Destiny 2 – Destiny là một cái tên quen thuộc với những ai sở hữu PS4 hoặc Xbox One từ những ngày đầu ra mắt.
Là sản phẩm “đầu tay” của hãng Bungie sau khi chia tay với Microsoft, tuy rằng trò chơi còn tồn đọng những khuyết điểm, nhưng ít nhiều cũng tạo ra được một cộng đồng người hâm mộ lớn mạnh theo thời gian.
Sau những thành công về doanh thu của Destiny cũng như bản mở rộng lấy lại “phong độ” – The Taken King, không quá ngạc nhiên khi Bungie bắt tay vào việc phát triển phiên bản tiền nhiệm ngay sau đó.
Và Destiny 2 cũng đã chính thức xuất hiện, sự trông ngóng từ những người hâm mộ được “hâm nóng” bằng hàng loạt các đoạn trailer và video trình diễn lối chơi hấp dẫn trong suốt thời gian qua và không ít thì nhiều, cũng thu hút được ánh nhìn mới từ những game thủ chưa có hứng thú về Destiny trước kia, trong đó có người viết.
Vậy liệu rằng, Destiny 2 sẽ có đủ sức hút và trọng lượng dành cho những “lính mới” của dòng game hay không?
Người viết xin mời bạn đọc cùng xem qua bài đánh giá của Vietgame.asia nhé!
BẠN SẼ THÍCH
KÉO CÒ SÚNG VÀ BẤT CHẤP TẤT CẢ!
Điểm đầu tiên mà người viết cảm thấy ấn tượng nhất với Destiny 2, đó chính là nền tảng đồ họa cực kỳ đẹp mắt.
Có lẽ về mặt kĩ thuật, Destiny 2 không có nhiều thay đổi đáng để so sánh với phần đầu, nhưng về mặt chỉ đạo nghệ thuật thì trò chơi đã làm rất tốt khi mang đến những khung cảnh đồ sộ và ấn tượng.
Bên cạnh việc trau chuốt cho từng khung hình, Destiny 2 không thiếu các chiêu trò tân trang đồ họa thời thượng như hiệu ứng đổ bóng giả (ambient occlusion), các hạt “particles” bay tung tóe khi thi triển kĩ năng hoặc bom nổ và súng bắn “ỳ xèo” trên màn hình, hiệu ứng ánh sáng và đổ bóng hợp lý trong những khung cảnh cần để lột tả không khí hay tình tiết cốt truyện. Tuy vẫn có những lỗi bất chợt như kẻ thù chạy xuyên tường hay đột ngột biến mất, chúng thật sự không ảnh hưởng quá nhiều tới trải nghiệm tổng thể.
Chất liệu vân bề mặt và phản chiếu của Destiny 2 cũng được thực hiện khá tốt trong gần như toàn bộ trò chơi. Khi nhìn về bức tranh đồ họa tổng thể, không khó để nhận thấy rằng Destiny 2 sở hữu một trong những “bộ cánh” ấn tượng nhất của năm nay, vận hành trơn tru và ít tụt khung hình mặc cho số khung hình khóa như “đinh đóng cột” ở mức 30 khung hình/giây trên console.
Để “tô điểm” cho phần hình, âm thanh và nhạc nền tiếp tục phát huy thế mạnh vốn có từ phiên bản trước.
Những bản nhạc giao hưởng được soạn bởi nhạc sĩ Michael Salvatori – người từng góp phần sáng tác trong phần đầu tiên, cùng hai nhạc sĩ mới là Skye Lewin và C. Paul Johnson.
“Bộ sậu” mới này tiếp tục cống hiến cho Destiny 2 cả một dàn nhạc giao hưởng với những tiết tấu hùng hồn, hào nhoáng, lắng đọng và có một chút “thơ ca”. Những khung cảnh hoàng tráng đều được thổi hồn một cách mãnh liệt, nhưng cũng chậm rãi trong những giây phút rời xa hành động trong chốc lát.
Bên cạnh nhạc nền chất lượng, âm thanh của môi trường hay tiếng súng “giòn tan”, chan chát cũng được chăm chuốt kỹ càng.
Phần lồng tiếng của các nhân vật chính trong Destiny 2 cũng được góp mặt bởi những tay nghề “máu mặt” trong làng điện ảnh Hollywood, hoặc những trò chơi đầy quen thuộc như Nathan Fillion – trong vai anh chàng Cayde-6 “xì-tai” tấu hài nhưng cực chất chơi, Lance Reddick trong vai chỉ huy Zavala với chất giọng trầm ngâm, quyết đoán và mạnh mẽ; hay kể đến Gina Torres với vai Ikora Rey/Warlock Vanguard có tính cách gần giống chỉ huy Zavala nhưng vẫn khoát lên mình cảm xúc trong từng câu nói.
Điểm lưu ý quan trọng, đó là nếu bạn là một người thích “cày cuốc” như người viết, thì Destiny 2 chắc chắn sẽ không làm bạn thất vọng và có phần thỏa mãn là đằng khác. Còn nếu bạn không phải dạng người chơi thích cày cuốc, thì… đó là một câu chuyện khác.
Destiny 2 là trò chơi bắn súng góc nhìn thứ nhất (FPS) pha lẫn nhập vai và các yếu tố của MMO.
Ban đầu, Destiny 2 cho phép người chơi lựa chọn một trong ba lớp nhân vật (class): Hunter, Warlock và Titan. Mỗi lớp nhân vật đều có các kĩ năng nâng cấp và thi triển đặc biệt, và còn có hai lớp nhân vật phụ sẽ được mở khóa về sau thông qua nhiệm vụ đặc biệt.
Sau khi chọn lớp nhân vật phù hợp, người chơi sẽ được tiếp tục chọn một trong ba “loài” bao gồm Human, Awoken và Exo (robot có hình dáng, tính cách của con người).
Các tùy chọn về khuôn mặt còn khá đơn giản, chưa có độ sâu như các MMORPG hay RPG nói chung cho phép tạo ngoại hình khác, nhưng thực sự cũng không quan trọng lắm vì đa phần sự tập trung sẽ hướng về bộ giáp cực “ngầu” của nhân vật.
Về các lớp nhân vật, nếu người chơi thích phong cách “tank” thì không thể bỏ qua Titan khi được trang bị giáp trụ cứng cựa nhất, cũng như có khả năng cận chiến “kinh hồn”. Các Titan được trang bị khả năng “booster” sẽ giúp đẩy họ bay lên trời theo một đường thẳng.
Những ai ưa thích một chút “phép thuật” hẳn sẽ lựa chọn Warlock, có giáp trụ nhẹ nhất trong ba lớp nhân vật nhưng có khả năng gây sát thương từ xa, tối ưu trong xây dựng lối chơi phối hợp. Tính linh động của Warlock cũng là một điểm đáng chú ý khi khả năng bay lướt “lơ lửng” trên không giúp lớp nhân vật này “đạp trời” lâu hơn các nhân vật còn lại.
Nếu muốn một chút tính “lai” giữa cả hai trên thì ta có Hunter – lớp nhân vật người viết ưa thích nhất vì chiếc mũ trùm đầu bí ẩn (ngầu nữa!), cầm súng ném dao dội bom trông rất điệu nghệ, cũng như khả năng đổi hướng nhảy thoải mái.
Cả ba lớp nhân vật này đều rất cân bằng, và quả thật dùng nhân vật nào cũng… sướng tay đã mắt như nhau cả. Thế nên người viết khuyên bạn nên thử hết để tìm ra phong cách chơi “hợp cạ” với mình nhất.
Chính vì thế, việc có người bạn khác “loài” lẫn kiểu nhân vật tham gia chinh chiến trong suốt hàng giờ với Destiny 2 quả thật rất thích thú và mang tính đồng đội, hỗ trợ lẫn nhau rất tốt. Người chơi có thể tham gia các bang hội tùy thích (dĩ nhiên không thiếu người chơi Việt Nam!), hoặc có thể chơi một mình, hoặc cùng bạn bè đi cùng cày cuốc cho vui.
Việc phối hợp với đồng đội (trong tất cả các chế độ chơi) cũng chính là điểm thu hút người viết, cũng như là yếu tố giữ chân người chơi bậc nhất, tạo dựng được một cộng đồng đông đảo như hiện nay.
Yếu tố lẫn cảm xúc này “hòa quyện” vào gần như tất cả các tính năng của trò chơi, khiến người chơi cảm thấy sự “gần gũi” mang tính cá nhân, mặc cho bản chất thuần chơi mạng của Destiny 2.
Người chơi sẽ được các đồng đội ngẫu nhiên hỗ trợ tấn công một tên trùm nhỏ nào đó, đặc biệt trong các chế độ chơi hoặc rõ nhất là các sự kiện “công chúng” (public events) trong các bản đồ lớn của Destiny 2. Họ sẵn sàng “hỗ trợ” chinh chiến nhiệt tình và không quan tâm bạn có là dân tập sự hay không.
Số lượng nội dung trong Destiny 2 có phần hơi bị “choáng ngợp” ban đầu, đặc biệt với những người chơi mới tiếp xúc với dòng game như người viết, nhưng không tốn nhiều thời gian để làm quen vì nhịp độ trong Destiny 2 khá nhanh và nhịp nhàng, có dư thời gian để người chơi thư thả và diễn ra khá tự nhiên.
Người chơi mới sẽ được chào đón bằng các nhiệm vụ chính liên quan tới The Red War, sự kiện “công chúng” (public events), hay các nhiệm vụ phụ (Patrol Mission) lẫn Adventures để tìm hiểu về gốc gác của nơi mà mình đang đặt chân đến. Cách thiết kế các tuyến nhiệm vụ cũng khá ổn, có hẳn câu chuyện riêng và những đoạn hội thoại góp phần tạo nên chiều sâu trong từng mạch nhiệm vụ.
Bản đồ rộng lớn của các hành tinh còn sở hữu các khu vực “Lost Sector” được ẩn giấu khá kĩ, trong bản đồ có các kí hiệu, hãy chú ý bởi chúng là dấu hiệu của Lost Sector ở gần đó.
Sau khi hoàn thành hết cốt truyện thông qua các nhiệm vụ chính, người chơi sẽ được mở khoá thêm các chế độ chơi khác, đòi hỏi kĩ năng phối hợp cùng đồng đội cũng như khả năng xử lý tình huống đầy thử thách như: Leviathan Raid, Strike, Nightfall Strike, Crucible.
Trong đó, ắt hẳn chế độ chơi Leviathan Raid là cửa ải khó nhất của Destiny 2, bởi chế độ này yêu cầu khả năng phối hợp đồng đội chặt chẽ, có phần “nhức óc” và độ khó trải dài, nhưng thời gian bỏ ra cùng đồng đội sẽ được tưởng thưởng bằng phần thưởng vô cùng xứng đáng sau khi kết thúc.
Chế độ Strike sẽ được mở khóa khi người chơi hoàn thành nhiệm vụ chính mang tên “Fury” trên hành tinh Io, tìm gặp đại tá Zavala để bắt đầu “đi càn”.
Chế độ chơi này có thể được xem là một hoạt động cấp cao, độ dài trung bình vào khoảng 20 phút và hoạt động tương tự như các nhiệm vụ chính. Cơ chế của Strike khác với nhiệm vụ bình thường là bắt buộc người chơi phải có một tổ đội gồm ba người, nếu không đủ thì sẽ có người chơi khác được thế vào vị trí còn sót lại.
Nightfall Strike – phiên bản “hardcore” của Strike, sẽ được mở khóa nếu người chơi vượt qua được ít nhất hai màn Strike và đạt được lượng điểm Power nhất định.
Hàng tuần, nó sẽ chọn ra một Strikes mới để trở thành nhiệm vụ Nightfall Strike trong 7 ngày sau đó, thêm và tùy chỉnh độ khó cao hơn từ địch thủ thông thường cho tới các “đơn vị” cấp cao hơn của đối phương như các “đại úy” đầu đàn hay kẻ thù được trang bị giáp trụ tận răng đầy uy lực.
Số lượng nội dung trong Destiny 2 có phần hơi bị “choáng ngợp” ban đầu, đặc biệt với những người chơi mới tiếp xúc với dòng game
Đây cũng là một trong những chế độ chơi thưởng nhiều món đồ quý báu nhất trong Destiny 2 thông qua các phần việc yêu cầu để hoàn thành Nightfall Strike.
Crucible là chế độ chơi PVP, nhưng khác với Destiny, Destiny 2 chỉ cho phép 4 chọi 4 vì theo Bungie, quy mô này sẽ giúp họ thiết kế màn chơi cũng như các chế độ chơi trong Crucible mang tính cân bằng tốt hơn nhiều.
Crucible bao gồm các chế độ chơi khác như Control, Clash, Supremacy, Survival, Trials of the Nine và chế độ chơi mới: Countdown – đặt bom và phòng thủ/tấn công cho tới khi nào bom nổ hoặc bom được gỡ sử dụng thể thức chiến thắng trong 6 hiệp.
Nhìn chung, các chế độ chơi này đều được thực hiện khá chỉn chu và trau chuốt, dư sức mang lại hàng giờ chơi đầy thú vị và hấp dẫn.
Nhờ công việc “cày cuốc”, đôi khi bạn sẽ tìm được các vũ khí và giáp xịn với chỉ số cấp cao. Các món đồ tìm được cũng phân theo cấp bậc màu sắc, từ loại thường cho tới “huyền thoại” lần lượt là xanh lá, xanh dương, tím và vàng.
Kho vũ khí và giáp trụ trong Destiny 2 khá phong phú, có thể tinh chỉnh để tăng chỉ số của từng món, cũng như thay đổi vẻ ngoài thông qua các Shader lượm lặt trong màn chơi hoặc khi người chơi đạt cấp 20 trở lên, cứ mỗi lần thanh điểm kinh nghiệm được trám đầy thì người chơi sẽ được tặng một viên Bright Engram – sau đó đem đi đổi cho thương gia trong trụ sở sẽ được một vài Shader hoặc vật phẩm.
Việc cày cuốc để có được các Bright Engrams cũng khá mệt mỏi, các Shader không thật sự “chất” cho lắm, nên thực sự chúng không có gì đáng để nói đến.
Kho vũ khí của người chơi được phân theo ba loại: Kinetic, Energy và Power. Những vũ khí thường không có các nguyên tố sát thương thuộc lớp Kinetic, những món có nguyên tố sát thương (như Arc, Solar hay Void) thuộc lớp Energy, và những vũ khí đặc biệt (sở hữu sát thương mạnh nhất nhưng ít đạn dược) như Shotgun, Sniper Rifle, hay kiếm – búa, các khẩu súng phóng lựu… thuộc lớp Power.
Cũng tương tự như phần đầu, cảm giác bắn súng vẫn rất tốt và vẫn giữ được phong độ trong suốt chiều dài của Destiny 2, điều cũng dễ hiểu khi dòng game được thực hiện bởi “cha đẻ” dòng game Halo – Bungie.
Cách thiết kế màn chơi cũng như sự đa dạng cũng là thế mạnh của Destiny 2 với sự bắt mắt trong khung cảnh, có đặc điểm riêng và thiết kế nhiều đường đi, đôi khi đòi hỏi bay nhảy hơi nhiều đến nỗi người viết có lúc cảm tưởng như mình đang chơi một tựa game… platformer.
Tuy vậy, các màn chơi cũng không thiếu những khu vực trống trải và rộng một cách không cần thiết, nhất là trong thời điểm người chơi chưa có phương tiện di chuyển nào. Tuy nhiên, nhờ sự đa dạng trong thiết kế tình huống và các trận đấu súng dành cho các chế độ chơi, người chơi sẽ hiếm khi rơi vào tình trạng cảm thấy tẻ nhạt hay mệt mỏi, dù cho đôi khi có thể dễ dàng bị đánh lạc hướng trong khi đang rong đuổi đâu đó.
BẠN SẼ GHÉT
NHỮNG TỒN ĐỌNG ĐÁNG TIẾC!
Destiny 2 sở hữu một cốt truyện có nhiều điểm thú vị để phát triển, nhưng rất tiếc lại không phát huy tới cùng những tiềm năng mà trò chơi sở hữu, cho dù vẫn có những cố gắng nhất định trong việc tạo ra sức hút đối với người viết đặc biệt trong phần đầu của trò chơi, với điểm sáng lớn nhất đến từ Cayde-6.
Tuy vậy, trò chơi không thể tận dụng cả dàn nhân vật hùng hồn, đầy nổi bật khi họ chỉ xuất hiện chớp nhoáng trong vài đoạn cắt cảnh thuộc các nhiệm vụ chính, được nghe vài đoạn hội thoại có phần hùng tráng và… hết. Bạn không biết gì về họ, thân thế, tiểu sử cá nhân cho tới những phân đoạn lột tả cảm xúc cũng rất một chiều, chưa đủ để chạm vào cảm xúc của người chơi.
Có thể biện hộ rằng Destiny 2 là trò chơi ưu tiên lối chơi trên tất cả, nhưng chính Bungie cũng cho biết Destiny 2 sẽ mang trong mình một cốt truyện mang tính điện ảnh hơn, được chăm chút kỹ lưỡng hơn Destiny.
Những phân đoạn đó chỉ nằm trong các đoạn cắt cảnh CGI hoành tráng và máu lửa, còn sự quan tâm về các nhân vật dường như chỉ là con số không. Thậm chí các nhân vật chủ chốt đôi khi cũng nói những chuyện không ăn nhập gì với nhau cả.
Mong rằng các bản mở rộng sắp tới của Destiny 2 sẽ cho chúng ta có cơ hội biết rõ hơn về bối cảnh và thế giới, thêm nhiều chiều sâu hơn cho các nhân vật đầy tiềm năng mà Bungie xây dựng nên trong vũ trụ của Destiny 2, cũng như một bộ “Codex” tập hợp đủ thông tin, tiểu sử của mọi nhân tố trong thế giới của trò chơi.
Destiny 2 sở hữu một cốt truyện có nhiều điểm thú vị để phát triển, nhưng rất tiếc lại không phát huy tới cùng những tiềm năng mà trò chơi sở hữu
Bên cạnh đó, Destiny 2 vẫn còn tồn đọng một vài nhược điểm như trí thông minh nhân tạo (AI) của địch thủ khá ngô nghê và dễ dãi, chủ yếu dùng số lượng để áp đảo người chơi hơn là sử dụng các chiến thuật hợp lý để tấn công lẫn phòng thủ. Nhiều khi, chúng đột nhiên kẹt ở một góc xó xỉnh nào đó hay “rơi” ra khỏi màn chơi và biến mất.
Tình trạng thiếu ổn định liên quan đến hạ tầng mạng cũng không phải là hiếm, tạo nên một số trường hợp người chơi bỗng dưng được đưa đến một vị trí quái lạ nào đó gần điểm lưu. Chưa kể, vì Destiny 2 thuần chơi mạng nên nếu đang trong quá trình làm nhiệm vụ mà người chơi rớt mạng thì… chịu khó chơi lại từ đầu nhé.