Corsair K55 RGB Pro – Trong vài năm trở lại đây, khi nhắc đến bàn phím dành cho game thủ, người ta nghĩ ngay đến các bàn phím cơ muôn hình vạn trạng với đủ loại kích thước, đủ loại cấu tạo và “ngồn ngộn” công năng đến từ cả những nhà sản xuất sản phẩm có uy tín, tên tuổi lâu năm, lẫn các “tay ngang” tập tành tham gia vào thị trường này với các sản phẩm gia công đơn giản từ Trung Quốc.
Mặc dù có rất nhiều lợi ích vượt trội so với các thế hệ bàn phím chơi game đầu tiên sử dụng công nghệ màng cao su “membrane” hồi… đầu thế kỷ, nhưng không phải lúc nào bàn phím cơ cũng là lựa chọn tốt nhất bởi chính công nghệ này cũng có nhiều vấn đề khó giải quyết.
Chẳng hạn như các bàn phím cơ thường có mức giá đắt đỏ, kể cả khi một số thương hiệu lựa chọn những switch có mức giá rẻ tiền đến từ các nhà sản xuất Trung Quốc thì mức giá cuối cùng của sản phẩm vẫn rất khó chấp nhận. Ngay cả hãng Cherry MX danh tiếng cũng rất cố gắng cắt giảm độ phức tạp của các mẫu switch cơ học của mình, cho ra đời phiên bản Cherry Viola dành cho dòng bàn phím cơ chơi game “giá mềm” từng xuất hiện cùng với Corsair K60 Pro được giới thiệu với bạn đọc thời gian gần đây, thế nhưng mức giá của mẫu bàn phím này vẫn còn khá xa tầm tay của các game thủ túi tiền eo hẹp.
Bên cạnh đó, độ ồn thuộc loại “kinh dị” của bàn phím cơ cũng gây phiền toái đến người xung quanh ngay cả khi bạn là người “hệ chơi bàn phím” đã tỉ mỉ trang bị vòng đệm cao su cho từng phím bấm.
Chính vì thế mà công nghệ bàn phím Vòm cao su (Rubber Dome) hay được gọi nôm na là bàn phím “giả cơ” ra đời đáp ứng nhu cầu của game thủ phổ thông, và Corsair, hãng sản xuất phụ kiện cho game thủ hàng đầu nước Mỹ, cũng cho ra mắt những mẫu bàn phím chơi game giá rẻ sử dụng công nghệ này để đáp ứng nhu cầu đa dạng của game thủ với dòng sản phẩm Corsair K55 RGB.
Với sự hỗ trợ từ phía Corsair, Vietgame.asia có cơ hội đánh giá chi tiết dòng bàn phím chơi game này để đem đến cho bạn đọc cái nhìn chi tiết nhất về dòng bàn phím này qua phiên bản Corsair K55 RGB Pro, hãy cùng theo dõi các bạn nhé!
[su_heading style=”flat-blue” size=”35″ margin=”50″]BẠN SẼ THÍCH[/su_heading]
CORSAIR K55 RGB PRO – ĐẸP MẮT, ÊM ÁI, CHỐNG NƯỚC, “GIÁ RẺ”!
Một trong những điều làm cho các game thủ yêu thích Corsair chính là khả năng của đội ngũ thiết kế và chế tạo ra những sản phẩm có thiết kế đẹp mắt, ấn tượng, và Corsair K55 RGB Pro cũng không làm cho các fan của hãng “hải tặc” phải thất vọng dù được định vị dành cho phân khúc bình dân.
Về mặt đóng hộp, mẫu bàn phím giá rẻ này không khác nhiều với các sản phẩm khác của Corsair trên thị trường hiện nay với vỏ ngoài màu vàng in hình sản phẩm.
Mặt sau là một số thông tin cơ bản về mẫu bàn phím này, đáng chú ý nhất là bàn phím tương thích với cả ba hệ PC, MAC và XBOX ONE cùng với hệ thống Stream Deck của Elgato, một thương hiệu con chuyên về streaming của Corsair, biến Corsair K55 RGB Pro thành mẫu bàn phím rẻ nhất hỗ trợ cho các streamer trên thị trường hiện nay.
Tiến hành “đập hộp” sản phẩm, ấn tượng đầu tiên của người viết đó là Corsair K55 RGB Pro có thiết kế quá giống phiên bản không dây Corsair K57 RGB Wireless đã được giới thiệu đến bạn đọc trước đây.
Cả hai đều sở hữu công nghệ bàn phím Rubber Dome với các mũ phím không thể tháo rời bằng chất liệu nhựa ABS với khung bàn phím, bao gồm cả các phím chức năng và phím macro tương tự nhau.
Cả hai đều có khung vỏ bằng nhựa thay vì chất liệu nhôm như trên dòng bàn phím cơ chơi game thông thường của hãng.
Điểm khác biệt duy nhất giữa Corsair K55 RGB Pro và “đàn anh” Corsair k57 RGB Wireless chủ yếu nằm ở tấm kê tay vẫn được làm bằng chất liệu nhựa cứng như như trên các dòng bàn phím cơ chơi game tầm trung Corsair K70 RGB MK2 của thế hệ trước, nhưng sở hữu thiết kế của kê tay trên Corsair K100 RGB.
Có thể thấy Corsair đã tìm mọi cách để cắt giảm giá tiền cho mẫu bàn phím chơi game giá rẻ này cho hợp “túi tiền” của người dùng phổ thông, bởi ngay cả mẫu bàn phím cơ chơi game “giá mềm” Corsair K60 RGB Pro SE, hãng vẫn trang bị mẫu kê tay với đệm và bọc giả da vô cùng êm ái.
…ấn tượng đầu tiên của người viết đó là Corsair K55 RGB Pro có thiết kế quá giống phiên bản không dây Corsair K57 RGB Wireless đã được giới thiệu đến bạn đọc trước đây
Là bàn phím chơi game, tất nhiên mẫu sản phẩm giá rẻ của Corsair cũng được trang bị đèn LED nền RGB với 5 vùng đổi màu khác nhau. Bạn sẽ có một vài thiết lập hiệu ứng đèn đơn giản được lưu trữ sẵn trong bàn phím, nhưng nếu bạn kết nối với chương trình iCUE, bạn sẽ có nhiều lựa chọn hiệu ứng đèn phức tạp hơn.
Tuy nhiên, nếu bạn muốn tận hưởng đèn nền LED RGB theo từng phím với khả năng điều khiển được thông qua phần mềm iCUE như trên các mẫu bàn phím cao cấp thì bạn có thể chờ đợi phiên bản Corsair K55 RGB Pro XT sắp ra mắt trong thời gian tới.
Bên cạnh đó, một điểm cộng nho nhỏ cho mẫu bàn phím này chính là khả năng tương thích tốt với công nghệ Streaming Dock của Elgato, và cũng là mẫu bàn phím có mức giá rẻ nhất hỗ trợ streamer của đội “hải tặc” hiện nay.
Mặc dù công nghệ bàn phím Rubber Dome được trang bị trên Corsair K55 RGB Pro sở hữu một vài nhược điểm như bấm không “đã” bằng các bàn phím cơ, hay tốc độ đáp ứng cũng không thể nhanh được do thiếu vắng bộ xử lý Corsair AXON với tần số quét hình cao như trên Corsair K65 RGB MINI mới được ra mắt gần đây, thế nhưng bản thân công nghệ này cũng đem lại một số tính năng ưu việt hơn hẳn.
Đáng chú ý nhất là khả năng chống nước của các bàn phím Rubber Dome thuộc loại vô cùng ấn tượng. Nó giải quyết được một vấn đề vô cùng “đau đầu” của hầu hết các tiệm Internet Cafe hiện nay là việc người dùng “lỡ tay” đổ nước ngọt/cà phê lên bàn phím gây chập mạch và là lý do gây hư hỏng của phần lớn các bàn phím cơ.
Riêng với Corsair K55 RGB Pro, Corsair thậm chí còn đảm bảo cho bạn khả năng chống bụi và nước đạt chuẩn IP42, một tiêu chuẩn tưởng chừng như… chẳng có chút xíu liên quan nào đến lĩnh vực bàn phím chơi game, cao hơn cả chuẩn IP32 từng xuất hiện trên phiên bản Corsair K68 được xem như “vua chống tràn” cách đây vài năm.
Bên cạnh đó, bàn phím Rubber Dome cũng có khả năng hoạt động êm ái hơn hẳn các bàn phím cơ thông thường với tiếng động phát ra chỉ ngang bằng các bàn phím membrane kiểu cũ, một ưu điểm mà người viết đánh giá rất cao, phù hợp cho những sinh viên ở ký túc xá hay những tiệm internet cafe cần độ yên tĩnh nhất định, không làm phiền người dùng xung quanh.
Ngoài ra, được mệnh danh là bàn phím “giả cơ”, Corsair cũng áp dụng khả năng nhận diện đến 12 phím cùng lúc cho khu vực các phím “chuyên” dành cho game FPS, đây là một tính năng rất “gần gũi” với các bàn phím cơ, giúp người chơi không gặp hiện tượng “kẹt phím” khi chỉ nhận duy nhất 1 phím mỗi lần nhấn trên các mẫu bàn phím dùng công nghệ membrane cũ kỹ.
Nhờ vậy mà các game thủ FPS có thể dễ dàng “chiến” các tựa game bắn súng và làm các động tác khó mà không gặp phải bất kỳ khó khăn nào với Corsair K55 RGB Pro, tương tự như khi sử dụng các bàn phím cơ.
Khoảng cách giữa các phím khá rộng rãi chứ không bị “dồn nén” về không gian như trên Corsair K70 RGB TKL, thế nên người dùng có thể dễ dàng làm quen và sử dụng bàn phím không chỉ để chơi game mà còn cho cả các tác vụ hàng ngày.
Với tư cách là một mẫu bàn phím chơi game giá rẻ, Corsair K55 RGB Pro hoàn thành rất tốt mọi tính năng của nó để phục vụ người dùng phổ thông không có nhu cầu quá cao đối với bộ phụ kiện “chiến đấu” của mình. Tuy nhiên, nếu muốn bước chân vào con đường chuyên nghiệp, bạn hãy tìm đến những lựa chọn “nặng ký” hơn.
[su_heading style=”flat-blue” size=”35″ margin=”50″]BẠN SẼ GHÉT[/su_heading]
CORSAIR K55 RGB PRO – MỘT VÀI VẤN ĐỀ CỐ HỮU!
Là một mẫu bàn phím chơi game ứng dụng công nghệ Rubber Dome, Corsair K55 RGB Pro cũng “thừa hưởng” luôn những điểm yếu cố hữu của công nghệ này.
Do sử dụng độ đàn hồi của vòm cao su tạo lực phản hồi cho phím, thế nên mỗi lần nhấn phím, người dùng phải tác động một lực khá mạnh, đẩy phím đi hết hành trình theo phương thẳng đứng. Điều này khiến cho cảm giác phím cũng không thật sự chắc chắn và đều đặn như với các phím cơ sử dụng cơ chế phản hồi bằng lò xo, khiến người dùng thường cơ phải mất rất nhiều thời gian để có thể làm quen với mẫu bàn phím này.
Thêm vào đó, việc gắn liền mũ phím (key cap) cũng khiến cho người dùng hệ “chơi phím” cũng cảm thấy khó chịu, nhất là khi mẫu bàn phím này chỉ sở hữu mũ phím làm bằng chất liệu nhựa ABS thông thường, dễ bị mài mòn theo thời gian dài sử dụng.
Ngoài ra, việc trang bị cho bàn phím một dây nối không thể tháo rời khá “trần trụi”, không sở hữu lớp vỏ bọc vải chống cắt bên ngoài cũng khiến cho vị trí này rất dễ tổn thương trong quá trình sử dụng, cũng rất khó sửa chữa và thay thế khi cần thiết.
GIÁ THAM KHẢO
N/A
THAM KHẢO
BÀI MỚI NHẤT
- Hermen Hulst muốn “hồi sinh” những dòng game cũ của PlayStation! – Tin Game
- Elgato tổ chức workshop “Chỉnh màu Ảnh – Video với StreamDeck” – Tin Gadgets
- Dòng Halo bất ngờ bị lộ 90GB dữ liệu! – Tin Game
- Marvel Rivals bị “leak” thông tin về Human Torch! – Tin Game
- Sonic the Hedgehog 3 “vượt mặt” Mufasa: The Lion King ở phòng vé Bắc Mỹ! – Tin Game
- Marvel Rivals bị lộ thông tin về cơ chế… “loot box”! – Tin Game