Deathtrap – Từ lâu, thể loại thủ trụ cùng với chiến thuật thời gian thực… Là những “mảnh đất” đem lại nhiều thử thách người chơi nhiều nhất!
Riêng với thủ trụ, đây cũng là nơi mà nhiều nhà phát triển đã lồng vào đó cac yếu tố của các thể loại khác, điển hình là nhập vai.
Và nay dưới bàn tay của NeocoreGames, thủ trụ và nhập vai đã gộp lại thành một để tạo ra một tựa game đặc biệt, đó là Deathtrap.
Nói một cách chi tiết hơn, Deathtrap sở hữu 60% là thủ trụ và 40% là của nhập vai, mà cụ thể là vác từ game The Incredible Adventure of Van Helsing từ giao diện, hệ thống trình đơn, phông chữ lẫn phong cách đồ họa đều khiến cho người chơi nghĩ ngay tới “người anh” đã thành danh kia.
Với kinh nghiệm đã có và được chứng mình của NeocoreGames, Deathtrap hôm nay hoàn toàn có thể trở thành một thương hiệu mới, với tầm vóc cao hơn trong mai kia.
BẠN SẼ THÍCH
Lối chơi dung hợp thú vị!
Với phần thủ trụ, nhiệm vụ của người chơi là chạy vòng vòng khắp bản đồ, cài đặt những cái bẫy và làm mọi cách để cản bước tiến của lũ quái vật, không cho chúng phá phong ấn để đi vào cánh cổng dẫn đến thế giới Ink.
Kẻ địch sẽ được dẫn lối bằng một vạch màu đỏ nhằm cho người chơi biết được hướng di chuyển của chúng để đặt những chiếc bẫy ở các vị trí phù hợp.
Để kích hoạt bẫy, người chơi cần một loại năng lượng có tên là Essence, kiếm được từ những tên quái vật bị hạ.
Do số lượng có hạn và kiếm được thì cũng không nhiều, nên lựa chọn bẫy nào nằm ở vị trí nào cần đặt là “chìa khóa” dẫn tới thành công trong Deathtrap.
Nhiệm vụ của người chơi là chạy vòng vòng khắp bản đồ, cài đặt những cái bẫy và làm mọi cách để cản bước tiến của lũ quái vật
Còn về phần nhập vai, người chơi sẽ có ba lớp nhân vật để lựa chọn, đó là Lính Đánh Thuê (Mercenary), Phù Thủy (Sorceress) và Xạ Thủ (Marksman).
Do đặc trưng của cả ba khác nhau nên người chơi sẽ chọn lấy nhân vật phù hợp với mình để bắt đầu cuộc chiến dài hơi với Deathtrap.
Mỗi người đại diện cho những phong cách rất riêng trên chiến trường: Lính Đánh Thuê với lượng máu “trâu bò”, thiên về cận chiến với những kĩ năng “giải tán đám đông” mạnh mẽ; Phù Thủy mạnh về những chiêu thức phép thuật đầy quyền năng, bù lại số lượng máu khá ít; còn Thợ Săn với lượng máu cũng không cao song lại sở hữu những vũ khí tầm xa với sự cơ động cao.
Nét nhập vai cũng hiện hữu khá rõ trong Deathtrap, với hệ thống mua bán vật phẩm có giao diện và chức năng tương tự như những The Incredible Adventure of Van Helsing 2, Diablo III hay Torchlight… Với những món trang bị cơ bản như vũ khí, giáp trụ, nhẫn, dây chuyền…
Mỗi màn chơi đều có những nhiệm vụ phụ như đi giết tên quái vật này hạ cả đàn quái vật kia…
Hoàn thành chúng sẽ đem đến những chiếc rương báu và đảm bảo cho người chơi không bị thiếu thốn tiền bạc lẫn trang bị “hiếm”, điều mà nếu chỉ chăm chăm vào công việc chính bạn sẽ không có được.
Nâng cấp đa dạng
Mỗi nhân vật đều sở hữu một riêng cho mình một bản nâng cấp, mà từ đó người chơi có thể rẽ thêm vài nhánh theo ý thích.
Tuy những kĩ năng “lận lưng” lẫn hướng để nâng cấp nhân vật không nhiều, nhưng lại rất hữu dụng khi không có nâng cấp nào dư thừa.
Nhân vật có thể nâng cấp thì những cái bẫy, vốn là trọng tâm của Deathtrap, cũng phải được nhắc đến với bảng nâng cấp của riêng mình và cũng có những hướng riêng biệt.
Số lượng bẫy trong Deathtrape cũng khá đa dạng về công dụng và sát thương, nên khi kết hợp với những nâng cấp có sẵn đã tạo ra những công dụng khác nhau cho từng loại bẫy.
Ví dụ: đối với dạng bẫy chông, bạn có thể tăng sát thương hay kích hoạt khả năng kềm chân kẻ thù trong một thời gian ngắn, đối với trụ súng bạn cũng có thể tăng thêm sát thương hay tăng tầm bắn…
Deathtrap cũng rất ưu ái khi đưa vào nút “reset” những nâng cấp đã chọn, nên người chơi cũng rất thoải mái thử hết mọi hướng đi và tạo ra những chiếc bẫy phù hợp nhất với mình.
Tất nhiên, bảng nâng cấp cho nhân vật cũng có thể “reset” vô tư!
những cái bẫy, vốn là trọng tâm của Deathtrap, cũng phải được nhắc đến với bảng nâng cấp của riêng mình và cũng có những hướng riêng biệt
BẠN SẼ GHÉT
Kém thử thách!
Ban đầu nhập cuộc với vài món đồ cơ bản, người viết đã đinh ninh rằng về sau Deathtrap sẽ khó khăn hơn rất nhiều.
Nhưng khi đã có một khoảng tiền kha khá và vài món giáp trụ với chỉ số tương đối thì… người viết đánh một lèo tới tận 3 màn tiếp theo mà chỉ sử dụng… đúng một bình máu!
Càng về cuối trong Deathtrap, Lính Đánh Thuê đã “trâu bò” lại được thêm bộ giáp mạnh thì đòn đánh của lũ quái cứ như “gãi ngứa”, Phù Thủy thì đòn phép như mưa cứ giáng mãi xuống khiến cho đội hình của địch chưa kịp hoàn hồn sau loạt bẫy lại phải “phơi xác”, còn Xạ Thủ thì “hào phóng” tặng cho lũ quái vật một loạt “kẹo đồng” khiến cho chúng chết mà cũng chưa kịp… “ngáp”!
So với người anh The Incredible Adventure of Van Helsing “gai góc”, thì người em Deathtrap “mềm mại” và dễ thở hơn rất nhiều
Kẻ dẫn xác tới thì nhiều, mà người phá bẫy thì lại ít nên phần lớn thời gian chơi Deathtrap,người chơi sẽ không phải lo lắng về sự an toàn của những chiếc bẫy, cứ thế mà để cho lũ quái vật tội nghiệp lết xác tới nộp mạng sau khi trải qua cả chặng đường gian khổ, mà chung quy là do chúng không thèm để ý đến cây trụ đang nã đạn tới tấp vào mình!
Chỉ có vài con trùm là đủ sức làm khó người chơi được đôi chút và với một tí chiến thuật, vài mánh lới cơ bản của các game nhập vai dạng tương tự như Diablo, thì cũng không mất nhiều thời gian để tiễn trùm về “cửu tuyền”.
So với người anh The Incredible Adventure of Van Helsing “gai góc”, thì người em Deathtrap “mềm mại” và dễ thở hơn rất nhiều, đáng tiếc, đây lại là đối tượng cần một độ khó cao để hấp dẫn người chơi hơn nữa.
Vẫn còn nhiều “sạn”…
Trong ba nhân vật người chơi được chọn, mỗi người đều có những câu chuyện riêng để đặt chân đến vùng đất này, nhưng sự khác nhau của họ chỉ nằm ở đoạn phim cắt cảnh lúc đầu và lúc cuối!
Còn khúc giữa thì “ai cũng như ai”, chẳng có gì khác biệt.
Khởi đầu của Deathtrap rất hứa hẹn, song câu chuyện của game thì khi kể chắc chỉ gói gọn… vài câu là hết!
Với khung cảnh tăm tối và đầy rẫy rừng cây, đáng lẽ ra NeocoreGames nên để ý nhiều hơn về vấn đề của camera hơn là bê nguyên xi lại từ dòng game The Incredible Adventure of Van Helsing.
Nhiều lúc “dầu sôi lửa bỏng”, người chơi sẽ không thể quan sát được cục diện do trận chiến đang diễn ra phía sau của… một cây đại thụ to tướng!
Dù có tính năng phóng to thu nhỏ, nhưng tình hình không cải thiện được là bao.
Khởi đầu của Deathtrap rất hứa hẹn, song câu chuyện của game thì khi kể chắc chỉ gói gọn… vài câu là hết!
Giao diện của Deathtrap cũng chưa thật sự trực quan khi có quá nhiều thông tin được bày ra trước mắt.
Đó là chưa kể kích cỡ chữ cũng khá nhỏ, khiến cho những đoạn văn chi chít chữ chẳng khác nào những “con kiến” bò lung tung trong mắt người chơi.
Cuối cùng, những lỗi nhỏ trong Deathtrap cũng chưa được hãng phát triển rà soát kĩ như lỗi xuyên vật thể, kẻ thù “đứng hình”, viên đạn bay một đằng mà kẻ thù đứng một hướng vẫn trúng…
THÔNG TIN
- Sản xuất: NeocoreGames
- Phát hành: NeocoreGames
- Thể loại: Nhập vai | Chiến thuật
- Ngày ra mắt: 4/02/2015
- Hệ máy: PC
CẤU HÌNH TỐI THIỂU
- OS: Windows XP | Vista | 7 | 8
- CPU: 2.0Ghz Dual Core
- RAM: 1GB
- VGA: Nvidia 8800 GT / Intel HD4000 / AMD HD3850
- HDD: 3GB
CẤU HÌNH THỬ NGHIỆM
- OS: Windows 10
- CPU: Intel Core i9 9920x
- RAM: 64GB
- VGA: Gigabyte GeForce RTX 2080 Gaming OC 8GB GDDR6
- SSD: 256GB
GAME ĐƯỢC HỖ TRỢ BỞI NEOCORE GAMES – CHƠI TRÊN HỆ PC