Company of Heroes 3 – Trong hơn một thập niên vừa qua, thể loại game Chiến thuật thời gian thực (Real Time Strategy) tiến vào thời kỳ thoái trào sau thời gian phát triển rực rỡ những năm đầu thế kỷ, dễ thấy nhất là hàng loạt các dòng game nức tiếng một thời như Starcraft, Red Alert hay Stronghold đều chìm vào trong khó khăn và thậm chí không hẹn ngày ra mắt các hậu bản của mình.
Ngay cả những cái tên còn “trụ vững” theo kiểu “bá vương một cõi”, với cộng đồng hâm mộ đông đảo và kiên định trong cơn thủy triều thoái trào như dòng game Total War của Creative Assembly, cũng trở nên dè dặt hơn sau phiên bản Total War: Rome II khi chỉ tung ra những phần game độc lập (thuộc dòng Total War Saga) với mức kinh phí phát triển thấp, hay phải “chia ba” thế giới của Warhammer để giảm thiểu chi phí phát triển và tối đa hóa lợi nhuận cho các phiên bản Total War: Warhammer.
Thế nên mặc dù cũng có một vài studio độc lập cũng cho ra mắt một vài tựa game chiến thuật thời gian thực có chất lượng tốt, thể loại game này vẫn chưa thể trở lại được thời kỳ rực rỡ của mình.
Mãi đến khoảng thời gian gần đây, mặc dù là một màn trở lại đầy thảm họa, thế nhưng chính Warcraft III: Reforged là tựa game đánh dấu sự bùng nổ một lần nữa của các tựa game chiến thuật thời gian thực, bao gồm cả hậu bản của các dòng game lớn như Age of Empires IV, Stronghold: Warlords hay Crusader Kings III… Dù có thành công lẫn thất bại, nhưng những tựa game này đều đem đến hứng khởi nhất định cho cả các fan lâu năm, lẫn nhóm các game thủ mới.
Trong số các tựa game chiến thuật thời gian thực ra mắt gần đây, có thể nói Company of Heroes 3 là cái tên được trông đợi nhiều nhất kể từ sau kết thúc phần thứ hai của dòng game cách đây gần 10 năm.
Được “nhá hàng” từ năm 2021 với quá trình phát triển kéo dài trong nhiều năm, liệu phần ba này có đủ sức thỏa mãn “cơn khát” của người hâm mộ?
Hãy cùng Vietgame.asia tìm hiểu qua bài đánh giá sau, các bạn nhé!
BẠN SẼ THÍCH
Bảo lưu những giá trị cốt lõi!
Vào năm 2006, khi phiên bản đầu tiên của dòng game ra mắt, cộng đồng game thủ khi ấy gần như bị “choáng ngợp” với tựa game này bởi độ chi tiết cả về mặt đồ họa, lối chơi, lẫn cách dẫn dắt khéo léo trong kịch bản. Thậm chí đây cũng là một trong số ít ỏi những tựa game chiến thuật thời gian thực đầu tiên sử dụng các “mô hình in-game” để tạo ra các đoạn cắt cảnh (cut scene), thay vì phải tốn kém dựng riêng các đoạn video CG (Computer Generated) theo cách truyền thống.
Không chỉ dừng lại ở đó, nếu so sánh với các tựa game chiến thuật thời gian thực ra mắt cùng thời kỳ như World in Conflict, các phần tiền truyện của dòng game Men of War với tên gọi Faces of War thì dòng game Company of Heroes còn “ăn điểm ở khả năng khắc họa những trận chiến đấu khốc liệt với nhịp trận chiến dồn dập, buộc các “chiến thuật gia” phải luôn tay luôn chân “điều binh, khiển tướng” để giải quyết tình hình chiến trận ở góc độ vi mô, dễ dàng thỏa mãn các “fan cuồng” của thể loại này.
Về tổng thể, Company of Heroes 3 vẫn kế thừa và nâng cấp những yếu tố cốt lõi của dòng game, đủ sức thỏa mãn rất nhiều “fan cứng” của mình.
Trước hết, hệ thống đồ họa và vật lý của game đã được nâng cấp toàn diện lên một tầm cao mới, giúp mô tả chiến trường đẹp mắt, ấn tượng và khốc liệt hơn rất nhiều so với các tựa game chiến thuật theo kiểu truyền thống.
Các mô hình, dù là binh lính, phương tiện cơ giới hay các công trình, các vật dụng linh tinh xuất hiện trên màn chơi đều được xây dựng với độ phân giải cao, đủ sức thể hiện trên các hệ thống PC chơi game hàng đầu ở độ phân giải lên đến 4K cùng với các diễn hoạt chi tiết, phù hợp với các loại phương tiện và khí tài như nó vốn có trong lịch sử mà không phải các mô hình mang tính chất “ước lệ” như với nhiều tựa game chiến thuật khác.
Chẳng hạn như bạn sẽ thấy lính pháo binh phải nạp đạn cho từng phát pháo, hay khi xe thiết giáp bị trúng đạn nghiêm trọng thì tổ lái… phải bỏ xe mà trốn, thậm chí với từng phát bắn của xe tăng cũng có thể làm cho bụi đất xung quanh bốc lên tung tóe!
Ấn tượng nhất là các vụ nổ được thiết kế với độ chi tiết cao hơn, tạo ra ấn tượng và sức phá hủy mạnh mẽ hơn rất nhiều các phiên bản trước đây, cả đối với công trình lẫn địa hình.
Bên cạnh đó, Relic Entertainment còn nâng cấp engine đồ họa của tựa game hỗ trợ những công nghệ tiên tiến nhất hiện nay như đổ bóng bằng Ray Tracing hay các công nghệ tăng tốc đồ họa bằng AI như DLSS hay FSR.
Phần hình được nâng cấp, phần âm cũng không kém cạnh khi rất nhiều âm thanh được thu lại với chất lượng cao hơn, tạo ra được cảm giác chân thực như đang ở ngay giữa chiến trường nếu bạn sở hữu các hệ thống tai nghe hay dàn loa tốt.
Các bản nhạc trong game được hai nhạc sĩ Tilman Sillescu và Benny Oschmann thực hiện vô cùng công phu, mang hơi hướng hào hùng của các bộ phim chiến tranh hoành tráng, mang lại cảm xúc mạnh mẽ cho game thủ trong suốt thời lượng của game.
Phải biết rằngTilman Sillescu là nhà soạn nhạc chịu trách nhiệm chính cho hàng loạt các tựa game “bom tấn” với lý lịch thuộc loại “dày cộp”. Gần đây nhất, tên tuổi của ông là sự bảo chứng cho thành công về mặt âm thanh trong cả Tropico 6 và Anno 1800, thế nên phần “nghe” của tựa game là một sự hưởng thụ vô cùng thú vị khi người chơi tham gia vào từng chiến dịch.
Mục chơi mạng vẫn là điểm đáng hài lòng nhất của Company of Heroes 3, nhất là khi nó phát huy khá ổn định những ưu điểm mà dòng game đã đạt được trên phiên bản thứ hai và thêm thắt vào đó một số yếu tố mới mẻ của riêng phiên bản ra mắt lần này.
Các nhà phát triển game vẫn giữ được sự khác biệt nhất định giữa các phe, trong khi duy trì được sự cân bằng nhất định trong cả ba giai đoạn đầu game, giữa game và cuối game chứ không gây quá mất cân bằng trong từng giai đoạn như những gì tựa game “mô phỏng” theo dòng game Company of Heroes nhưng lấy bối cảnh “Dieselpunk” là Iron Harvest đã vấp phải!
Thậm chí đội ngũ phát triển theo dõi các màn chơi và các phản hồi nhằm lựa ra và cân bằng lại game liên tục qua các bản vá nhỏ trong suốt thời gian vừa qua kể từ khi ra mắt.
Mục chơi mạng vẫn là điểm đáng hài lòng nhất của Company of Heroes 3
Ở một chừng mực nào đó, đây vẫn là một sự nâng cấp hoàn hảo cho những fan hâm mộ vẫn còn gắn bó với phần chơi mạng của phần thứ hai loạt game với nhiều nâng cấp ấn tượng cùng các nội dung bổ sung đủ để làm phong phú thêm cho lối chơi của game thủ.
Về tổng thể, Company of Heroes 3 vẫn duy trì và phát huy được những giá trị cốt lõi của dòng game, đủ để đem đến cho game thủ những hứng thú nhất định.
BẠN SẼ GHÉT
Phát triển chưa “tới”!
Phải nói rằng dù hao tốn nhiều năm để phát triển, thế nhưng Company of Heroes 3 vẫn chưa thể đạt được những gì mà các fan mong đợi khi rất nhiều ý tưởng nghe-thì-hay, nhưng lại thực sự phát triển chưa “tới”, nhất là với phần chơi chiến dịch chính của tựa game.
Ngay từ những bước phát triển đầu tiên, Relic Entertainment đã xác định sẽ phát triển phần game này với những tính năng hấp dẫn với cả những người chơi mới, thay vì chỉ tập trung vào thỏa mãn các fan trung thành đang ngày một đòi hỏi nhiều hơn các tính năng chuyên sâu.
Kết quả là họ đã đưa ra một phần chơi đơn khá… “hoành tráng” với hai chiến dịch Italy và Bắc Phi, kết hợp các màn chơi được thiết kế theo kiểu truyền thống trên hai phần game trước với phương thức “bản đồ chiến dịch” theo kiểu các tựa game 4X, một yếu tố có phần “ăn theo” dòng game Total War.
Phần chơi này có phần đơn giản, tập trung chủ yếu vào “điều binh khiển tướng” và thậm chí là gần như chẳng có bất kỳ yếu tố xây dựng, nghiên cứu hay quản lý tài nguyên nào đáng kể.
Gần như màn chơi sẽ bó buộc bạn theo một vài hướng phát triển nào đó xuất phát từ gợi ý của một vài vị tướng lãnh, từ đó tăng điểm trung thành cũng như lợi thế của bạn trên chiến trường tùy thuộc “chuyên môn” mà vị tướng có ảnh hưởng đến bạn.
Nghe thì có vẻ hay ho, thế nhưng khi “đụng trận” thì gần như bạn sẽ được dẫn dắt vào các bản đồ chiến trận Skirmish theo cách truyền thống, với một vài nhiệm vụ nhỏ và ngẫu nhiên với không có quá nhiều khác biệt. Điều này thậm chí còn dẫn đến một vài rắc rối khác (sẽ được đề cập đến ở phần sau).
Kết quả là với hầu hết các trận chiến có khuynh hướng chẳng khác gì nhau, người chơi thường sẽ lựa chọn cho máy “tự xử” (Auto Resolve) thay vì hăng hái chiến đấu từng trận để tiết kiệm binh lính và tài nguyên như với các tựa game dòng Total War.
Bước chuyển mình này cho thấy chính bản thân đội ngũ phát triển tại Relic Entertainment cũng chưa thực sự thử nghiệm đủ để có thể tìm ra được một lối chơi phù hợp.
Một vấn đề khác gây khó chịu cho người chơi chính là việc A.I (Artificial Intelligence – Trí thông minh nhân tạo) của Company of Heroes 3 vẫn không khác gì hai phiên bản trước đó, với đầy những lỗi tìm đường cũng như lỗi phản ứng với các tác nhân bên ngoài.
Chẳng hạn bạn có thể bắt gặp cảnh lính bạn và đối phương đi… xuyên qua nhau theo một phong cách đầy hữu hảo, hay trân mình ra cho đối phương nã đạn chỉ để đi đến đúng mục tiêu chỉ định, thậm chí là mắc kẹt không tìm được đường đi khi gặp các địa hình phức tạp.
Với những màn chơi được thiết kế kỹ lưỡng có các nhiệm vụ cụ thể và nhịp chơi dồn dập như hai phiên bản trước đó, sự kém cỏi của A.I, dù vẫn hiện hữu, nhưng rất dễ bị che lấp khiến người chơi không dễ dàng nhận ra được, thế nhưng khi đến với các màn chơi dạng Skirmish thì các yếu tố đó bộc lộ ra vô cùng rõ ràng!
Đó là chưa kể đến các màn chơi “đinh” theo phong cách truyền thống trong phần thứ ba này lại có khuynh hướng khá… hiền, phù hợp hơn với người chơi mới, nhưng cũng thiếu đi sức ép quen thuộc cần thiết để tạo nên độ căng thẳng níu chân các “fan cứng” của dòng game.
Các yếu tố này khiến cho phần chơi chiến dịch của Company of Heroes 3 gây ra khá nhiều thất vọng, nếu đứng trên quan điểm của một fan trung thành của cả dòng game như người viết.
Ngoài ra, tựa game cũng sở hữu khá nhiều lỗi kỹ thuật không đáng có dù nhà phát triển đã cho ra bản vá hơn… 1000 lỗi khác nhau (“ít ghê”, bạn nhỉ?) kể từ khi game ra mắt!
Bản thân người viết cũng gặp phải một vài lỗi khó chịu, chẳng hạn như lính lái xe tăng vẫn sống khỏe (thậm chí còn… bất tử) dù cho xe nổ tung, hay đánh thẳng vào căn cứ đối phương trong phần chơi Skirmish có thể gây treo máy, buộc người chơi phải nạp lại bản lưu.
Những yếu tố này tuy nhỏ, nhưng tồn tại rải rác trong suốt thời lượng chơi của game, khiến cho ngay cả các fan “dễ dãi” nhất cũng phải lắc đầu ngao ngán…
Tất cả những điều này cho thấy, mặc dù có một định hướng rõ ràng và thời gian dư dả, thế nhưng đội ngũ phát triển game vẫn chưa thực sự đạt được điểm “chín” cần thiết cho màn trở lại này.
Gần như màn chơi sẽ bó buộc bạn theo một vài hướng phát triển nào đó xuất phát từ gợi ý của một vài vị tướng lãnh