Corsair 7000D Airflow – Với đại đa số người dùng, đặc biệt là các game thủ, những mẫu thùng máy to lớn, rộng rãi, đẹp mắt với kích thước Mid Tower luôn là những sản phẩm hấp dẫn bởi chỉ có những thùng máy loại này mới đủ sức chứa đựng trong mình những card đồ hoạ cao cấp có kích thước đồ sộ.
Mặc dù vậy, dòng thùng máy Mid Tower cũng có nhiều kích cỡ khác nhau, “nhỏ nhắn” một chút có thể hơi chật hẹp với các mẫu card đồ hoạ cỡ lớn như FSP CMT340, đến to lớn đôi chút như các mẫu thùng máy Corsair 5000X RGB là khá đủ đầy với nhiều “dân chơi” có sở thích bố trí thùng máy với những dàn tản nhiệt nước “tự thửa” cỡ lớn.
Thế nhưng không dừng lại ở đó, những người chơi máy tính cao cấp nhất luôn có đòi hỏi về những mẫu thùng máy to lớn, rộng rãi và thông thoáng hơn nữa để họ có thể tự do bố trí linh kiện, “trưng bày” các bộ tản nhiệt nước công phu, hay thậm chí “nhồi nhét” cả những mô hình cỡ lớn biến thùng máy thành một tác phẩm nghệ thuật.
Những người dùng cao cấp này có khuynh hướng tìm đến những dòng thùng máy dòng Full Tower, và Corsair luôn là tên tuổi đáng tin cậy cho những modder hàng đầu lựa chọn với hàng tá các giải thưởng đạt được trong các kỳ thi mod máy cùng các nhóm modder tên tuổi.
Sau khi cho ra mắt loạt thùng máy Corsair 4000 Series và Corsair 5000 Series, hãng lại tiếp tục tung ra dòng thùng máy Full Tower Corsair 7000 Series. Với sự hỗ trợ từ Corsair, Vietgame.asia đã có dịp “đập hộp” và đánh giá nhanh phiên bản thùng máy Corsair 7000D Airflow đời mới này.
Vậy một mẫu thùng máy có mức giá 5.4 triệu đồng có gì đặc biệt?
Hãy cùng chúng tôi tham khảo bài viết các bạn nhé!
CORSAIR 7000D AIRFLOW – “THE MORE THE BETTER”
Corsair là một hãng sản xuất phụ kiện hàng đầu dành cho game thủ có trụ sở tại Mỹ. Cũng chính vì thế mà mặc dù ngay cả khi hãng đã đặt trung tâm nghiên cứu phát triển sản phẩm tại Đài Loan, những “tác phẩm” của Corsair vẫn sở hữu một “cái chất” vô cùng khác biệt với phần đông các sản phẩm đến từ các hãng Châu Á.
Một trong những đặc điểm nổi trội nhất của các sản phẩm đến từ hãng này là nguyên tắc “The More The Better”, càng nhiều càng tốt, vậy nên Corsair luôn luôn tìm kiếm những yếu tố tiên phong trong “ngành”, chẳng hạn như mẫu bàn phím Corsair K70 RGB TKL có tần số quét hình 8000Hz cao gấp 8 lần các bàn phím chơi game bình thường, dù kết quả thử nghiệm thực tế rất khó nhận biết với đại đa số người dùng.
Corsair 7000D Airflow cũng sở hữu cái “nhiều” tương tự.
Được phát triển trên cùng bộ khung thiết kế với các mẫu sản phẩm thùng máy Corsair 4000 Series và Corsair 5000 Series, thế nên thoạt nhìn, mẫu thùng máy “cỡ đại” này khá giống với Corsair 5000D Airflow nhưng với kích thước lớn hơn.
Đúng với tên gọi “Airflow”, mặt trước mẫu thùng máy này là lớp mặt nạ đục lỗ bằng kim loại với khả năng lấy gió “thoải mái” cho các quạt hút gió lắp ở mặt trước.
Tuy nhiên, do có kích thước lớn hơn nên mặt trước của Corsair 7000D Airflow có thể được trang bị tới ba quạt hút gió 140mm thay vì chỉ ba quạt 120mm như trên phiên bản Corsair 5000 Series, giúp đem lại lượng gió dồi dào hơn hẳn cũng như độ sáng “hớp hồn” nhờ kích thước quạt tản nhiệt lớn hơn.
Mặt trên thùng máy cũng sở hữu lớp lưới bảo vệ cứng, bên trong là lưới chống bụi hít từ tính vào khung thùng máy, bảo vệ cho mặt trên khỏi bụi bẩn nhưng lại vô cùng dễ dàng vệ sinh khi cần thiết.
Mặt sau vẫn là lớp vỏ bằng kim loại với lỗ thoát khí cho cấu hình tản nhiệt đặt song song với linh kiện. Bên trong đó là một lớp cửa sổ “che đậy” cho đám dây nhợ rắc rối cùng “dàn bo mạch” điều khiển đèn, quạt nối dài tương tự như trên phiên bản Corsair 5000D Airflow.
Điểm khác biệt lớn nhất của Corsair 7000D Airflow và hai phiên bản tiền nhiệm chính là cả lớp vỏ sau và lớp cửa kính bên ngoài đều được gắn với khung vỏ bằng bản lề và được giữ lại bằng một ngàm kẹp thay vì sử dụng ốc vít như truyền thống.
Phương thức này vô cùng hiệu quả, nhất là đối với tấm kính mặt trước đã trở nên to hơn, nặng hơn, và thậm chí dễ làm… run tay người dùng khi tháo ráp.
Corsair còn chu đáo đến mức gắn thêm một lớp đệm ở viền kính, tránh cho việc người dùng sập mạnh cửa kính vào gây tổn thương cho tấm kính.
Thế nên người dùng hoàn toàn có thể yên tâm khi mạnh tay nhấn cửa kính vào ngàm kẹp mà không cần phải lo ngại mình ấn mạnh tay có thể làm vỡ tấm kính giá trị.
Là một thùng máy dạng Full-Tower, không gian bên trong Corsair 7000D Airflow là vô cùng rộng rãi với khả năng tiếp nhận những bo mạch chủ EATX cỡ siêu lớn sử dụng giải pháp nhiều vi xử lý và card màn hình, phù hợp cho những dàn máy trạm phục vụ cho các tác vụ chuyên nghiệp có giá trị lên đến hàng trăm triệu đồng.
Không chỉ thế, người dùng có thể tự do trang bị đến 7 quạt 140mm hay 12 quạt 120mm (thậm chí đủ không gian cho hai tản nhiệt nước 360mm cho hai CPU chạy song song), 4 ổ cứng kích cỡ 2.5″ và 6 ổ cứng 3.5″ cho các cấu hình trung tâm lưu trữ, làm việc, đảm bảo cho cả hệ thống cồng kềnh có thể hoạt động trơn tru, thoải mái với tất cả các chi tiết đều được luồng gió làm mát tối đa cho những phiên làm việc hết công suất kéo dài hàng chục giờ liên tục.
Corsair tặng kèm theo thùng máy ba quạt 120mm công suất cao gồm hai quạt hút ở mặt trước và một quạt thổi ở mặt sau, đem lại luồng gió lưu động trong lòng máy ngay cho người dùng chứ không “trần trụi” như với các phiên bản tiền nhiệm.
Mặt sau, Corsair cũng “khoét lỗ” chừa chỗ cho người dùng lắp card đồ hoạ theo chiều dọc, đảm bảo những người dùng hệ “chơi PC” hoàn toàn có không gian để “khoe” các linh kiện xịn sò của mình.
Tổng kết
Nhìn chung, Corsair 7000D Airflow không có quá nhiều khác biệt về ngôn ngữ thiết kế so với hai phiên bản ra mắt trước đó.
Thế nhưng những thay đổi vô cùng nhỏ, nhưng đủ để cho thấy sự cân nhắc tỉ mỉ của đội ngũ thiết kế tại Corsair với trải nghiệm người dùng khi chuyển sang một thùng máy cỡ lớn Full-Tower.
Điều này khiến cho chiếc thùng máy đắt giá này trở thành một sản phẩm cao cấp thật sự, bảo vệ cho các linh kiện đắt tiền trong máy trạm, hay là “khu trưng bày” đẹp mắt cho những người thích chơi PC hiện nay.