Digimon Story: Cyber Sleuth – Digimon là một thương hiệu nổi tiếng không kém cạnh Pokemon trên thị trường Nhật Bản cũng như từng gây tiếng vang một thời trên toàn cầu.
Tuy nhiên, trong khi Pokemon ngày càng phát triển mạnh mẽ từng ngày, đa dạng hầu như ở mọi phương diện từ phim hoạt hình, đồ chơi cho tới việc ra mắt hàng tá các phiên bản Pokemon chất lượng và các phiên bản ngoài lề dành cho nó, thì phần lớn người dần quên đi hình bóng của thương hiệu Digimon, nhất là những game thủ ngày nay.
Hầu như tất cả những sản phẩm sau này của Digimon đều ít khi phát hành ở các nước khác ngoài thị trường Nhật Bản, khiến cho Digimon càng “lạ lùng” hơn đối với thế hệ game thủ mới.
Chỉ mãi cho tới khoảng giữa năm ngoái, sau tin đồn về việc phiên bản Digimon mới nhất được liệt kê tại thị trường Âu Mỹ ở trang Amazon Canada, Bandai Namco mới chính thức xác nhận sẽ ra mắt phiên bản toàn cầu vào năm 2016, với cái tên là Digimon Story: Cyber Sleuth dành cho PS4 và PS Vita.
Được phát triển bởi hãng Media.Vision – nổi tiếng với series Wild Arms, Chaos Rings, và sắp tới đây là Valkyria: Azure Revolution.
Liệu rằng sự trở lại lần này của Digimon Story: Cyber Sleuth sẽ mang đến những gì cho người hâm mộ?
Vietgame.asia xin mời bạn đọc cùng xem qua bài đánh giá lần này nhé!
NỘI DUNG
Câu chuyện của Digimon Story Cyber Sleuth bắt đầu khi người chơi trong vai Alba đang chat cùng bạn bè mình, bất thình lình một hacker xuất hiện và để lại cho họ một lời nhắn kêu gọi đăng nhập vào mạng Cyberspace EDEN, một mạng lưới tương tác rất phổ biến cùng lời hứa hẹn sẽ tặng họ một món quà vô cùng tuyệt vời.
Mặc cho hầu hết những thành viên trong phòng chat cảm thấy nghi ngờ và từ chối, thế nhưng vì sự tò mò, Aiba cùng 2 người bạn khác là Nokia Shiramine và Arata Sanada quyết định tìm hiểu. Ngày hôm sau, cả ba cùng gặp nhau ở Kowloon, nơi mà họ được chỉ dẫn trước đó.
Bỗng chốc, cả ba nhận được thông báo rằng họ là “Thợ săn Digimon” và bị khóa lại tại nơi đây. Cảm nhận rằng mình đã dính bẫy, nhưng do hoảng loạn cũng như không kiểm soát được bản thân, cả ba vô tình tách khỏi nhau.
Trong khi đang tìm kiếm lối ra, người chơi gặp được trưởng nhóm của nhóm hacker nổi tiếng ZAXTON, người dạy cho Alba cách dùng hệ thống “Digimon Capture” để đối phó với Digimon nơi đây. Sau đó không lâu, Aiba, Nokia và Arata cùng gặp lại nhau và tìm cách thoát ra.
Thế nhưng trong lúc sắp thoát, Alba bị một quái vật Digimon lạ tấn công và phá hỏng cửa “log out” (đăng xuất) của người chơi.
Sau cơn bất tỉnh, Aiba tỉnh dậy giữa lòng thành phố nhưng với hình dạng “digital” không rõ hình thù. Trong lúc người dân hiếu kì sợ hãi, Aiba nhanh chóng được một thám tử tư tên là Kyouko Kuremi cứu và được mang trở về trụ sở chính của cô.
Từ đó cuộc hành trình của người chơi mới thật sự bắt đầu…
BẠN SẼ THÍCH
Lối Chơi Thêm Thắt Thú Vị!
Lối chơi của Digimon Story: Cyber Sleuth thoạt nhìn qua có nét tương đồng với dòng game Pokemon: cũng cho phép lựa chọn nhân vật nam nữ, cũng bắt gặp các “quái thú” đa dạng dễ thương trên cuộc hành trình, áp dụng thuộc tính tương khắc để chiến thắng một cuộc chiến dễ dàng hơn, cũng như sự tiến hóa khi đạt được một mức level nào đó cũng có nét thoang thoáng với nhau.
Tuy nhiên, Digimon Story: Cyber Sleuth chắc chắn không phải là một sản phẩm ăn theo “rẻ tiền”. Đầu tiên phải kể đến là hệ thống chiến đấu của game, vẫn áp dụng lối chơi truyền thống của thể loại JRPG, người chơi sở hữu tới ba Digimon cùng xuất hiện trong một trận đấu, có đòn đánh thông thường, các kỹ năng hỗ trợ trong chiến đấu, hệ thống đỡ đòn, các vật phẩm với thuộc tính quen thuộc như hồi máu, mana…
Game áp dụng lối chơi đánh theo lượt nhưng người chơi sẽ biết được lượt đánh của mình hay của địch ở lần đánh tiếp theo nhằm đưa ra những chiến lược khác nhau. Ngoài ra, game còn có chế độ “hợp tác chiến” sẽ được kích hoạt ngẫu nhiên khi hai hoặc ba Digimon đều “phát triển” thanh combo.
Lúc này cả hai hoặc ba đều sẽ cùng nhau đánh vào một mục tiêu nhằm mang đến lượng sát thương cao hơn thông thường. Hệ thống này khá hữu ích trong các trận đánh trùm, hoặc các Digimon dai máu khác trong suốt cuộc hành trình trong thế giới của Digimon Story: Cyber Sleuth.
Hệ thống “bắt thú” Digimon và sự tiến hóa của chúng cũng khá lạ. Đầu tiên là không có chuyện dùng “banh” để bắt các Digimon mà thay vào đó, sau mỗi trận đánh đều có các chỉ số scan (quét). Chỉ khi Digimon nào đó đạt đủ trên 100% chỉ số scan, người chơi mới có thể lấy được giống Digimon đó để làm bạn đồng hành cùng mình thông qua phòng Digilab.
Hệ thống tiến hóa của game cũng khá mới mẻ. Khi đạt đủ tối đa cấp độ của một Digimon bất kì, người chơi phải tìm đến phòng Digilab trong game, sau đó lựa chọn các giống Digimon có thể tiến hóa của nó. Điều này tạo ra sự đa dạng và “toan tính” cho người chơi hơn vì giống tiến hóa nào level càng cao thì càng chiếm nhiều “dung lượng” của người chơi.
Dung lượng (Memory) đóng vai trò quan trọng trong việc quyết định số lượng Digimon mà người chơi có thể mang trong người. Các dung lượng này chỉ có thể được mở rộng khi người chơi đánh được một con trùm nào đó, hoặc thu thập thông qua các rương hay thu thập qua các vật lấp lánh trên đường, thông qua các nhiệm vụ phụ và chính của Digimon Story: Cyber Sleuth.
Ngoài ra, game còn có thêm vài tính năng nho nhỏ nhưng khá thú vị như ứng dụng DigiLine – một ứng dụng cho phép các digimon, bạn bè của nhân vật chính tương tác, trò chuyện qua lại với nhau nhằm tránh sự nhàm chán trong cuộc phiêu lưu.
người chơi sở hữu tới ba Digimon cùng xuất hiện trong một trận đấu, có đòn đánh thông thường, các kỹ năng hỗ trợ trong chiến đấu
Chưa kể, game còn có Farm Island, một dạng đảo “trang trại” nhằm lưu trữ các digimon mà người chơi thu nhập được. Người chơi có thể cho chúng luyện tập nhằm tăng cấp độ, tìm kiếm các bí mật của cái đảo đó, hoặc cho chúng “khai thác” nhằm tạo ra các vật phẩm mới (có tính phí).
Bên cạnh việc thực hiện nhiệm vụ chính lẫn phụ, người chơi có thể đến thăm các tầng Kowloon hoặc các Dungeon trong Digilab nhằm luyện cấp cho các Digimon của mình trở nên mạnh mẽ hơn.
Ngoài mục chơi đơn ra, người chơi có thể cho đấu giao hữu với bạn bè thông qua Colosseum với hai mục chính là Ranking Battle và Local Battle. Nhờ thêm thắt tính năng này, người chơi có thể thay đổi không khí sau hàng giờ khám phá miệt mài trong thế giới của Digimon Story: Cyber Sleuth.
Hình – Âm Vừa Đủ
Không sở hữu trong mình bộ cánh sặc sỡ với các hiệu ứng mĩ miều hay siêu thực, nhưng Digimon Story: Cyber Sleuth vẫn mang lại cảm giác thỏa mãn vừa đủ cho con mắt người chơi nếu như bạn không đòi hỏi cao về đồ họa.
Digimon Story: Cyber Sleuth áp dụng phong cách Cel-shading thường thấy nhằm mang lại cảm giác 2D và phong cách truyện tranh, tạo hình các khu vực, màn chơi hay các khu phố trong game khá tốt, tấp nập và tràn đầy sức sống. Các nhân vật chính phụ, hay các digimon đều được thiết kế trau chuốt, nhất là các digimon – rất có hồn, đẹp, dễ thương và chi tiết.
Nếu như chỉ xét riêng hệ máy cầm tay PS Vita, thì có thể nói Digimon Story: Cyber Sleuth sở hữu nền đồ họa đẹp nhất nhì hiện nay.
Phần âm của game thật ra cũng không có gì đặc sắc cho lắm, khi hầu hết chỉ là các bản nhạc nền có phần lặp đi lặp lại và hơi nhàm chán. Phần lồng tiếng gỡ gạc lại cho âm thanh của game, khi các nhân vật đều lột tả được sắc thái riêng biệt cũng như cảm xúc của họ trong suốt chuyến hành trình của Digimon Story: Cyber Sleuth.
Digimon Story: Cyber Sleuth vẫn mang lại cảm giác thỏa mãn vừa đủ cho con mắt người chơi nếu như bạn không đòi hỏi cao về đồ họa
BẠN SẼ GHÉT
Còn Đó Những Bất Cập…
Sở hữu lối chơi khá tốt nhưng một vài yếu tố của Digimon Story: Cyber Sleuth lại gây ra cảm giác khó chịu cho trải nghiệm của người viết.
Đầu tiên là hệ thống hợp tác chiến, vì mọi thứ đều diễn ra một cách ngẫu nhiên nên cho dù bạn có muốn “để dành” các combo nhằm để khi gặp trường hợp khó khăn còn có cái để dùng, thì tất cả cũng sẽ “tiêu tan theo mây khói”, đơn giản vì khi nào hệ thống “hứng” lên là các Digimon của mình tự tác chiến với nhau cho dù đối thủ chỉ là một con Digimon quèn, không đáng gì cả.
Đáng nhẽ game nên cho người chơi toàn quyền quyết định khi nào nên dùng, chứ không để hệ thống này tự ngẫu hứng được.
Bất cập tiếp theo nằm ở hệ thống tiến hóa. Dẫu biết cho một con Digimon có tới 5-6 giống tiến hóa khác nhau sẽ tạo nên sự đa dạng cũng như cho người chơi tìm tòi, suy nghĩ hợp lý sao cho phù hợp, nhưng cứ mỗi lần tiến hóa thì trò chơi lại “reset” cấp độ của Digimon đó thành Cấp 1, chứ không phải tiếp tục cấp như lúc luyện.
Ví dụ như người chơi tốn gần một tiếng để luyện Digimon yêu thích của mình lên cấp 15 nhằm tiến hóa thành Digimon mạnh hơn, thế nhưng sau khi “biến hình” xong. Digimon của mình lại tuột xuống Level 1 cho dù chỉ số sức mạnh, phòng thủ vẫn giữ nguyên.
Các cấp độ yêu cầu để tiến hóa thành các Digimon khác mạnh hơn về sau ngày càng tăng cao, khiến thời gian người chơi luyện tập các con Digimon của mình lại từ đầu ngày càng kéo dài một cách không cần thiết.
Chưa kể các khu vực Kowloon và các Dungeon của game được thiết kế khá cẩu thả, không có gì thật sự thu hút, có phần lặp lại, khiến cho trải nghiệm Digimon Story: Cyber Sleuth phần nào sụt giảm khá nhiều.
Và điểm đáng phàn nàn cuối cùng là tính năng Auto Mode (chế độ tự động), thoạt đầu người viết nghĩ tính năng này là một điểm sáng của game, khi giúp người chơi thoải mái tay trong lúc các Digimon của mình tự ý hạ các đối thủ quèn trên đường đi.
Tuy nhiên, thay vì mặc định dùng Attack để tấn công thông thường, thì chúng lại vô tội vạ sử dụng các kĩ năng bừa bãi, ảnh hưởng đến lượng mana mà đôi khi lại chẳng hiệu quả bằng một cú đánh thông thường. Thế là người chơi tiếp tục tắt Auto Mode đi và ngán ngẩm ấn nút Attack trong trận đấu.
khi nào hệ thống “hứng” lên là các Digimon của mình tự tác chiến với nhau cho dù đối thủ chỉ là một con Digimon quèn