Skip to content

Đâu là cổng truyền hình ảnh tốt nhất – DisplayPort hay HDMI? – Chuyên đề Công nghệ

Cổng truyền hình ảnh

Cổng truyền hình ảnh – Sau khi hoàn thành mua màn hình và card đồ họa, đa số bạn sẽ luôn bị “vướng” với câu hỏi: sử dụng cổng truyền hình ảnh nào để tận dụng hết khả năng của phần cứng? Đa số, bạn sẽ phân vân giữa DisplayPort và HDMI.

Các cổng truyền hình ảnh
Ảnh: Expert Reviews

Nhìn chung, tính đến hiện tại trên thế giới đã tồn tại rất nhiều cổng truyền hình ảnh: từ thế kỷ trước như VGA, EGA, CGA, S-Video, composite video, đến DVI-D vào năm 1999, HDMI vào 2002 và mới đây nhất là DisplayPort vào 2006.

Tuy nhiên, với sự xuất hiện của nhiều công nghệ mới như NVIDIA G-SYNC, AMD FreeSync, VRR (Variable Refresh Rate) hay ALLM (Auto Low Latency Mode) trên các phần cứng và máy chơi game mới như Xbox Series XPlayStation 5, càng ngày nhiều cổng truyền hình ảnh cũ lại càng ít được sử dụng.

Cổng truyền hình ảnh trên card đồ họa
Ảnh: Backpack Studio / Unsplash

Điều đó dần khiến HDMI và DisplayPort trở thành hai cổng truyền hình ảnh được coi là nhiều người sử dụng nhất hiện nay, với DVI-D và VGA chỉ còn “lèo tèo” một vài phần cứng cũ hỗ trợ, và vốn rất ít người sử dụng.

Nhưng, giữa hai cổng kết nối hiện đại này, đâu là người chiến thắng?

Câu trả lời thật sự nằm ở câu hỏi, bạn sử dụng chúng cho điều gì?

Vì thế, hãy cùng Vietgame.asia tìm hiểu xem đâu là cổng kết nối dành cho bạn qua bài viết.


CỔNG TRUYỀN HÌNH ẢNH – HDMI

HDMI (High Definition Multimedia Interface) ra đời lần đầu vào năm 2002 bởi sáu “ông lớn” điện tử tiêu dùng: Hitachi, Panasonic, Philips, Silicon Image, SonyToshiba. Hiện nay, Silicon Image chủ yếu nắm quyền điều khiển HDMI Licensing LLC, và bất cứ nhà sản xuất muốn sử dụng cổng HDMI đều phải trả một khoản phí.

Được coi là cổng truyền hình ảnh phổ biến nhất, HDMI xuất hiện gần như ở mọi nơi: từ laptop, màn hình máy tính cho đến TV, máy chiếu. Cùng với việc ra đời sớm hơn, HDMI hiện có khá nhiều lợi thế so với DisplayPort.

Dây DisplayPort
Ảnh: Belkin / Apple

Kể từ 2002, HDMI được chia ra thành nhiều phiên bản, bao gồm:

  • HDMI 1.0-1.2a: Hỗ trợ lên đến 1080p tại 60Hz.
  • HDMI 1.3-1.4b: Hỗ trợ lên đến 4K tại 30Hz, 4K 4:2:0 tại 60Hz hoặc 1080p tại 144Hz.
  • HDMI 2.0: Hỗ trợ lên đến 8K 4:2:0 tại 30Hz, 4K tại 60Hz hoặc 1080p tại 240Hz, và các phiên bản sau (gồm HDMI 2.0a và 2.0b) hỗ trợ nội dung HDR
  • HDMI 2.1: Hỗ trợ lên đến 8K tại 30Hz (120Hz với DSC), 4K tại 144Hz (240Hz với DSC) cùng khả năng hiển thị nội dung HDR tốt hơn với dữ liệu động và kênh trả âm thanh nâng cao (enhanced Audio Return Channel – eARC) nhằm hỗ trợ gửi âm thanh Dolby Atmos và DTS:X từ màn hình đến máy thu.

Tuy trong phiên bản 2.1, HDMI hỗ trợ nội dung lên đến 8K tại 30Hz và 4K tại 144Hz, đa số các màn hình hiển thị và card đồ họa vẫn chưa được trang bị chuẩn kết nối này, trong khi các mẫu TV hiện nay đã bắt đầu được trang bị HDMI 2.1.

Theo đó, độ dài của dây cũng là một trong những lợi thế lớn của HDMI. Cụ thể, dây HDMI có thể đạt được độ dài lên đến 15 mét – hơn năm lần so với DisplayPort, và được chia ra thành ba nhóm (tính đến phiên bản HDMI 2.1):

  • Dây HDMI thường (Standard HDMI Cable): Cung cấp đủ băng thông cho video độ phân giải 720p hoặc 1080i, và tuyền internet với tốc độ 100Mbps.
  • Dây HDMI tốc độ cao (High Speed HDMI Cable): Cung cấp đủ băng thông cho video độ phân giải 2160p (4K hoặc 4K UHD) nhưng chỉ với tần số quét 24Hz, cùng đường tuyền internet chỉ 100Mbps.
  • Dây HDMI tốc độ siêu cao (Ultra High Speed HDMI Cable): Cung cấp đủ băng thông cho video độ phân giải 8K, 8K UHD hoặc lên đến 10K nén, cùng đường truyền internet 100Mbps.

Ngoài truyền hình ảnh, HDMI còn có khả năng truyền cả âm thanh đến 192kHz/24-bit và internet lên đến 100Mbps.

Nhưng để truyền âm thanh từ TV hoặc truyền từ một thiết bị gắn với TV sang một đầu thu A/V, HDMI 1.4 và 2.0 sử dụng ARC (Audio Return Channel), nhưng đều bị giới hạn ở hai kênh 44.1Hz/16-bit âm thanh không nén. Ngoài ra, ARC cũng hỗ trợ âm thanh 5.1 nén.

Với HDMI 2.1, nó đã có thể truyền âm thanh 5.1 và cả 7.1 bằng eARC (enhanced ARC), với số lần lấy mẫu lên đến 192Hz/24-bit.

Không chỉ thế, HDMI còn hỗ trợ HDR10 từ phiên bản 2.0, HDR10+ và một số định dạng khác từ phiên bản 2.1, cùng với hỗ trợ VRR (để sử dụng AMD FreeSync) một phần từ HDMI 2.0b, và chính thức hỗ trợ VRR từ HDMI 2.1.

Tóm lại, HDMI cũng còn một số hạn chế nhất định: không hỗ trợ NVIDIA G-SYNC, HDMI 2.1 chưa có mặt trên nhiều thiết bị, và có một số chức năng không cần thiết cho sử dụng trên máy tính như truyền internet.


CỔNG TRUYỀN HÌNH ẢNH – DISPLAYPORT

Ra đời sau HDMI, DisplayPort được thiết kế và ra mắt đầu tiên vào năm 2006 bởi VESA (Video Electronics Standards Association) – tổ chức được thành lập với sự tham gia của AMD, Apple, Google, NVIDIA, Intel và nhiều công ty khác.

Đặc biệt, DisplayPort là một cổng truyền hình ảnh hoàn toàn miễn phí, nghĩa là nhà sản xuất không cần phải trả tiền bản quyền như HDMI để sử dụng.

Dây HDMI
Ảnh: Amazon

Tương tự HDMI, DisplayPort cũng được chia ra thành nhiều phiên bản:

  • DisplayPort 1.0-1.1a: Hỗ trợ lên đến 4K tại 30Hz hoặc 1080p tại 144Hz.
  • DisplayPort 1.2-1.2a: Hỗ trợ lên đến 4K tại 75Hz hoặc 1080p tại 240Hz, với hỗ trợ cho VRR và AMD FreeSync.
  • DisplayPort 1.3: Hỗ trợ lên đến 8K 4:2:0 tại 30Hz, 4K tại 120Hz hoặc 1080p tại 360Hz.
  • DisplayPort 1.4-1.4a: Hỗ trợ lên đến 8K tại 60Hz và nội dung HDR
  • DisplayPort 2.0: Hỗ trợ lên đến 8K tại 85Hz, 4K tại 240Hz.

Kể từ phiên bản 1.2a, VRR đã trở thành một chuẩn chung của DisplayPort – có nghĩa là, nó hoàn toàn hỗ trợ cả hai công nghệ chống xé AMD FreeSync và NVIDIA G-SYNC.

Theo đó, DisplayPort còn hỗ trợ MST (Multi-Stream Transport) để có thể kết nối tới nhiều màn hình chỉ thông qua một cổng, và tín hiệu của DisplayPort hoàn toàn có thể gửi thông qua cổng USB Type-C. Do đó, đa số các cổng kết nối Thunderbolt 2 và 3 đều sử dụng tín hiệu DisplayPort để truyền hình ảnh (ví dụ như cách Apple sử dụng dây Thunderbolt 3 để kết nối giữa Mac Pro với Pro Display XDR bằng DisplayPort 1.4).

Tuy không hỗ trợ dây dài như HDMI, chính thức, dây DisplayPort dài tối đa chỉ 3m và chia ra thành ba nhóm:

  • Dây DisplayPort RBR (Reduced Bit Rate): Cung cấp băng thông đến 6.48Gbps (DisplayPort 1.0)
  • Dây DisplayPort thường: Hỗ trợ HBR (High Bit Rate) với băng thông 10.80Gbps và HBR2 (High Bit Rate 2) với băng thông 21.60Gbps
  • Dây DP8K: Hỗ trợ HBR3 (High Bit Rate 3) với băng thông 32.40Gbps (DisplayPort 1.3) và UHBR 10 (Ultra High Bit Rate 10) với băng thông 40Gbps (DisplayPort 2.0)

Với DisplayPort 2.0, VESA cũng giới thiệu thêm ba chế độ truyền tải mới: UBHR 10 (Ultra High Bit Rate), UHBR 13.5 và UHBR 20. Chi tiết, UHBR 10 sẽ cung cấp băng thông đến 40Gbps, UHBR 13.5 cung cấp băng thông đến 54 Gbps và UHBR 20 cung cấp băng thông đến 80 Gbps. Theo đó, cả ba chế độ trên đều tương thích với dây DP8K nhờ vào mã hóa 128b/132b.

Ngoài ra, kể từ phiên bản 1.4a/2.0, DisplayPort đã chính thức hỗ trợ HDR10+ cùng nhiều định dạng HDR khác. Theo đó, DisplayPort 1.4 cũng có khả năng truyền âm thanh đến 192Hz/24-bit cùng âm thanh 7.1 không nén.


TỔNG KẾT

Vậy, bạn nên chọn cổng truyền hình ảnh nào? Nếu bạn sử dụng card đồ họa NVIDIA, và có màn hình hỗ trợ G-SYNC, bạn nên sử dụng dây DisplayPort để có thể tận dụng hết khả năng của nó. Còn nếu bạn sử dụng card đồ họa AMD, bạn hoàn toàn có thể sử dụng dây HDMI để kết nối với màn hình hỗ trợ FreeSync, tuy nó có thể có một số giới hạn như độ phân giải thấp, tần số quét thấp hay gam màu không rộng.

HDMI 2.0DisplayPort 1.4
Độ phân giải8K 4:2:0 tại 30Hz
4K tại 60Hz
1080p tại 240Hz
8K 4:2:0 tại 30Hz
4K tại 120Hz
1080p tại 240Hz
Băng thông14.4Gbps25.92Gbps
HDR (High Dynamic Range)Chỉ hỗ trợ HDR tĩnh (HDR10, một phần Dolby Vision)Hỗ trợ HDR tĩnh và động (HDR10, HDR10+, Dolby Vision)
AMD FreeSyncMột phần
NVIDIA G-SYNCKhông
VRR (Variable Refresh Rate)Một phần
DSC (Display Stream Compression)Không
ARC (Audio Return Channel)Không

Trong tương lai, nhiều khả năng các card đồ họa NVIDIA Ampere hay AMD RDNA 2 sẽ hỗ trợ HDMI 2.1 và DisplayPort 2.0, nhưng nhìn chi tiết, DisplayPort 2.0 vẫn có phần nào hơn HDMI 2.1 về cấu hình, đặc biệt khi nó là một chuẩn miễn phí.

Tuy nhiên, nếu bạn muốn kết nối máy tính hay các thiết bị vào TV, HDMI là lựa chọn duy nhất khi đa số các TV đều không trang bị cổng DisplayPort.

Tác giả