Corsair 4000X RGB – Có thể nói Corsair là một trong những tên tuổi lớn trong làng sản xuất phụ kiện hiện nay vẫn rất “chăm chỉ” tung ra các sản phẩm mới hàng năm nhằm cập nhật các thiết kế và công nghệ để thoả mãn nhu cầu ngày càng đa dạng của các game thủ hiện đại.
Bẵng đi một thời gian, hãng lại tiếp tục nâng cấp các dòng thùng máy (case) chơi game của mình ở phân khúc sản phẩm trung cấp với dòng Corsair 4000 Series Mid Tower, trong đó bao gồm ba phiên bản sở hữu cùng ngôn ngữ thiết kế và tính năng, nhưng lại khác nhau đôi chút để phục vụ cho nhu cầu đa dạng của người dùng.
Phiên bản đắt đỏ nhất trong cả ba mẫu thùng máy này chính là Corsair 4000X RGB, sở hữu thiết kế hai mặt kính để phô bày hệ thống đèn màu cùng quạt tản nhiệt “hạng nặng” của Corsair, dành cho các fan thích phô bày các bản trình diễn của ánh sáng.
Mẫu thùng máy đắt giá nhất trong các sản phẩm thùng máy tầm trung của Corsair ra mắt lần này có gì đặc biệt? Hãy cùng Vietgame.asia đến với bài “đập hộp” và đánh giá nhanh sản phẩm các bạn nhé!
CORSAIR 4000X RGB – NHIỀU KÍNH, NHIỀU QUẠT, NHIỀU ĐÈN!
Phải nói rằng là một trong ba sản phẩm thùng máy dòng Corsair 4000 Series, thế nên Corsair 4000X RGB gần như không có nhiều khác biệt với phiên bản Corsair 4000D Tempered Glass được nhóm giới thiệu đến với bạn đọc cách đây ít lâu.
Cả hai đều sở hữu kích thước Mid Tower tiêu chuẩn, do đó chia sẻ khá nhiều tương đồng với phiên bản thùng máy tầm trung Corsair Carbide 275R mà hãng ra mắt hồi năm 2018.
Vẫn không rõ liệu Corsair có thay thế dòng sản phẩm Corsair Carbide 275R bằng các mẫu thùng máy thuộc dòng Corsair 4000 Series hay không, nhưng hiện cả hai dòng sản phẩm này có mức giá khá tương tự nhau.
Ấn tượng đầu tiên của người viết đối với mẫu thùng máy cao cấp này chính là sự thống nhất về mặt thiết kế, tạo thành một chỉnh thể đồng nhất ngay từ cái nhìn đầu tiên với tông màu đen ấn tượng liền mạch ở tất cả các mặt của thùng máy.
Thiết kế này có phần giống với MSI MPG GUNGNIR 100 khi lớp kính hông và kính mặt trước đều được xử lý sẫm màu, gần như “tiệp” hẳn với lớp sơn tĩnh điện trên nền khung thép, đó là chưa kể khu vực viền kính còn được sơn đen với các nẹp kính bằng kim loại, thế nên thoạt nhìn từ xa, rất khó để tách bạch hai chất liệu này ra dù cùng sử dụng thiết kế của dòng thùng máy Corsair 4000 Series, không khác biệt nhiều với các sản phẩm khác.
Cũng chính vì thế mà khác với cảm giác vững chãi với các chi tiết khung thép nằm “lộ thiên” đến từ mẫu thùng máy Corsair 4000D Tempered Glass, Corsair 4000X RGB đem đến cảm quan sang trọng hơn, nhưng cũng “mong manh” hơn khi sở hữu đến hai mặt kính bao gồm mặt kính hông như các phiên bản khác và một mặt kính phía trước thay thế cho lớp mặt nạ bằng nhựa trên phiên bản 4000D để có thể dễ dàng “phô bày” các quạt tản nhiệt bên trong.
Mặt trên của thùng máy cũng sở hữu khu vực lắp tản nhiệt nước AIO cỡ lớn với kích thước radiator từ 280mm đến 360mm được đặt “lệch pha” về một bên. Từ đó giúp cho các tản nhiệt “ngoại cỡ” này không “chèn ép” RAM và các dắt cắm khác trên bo mạch chủ như một vài thiết kế thùng máy trước đây chỉ đơn thuần là khu vực dành cho các quạt thông gió mà thôi.
Điều này cũng cho thấy khuynh hướng phổ biến của các hệ thống sử dụng tản nhiệt nước AIO đang dần hiện hữu, nhất là khi các CPU đời mới đang được “nhồi nhét” ngày càng nhiều nhân với mức nhiệt thiết kế TDP (Thermal Power Designed) cần đến những bộ tản nhiệt nước “hạng nặng”, chẳng hạn như Corsair iCUE H150i RGB PRO XT với bộ radiator 360mm mới đủ sức giải nhiệt cho các CPU cao cấp được ép xung “kịch trần” hoạt động trong thời gian dài.
Ngay kề bên là các cổng I/O theo tiêu chuẩn được phay khắc vô cùng chuẩn xác với các nút bấm như Power và Reset được thiết kế “bán chìm” với kích thước vô cùng vừa vặn, tạo cảm giác sang trọng cho người dùng. Đặc biệt nhất, là cổng kết nối USB Type C sử dụng chuẩn USB 3.1 hỗ trợ hoàn toàn cho các thiết bị hiện đại sử dụng chuẩn này hiện nay.
[su_quote]khác với cảm giác vững chãi với các chi tiết khung thép nằm “lộ thiên” đến từ mẫu thùng máy Corsair 4000D Tempered Glass, Corsair 4000X RGB đem đến cảm quan sang trọng hơn, nhưng cũng “mong manh” hơn[/su_quote]Mặt nạ nhựa phía trước trên phiên bản Corsair 4000D Tempered Glass cũng được thay thế bằng kính cường lực sẫm màu trên Corsair 4000X RGB với cơ cấu ngàm giữ tương tự có thể thay thế lẫn nhau.
Phía sau lớp kính này là lưới lọc bụi màu đen cùng với ba quạt tản nhiệt SP120 RGB PRO do Corsair sản xuất với công nghệ AirGuide với tốc độ lên đến 1400rpm và đèn nền LED RGB 8 bóng thay cho chỉ duy nhất một quạt “trơn” trên phiên bản 4000D.
Ba quạt tản nhiệt này được kết nối với một bộ điều khiển đèn LED iCUE Lighting Node CORE có thể dễ dàng kết nối với hệ sinh thái iCUE tạo nên màn trình diễn ánh sáng đồng nhất và ngoạn mục trên toàn hệ thống với khả năng điều khiển hiệu ứng cho từng quạt khác nhau và khả năng mở rộng thêm 3 quạt nữa bằng phần mềm iCUE.
Đây là chi tiết làm cho phiên bản Corsair 4000X RGB trở nên đắt giá nhất trong số ba phiên bản thùng máy thuộc dòng Corsair 4000 Series bởi chỉ riêng ba quạt SP120 RGB PRO và bộ điều khiển ánh sáng đã có mức giá bán lẻ lên đến 1.75 triệu đồng, gần bằng mức giá của phiên bản Corsair 4000D Tempered Glass rẻ nhất của cả dòng sản phẩm.
Hệ thống đi dây gọn gàng với các dây dán velcro và các “máng” giữ dây vẫn là đặc trưng của Corsair giúp cho việc quản lý dây cấp điện trở nên đơn giản và dễ dàng hơn.
Điều đáng tiếc nho nhỏ vẫn là mặc dù có mức giá ngang với các thùng máy thuộc phân khúc trung – cao cấp, thế nhưng các lỗ đi dây vẫn không được trang bị các doăng cao su chống cắt như trên Corsair Carbide 275R hay các dòng thùng máy cao cấp hơn của hãng như mẫu Corsair Crystal 680X Series RGB.
Thùng máy có khá nhiều vị trí để lắp ổ cứng, bao gồm 2 ổ trong khu vực chứa bộ nguồn và 2 rack treo ổ cứng kích thước 2.5mm phía sau thùng máy. Nếu cảm thấy chưa đủ, bạn hoàn toàn có thể mua thêm phụ kiện rack để gắn thêm 2 ổ cứng khác trên “sàn” thùng máy, nâng tổng số ổ cứng có thể gắn được lên đến 6 ổ. Một con số khá ấn tượng với một thùng máy Mid-Tower có kích thước không quá lớn.
Cũng tương tự như phiên bản Corsair 4000D Tempered Glass, Corsair 4000X RGB cũng sở hữu điểm trừ nhẹ ở thiết kế thanh nẹp kính ở cả hai mặt bên và mặt trước được dán chắc vào cạnh bên của kính chứ không tạo thành dạng nẹp, bảo vệ tốt các viền kính như với một số mẫu thùng máy cao cấp.
Mặt sau của thùng máy cũng không khác biệt nhiều so với phiên bản Corsair 4000D Tempered Glass, cũng với những khe cắm tiêu chuẩn được bắt ốc có thể mở được bằng tay và hai khe cắm dọc cho phép người dùng dựng đứng card đồ hoạ thông qua một adapter có thể mua riêng.
Có thể nói, dù đắt hơn phiên bản Corsair 4000D Tempered Glass đến 1 triệu đồng, thế nhưng những nâng cấp của Corsair 4000X RGB là rất đáng giá. Bạn có thể sở hữu giải pháp đèn và tản nhiệt thùng máy toàn diện với thiết kế mặt kính từ phía trước để dễ dàng “khoe hàng” với một mức giá “mềm” hơn rất nhiều so với mua riêng linh kiện và nâng cấp lẻ về sau.
TỔNG QUAN
Nhìn chung, Corsair 4000X RGB là một mẫu thùng máy có kết cấu không khác nhiều so với thiết kế chung của dòng sản phẩm Corsair 4000 Series, cũng vẫn với thiết kế chắc chắn với khung bằng thép, các khu vực lắp linh kiện được bố trí ngăn nắp, gọn gàng và là một nền tảng tốt cho một thùng máy chơi game chất lượng.
Những nâng cấp mặt kính phía trước, hệ thống quạt tản nhiệt, hệ thống điều khiển đèn đóm so với phiên bản thông thường Corsair 4000D Tempered Glass là vô cùng sáng giá khi người dùng chỉ phải bỏ ra một số tiền nhỏ để nhận được những nâng cấp lớn, gần như “nâng tầm” hệ thống PC của bạn ngang hàng với các sản phẩm sử dụng thùng máy thuộc phân khúc cao cấp.
Có thể nói, nếu là một fan của các màn trình diễn trên PC, Corsair 4000X RGB là một mẫu thùng máy vô cùng thích hợp cho bạn.
BÀI MỚI NHẤT
- 11 Bit Studios hủy Project 8, thực hiện sa thải hàng loạt! – Tin Game
- Mùa Lễ Hội, Mùa Nâng Cấp với GeForce RTX – Tin Gaming Gear
- Sonic the Hedgehog 4 sẽ khởi chiếu trong năm 2027! – Tin Game
- COLORFUL Giới Thiệu Dòng Bộ Nhớ iGame Shadow DDR5 – Tin Gaming Gear
- STALKER 2: Heart of Chornobyl “vá” hơn 1800 lỗi trong bản cập nhật 1.1! – Tin Game
- Netflix đang cân nhắc thực hiện phim chuyển thể STALKER! – Tin Game