Dead Space – Khi đề cập đến thể loại sinh tồn kinh dị, chúng ta không thể quên nhắc đến Dead Space, bởi dòng game này không chỉ dừng ở việc hấp dẫn người chơi mà còn trở thành nguồn cảm hứng cho rất nhiều tựa game kinh dị hiện nay, điển hình nhất trong thời gian gần đây The Callisto Protocol hay Alien: Isolation.
Đáng tiếc là dòng game đã không may bị chìm vào quên lãng, với màn ra mắt không mấy thành công của Dead Space 3 năm nào…
Chưa dừng lại đó, vào năm 2017, Visceral Games chính thức bị EA giải tán, khiến cho khả năng ra mắt phần hậu bản tiếp theo cho dòng game trở nên mơ hồ hơn bao giờ hết.
Tuy nhiên, nhờ vào việc phong trào làm lại game (remake) đang dần trở nên sôi động trong thời gian qua, sau gần 10 năm vắng bóng, Dead Space nay lại có cơ hội diện kiến người chơi với một bản làm lại mới toanh được ra mắt vào tháng Một vừa qua.
Vậy liệu màn “tái sinh” của Dead Space có đủ sức thỏa mãn người hâm mộ sau gần 10 năm “biến mất”?
Hãy cùng Vietgame.asia khám phá qua bài đánh giá sau nhé!
BẠN SẼ THÍCH
VŨ TRỤ ĐEN TỐI
Bản làm lại này cho người chơi trải nghiệm lại chuyến hành trình của anh chàng kỹ sư Isaac Clarke, trong nhiệm vụ giải cứu trên con tàu USG Ishimura khổng lồ, nơi tràn ngập những sinh vật Necromorph bí ẩn, sẵn sàng săn lùng người chơi.
Điểm nổi bật nhất của Dead Space 2023 không gì khác ngoài mảng đồ họa đặc sắc. Trò chơi được Motive Studio gầy dựng lại từ đầu bằng khung phần mềm Frostbite thế hệ mới, vốn được áp dụng cho các tựa game vô cùng đẹp mắt từ EA như Battlefield 2042 và Need for Speed Unbound.
Nhờ thế mà các mô hình nhân vật như bộ giáp của Isaac vốn trông như… những mảnh giẻ được chắp vá lại trong phiên bản cũ nay được tái hiện bằng những mảnh vải, với phần đệm cứng cáp.
Khi nâng cấp hơn nữa, người chơi sẽ nhận được một bộ giáp hầm hố đúng nghĩa với phần kim loại ngả màu, nặng trĩu, phủ chằng chịt bộ áo phi hành gia của Isaac, thậm chí âm thanh tạo ra qua từng bước di chuyển cũng thể hiện khá chi tiết sức nặng của bộ giáp.
Thiết kế môi trường xung quanh cũng được thể hiện khá tốt sự hoang tàn của con tàu qua một loạt chi tiết như các mảnh vỡ vụn rãi rác khắp nơi. Chưa kể là các vệt máu, những con Guardian nhầy nhụa bám trên bề mặt tường đều đủ sức tạo nên cảm giác nguy hiểm, kinh dị đang gần kề.
Khi nhắc đến yếu tố kinh dị, hai phương thức mà người viết thấy dùng nhiều nhất để xây dựng nỗi sợ cho người chơi là “jump scare” để hù dọa người chơi hoặc sử dụng những tên quái khó nhằn để tạo nên những cuộc rượt đuổi căng thẳng không hồi kết.
Trong Dead Space, trò chơi không chỉ tận dụng hai yếu tố trên mà còn áp dụng triệt để hệ thống chiếu sáng, đổ bóng để giảm nhận thức môi trường của người chơi.
Xuyên suốt trò chơi, gần như mọi khu vực đều được phủ trong bóng đêm với một vài ánh đèn le lói từ xa.
Khi tiếng động của những con Necromorph phát lên, người chơi sẽ chẳng thể nào biết được bọn chúng đến từ đâu, trong khi ánh đèn nhỏ bé từ khẩu súng của Isaac lại chỉ có thể bao phủ một vùng tương đối nhỏ.
Điều này khiến cho người chơi luôn có cảm giác căng thẳng, sợ hãi nay hóa hoảng loạn khi tiếng động từ bè lũ Necromorph ngày một lớn dần trong khi bạn còn chẳng biết mình đang ở đâu.
Nhưng nếu bạn nghĩ việc phải di chuyển trong bóng tối đã là thảm họa, Dead Space cũng không quên đùa giỡn với “trái tim bé bỏng” của người chơi bằng cơ chế Circuit Breaker, với một vài trường đoạn ép bạn cắt nguồn ánh sáng, để nhường nguồn điện cho công tắc cửa hay thang máy nằm ở đầu kia của bản đồ.
Qua đó, trò chơi làm rất tốt việc cải tiến đồ họa để đem đến một Dead Space hoàn toàn mới, cùng lúc tận dụng rất tốt hiệu ứng đồ họa để nâng tầm độ kinh dị của game.
Trò chơi làm rất tốt việc cải tiến đồ họa để đem đến một Dead Space hoàn toàn mới
TRẢI NGHIỆM KINH DỊ, SINH TỒN VƯỢT TRỘI
Khi nhắc đến tính năng cắt đứt chi, cho phép người chơi có thể xử lý các bộ phận của lũ quái bằng cách bắn vào chúng, bạn có thể dễ dàng liên tưởng đến trò chơi đi đầu về tính năng hiện nay là Resident Evil 2 Remake.
Tuy nhiên, với sự góp mặt của Dead Space 2023, cơ chế này đã được Motive Studio cải tiến mạnh tay, có chiều sâu hơn nữa.
Tính năng cắt đứt chi của trò chơi nay có thể được sử dụng để thể hiện mức sát thương từ người chơi.
Mỗi lần Isaac bắn vào tay chân của lũ Necromorph, chúng sẽ dần lộ ra phần mô, rồi mới đến phần xương bên trong, cuối cùng là phát bắn tiếp theo sẽ cắt đứt hoàn toàn phần chi đó.
Cơ chế này được thể hiện rõ hơn nữa khi trải nghiệm từ mức khó (Hard) trở lên, khi mà bạn sẽ cần từ 3-4 phát bắn chính xác từ khẩu Plasma Cutter (chưa nâng cấp sát thương) để đủ cắt đứt chân của một con Necromorph.
Qua đó mà khiến cho từng phát bắn game đều trở nên có sức nặng, tạo cảm giác “rất đã” khi tấn công vào điểm yếu của lũ quái.
Nếu như trong phiên bản 2008 của Dead Space, người chơi chỉ có thể thể chọn một bề mặt và nhảy đến khi đang trong môi trường không trọng lực thì phiên bản 2023 mới đây đã gỡ bỏ cơ chế trên. Thay vào đó, người chơi đã hoàn toàn có thể bay lượn, điều hướng 360 độ trong không trung, đậm chất du hành vũ trụ hơn.
Hệ thống di chuyển này nhìn chung được thiết kế khá tốt, độ cơ động cao, nhân vật có thể chuyển giữa trạng thái bay tự do hoặc bám lên bề mặt để di chuyển, thậm chí là vẫn có thể bắn lẫn di chuyển khi đang bay tự do.
Đổi lại thì việc định hình vị trí kẻ địch nay càng trở nên khó nhằn hơn, chúng sẽ dễ dàng “úp sọt” bạn từ xa nếu không cẩn thận.
Hệ thống di chuyển này nhìn chung được thiết kế khá tốt, độ cơ động cao,
ĐẬM CHẤT ĐIỆN ẢNH
Với sự xuất hiện của các cỗ máy chiến game thế hệ mới là Xbox Series X/S và PlayStation 5 trong những năm gần đây, ngày càng có nhiều nhà phát triển tận dụng triệt để khả năng xử lý của ổ cứng SSD để đem đến các trò chơi với tính năng giảm hoặc gần như loại bỏ thời gian chờ (loading) như Spider-Man: Miles Morales hay Ratchet and Clank: Rift Apart.
Hơn nữa, ta có kỹ thuật “một lần quay” (One-shot Camera) điển hình trong God of War và God of War Ragnarok, dùng để mô tả trải nghiệm chơi liền mạch, không có thời gian chờ, các đoạn cắt cảnh dẫn trực tiếp vào những phân đoạn trải nghiệm của người chơi.
Và chính Dead Space cũng được thiết kế để áp dụng kỹ thuật này.
Bản đồ của trò chơi nay được xây dựng thành một kết cấu liền mạch, tức người chơi có thể đi từ điểm A đến Z mà không đụng phải màn hình chờ.
Điều này khiến game trở nên sống động và kịch tính hơn xuyên suốt quá trình trải nghiệm, thậm chí là có phần đáng sợ hơn bởi việc lưu game, mua sắm sẽ đều diễn ra trong thời gian thực, tạo sơ hở cho bè lũ Necromorph tấn công bạn.
Một điểm ngoài lề mà Dead Space 2023 đem đến chính là nhân vật Isaac Clarke nay đã được góp giọng bởi Gunner Wright, anh cũng là người lồng tiếng cho Isaac trong phiên bản Dead Space 2 và Dead Space 3.
Nhờ thế mà mạch truyện tuy không có nhiều thay đổi nhưng lại đem đến cho người viết cảm giác được diễn giải tốt, nhập tâm và mới lạ hơn, nhờ việc Isaac luôn hồi đáp lại trong phần lớn tình huống, thay vì chỉ như “khẩu súng di động” suốt trò chơi.
mạch truyện tuy không có nhiều thay đổi nhưng lại đem đến cho người viết cảm giác được diễn giải tốt, nhập tâm và mới lạ hơn
BẠN SẼ GHÉT
NHỮNG THIẾT KẾ CHƯA TỐT
Có thể nói Dead Space 2023 là một bản làm lại vượt trội, gần như được nâng tầm hơn so với bản 2008.
Tuy vậy, trò chơi vẫn vướng phải một vài lỗi thiết kế khiến người viết không hài lòng.
Trò chơi nay có thêm hệ thống nhiệm vụ phụ, nhưng điều khá khó chịu là chúng sẽ bị khóa lại theo từng chương.
Ví dụ như nhiệm vụ yêu cầu bạn tìm tung tích của Kyne, sau khi hoàn tất các yêu cầu được giao, nhiệm vụ này sẽ bị khóa lại cho đến khi bạn tuần tự mở khóa các khu vực kế trong các chương sau.
Quy trình này lặp lại liên tục, cứ vài chương game lại yêu cầu bạn quay ngược lại các khu vực cũ, khá cụt hứng khi bạn trải nghiệm đến những phân đoạn cao trào.
Trò chơi cũng có quá nhiều trạm lưu game (save station), đồng thời hoạt ảnh xử lý của chúng cũng chậm chạp, khiến nhịp độ của game bị đứt quãng khá nhiều.
Trò chơi nay có thêm hệ thống nhiệm vụ phụ, nhưng điều khá khó chịu là chúng sẽ bị khóa lại theo từng chương