Skip to content

Dead Rising Deluxe Remaster – Đánh Giá Game

Dead Rising Deluxe Remaster

Dead Rising Deluxe Remaster – Được phát triển và phát hành bởi Capcom, Dead Risingmột thương hiệu game hành động sinh tồn zombie. Tuy kém nổi tiếng hơn người anh lớn là Resident Evil, Dead Rising vẫn có một lượng người hâm mộ trung thành nhất định nhờ vào cơ chế chơi thú vị, khi tất cả mọi thứ mà người chơi cầm lên đều có thể trở thành vũ khí.

Tiếc thay, sau sự thất bại của Dead Rising 4 vào năm 2016, thương hiệu này đã bị Capcom bỏ ngõ để lựa chọn đầu tư vào dòng game an toàn hơn.

Thương hiệu Dead Rising tưởng chừng như đã chết sau phần 4, cho đến khi vào tháng 6 năm nay, Capcom đã bất ngờ tuyên bố sự trở lại của dòng game, thông qua bản tân trang của trò chơi đầu tiên, với tên gọi là Dead Rising Deluxe Remaster.

Là một người đã chơi phần game gốc, người viết đã rất nóng lòng được trải nghiệm Dead Rising Deluxe Remaster để xem trò chơi có những thay đổi gì. Hãy cùng Vietgame.asia khám phá bản “tút” lại qua bài đánh giá sau!

BẠN SẼ THÍCH

Một bản tân trang xịn xò!

Được xây dựng lại trên nền đồ họa RE Engine, Dead Rising Deluxe Remaster sở hữu một diện mạo hoàn toàn mới, không chỉ là một bản nâng cấp độ phân giải và vân bề mặt (texture). Các mô hình nhân vật của trò chơi, cũng như lũ zombie đã được dựng lại từ đầu, với độ chi tiết tỉ mỉ cao hơn hẳn phiên bản gốc, đưa đến một trải nghiệm game đẹp mắt!

Không chỉ ở nhân vật, bối cảnh của tựa game – khu mua sắm Willamette – cũng sở hữu nhiều chi tiết hơn, với các yếu tố như cây cảnh, đồ đạt trang trí được thêm thắt, khiến cho sân chơi rộng rãi của tựa game gốc nay càng thêm phần sống động.

Cuối cùng nhưng không kém phần quan trọng, đó là yếu tố ánh sáng và đổ bóng của trò chơi của Dead Rising Deluxe Remaster cũng được thực hiện khá là tốt, tạo nên một trải nghiệm “dạo chơi” chân thực hơn.

Nhìn chung, nếu chỉ nói về mặt đồ họa, Dead Rising Deluxe Remaster xứng danh với một bản làm lại (remake) nhiều hơn là tân trang (remaster).

Được xây dựng lại trên nền đồ họa RE Engine, Dead Rising Deluxe Remaster sở hữu một diện mạo hoàn toàn mới

Ngoại hình là thế, vậy còn cơ chế chơi thì sao?

Về cơ bản, Dead Rising Deluxe Remaster vẫn là trò chơi của năm xưa, khi người chơi vẫn có thể sử dụng 90% những gì có thể “cầm được trên tay” để biến nó thành vũ khí, tận dụng các cửa hàng thực phẩm như quầy buffet để tích trữ vật phẩm hồi máu. Đi kèm với đó là một cốt truyện kinh dị hài hước như các phim zombie hạng B thường được chiếu trên TV.

Tuy nhiên, phiên bản Deluxe Remaster cũng sở hữu một số nâng cấp nhỏ nhưng đáng kể, khiến cho quá trình chơi trở nên thoải mái hơn, loại bỏ được nhiều phiền hà của bản gốc.

Đầu tiên phải kể đến, đó là việc các món vũ khí giờ đây đã có một “thước đo độ bền” được hiện trên màn hình. Yếu tố này giúp cho việc quản lý vũ khí dễ dàng hơn, biết món nào gần hỏng thì vứt, hoặc nếu có hai món vũ khí cùng một loại, thì việc ưu tiên cái nào sắp hư cũng dễ quyết định.

Thứ hai, cuối cùng thì ở gần lối vào căn cứ cũng đã có… một cái cầu thang để đi lên và đi xuống…

Nghe thật kỳ quặc đúng không? Tại sao chỉ một cái cầu thang mà lại là một bước nâng cấp vượt bậc? Nguyên nhân là do ở bản gốc, A.I (trí thông minh nhân tạo) của các NPC mà người chơi phải hộ tống khá là đần, và nếu hộ tống 2-3 người cùng lúc, chúng sẽ không có cách nào chủ động leo vào căn cứ.

Sự tồn tại của cái cầu thang này là một bổ trợ nhỏ nhặt, nhưng hiệu quả rất lớn cho quá trình chơi.

Thứ ba, đó là việc trò chơi đã bổ sung một cơ chế mới, đó là cơ chế “giết thời gian”. Nếu đã chơi Dead Rising bản gốc, thì chắc hẳn bạn cũng không lạ gì với việc đôi khi thời gian mà bạn có quá ngắn để làm nhiệm vụ phụ, nhưng đứng yên một chỗ chờ nhiệm vụ chính diễn ra thì quá lâu!

Với cơ chế “giết thời gian”, Dead Rising Deluxe Remaster, đã khắc phục vấn đề này hoàn toàn, giúp cho nhịp của trò chơi không còn bị khựng lại một cách vô duyên nữa.

Dead Rising Deluxe Remaster

Dead Rising Deluxe Remaster sở hữu một số nâng cấp nhỏ nhưng đáng kể, khiến cho quá trình chơi trở nên thoải mái hơn, loại bỏ được nhiều phiền hà của bản gốc

Ngoài ba điểm nhấn trên, Dead Rising Deluxe Remaster còn nhiều yếu tố cải thiện khác. Chẳng hạn như các món vũ khí lớn và nặng có thể được sử dụng như một cái khiên chống đạn tạm thời, giúp việc đánh trùm xài súng “dễ thở” hơn. Hay việc 100% các NPC đều có lồng tiếng, giúp cho thế giới của trò chơi có hồn hơn…

Nhìn chung, Capcom đã làm tương đối tốt trong việc hiện đại hóa trò chơi mà không cần phải “lấn sân” sang điểm đặc trưng của phần hậu bản (phiên bản thứ hai), đó là “combo weapon” (vũ khí ghép đôi) – tính năng mà Capcom đã “lạm dụng” làm ảnh hưởng tiêu cực không ít đến các phiên bản Dead Rising về sau.

BẠN SẼ GHÉT

Dead Rising Deluxe Remaster

Những khuyết điểm khá khó chịu!

Cải thiện nhiều là thế, song Dead Rising Deluxe Remaster vẫn còn một số khuyết điểm khá khó chịu.

Đầu tiên, đó là phải kể đến Otis, bác bảo vệ già đóng vai trò tổng đài phân bổ nhiệm vụ cho Frank. Điểm phiền toái của ông bác này từ bản gốc, đó là cứ đến giờ là nhắc Frank làm nhiệm vụ, chẳng cần quan tâm xem anh có đang làm gì quan trọng, chẳng hạn như đang đánh trùm.

Khuyết điểm này tiếc thay vẫn còn tồn tại trong bản tân trang. Tuy nó đã được chỉnh sửa lại, cho phép chúng ta… vừa chiến đấu vừa nghe điện, người viết vẫn cảm thấy nó phiền toái. Dead Rising Deluxe Remaster nên được lập trình để tắt cuộc gọi khi đang đánh trùm, hoặc có hẳn một nút “skip” (bỏ qua) gọi, đưa thông tin nhiệm vụ vào sẵn trình đơn như cách mà Cyberpunk 2077 đã áp dụng.

Dead Rising Deluxe Remaster

Thứ hai, đó là việc bản đồ của trò chơi vẫn bị chia thành nhiều khu nhỏ.

Ở năm 2006, khu mua sắm Willamette của Dead Rising là một khu vực đồ sộ và để có thể tải hết toàn bộ khu mua sắm này, Capcom buộc phải chia nhỏ nó thành nhiều vùng để dễ xử lý do giới hạn kỹ thuật lúc bấy giờ. Nhưng, với năm 2024, đây không còn là vấn đề to tát nữa, chẳng hạn ngôi làng Valdelobos của Resident Evil 4 Remake đã được Capcom “hô biến” hoàn toàn mới, có thể được thám hiểm mà không cần phải chờ màn hình tải.

Thế nhưng trong Dead Rising Deluxe Remaster, việc bản đồ vẫn bị chia nhỏ thành nhiều vùng đã tiếp tục khiến cho việc hộ tống những người cần cứu trở nên rất phiền toái. Chẳng hạn, nếu trong nhóm người cần cứu có một nhân vật đứng cách Frank hơi xa một chút thôi, thì khi Frank qua cửa, nhân vật này sẽ bị kẹt lại vì không theo kịp đoàn. Cánh cửa này đồng thời cũng là “biên giới” giữa hai khu vực, khi bước qua sẽ được nạp cảnh. Bạn đã thấy sự “phiền phức” rồi chứ?

Người viết hoàn toàn tin rằng Capcom hiện tại “dư sức” có thể biến khu mua sắm Willamette thành một bản đồ liền mạch, để cho những hiện tượng trớ trêu (như vừa nêu) sẽ không xảy ra, ảnh hưởng không đáng đến trải nghiệm của người chơi.

Dead Rising Deluxe Remaster

Ngoài hai khuyết điểm lớn này ra, Dead Rising Deluxe Remaster cũng còn một số điểm trừ nhỏ, như việc số lượng các thể loại zombie chưa đa dạng, dẫn đến việc chúng ta có thể dễ dàng thấy 2-3 zombie y hệt đứng cạnh nhau trong khu vực đông đúc, hay việc quần áo của Frank không còn nhuốm đậm màu máu sau các trận chiến khốc liệt như bản gốc nữa.

Cải thiện nhiều là thế, song Dead Rising Deluxe Remaster vẫn còn một số khuyết điểm khá khó chịu

Bạc 8.0

Nhìn chung, sau khi trải nghiệm trò chơi, người viết đã có thể hiểu vì sao Capcom lại đặt tên cho phiên bản game này là "Deluxe Remaster" (tân trang cao cấp) chứ không phải "Remake" (làm lại).

Dead Rising Deluxe Remaster là một bản tân trang thực sự ổn với mức giá mà Capcom đề ra. Game đã cố gắng khắc phục các phàn nàn của những người chơi bản gốc và là một xuất phát điểm tốt cho những người chơi mới tiếp cận với thương hiệu Dead Rising.

Thông tin

  • Dead Rising Deluxe Remaster
  • Nhà phát triển
    Capcom
  • Nhà phát hành
    Capcom
  • Thể loại
    Hành động
  • Ngày ra mắt
    17/09/2024
  • Nền tảng
    Windows, Xbox Series X | S, PlayStation 5

Cấu hình tối thiểu

  • Hệ điều hành
    Windows 10 (64bit) / Windows 11 (64bit)
  • CPU
    Intel Core i7-6700 / AMD Ryzen 5 3400G
  • RAM
    16GB
  • GPU
    NVIDIA GeForce GTX 1060 (6GB) / AMD Radeon RX 580
  • Lưu trữ
    66GB
  • Thiết bị
    N/A

Cấu hình thử nghiệm

  • Hệ điều hành
    Windows 10 Pro 64-bit
  • CPU
    Intel Core i7-9700 3.00GHz (8CPU)
  • RAM
    16GB
  • GPU
    NVIDIA GeForce GTX 1660 SUPER
  • Lưu trữ
    500GB
  • Thiết bị
    N/A
Game được hỗ trợ bởi CAPCOM. Chơi trên PC.

Tác giả

Mango

Chơi game từ khi còn nhỏ trên chiếc máy SNES, Mango sở hữu một gu trò chơi tương đối đa dạng. Tuy nhiên, vì có sở thích võ thuật nói chung và thể thao đối kháng nói riêng, Mango ưa chuộng nhất là những trò chơi đánh đấm, cụ thể hơn là dòng game Yakuza.