Skip to content

Corsair FRAME 4000D Modular – Đánh Giá Nhanh

Corsair FRAME 4000D Modular – Gần đây, khi phong cách thiết kế linh kiện máy tính đang trải qua một vài thay đổi như các mẫu card đồ hoạ ngày càng “ngoại cỡ”, hay vi xử lý càng đòi hỏi hơn về khả năng làm mát khiến các bộ tản nhiệt trở nên “khổng lồ”, thùng máy dường như là yếu tố ít được chú ý đến khi phải thích ứng để giải quyết đồng thời nhiều bài toán đang được đặt ra.

Điển hình, trên thị trường tồn tại một số thùng máy phổ thông đang dần cho thấy hạn chế ở khả năng lưu thông gió do thiết kế “lồng kính”, hay khả năng lắp ráp trở nên khó khăn hơn do thiết kế chật hẹp trong dung tích nhỏ.

Nắm bắt cơ hội này, Corsair ra mắt dòng FRAME 4000D Modular được thiết kế với trọng tâm đặt ở các linh kiện hiện đại và khả năng tháo rời, mang đến lựa chọn tuỳ biến cao cho người dùng trong bộ khung mang thiết kế quen thuộc, hỗ trợ rộng rãi hệ thống linh kiện với mức giá tương đối “mềm” để bắt đầu trong các cấu hình tầm trung – cao cấp.

Như vậy, đâu là những điểm đặc biệt của mẫu thùng máy đang chờ được khám phá? Hãy cùng Vietgame.asia tìm hiểu qua bài “đập hộp”!

Corsair FRAME 4000D Modular – Dễ dàng xây dựng và tùy biến!

Được giới thiệu như thùng máy “tái định nghĩa” dòng 4000D ra mắt gần 5 năm trước, bề ngoài của Corsair FRAME 4000D Modular tuy mang thiết kế quen thuộc của bộ case Mid-Tower với thiết kế mặt bên trong suốt, bên trong lại mang đến nhiều nâng cấp đáng giá từ trải nghiệm lắp rắp, tuỳ biến đến cải thiện về khả năng tản nhiệt và kết nối.

Giữa các mẫu sản phẩm, phiên bản “barebone” của Corsair FRAME 4000D Modular được đánh giá trong bài viết chỉ đi kèm với bộ case và các phụ kiện tùy biến, so với bản “RS” được trang bị thêm ba quạt RS120 thường và bản “RS ARGB” được trang bị ba quạt RS120 ARGB.

Trên tay lần đầu, Corsair FRAME 4000D Modular cho ấn tượng mạnh về độ nặng và “chắc nịt” của mình, phần lớn nhờ bộ khung và vỏ được thiết kế và gia công hoàn toàn bằng thép chịu lực. Tuy nhiên, mặt kính cường lực lại được thiết kế đôi phần khác biệt khi chia “hai phần” với cửa sổ khay nguồn, trang bị thêm một lựa chọn vị trí thông gió khi lắp đặt.

Ở các cạnh bên, Corsair FRAME 4000D Modular sử dụng hệ thống cố định panel bằng các ngàm kẹp không ốc tương tự dòng 3500X, sau đó được… cố định thêm nhờ các bộ ốc đệm vàng nổi bật phía sau, mang đến độ linh hoạt nhất định trong lắp rắp khi thay đổi cấu hình mà vẫn giữ chắc chắn các bộ phận khi cần thiết.

Tiến hành tháo rời bốn tấm panel, Corsair FRAME 4000D Modular tiết lộ dung tích cực kỳ rộng rãi bên trong với hỗ trợ lắp đặt bo mạch chủ E-ATX cùng các mẫu card đồ họa “to nạc” nhất hiện nay, tất cả khi vẫn đủ chỗ cho hai bộ radiator 360mm và hàng loạt vị trí lắp đặt bình chứa, máy bơm và đường ống của các cấu hình tản nhiệt nước tùy chỉnh.

Ở các cấu hình sử dụng tản nhiệt khí, mẫu case mang thiết kế thoáng khí với khả năng lấy gió từ bốn hướng – gồm mặt trước, trên, sau và cạnh bên, giúp người dùng linh hoạt chọn cấu hình lưu thông gió tối ưu qua 12 vị trí lắp đặt quạt 120mm.

Trong quá trình lắp đặt, ấn tượng lớn nhất về Corsair FRAME 4000D Modular nằm ở độ tùy biến cao với các bộ phận có thể tháo rời và thay thế, từ khung bo mạch chủ giúp lắp đặt dễ dàng, mặt chắn đi dây có thể thay thế bằng khung lắp quạt đến khay chắn nguồn có thể tháo rời để đổi sang các thiết kế in 3D tùy chỉnh, và khung PCIe có thể xoay dọc để “khoe” card đồ họa.

Ở hai khay phụ kiện bên trong, Corsair thậm chí đã “đúc” sẵn vị trí cố định nam châm cho bộ điều khiển trung tâm iCUE LINK, cùng các điểm bắt ốc hỗ trợ lắp đặt SSD và HDD, hay thậm chí cả bình chứa trong các cấu hình sử dụng tản nhiệt nước tuỳ chỉnh.

Bên cạnh đó, mẫu case còn được Corsair cải thiện nhiều ở trải nghiệm lắp đặt dành cho cả người dùng mới lẫn “dân chuyên”, qua các phụ kiện tuy đơn giản nhưng “không thể thiếu” như số lượng lớn dây dán Velcro đi kèm để dễ dàng “đi dây”, thanh “chống xệ” GPU, các khu vực được thiết kế rộng rãi để dễ dàng lắp đặt và cài đặt dây, cùng với sự xuất hiện của hệ thống ray InfiniRail.

Nếu so sánh với hệ thống ray trượt InfiniRail trên “siêu thùng máy” 9000D, bộ ray được trang bị trên Corsair FRAME 4000D Modular có thể coi như một bản “rút gọn” với khả năng điều chỉnh vị trí lắp quạt giữa 120mm và 140/160mm, hay đến 200mm ở mặt trước, thay cho “phiên bản đầy đủ” có thể kéo dài bộ ray để linh hoạt hơn trong lắp ráp.

So với thiết kế thông thường được tìm thấy trên đa số các thùng máy hiện nay, bộ ray InfiniRail khi lắp đặt có thể hạn chế tối đa vật cản trước quạt, từ đó tối ưu luồng gió được lưu thông vào bên trong bộ case. Thử nghiệm với bộ tản nhiệt nước Corsair Nautilus 360 RS ARGB, hệ thống InfiniRail mang đến trải nghiệm lắp đặt dễ dàng qua các điểm bắt ốc được in rõ, cùng thiết kế rộng rãi cho các dây kết nối được ẩn gọn gàng hơn mà không gây khó dễ trong việc kết nối.

Tương tự dòng 4000D tiền nhiệm, mặt trước của Corsair FRAME 4000D Modular được trang bị một “mặt nạ” có thể tháo rời qua bốn ngàm kẹp không dùng ốc, cùng lưới lọc bụi sử dụng nam châm có mắt lưới nhỏ để hạn chế vi bụi “lọt nhầm” qua luồng gió của quạt.

Các cổng kết nối I/O cũng đồng thời được dời sang mặt trước, hỗ trợ kết nối một cổng USB 3.2 Gen 2 Type-C, hai cổng USB 3.2 Gen 1 Type-A và một cổng âm thanh in/out.

Tuy vậy, mặt nạ của Corsair FRAME 4000D Modular dường như được nâng cấp hoàn toàn so với dòng 4000D khi được gia công bằng kim loại thay cho chất liệu nhựa như trước, với cùng các ven tản nhiệt được đúc dập nổi độc đáo cho khả năng “hút gió” cải thiện hơn.

Theo Corsair, khả năng mở rộng của thùng máy rất đáng theo dõi trong tương lai, khi hãng dự kiến sẽ mang đến nhiều thiết kế mặt nạ khác nhau nhằm hỗ trợ thay đổi hình dáng mẫu case dễ dàng, cũng như các cổng kết nối I/O mặt trước cũng có thể được nâng cấp và thay đổi với các linh kiện cao cấp hơn.

Nhìn chung, Corsair FRAME 4000D Modular là một bản nâng cấp đáng giá của dòng 4000D với nhiều tính năng hiện đại, được “đóng gói” với mức giá không quá cao so với các mẫu case tầm trung – cao cấp khác trên thị trường.

Tổng kết

Tổng thể, Corsair FRAME 4000D Modular là một lựa chọn thùng máy hấp dẫn cho nhiều đối tượng người dùng khác nhau, từ những người dùng “nhập môn” đến các “dân chuyên” thường xuyên thay đổi linh kiện, nhờ vào các tính năng hỗ trợ lắp đặt tiện lợi và sự tỉ mỉ trong thiết kế.

Dù cho bắt đầu với các dàn máy tầm trung – cao cấp, Corsair FRAME 4000D Modular có thể coi như một người “bạn đồng hành” lâu dài nhờ vào khả năng đáp ứng rộng rãi hệ thống linh kiện, cũng như được thiết kế để có thể nâng cấp và tuỳ biến trong tương lai.

  • Tên sản phẩm
    Corsair FRAME 4000D Modular
  • Nhà sản xuất
    Corsair
  • Xuất xứ
    Trung Quốc
Sản phẩm được hỗ trợ bởi Corsair.