tảng “dị” như vậy, xuyên suốt Chrono Cross, người chơi sẽ liên tục gặp những tình huống khiến chúng ta phải ngồi xuống và suy ngẫm, ngẫm về vị trí của chúng ta trong vũ trụ này (theo một phong cách tương đối giống với Final Fantasy XIV: Endwalker).
Bản chất của Serge là vừa sống lại vừa chết, do đó khi nhập vai vào Serge, chúng ta cũng cho phép chính bản thân mình “thả hồn” vào hai thế giới của Serge, và tự hỏi “danh tính” liệu có tồn tại không, và thế giới sẽ như thế nào nếu “danh tính” của chúng ta đột ngột biến mất?
“Cuộc sống có giá trị không?” – một nhân vật đã đưa ra câu hỏi này, sau khi tựa game bắt đầu không lâu.
Nói thực ra thì, phong cách dẫn chuyện và phương hướng mà Chrono Cross sử dụng có sự ảnh hưởng không nhỏ từ những tựa game Final Fantasy ra mắt vào khoảng thời gian đó (VI, VII, VIII, IX), khi không chỉ một lần những tựa game này khiến người chơi tự vấn về danh tính của mình trong thế giới này, mục đích sống của mình là gì, như Zidane, như Squall, như Terra…
Tất nhiên, cũng giống như các tựa game của Squaresoft bấy giờ, cốt truyện không phải là một màu đen kịt, mà lồng vào đó là những khoảnh khắc nhẹ nhàng, hài hước, khi những nhân vật trong đội tương tác với nhau (điều mà một vài tựa game sau này của Square Enix… quên mất!)
Tuy nhiên, lượng nhân vật mà người chơi có thể thu nạp vào đội ngũ lên tới… 45 người. Với số lượng lớn như thế, Chrono Cross sẽ không thể nào đạt được mức phát triển nhân vật tương tự như Final Fantasy, và thậm chí có vài nhân vật mà người viết còn… không nhớ nổi tên, nhưng mỗi nhân vật – mặc dù có người nhiều hơn có người ít hơn – vẫn sẽ có đủ không gian phát triển để người chơi ít nhất nắm rõ được tính cách của họ – và tất nhiên những nhân vật quan trọng sẽ có đủ thời gian “lên sóng” cần thiết để được phát triển một cách hợp lý.
Như đã nói ở trên, cốt truyện của Chrono Cross là phi tuyến tính! Có rất nhiều ngã rẽ trong cốt truyện, dẫn tới nhiều hệ quả khác nhau, phụ thuộc vào hành động của Serge và đồng bọn.
Có khoảng hơn 10 kết cục khác nhau cho Chrono Cross nếu người viết nhớ không lầm, nhưng một điều chắc chắn đó là bạn không thể nào thu thập đủ 45 nhân vật chỉ trong một lần chơi, và những lựa chọn của bạn sẽ ảnh hưởng tới việc nhân vật nào sẽ gia nhập đội nhóm của bạn – và không phải lựa chọn nào cũng “rõ như ban ngày”.
Tóm lại, mạch truyện của Chrono Cross: The Radical Dreamers Edition dễ dàng lọt hàng những cốt truyện JRPG hay nhất, với một (hai) thế giới được xây dựng kỳ công, sống động, những tình tiết gay cấn, hấp dẫn, cùng với hệ thống phân nhánh khiến người chơi sẵn sàng chơi lại cốt truyện để cảm nhận nhiều khía cạnh khác nhau.
Hệ thống chiến đấu hấp dẫn và độc đáo!
Chrono Cross: The Radical Dreamers Edition có một hệ thống chiến đấu theo lượt khá dị, khác hẳn những tựa game JRPG được ra mắt quanh thời điểm đó, thậm chí khác hẳn Chrono Trigger.
Mỗi nhân vật sẽ có ba đòn tấn công: nhẹ, trung bình và mạnh, đòn nhẹ sẽ có độ chính xác cao hơn hẳn, và chỉ tốn 1 stamina, trong khi đòn trung bình và đòn mạnh sẽ tốn 2 và 3 stamina, kèm với độ chính xác giảm dần.
Tuy nhiên, mỗi lần tấn công trúng, thì những đòn sau sẽ có độ chính xác cao hơn – nghĩa là bạn sẽ dùng những đòn tấn công mạnh hơn sau khi đã đánh trúng địch bằng đòn nhẹ hơn trước đó, tạo thành những chuỗi “combo” mặc dù chỉ là lối chơi theo lượt.
Mỗi đòn đánh (trúng) còn tăng thuộc tính “element” của nhân vật lên lần lượt là 1, 2 và 3 bậc, và những bậc này sẽ được sử dụng để thực hiện những phép thuật có bậc tương ứng.
Ví dụ một “combo” căn bản, bạn đánh trúng địch bằng đòn nhẹ, rồi trung bình, rồi tới mạnh, sẽ tốn 6 stamina, bù lại bạn có 6 bậc element, đủ để sử dụng một phép thuật bậc 6. (việc bắn phép cũng tốn 1 stamina).
Nếu đã hết stamina rồi thì bạn có thể chuyển sang một nhân vật khác, mỗi hành động của của nhân vật đó sẽ hồi phục stamina của nhân vật ban đầu. Không có một lượt cụ thể, mà bạn có thể chuyển nhân vật tùy ý, và nếu cả đội đều hết sạch stamina thì địch có thể chen ngang vào bất cứ lúc nào, khiến cho việc chiến đấu tạo thành một luồng trôi chảy, gần như chiến đấu thời gian thực.
Nhắc tới element, đây cũng là một khía cạnh khá độc đáo. Mỗi nhân vật có thể gắn các element vào một mạng lưới riêng của từng nhân vật, giúp họ có thể sử dụng các phép thuật khác nhau nhưu hồi máu, bẳn lửa, v.v.
Điểm đặc biệt là thay vì sử dụng MP, thì các element chỉ được sử dụng… một lần cho mỗi trận chiến (ngoại trừ một số element dạng tiêu hao).
Chrono Cross: The Radical Dreamers Edition có một hệ thống chiến đấu phức tạp, độc đáo, khác lạ, và theo nhận xét của người viết là tương đối nhanh và hấp dẫn, nhưng vẫn đòi hỏi nhiều tính toán trước.
Điều này khiến người chơi phải cân nhắc thật kỹ trước khi sử dụng các element trong chiến đấu, đặc biệt là với quái trùm.
Người viết vẫn nhớ rõ việc bị một quái trùm đầu game “thổi bay” một giờ đồng hồ chiến đấu chỉ vì người viết “lỡ” dùng phép hồi máu quá sớm, và không kịp trở tay với đòn tuyệt chiêu của hắn!
Mỗi element còn có một thuộc tính màu sắc nội tại, thuộc một trong sáu màu: trắng – đen, xanh lá – vàng, đỏ – xanh lam.
Khi sử dụng một element, thì toàn bộ sàn đấu sẽ bị ảnh hưởng bởi màu sắc của element đó, và tuỳ vào ba đòn element gần nhất, sức mạnh của element tiếp theo sẽ được tăng mạnh hoặc giảm mạnh tuỳ vào màu sắc của nó.
Tóm lại, Chrono Cross: The Radical Dreamers Edition có một hệ thống chiến đấu phức tạp, độc đáo, khác lạ, và theo nhận xét của người viết là tương đối nhanh và hấp dẫn, nhưng vẫn đòi hỏi nhiều tính toán trước.
Những cải tiến của một bản “remaster”
Nếu một bản remaster mà không có cải tiến nào thì có lẽ giờ này Square Enix đã bị đông đảo người hâm mộ “tế” khắp mọi nơi rồi!
Những cải tiến của Chrono Cross: The Radical Dreamers Edition bao gồm khả năng tăng tốc game, tự động lắp element vào mạng lưới cho toàn bộ đội ngũ, tự động hồi máu sau mỗi trận chiến, tự động lưu, v.v.
Thậm chí còn có cả chế độ tự động chiến đấu cho việc “cày cuốc” đỡ khổ!
Nếu để nhận xét về những cải tiến đồ họa thì có lẽ người viết không cảm thấy quá ấn tượng, tuy nhiên những người chơi thuộc hệ “hoài cổ” có thể lựa chọn nền đồ họa cổ đại để trải nghiệm đúng phiên bản ra mắt 20 năm trước.
Những bản nhạc tuyệt vời của Mitsuda Yasunori cũng được “tút lại” với chất lượng cao hơn mà không ảnh hưởng tới cái “chất” gốc của chúng.
Nếu một bản remaster mà không có cải tiến nào thì có lẽ giờ này Square Enix đã bị đông đảo người hâm mộ “tế” khắp mọi nơi rồi!
Radical Dreamers
Một trong những bổ sung hấp dẫn nhất dành cho những người hâm mộ Chrono Cross là bộ truyện chữ Radical Dreamers, được viết ra nhằm giải quyết những khúc mắc trong cốt truyện và nhấn mạnh sự liên kết giữa Chrono Cross và Chrono Trigger.
Trước đây, Radical Dreamers chưa bao giờ được dịch ra thị trường phương Tây vì Giám đốc game lúc bấy giờ, Masato Kato, tự thấy chất lượng của phần này quá thấp, tuy nhiên hệ quả là game thủ ngoài Nhật Bản chưa bao giờ được trải nghiệm phần truyện tuy nhỏ mà tương đối quan trọng này.
Tuy nhiên, với Chrono Cross: The Radical Dreamers Edition, người chơi đã có thể trải nghiệm toàn bộ Radical Dreamers, nó được dịch lại một cách hoàn chỉnh ngay sau khi hoàn thành mạch truyện chính Chrono Cross, chỉ thiếu gói thêm Chrono Trigger vào là ta được một bộ sưu tập hoàn thành 100% từ đầu chí cuối!
Một trong những bổ sung hấp dẫn nhất dành cho những người hâm mộ Chrono Cross là bộ truyện chữ Radical Dreamers, được viết ra nhằm giải quyết những khúc mắc trong cốt truyện và nhấn mạnh sự liên kết giữa Chrono Cross và Chrono Trigger.
BẠN SẼ GHÉT
Không phải là một bản remaster tốt!
Phải nói, Square Enix là “hung thần” của các bản remaster, khi Chrono Cross: The Radical Dreamers Edition lại vào danh sách dài dằng dặc những bản remaster mà hãng này không làm tới nơi tới chốn.
Điều dễ nhận thấy là số khung hình trên giây trồi sụt liên tục, điều khá khó chấp nhận với một tựa game đã 20 năm tuổi và không lấy gì làm nặng.
Những đoạn phân cảnh FMV (full-motion video) thì thậm chí còn không được nâng cấp, nếu bạn phóng ra màn ảnh lớn sẽ thấy các nhân vật mờ tịt, vỡ hình bung bét.
Có hai lựa chọn đồ họa: cũ và mới, và như đã nói ở trên, người viết không hề ấn tượng với hệ thống đồ họa mới, chủ yếu do các hình nền vẫn mờ mờ, và bộ lọc khử răng cưa thì được áp dụng vô tội vạ, vô hình chung làm các nhân vật trông cực kỳ… công nghiệp, mất đi khí chất JRPG thuở xưa.
Người viết cũng đã phải chuyển đổi liên tục giữa chế độ 4:3 và 16:9, do có một vài nơi thì 16:9 nhìn rõ đẹp, nhưng có một vài nơi thì hình bị kéo ra rất là buồn cười nên người viết lại phải quay về định dạng 4:3.
Một tựa game như Chrono Cross xứng đáng được hưởng một bản remaster tử tế hơn, nếu không phải là một bản remake với đồ họa hiện đại!
Một tựa game như Chrono Cross xứng đáng được hưởng một bản remaster tử tế hơn, nếu không phải là một bản remake với đồ họa hiện đại!