Disgaea 6 – Nếu nhắc tới dòng game nhập vai Nhật Bản (JRPG) thì các bạn sẽ nghĩ tới điều gì đầu tiên?
Những thế giới huyền ảo với cốt truyện đa tầng? Những vùng đất rộng lớn đẹp như tranh thủy mặc? Những con quái vật thần thoại cùng những chủng tộc viễn tưởng?
Thế nhưng, nếu không phải là một người cuồng văn hóa Nhật (Weeaboo) thì ít người biết tới một thể loại viễn tưởng khác cũng nổi tiếng ngang ngửa với dòng viễn tưởng truyền thống của xứ sở Hoa Anh Đào và được gọi bằng cái tên… “huyền ảo bẩn bựa” (fantastic parody).
Đi đầu trong phong trào “nâng tầm” fantasy parody, không quá ngạc nhiên khi Disgaea lại trở nên nổi tiếng không chỉ trong nước Nhật, mà còn ở các mặt trận bên ngoài đường biên giới.
Vậy, sau 18 năm với hàng loạt các bản game chính phụ, liệu dòng game Disgaea (đến từ NIS America) có giữ sức hút như những ngày đầu tiên?
Liệu Disgaea 6: Defiance of Destiny có thể vượt qua bóng các đàn anh hay sẽ là một nỗi thất vọng?
Chúng ta hãy cùng tìm hiểu qua bài viết sau.
BẠN SẼ THÍCH
BẨN VÀ BỰA!
Huyền ảo bẩn bựa, đúng như tên gọi của nó, bạn đừng mơ tìm thấy bất cứ thứ gì nghiêm túc trong cái thể loại này và Disgaea 6: Defiance of Destiny là minh chứng rõ nét nhất.
Khởi đầu là những thế giới lộn xộn, Tây Ta Tàu đủ chủng loại, hôm qua còn đang lững thững ở làng quê nào đó ở châu Âu Trung cổ thì hôm sau bạn đang đánh nhau ở giữa lòng thành phố với súng ống, tiểu liên là bình thường!
Và nên bỏ luôn hình tượng anh hùng chính trực luôn là nhân vật chính đi, vì nhân vật chính trong thể loại hài bựa này luôn có vấn đề về… nhân cách.
Như nhân vật chính Zed của chúng ta, một trẻ trâu chính hiệu với câu cửa miệng “mày biết bố mày là ai không?” (Do you know who I am?) và đòi đấm nhau với mọi thứ “biết cử động” mà cậu ta gặp.
Tất nhiên, một tân binh mạnh kiểu gì thì cũng bị các anh đại vượt cả nghìn cấp đánh cho ra bã mà thôi.
Thế nhưng, dù nhân cách bất ổn nhưng anh lại là nhân vật chính thế nên là anh được ban cho sức mạnh “hack game” là… trùng sinh vô tận (Super Reincarnation).
Thế nên, dù có chết ở… ngay đầu game thì tên nhóc xác sống vô dụng của chúng ta cứ thế mà không cần nạp tiền hay chắt chiu từng đồng xu, cắc bạc để mua vật phẩm hồi sinh, vẫn có thể sống lại mà cày cấp cho tới khi hạ được kẻ thù của mình.
Vậy nếu như thứ đáng sợ nhất là cái chết nay đã không còn nghĩa lý gì nữa thì sao? Thì cứ đi đầu rồi đấm nhau tay bo với đội bạn chứ sao và nhìn chung, điều đó lại quá hợp lý khi cho “trẩu tre” có thêm sức mạnh bất tử và hắn sẽ thành ông hoàng chiến trường.
Huyền ảo bẩn bựa, đúng như tên gọi của nó, bạn đừng mơ tìm thấy bất cứ thứ gì nghiêm túc trong cái thể loại này
Thế nhưng, kẻ địch cũng không ngu khi mà đã biết bí mật của nhân vật chính (cũng chả phải bí mật gì khi tên Zed cứ gặp ai là lại “khai tuốt từ A tới Á”) thì tất nhiên không thể ở yên một chỗ để mà bị đồ sát rồi.
Thế nên, sau khi bị đánh bại thì Thần Hủy Diệt (God of Destruction) lại trốn sang một thế giới khác và câu chuyện “đố anh bắt được em” lại diễn ra, tạo nên một thứ được gọi là… cốt truyện cho Disgaea 6: Defiance of Destiny.
Với cách kể chuyện “ngược” này, Disgaea 6: Defiance of Destiny tự dưng lại trở thành tựa game độc đáo nhất mà người viết từng chơi với câu hỏi khó luôn trong đầu “vậy cuối cùng đứa nào mới là phản diện?”.
CHIẾN ĐẤU… NGOÀI BẢN ĐỒ
Tuy nói là game hài bựa nhưng thực tế thì lối chơi của Disgaea 6: Defiance of Destiny lại cực kỳ cơ bản.
Chọn bản đồ, dàn quân, nước đi trong game cũng chỉ loanh quanh ở việc di chuyển – đánh thường – tung chiêu kèm vài chiêu trò để phục vụ chiến thuật như ném (throw) hoặc dùng vật phẩm hỗ trợ (thậm chí tới một mức độ nào đó thì bạn có thể bật tự động đánh cho nhanh).
Thế thì lối chơi của Disgaea 6: Defiance of Destiny có khác gì một tựa game theo lượt hạng hai bán đầy trên các cửa hàng trực tuyến?
Câu trả lời là các hoạt động bên ngoài bản đồ chiến đấu.
Khác với đại đa số các tựa game hiện tại, thường sẽ giấu các tùy chọn can thiệp vào trận đấu ở mức tối đa, thường là bạn chỉ có thể “mở khóa” các tính năng này khi bước vào New Game+ hoặc tệ hơn là phải “đi ngõ sau” (hack/cheat) để mở khóa.
Trong Disgaea 6: Defiance of Destiny thì không, tất cả những thủ thuật “ngõ sau ngõ trước” đều được nhà sản xuất phơi ra ngay từ đầu với cái giá phải trả là thời gian cày cuốc của người chơi (thậm chí có cả địa điểm tên là “cheat shop” để người chơi vọc vạch).
Lý do cho việc đó đơn giản là vì hệ thống chỉ số tối đa của game lên tới con số 99.999.999 thì việc “cày chay” lên con số đó là việc không tưởng.
Nếu đã quen với việc nhìn con số hàng chục hay quá lắm là hàng trăm thì bạn hãy tập nhìn một con quái nhép mạnh tới mức phi lý, với dàn chỉ số nhìn muốn đau cả đầu, hoa cả mắt lên cả hàng triệu!
Chính cái chỉ số phi lý đó khiến các hoạt động bên ngoài sàn đấu trở thành một phần không thể thiếu để giúp bạn chiến đấu lại bọn “quái nào cũng như trùm“.
Ngoài trừ Cheat Shop giúp tăng hệ thống game một cách đồng đều thì còn khá nhiều các địa điểm khác để bạn “nâng tay” cho từng nhân vật.
Ví dụ như Juice Bar – nơi hy sinh điểm kinh nghiệm để đổi lấy chỉ số, Item Worlds để nâng cấp vật phẩm, Skill Shops học chiêu thức mới và nâng cấp kỹ năng (một số kỹ năng khá “bựa” như Flat Wall – khi bạn là nhân vật nữ có… ngực nhỏ thì sẽ tăng né tránh và phòng thủ).
Ngoài ra, điểm đáng nhớ của Disgaea 6: Defiance of Destiny còn nằm ở hệ thống bầu chọn, bạn có thể quyết định rất nhiều các vấn đề trong game bằng phương pháp này.
Đơn cử như nếu bạn muốn kiếm thêm kinh nghiệm hoặc muốn mở khóa chức nghiệp (class) mới, bạn phải nhận được sự đồng ý của hội đồng với đa số phiếu!
Hệ thống chức nghiệp (class) tuy không nhiều bằng các đàn anh tiền nhiệm nhưng cũng không phải gọi là ít, đủ để bạn “mò mẫm” kha khá thời gian để nâng chỉ số và kỹ năng để phù hợp với từng loại chức nghiệp.
Với cả tá thứ “hoạt động ngoài bản đồ” như vậy, việc bước vào chiến trường trở nên mệt mỏi cho người chơi, nắm bắt được việc đó chế độ Demonic Intelligence (tự động đánh nhưng thông minh hơn) ra đời.
Tất cả những thủ thuật “ngõ sau ngõ trước” đều được nhà sản xuất phơi ra ngay từ đầu với cái giá phải trả là thời gian cày cuốc của người chơi
Với Demonic Intelligence bạn có thể tùy chỉnh chính xác hành động mà một nhân vật sẽ làm trên chiến trường và tần suất lặp lại hành động đó.
Nghe có vẻ ngược đời khi một dòng game nổi danh với việc cày cuốc lại tạo ra thứ giúp bạn “buông xuôi việc cày cuốc”.
Thế nhưng với hàng loạt các tính năng mới được mở ra khi mà người chơi tiến tới giữa và cuối game thì bạn phải cảm ơn người đã phát minh ra chế độ tự động đánh để thoát khỏi chuỗi ngày lặp đi, lặp lại nhàm chán trên chiến trường.
Game cũng đổi toàn bộ phong cách 2D truyền thống thành 3D để hợp với thời đại.
BẠN SẼ GHÉT
THỤT LÙI NHIỀU HƠN LÀ TIẾN LÊN
Nếu như chỉ là một phụ bản hoặc chí ít là đừng có số 6 trong tên thì người viết có lẽ sẽ tận hưởng Disgaea 6: Defiance of Destiny nhiều hơn.
Thế nhưng, rất tiếc là sự ám ảnh cũng như kỳ vọng đã khiến Disgaea 6: Defiance of Destiny phải nằm ở vị trí mà nó không xứng đáng ở đó.
Đầu tiên là phần cốt truyện của game.
Hầu như 2/3 cốt truyện là tập trung vào Zed và quá trình báo thù của anh chàng này, khiến cho các nhân vật phụ trở nên lu mờ (nếu không tính Cerberus – chú chó thông thái đi kè kè theo nhân vật chính)
Việc đó khiến các câu chuyện bên lề, các phản ứng hóa học giữa các nhân vật trở nên gượng gạo, mọi cuộc nói chuyện chỉ gói gọn quanh các đề tài “đánh nhau, mạnh hơn, thần hủy diệt, đánh nhau…”
Mới đầu có thể là vui nhưng tới giữa game và mọi người chỉ nói đúng một kiểu chuyện như thế thì chẳng còn động lực cho người viết theo dõi tiếp cốt truyện nữa.
Việc Disgaea 6: Defiance of Destiny trở thành thể loại game quản lý cũng không phải là nhàm chán hay khiến game thiếu chiều sâu nhưng với tâm thế “tôi đến đây để cày cuốc gãy tay” chứ không phải là “tôi đến đây để học làm quản trị viên tương lai” cũng làm mất đi nhuệ khí của người chơi.
Và song song với việc cày cuốc là dàn chỉ số “trời ơi đất hỡi” của game, bạn chẳng thể nào biết được nhân vật của mình mạnh hay yếu khi mà ai nấy đều mang con số triệu triệu và sát thương tỉ tỉ.
Thế nên để an toàn thì bạn chỉ có một vài lựa chọn nhân vật đã “chau chuốt” từ đầu và đã quen nhìn vào dàn chỉ số khủng khiếp ấy.
Còn nếu muốn cày cuốc một nhân vật mới thì đó cũng chẳng khác một bản sao chép đối chiếu từ một nhân vật có sẵn và như vậy thì… cày làm gì nữa.
Các màn đấu trùm cũng dần kém hấp dẫn đi khi đối thủ vẫn như vậy, vẫn không có gì mới trừ phần chỉ số được nâng cao và cũng chính là cái phần mà người chơi chả thèm quan tâm nữa và phó mặc tất cả vào “tự động đánh”.
sự ám ảnh cũng như kỳ vọng đã khiến Disgaea 6: Defiance of Destiny phải nằm ở vị trí mà nó không xứng đáng ở đó