Corsair CX750F RGB – Năm 2020 chứng kiến khá nhiều thay đổi đến với Corsair, một trong những hãng sản xuất thiết bị, phụ kiện dành cho game thủ hàng đầu nước Mỹ với hàng loạt những sản phẩm được nâng cấp với các công nghệ mới, có thể kể đến loạt chuột chơi game được “lên” kết nối không dây với công nghệ SlipStream tiên tiến.
Các bộ tản nhiệt nước Corsair Hydro cũng trở nên “thông minh” hơn như mẫu Corsair iCUE H150i RGB PRO XT 360mm với khả năng giao tiếp tốt cùng hệ sinh thái iCUE độc quyền của hãng, hay thậm chí cả mẫu bàn phím cơ chơi game giá mềm lâu năm Corsair K68 RED LED cũng đã được thay thế bằng phiên bản Corsair K60 Pro với những nâng cấp sáng giá.
Thế nên không thể bỏ qua được dòng sản phẩm bộ nguồn dòng phổ thông CX của hãng cũng được “theo gió” nâng cấp với một diện mạo hoàn toàn mới, đáp ứng tốt hơn nhu cầu của người dùng mà đại diện “giá mềm” nhất trong số các sản phẩm ra mắt lần này là mẫu Corsair CX550F RGB đã được Vietgame.asia giới thiệu đến bạn đọc cách đây ít lâu với mục tiêu hướng tới các hệ thống tầm phổ thông.
Trong khi đó, phiên bản cao cấp nhất của dòng bộ nguồn CX có tên gọi Corsair CX750F RGB sẽ là sản phẩm “chủ lực” của Corsair để “khiêu chiến” với các hệ thống PC mạnh mẽ và cao cấp nhờ vào công suất thuộc hàng “khủng long” trong thế giới bộ nguồn hiện nay. Thế nên không ít người dùng nhìn vào và đặt ra một câu hỏi: Liệu một bộ nguồn dòng CX có đủ sức “kéo” các hệ thống hàng đầu hiện nay?
Hãy cùng Vietgame.asia đập hộp và đánh giá nhanh sản phẩm này các bạn nhé!
CORSAIR CX750F RGB – “CƠ BẮP” VÀ SỨC MẠNH
Trên thực tế, mặc dù sở hữu những bộ nguồn thuộc loại “lừng danh” hàng đầu, đủ sức thoả mãn những hệ thống PC cao cấp nhất trên thị trường hiện nay, thế nhưng quá trình phát triển các dòng bộ nguồn dành cho PC “bình dân” và trung cấp của Corsair ở thế hệ trước cũng không hoàn toàn suôn sẻ với nhiều phiên bản không đạt được kỳ vọng của người dùng trong phân khúc này.
Chính vì thế mà sau khi quyết định “lên đời” cho dòng bộ nguồn CX, có vẻ như Corsair muốn làm triệt để hơn khi thậm chí hãng đã từ bỏ lối thiết kế vuông vức, đơn giản thông thường để theo đuổi một thiết kế có phần “cơ bắp” hơn, rắn rỏi hơn của các bộ nguồn dòng RM vốn tạo ấn tượng vô cùng tốt đối với người dùng cao cấp vào trong bộ nguồn Corsair CX750F RGB ra mắt lần này.
Ấn tượng đầu tiên đối với mẫu bộ nguồn chính là một lớp vỏ bằng thép dày dặn, chắc chắn hơn hẳn cách thiết kế lớp vỏ phẳng, nhưng mỏng và dễ … “lún” vào trong khi người dùng ấn mạnh lên bề mặt vỏ bảo vệ.
Lớp vỏ này tạo thành một lớp bảo vệ vô cùng liền lạc với các phần vỏ được kéo dài ép chặt vào trong và bo tròn các góc, các cạnh, khiến cho chính lớp vỏ này có thể bám chắc vào nhau thay vì chỉ phụ thuộc vào các ốc như thiết kế thông thường.
Thiết kế dạng đan chéo giữa các mảnh vỏ máy này khiến cho nỗ lực muốn “mổ bụng” bộ nguồn ra xem các kết cấu bên trong của người viết mà không có bất kỳ công cụ chuyên dụng nào hỗ trợ là một câu chuyện không tưởng, càng làm đậm nét thêm sự chắc chắn của sản phẩm.
Bên cạnh đó, mẫu bộ nguồn này cũng được thiết kế ngược với hầu hết các bộ nguồn thông thường, có phần tương tự các bộ nguồn cao cấp ra mắt trong thời gian gần đây như ROG Thor 850W Platinum với quạt tản nhiệt hướng lên phía trên.
Corsair đã trang bị cho Corsair CX750F RGB một quạt tản nhiệt 120mm có tích hợp đèn nền RGB. Thế nhưng khác với các quạt giải nhiệt 120mm thông thường đang bán trên thị trường, phiên bản quạt tản nhiệt này có thể tắt được đèn nền độc lập thông qua một công tắc nhỏ phía sau nguồn.
Thiết kế này giúp cho bộ nguồn có thể dễ dàng “khoe khoang” khả năng trình diễn ánh sáng vô cùng hút mắt của mình, thế nhưng trong bối cảnh rất nhiều bộ case hiện đại đều tìm mọi cách để … giấu nguồn ở một khu vực riêng biệt thì có vẻ như tính năng này không dễ tìm được “đất dụng võ”.
Chính vì thế, nếu quyết định “tậu” bộ nguồn này cho cỗ máy PC chơi game của mình, bạn sẽ phải “cất công” lựa chọn một mẫu case “khoét nóc” khu vực khay nguồn, chẳng hạn như mẫu thùng máy Corsair 4000X RGB nói riêng và dòng sản phẩm 4000 series nói chung vừa được ra mắt gần đây sở hữu thiết kế thân thiện với bộ nguồn “khoe hàng” dòng CX.
[su_quote]Thiết kế này giúp cho bộ nguồn có thể dễ dàng “khoe khoang” khả năng trình diễn ánh sáng vô cùng hút mắt của mình[/su_quote]Mặt trước bộ nguồn là các khe cắm nối dây với đầy đủ các cổng “ăn chơi” như 4 cổng cấp nguồn 8 chân dành cho CPU hay card đồ hoạ, 2 cổng cấp nguồn cho bo mạch chủ và 3 cổng cấp nguồn SATA.
Điểm độc đáo của dòng bộ nguồn CX đời mới chính là khả năng điều khiển được đèn LED của quạt tản nhiệt thông qua cổng RGB In nếu kết nối với bộ điều khiển đèn LED CORSAIR iCUE Lighting Node CORE (mua riêng hay có tích hợp sẵn trong mẫu thùng máy Corsair 4000X RGB) trong hệ sinh thái iCUE, hay cắm trực tiếp vào cổng ARGB trên bo mạch chủ.
Đây là điểm khác biệt ấn tượng giữa các bộ nguồn dòng CX của Corsair như mẫu Corsair CX750F RGB trong tương quan so sánh với các bộ nguồn trang bị quạt tản nhiệt RGB trên thị trường hiện nay.
Các dây nối đi kèm được thiết kế và sản xuất dưới dạng cáp dẹp khá thông dụng, chỉ duy nhất có dây cấp nguồn cho bo mạch chủ được bọc lưới chóng gập gãy và chống cắt.
Đây cũng là bộ nguồn được thiết kế theo phương thức dây rời hoàn toàn (full modular) thay cho thiết kế bán phần (semi modular) trên phiên bản CX750M trước đây, tạo ra sự tiện lợi cao nhất cho người dùng, nhất là khi sản phẩm đời mới sở hữu mức giá chênh lệch không nhiều so với phiên bản cũ.
Đã có lần thử nghiệm trước đây trên phiên bản Corsair CX550F RGB, thế nên người viết cũng có sự tin tưởng tốt hơn vào phiên bản cao cấp Corsair CX750F RGB lần này, nhất là khi có thông tin “bộ đồ lòng” của sản phẩm được HEC gia công theo tiêu chuẩn cao cấp với những công nghệ hiện đại và mới mẻ bằng những linh kiện cao cấp cũng như đạt chuẩn 80 Plus Bronze.
Người viết đã có dịp sử dụng bộ nguồn này để tiến hành thử nghiệm hai mẫu CPU đời mới hiện nay là AMD Ryzen 7 5800x và AMD Ryzen 9 5900x cùng với card đồ hoạ Sapphire Pulse RX 5600 XT 6G, thậm chí sau đó là một khoảng thời gian ngắn với cả card đồ hoạ cao cấp Gigabyte RTX 3080 Vision OC 10G.
Kết quả thu được là rất đáng ghi nhận khi bộ nguồn hoàn toàn có thể cung cấp đủ năng lượng cho cả CPU và card đồ hoạ hoạt động ở mức cao trong thời gian dài mà không có bất kỳ tình huống tụt xung nhịp hay “sụp nguồn” nào, dù cho tổng công suất của cả hệ thống có lúc lên trên mức 650W khi CPU AMD Ryzen 9 5900x được đưa vào chế độ Boost với xung nhân đạt mức 4.7GHz.
Quạt tản nhiệt vẫn hoạt động tốt và êm ái, ngay cả khi áp gần tai vào thúng máy, hầu hết thời gian người dùng chỉ có thể nghe thấy tiếng quạt tản nhiệt của card đồ hoạ và bộ tản nhiệt nước AIO mà thôi, đối với quạt của bộ nguồn có tiếng ồn ở mức vô cùng thấp, rất khó nhận ra được.
Nhìn chung, Corsair CX750F RGB là một bộ nguồn khá ấn tượng cả về thiết kế mang tính chất “cơ bắp”, lẫn sức mạnh có thể phục vụ cho các thùng máy PC chơi game có cấu hình cao cấp.
TỔNG QUAN
Phải khẳng định là Corsair CX750F RGB đã thoát xác ra khỏi cái bóng sản phẩm bộ nguồn “bình dân” của dòng sản phẩm CX trước đây nhờ vào một thiết kế mới mẻ, chắc chắn và đầy ấn tượng với người dùng ngay từ cái nhìn đầu tiên.
Đáng lưu ý là khả năng kết nối đèn LED RGB của quạt tản nhiệt đối với hệ thống điều khiển đèn thông minh và hệ sinh thái iCUE đã giúp cho Corsair hoàn thiện “mảnh ghép” cuối cùng trong hệ sinh thái phụ kiện dành cho game thủ của mình, giúp các game thủ dễ dàng “lên RGB” theo một phong cách độc đáo nhất.
Với nhiều cải tiến mới mẻ cùng mức giá không chênh lệch nhiều so với phiên bản cũ, có thể thấy Corsair CX750F RGB là một bộ nguồn khá “thơm” cho cả người dùng trung cấp hiện nay.
BÀI MỚI NHẤT
- Đạo diễn Dragon Age: The Veilguard rời khỏi BioWare là tự nguyện! – Tin Game
- Krafton công bố chiến lược mở rộng IP mới cho năm 2025 – Tin Game
- Các hãng game “hy vọng” Grand Theft Auto 6 sẽ được bán ở mức 100 USD? – Tin Game
- Palworld bật mí lộ trình ra mắt nội dung cho năm 2025! – Tin Game
- Dragon Age: The Veilguard – Đánh Giá Game
- Shuhei Yoshida: “Remaster và remake giúp Sony tiếp tục đầu tư vào các game mới” – Tin Game