Skip to content

Dark Souls II: Scholar of the First Sin – Đánh Giá Game

Dark Souls II: Scholar of the First Sin - Đánh Giá Game

Scholar of the First Sin – Vendrick, người từng trị vì xứ Drangelic, có một người anh trai mang tên Aldia. Hắn thu mình bên trong lãnh địa của bản thân, dành cả cuộc đời để tìm kiếm những bí mật về sự sống, và coi những linh hồn vất vưởng giữa sự sống và cái chết là câu trả lời cho ẩn số đó.

Chính vì sự sùng bái xác sống (undead), mà Aldia bị Vendrick trục xuất và đóng cửa dinh thự mãi mãi. Những kẻ dám bén mảng đến đó đều trở về dưới bộ dạng của lũ quái thú khát máu.

Cái tên “Scholar of the First Sin” của Aldia bắt nguồn từ Gwyn, kẻ mà hắn gọi là “Chúa Tể Ánh Sáng” (Lord of Light). Khi Gwyn tiến xa ra khỏi bóng đêm, bắt đầu chu trình tuần tự của ngày và đêm, thì nó cũng chính là lời nguyền khiến cho con người “hiện nguyên hình” dưới bộ dạng xác sống. Con người dần mất đi nhân tính, và Aldia coi đó là tội lỗi đầu tiên của mình.

Aldia coi con người là một “công cụ”, và cho dù món đạo cụ đó có tinh tế đến mức nào đi chăng nữa, thì không có gì có thể che dấu được những lời giả dối.

“Những quốc vương đã từng đến và đi
Một chìm trong bãi độc, một đằng sau hỏa ngục
Một ngủ sâu bên dưới băng giá lạnh lẽo
Không ai còn nương lại nơi đây, và ngươi biết điều đó
Ngươi, kẻ chinh phục mọi nghịch cảnh
Hãy cho chúng ta câu trả lời”.

BẠN SẼ THÍCH

dark-souls-ii-scholar-of-the-first-sin-danh-gia-game-04.jpg

“Nghệ thuật” của cái chết!

Nếu coi Dark Souls II: Scholar of the First Sin là một bản nhạc, thì có thể nói rằng khi phần điệp khúc được xướng lên thì cũng là lúc mà người chơi phải đối mặt với… cái chết. Trong Dark Souls II: Scholar of the First Sin và dòng game Souls nói chung, cái chết là thứ mà không ai có thể tránh khỏi, nhưng đó lại là điểm tạo nên nét đặc sắc của cả loạt game này.

Điểm sáng lớn nhất của Dark Souls II: Scholar of the First Sin nằm ở phong cách chiến đấu đầy tính chiến thuật và hoan nghênh sự nhẫn nại. Mọi hành động của người chơi, từ ra đòn, đỡ đòn, né đòn đều bị giới hạn trong thanh thể lực, không có tha thứ cho sự chủ quan, và không có chỗ cho bất kỳ sơ hở nào khi giao chiến.

Chiến đấu trong Dark Souls II: Scholar of the First Sin có thể coi là những bài toán cân não, muốn giải được những bài toán đó thì người chơi buộc phải rèn luyện và trở nên khéo léo trước mọi tình huống, và kết quả cuối cùng luôn là sự tưởng thưởng xứng đáng dành cho những kẻ “gan lỳ” và “ngông cuồng” nhất.

Chả cần đến những con trùm to “tổ chảng”, mà chỉ cần lũ quái vật “tép riu” cũng có thể “hành củ tỏi” người chơi bằng số đông, hoặc bủa vây khi người chơi bất cẩn. Mỗi lần chúng xin tý “huyết” cũng “đau” không kém như lúc người chơi “càn quét” vậy.

Dark Souls II: Scholar of the First Sin chỉ coi người chơi như là một quân cờ giữa hàng nghìn quân cờ khác, và đều duy nhất khiến người chơi trở nên khác biệt so với hàng tá kẻ địch khác nhau trong game chỉ là cái đầu lạnh và khả năng xử lý tình huống mà thôi.

Để đáp lại những lời chê bai rằng phiên bản gốc “dễ dãi” hơn Demon’s Souls Dark SoulsDark Souls II: Scholar of the First Sin không ngần ngại thay đổi một số cung cách nho nhỏ mà trò chơi chuẩn bị “tiếp đón” người chơi, ví dụ như số lượng hay vị trí kẻ địch.

Nghe qua thì có vẻ như thay đổi này không thực sự quan trọng, nhưng hãy nghĩ rằng nếu đề của một bài toán chỉ cần được sửa đổi chỉ ở một con số thôi, thì cách giải bài toán đó liệu có còn như cũ nữa hay không? Dark Souls II: Scholar of the First Sin sẽ trả lời cho câu hỏi đó.

dark-souls-ii-scholar-of-the-first-sin-danh-gia-game-06.jpg

Tốn đến tận 29 giờ đồng hồ để người viết nhận ra “chân lý” của Dark Souls II: Scholar of the First Sin, đó là nếu đã chán ghét với thời thế, thì hãy học cách… đón nhận nó. Có một cảm giác cuốn hút đến mức khó tả ở Dark Souls II: Scholar of the First Sin, nơi mà sau khi người viết “chật vật” lắm mới làm “gỏi” được bốn con Belfry Gargoyles, rồi vô tình… trượt chân và ngã chết, và phải chạy lại một quãng đường dài vì chưa kịp kích hoạt trại lửa (bonfire), nhưng đằng sau đó thì cái cảm giác ức chế khi “quy tiên” liên tục không còn nữa.

Đừng đánh giá thấp bất kỳ thứ gì có thể “táp” bạn, bởi chúng đều có thể nói rằng: “Chào mừng tới Dark Souls II: Scholar of the First Sin, chúc may mắn, và… hẹn gặp lại.”

Với một lối chơi buộc người chơi phải thử nghiệm và lặp lại liên tục, đến nỗi nó trở thành một quy tắc gắn liền với phản xạ của người chơi, đó là cái cách mà Dark Souls II: Scholar of the First Sin trở nên gây “nghiện”. Đã hết những cú “tức phì mũi” vì mình lại chết, mà chỉ còn tiếng cười sảng khoái: “Tao nắm được thóp mày rồi, đồ khốn!”.

Phần thưởng xứng đáng nhất của Dark Souls II: Scholar of the First Sin, không phải nằm ở những “cục” linh hồn, không phải là hàng tá món trang bị “xịn”, mà chính là cái cảm giác làm được điều tưởng chừng như không thể.

dark-souls-ii-scholar-of-the-first-sin-danh-gia-game-03.jpg

Chu du trong vùng đất Drangelic nghĩa là người chơi sẽ phải cẩn trọng trong từng bước đi, buộc phải thích nghi với mọi tình huống có thể xảy ra.

Cứ thêm một tên địch nhảy xổ ra từ một góc hẹp lại là thêm một vị trí mà người chơi phải nhớ và né tránh khi quay lại lần sau, cứ mỗi lần tìm thấy một viên đá của Pharros là lại phải nhớ lại xem mình đã bỏ qua bức tường đá có hình mặt người nào trên đường, hay thậm chí đã chuẩn bị kỹ lưỡng trước một trận đánh rồi rốt cuộc lại bị phá hoại bởi một pha “úp sọt” cực kỳ tinh tế của Forlorn (một NPC hay tấn công người chơi thông qua cơ chế “invade” một cách ngẫu nhiên).

Dù thế nào đi chăng nữa, người chơi đều nhận ra rằng mình buộc phải chiến đấu, máu sẽ phải đổ, không còn đường lùi, không còn lối thoát thân.

Kể cả khi những dòng “credit” hiện lên, thì bạn vẫn chỉ là một kẻ “sống sót” không hơn không kém. Đừng đánh giá thấp bất kỳ thứ gì có thể “táp” bạn, bởi chúng đều có thể nói rằng: “Chào mừng tới Dark Souls II: Scholar of the First Sin, chúc may mắn, và… hẹn gặp lại.”


 

 

 

 

 

  • OS: Windows 7 SP1 64bit, Windows 8.1 64bit
  • Processor: AMD® FX 8150 3.6 GHz/Intel® Core™ i7 2600 3.4 GHz
  • Memory: 8 GB RAM
  • Graphics: NVIDIA® GeForce® GTX 750, ATI Radeon™ HD 7850
  • Hard Drive: 23 GB

 

 

 

dark-souls-ii-scholar-of-the-first-sin-danh-gia-game-01.jpg

Trải nghiệm “Dark Souls II” hoàn chỉnh nhất

Nếu như bạn đã từng “cày nát” phiên bản Dark Souls II gốc thì có rất ít lý do để quay trở lại với Dark Souls II: Scholar of the First Sin.

Về bản chất, trò chơi không có quá nhiều khác biệt so với trước, mà điểm đáng giá nhất của phiên bản nâng cấp lần này là ngoài một số thay đổi nhỏ trong các màn chơi, thì Dark Souls II: Scholar of the First Sin còn gộp thêm ba gói nội dung tải về Crown of the Sunken King, Crown of the Ivory King Crow of the Old Iron King. Với số lượng nội dung “đồ sộ” đến như vậy, hẳn những người mới chơi sẽ có một quãng thời gian bận rộn với Dark Souls II: Scholar of the First Sin.

hãy bỏ qua phiên bản gốc và chọn lấy Dark Souls II: Scholar of the First Sin, đơn giản bởi vì đây là phiên bản hoàn thiện nhất, chỉnh chu nhất và sở hữu cái giá phải chăng

Đồ họa cũng được nâng cấp rõ rệt so với phiên bản gốc. Bề mặt vật thể trông sáng sủa và chi tiết hơn, hiệu ứng ánh sáng chân thực hơn, đặc biệt khi người chơi đặt chân vào các hang tối, game vẫn chạy ổn định ở mức 60fps, kể cả trên PC cấu hình trung bình thấp.

Nói tóm lại, nếu như bạn chưa từng chơi qua Dark Souls II, thì hãy bỏ qua phiên bản gốc và chọn lấy Dark Souls II: Scholar of the First Sin, đơn giản bởi vì đây là phiên bản hoàn thiện nhất, chỉnh chu nhất và sở hữu cái giá phải chăng.

Nếu như có điều gì đó đáng chê trách ở phiên bản PC thì có lẽ chỉ có mỗi cơ chế điều khiển bằng chuột và bàn phím vẫn… tào lao như trước, đặt biệt khi game liên tục hiện nút trên tay cầm thay vì bàn phím.

dark-souls-ii-scholar-of-the-first-sin-danh-gia-game-02.jpg

BẠN SẼ GHÉT

dark-souls-ii-scholar-of-the-first-sin-danh-gia-game-05.jpg

Những ngã rẽ và ngõ cụt

Thế giới trong Dark Souls II: Scholar of the First Sin khá rộng lớn, và không thể phủ nhận sự hùng vĩ đáng kinh ngạc của vùng đất Drangelic mỗi khi đặt chân qua những vùng đất mới. Tuy nhiên, đó mới chỉ là ấn tượng về vẻ ngoài, và sau khi tiêu tốn khoảng 30 giờ chơi, người viết đã nhận ra được điểm yếu “chết người” của Dark Souls II: Scholar of the First Sin, đó chính là lối thiết kế màn chơi.

Khởi đầu game, người chơi sẽ xuất phát tại Majula – khu vực trung tâm (hub area) tại Drangelic. Từ Majula, người chơi sẽ có thêm lựa chọn đi tới “Forest of Fallen Giants” hoặc “Heide’s Tower of Flames”, từ “Heide’s Tower of Flames” tới “Huntsman’s Copse” rồi phân ra thành nhiều khu vực nhỏ như “Harvest Valley” và “Undead Purgatory”. Từ “Forest of Fallen Giants” thì tiếp tục tới “The Lost Bastille”, rồi tới các khu vực nhỏ nữa như “No-Man’s Wharf” hay “Sinner’s Rise”.

Như vậy, không khó để có thể nhận ra nhược điểm của lối thiết kế các khu vực theo cung cách “rẽ nhánh” của Dark Souls II: Scholar of the First Sin. Thay vì kết nối các màn chơi tạo thành một thể thống nhất (giống như các tựa game “dungeon crawler” như trước đây), thì với Dark Souls II: Scholar of the First Sin, thế giới trong game trở nên khá “thẳng tuột” và hơi kém sáng tạo.

Cái cảm giác choáng ngợp khi nhìn vào những tòa lâu đài hùng vĩ lại trở thành thất vọng, khi nhận ra rằng bên trong chúng chỉ đơn thuần là những hành lang nối tiếp hành lang và cuối cùng lại kết thúc bằng một ngõ cụt khác

Thực sự, người viết đã khá ngạc nhiên bởi không ít lần mình “đâm đầu” vào hàng tá ngõ cụt trong game, cũng như lạc đường vô số lần vì nhiều khu vực có lối thiết kế y xì nhau, rất khó để phân biệt. Không có bất kỳ đường tắt hay những lối đi bí mật kết nối các khu vực một cách khéo léo, và cái cảm giác choáng ngợp khi nhìn vào những tòa lâu đài hùng vĩ lại trở thành thất vọng, khi nhận ra rằng bên trong chúng chỉ đơn thuần là những hành lang nối tiếp hành lang và cuối cùng lại kết thúc bằng một ngõ cụt khác.

Ngoài ra, vị trí đặt một số trại lửa trong game cũng rất chi là… “ba chấm”. Ví dụ đầu tiên nằm ở “Sinner’s Rise”, có lẽ nhà phát triển cho rằng “yếu tố bất ngờ” là điều rất cần thiết trong Dark Souls II: Scholar of the First Sin, thế nên đặt một tên cung thủ đứng cách trại lửa chỉ có 10 bước chân là một ý kiến hay, phải không nào?

Không những thế, một số khu vực như “No-Man’s Wharf” chỉ có đúng một trại lửa duy nhất, còn “Huntman’s Copse” thì lại có đến 3 trại lửa nằm sát sạt nhau, càng khiến cho độ khó của game trở nên thiếu nhất quán một cách kỳ quặc.

BÀI MỚI NHẤT


Tác giả

Abydon Belegarssøn

“Happiness can be found even in the darkest of times, if one only remembers to turn on the light.” - Albus Percival Wulfric Brian Dumbledore. ᚠᚢᚦᚨᚱᚲᚷᚹᚺᚾᛁᛃᛇᛈᛉᛊᛏᛒᛖᛗᛚᛜᛞᛟ

Thảo luận