Skip to content

Corsair RMx Series RM1000x – Trên tay và Đánh giá nhanh

Corsair RMx Series RM1000x – Trong khoảng thời gian gần đây, khi các mẫu card đồ họa đang ngày càng “đòi hỏi” mức tiêu thụ điện năng cao hơn so với thiết kế của các tiêu chuẩn cũ, phát triển trong thị trường nguồn đã được nhanh chóng “đẩy mạnh” để đáp ứng qua nhiều công nghệ mới, từ chuẩn kết nối 12VHPWR của ATX 3.0/PCIe 5.0, hệ thống linh kiện chịu tải cao cấp hơn đến các tính năng tản nhiệt thông minh và yêu cầu trong hiệu suất chịu đựng tăng cao.

Với các dòng card đồ họa thế hệ tiếp theo từ “hai đội” được dự kiến ra mắt trong khoảng thời gian gần, Corsair đã nâng cấp dòng nguồn RMx Series lên hợp chuẩn ATX 3.1, từ đó giới thiệu bản cải tiến của chuẩn kết nối 12VHPWR, hệ thống linh kiện điện được chọn lọc kỹ càng, và bổ sung núm vặn tốc độ quạt cùng chế độ “Zero RPM” mượt mà.

Qua mẫu Corsair RMx Series RM1000x cao cấp nhất trong dòng sản phẩm, những đòi hỏi cao nhất về nguồn điện từ các dòng CPU và card đồ họa đời mới liệu có dễ dàng được đáp ứng, khi các mẫu nguồn ra mắt cách đây chỉ vài năm thậm chí đã dần trở nên “yếu thế”?

Hãy cùng Vietgame.asia “đập hộp” và tìm hiểu những bất ngờ mà bộ nguồn sẽ mang lại!

Corsair RMx Series RM1000x – Mạnh mẽ nhưng “êm ái”!

Thoạt nhìn, bộ nguồn Corsair RMx Series RM1000x không mang đến quá nhiều tính năng “hào nhoáng” như quạt RGB đồng bộ trên Corsair CX550F RGB hay màn hình OLED trên ROG Thor 850W Platinum, thay vào đó được tập trung hoàn toàn vào khả năng đáp ứng năng lượng qua thiết kế tụ điện và hiệu suất sử dụng, cùng với quạt tản nhiệt được nâng cấp để hạn chế độ ồn nhằm nâng cao trải nghiệm sử dụng.

Ngay từ mặt trước vỏ hộp, bộ nguồn được “trình bày” với chỉ ba điểm thông tin: hỗ trợ hợp chuẩn ATX 3.1/PCIe 5.1, đạt hai chứng nhận hiệu suất và độ ồn từ Cybernetics, và tên mẫu phiên bản hiệu suất 1000W.

Tương tự các dòng sản phẩm gần đây khi được đóng gói với chất liệu giấy nhằm giảm thải nhựa, Corsair RMx Series RM1000x được “gói gọn” trong bộ giảm sốc và bao bì chống tĩnh điện, cùng các phụ kiện ẩn trong chiếc hộp nhỏ bên cạnh.

Với thiết kế dây cắm modular, Corsair RMx Series RM1000x được trang bị bộ dây nguồn Type-4 mới với thiết kế sợi được bện mỏng, cải thiện độ co giãn để mang đến khả năng đi dây linh hoạt so với thiết kế bọc lưới chống cắt thường gặp. Tuy vậy, thiết kế vẫn còn “lép vế” trong độ linh hoạt so với các bộ dây vải trên dòng nguồn SF Series dành cho hệ thống ITX, hay bộ dây Corsair Premium Individually Sleeved Type 4 bán rời.

Đáp ứng nhu cầu “hạng nặng” của các hệ thống sử dụng CPU và card đồ hoạ mạnh mẽ, Corsair trang bị cho bộ nguồn đến hai cặp dây EPS / ATX 12V 8-pin (4+4) và bốn bộ dây PCIe 8-pin (6+2), hỗ trợ kết nối cùng lúc sáu cổng CPU và PCIe để mang đến hỗ trợ tốt hơn so với cấu hình 2 CPU + 2 PCIe hoặc 1 CPU + 3 PCIe trên nhiều bộ nguồn thường gặp như MSI MPG A1000G.

Khi kết hợp cùng bộ “lược” định vị đi kèm trong hộp, bộ dây nguồn trên Corsair RMx Series RM1000x mang lại khả năng uốn và cố định vị trí dây “lơ lửng” độc đáo, tăng phần thẩm mỹ cho các bộ máy cần “phô trương” hệ thống linh kiện bên trong. Khi định vị qua các góc ẩn dây ở mặt sau thùng máy, bộ dây cho thấy khả năng linh hoạt cao, giúp sắp xếp hệ thống dây của toàn hệ thống trở nên gọn gàng hơn.

Đạt hợp chuẩn ATX 3.1/PCIe 5.1, Corsair RMx Series RM1000x được trang bị đầu cấp nguồn 12V-2×6 thay cho 12VHPWR của chuẩn ATX 3.0/PCIe 5.0, được phổ biến lần đầu trên dòng card đồ hoạ NVIDIA RTX 30 Series.

Mang đến khả năng tương thích và độ an toàn tốt hơn cho yêu cầu năng lượng ngày càng cao của các dòng card đồ hoạ cao cấp như NVIDIA RTX 40 Series, đầu cấp nguồn 12V-2×6 được thay đổi độ dài chân nguồn (power pin) và chân cảm (sense pin) để giải quyết một số vấn đề “đàn anh” đã gặp phải như tình trạng “cháy” dây nguồn khi kết nối bị lỏng.

Khi hiệu năng được kết hợp với khả năng hoạt động im lặng, Corsair RMx Series RM1000x được trang bị núm cơ điều chỉnh quạt với chế độ “Zero RPM” nhằm hỗ trợ tốt hơn trong cài đặt tốc độ quạt khi hoạt động, cùng lúc mang đến khả năng tắt hoàn toàn khi nguồn hoạt động dưới 50% công suất.

Bộ nguồn được sản xuất bởi Channel Well Technology (CWT) tương tự các sản phẩm nguồn khác trong phân khúc trung và cao cấp của Corsair, mang đến chất lượng gia công cao khi được trang bị 100% tụ hóa Nhật Bản mang khả năng chịu nhiệt đến 105 độ C, đảm bảo nhiệt độ luôn dưới 50 độ C khi hoạt động.

Để mang đến đánh giá tiêu chuẩn hoạt động khắc khe hơn cho người tiêu dùng, Corsair RMx Series RM1000x là một trong những dòng sản phẩm đầu tiên của Corsair sử dụng hoàn toàn chứng nhận từ Cybernetics thay vì song song với chứng nhận 80 Plus quen thuộc, theo hãng nhằm đảm bảo chất lượng nguồn được đánh giá chi tiết và chính xác nhất.

So với 80 Plus, Cybernetics mang đến 6 mức chứng nhận về hiệu suất (Efficiency) với tên gọi gần như tương tự thay vì 5 mức, được đánh giá qua các tiêu chí về hiệu suất, hệ số công suất (Power Factor) và năng lượng khi không sử dụng (Standby Power). Trong đó, mức chứng nhận Diamond nhằm đánh giá những bộ nguồn “đầu bảng” yêu cầu bộ nguồn mang hiệu suất trung bình trên 93% với hiệu suất 5VSB trên 79%, mức năng lượng khi không sử dụng chỉ 0.10W và hệ số công suất phải trên 0.985.

Bên cạnh hiệu suất, Cybernetics cũng bổ sung 7 mức chứng nhận về độ ồn (Noise Level) trung bình khi sử dụng, thấp nhất ở Standard với mức 40 đến 45 dB(A) và cao nhất ở A++ với độ ồn dưới 15 dB(A).

Theo công bố, Corsair RMx Series RM1000x đạt chứng nhận Cybernetics Gold với hiệu suất sử dụng trung bình trên 87% và độ ồn đạt chuẩn Cybernetics A- với độ ồn trung bình từ 25 đến 30 dB.

Khi thử nghiệm với hai mẫu CPU đời mới hiện nay gồm AMD Ryzen 7 9800X3D và Intel Core i5 14600K, kết hợp cùng mẫu card đồ họa cao cấp ASRock RX 7900 GRE Challenger, Corsair RMx Series RM1000x dễ dàng cung cấp năng lượng ngay cả ở chế độ Zero RPM để đảm bảo độ ồn tối thiểu khi sử dụng.

Trong các tác vụ năng hơn cần “tăng điện” để đảm bảo tải lớn, bộ nguồn dễ dàng đáp ứng và duy trì ổn định trong thời gian sử dụng dài, dù hai mẫu CPU có thể “ăn” đến 181W khi boost kết hợp cùng 350W của card đồ họa.

Tuy vây, quạt tản nhiệt của bộ nguồn vẫn hoạt động êm ái với nhiệt độ ổn định, không gây ra hiện tượng tụt xung nhịp hay “sụp nguồn” dù tổng công suất của hệ thống lên cao.

Tổng kết

Nhìn chung, Corsair RMx Series RM1000x tuy là một bản nâng cấp từ dòng nguồn quen thuộc, bộ nguồn đã được cải thiện lớn trong khả năng đáp ứng nhu cầu điện áp nhờ lựa chọn linh kiện cao cấp, hỗ trợ điều chỉnh tốc độ quạt trong hoạt động và thiết kế linh hoạt hơn của bộ dây nguồn đi kèm.

Dù cho đang tìm kiếm một bộ nguồn đủ đáp ứng nhu cầu điện năng hiện tại hay cả tương lai xa, Corsair RMx Series RM1000x chắc chắn là một bộ nguồn đáng đầu tư để sử dụng lâu dài nhờ được trang bị đầy đủ các công nghệ mới nhất ở hiện tại.

  • Tên sản phẩm
    Corsair RMx Series RM1000x
  • Nhà sản xuất
    Corsair
  • Xuất xứ
    Trung Quốc
Sản phẩm được hỗ trợ bởi Corsair.