Skip to content

Dragon Ball Z: Kakarot – Đánh Giá Game

Dragon Ball Z: KakarotDragon Ball, hay được gọi thân thương hơn với cái tên Bảy Viên Ngọc Rồng, vốn là tuổi thơ của rất nhiều bạn đọc truyện tranh Việt Nam cũng như trên toàn thế giới.

Ra đời từ những năm 80, đây có thể xem là một trong những bộ manga tiên phong, giúp cho văn hóa truyện tranh Nhật Bản vươn xa ra tầm thế giới và trở nên phổ biến như hiện nay.

Với sự phủ sóng mạnh mẽ của mình, dĩ nhiên, Dragon Ball đã có rất nhiều sản phẩm ăn theo, trong đó có trò chơi điện tử.

Dragon Ball Z: Kakarot cũng là một trong số đó.

Được giới thiệu là một tựa game hành động nhập vai sở hữu thế giới bán mở rộng lớn để người chơi thỏa thích trải nghiệm, trò chơi nhanh chóng nhận được sự chú ý của người hâm mộ và những ai yêu thích truyện tranh/hoạt hình Nhật Bản.

Liệu Dragon Ball Z: Kakarot có xứng đáng với kỳ vọng của mọi người?

BẠN SẼ THÍCH

KAKAROT, SIÊU SAIYAN HUYỀN THOẠI!

Khi Dragon Ball Z: Kakarot được công bố, việc Bandai Namco giới thiệu trò chơi sẽ “làm sống lại” Dragon Ball Z có lẽ ít nhiều khiến người hâm mộ có phần… ngán ngẩm. 

Bởi lẽ, đây là tuổi thơ của họ, từng chi tiết, từng trận đánh đã được họ học thuộc nằm lòng. 

Trước đó, đã có vô vàn tựa game kể lại nội dung này theo nhiều hướng khác nhau như Dragon Ball Z: Budokai, Dragon Ball Z: Budokai Tenkaichi, Dragon Ball: Raging Blast, Dragon Ball Z: Full Burst… 

Vậy với một cốt truyện vốn đã quá kinh điển và không có gì đổi mới, có gì để người chơi trải nghiệm?

Câu trả lời nằm ở sự chi tiết và công sức mà CyberConnect2 đã đầu tư xây dựng các đoạn cắt cảnh và hội thoại.

Dragon Ball Z: Kakarot

Phải nói, đây là tựa game đầu tiên tái hiện được xuất sắc cốt truyện Dragon Ball Z, kể lại chi tiết nội dung và xây dựng được tính cách toàn bộ nhân vật theo trình tự diễn biến của toàn bộ bốn hồi truyện: Saiyan, Frieza, Androids và Buu. 

Bạn sẽ được vào vai Goku và những người bạn để cùng tái trải nghiệm phần nội dung.

Xuyên suốt quá trình này, các nhân vật được bộc lộ nội tâm rất rõ rệt, các đoạn hội thoại quan trọng đều được mang từ truyện tranh/hoạt hình lên màn ảnh game.

Những phân đoạn cắt cảnh cũng tái hiện được khá nhiều khung cảnh hoành tráng của game, giống như cách mà CyberConnect2 đã từng chăm chút làm dòng Naruto: Ultimate Ninja.

Nhờ tất cả những nỗ lực trên, người hâm mộ sẽ cảm thấy cực kỳ quen thuộc, trong khi những ai mới lần đầu trải nghiệm Dragon Ball Z có thể hoàn toàn nắm bắt cốt truyện và “cảm” nhân vật mà không cần phải lần mò đọc thêm truyện.

Dragon Ball Z: Kakarot

đây là tựa game đầu tiên tái hiện được xuất sắc cốt truyện Dragon Ball Z

Không chỉ vậy, suốt quá trình di chuyển trong trò chơi, bạn còn có thể kiếm được rất nhiều mảnh thông tin thêm về toàn bộ nhân vật và thế giới này, cũng như một số đoạn hồi tưởng về phần đầu của Dragon Ball (khi Goku còn nhỏ) để cho người chơi thấy thêm về mối liên kết giữa các nhân vật.

Sau khi đã tìm ra các thông tin này, mọi thứ sẽ nằm gói gọn trong phần bách khoa toàn thư của game để người chơi tra cứu!

Nhờ vậy, biên niên sử về chàng siêu Saiyan huyền thoại Kakarot sẽ tiếp tục được truyền qua nhiều thế hệ độc giả.


ĐÃ MẮT, LẠI THÊM ĐÃ TAY!

Một trong những điểm mà mọi người thường nhắc đến khi nói về các tựa game của Dragon Ball Z đó chính là hệ thống chiến đấu.

Dĩ nhiên, dưới bàn tay “ma thuật” của CyberConnect2, Dragon Ball Z: Kakarot nhanh chóng mang đến trải nghiệm đánh đấm hết sức đã tay.

Tương tự như những “người anh em” khác, trò chơi sử dụng hệ thống chiến đấu đối kháng 3D tự do, cho phép bạn bay nhảy và chiến đấu thỏa thích trong một võ đài tương đối lớn cùng môi trường có thể phá hủy được.

Cơ chế chiến đấu, tương tự như các tựa game hành động anime khác, có phần đơn giản: bạn sẽ chỉ tấn công xoay quanh vài nút đánh cơ bản, sử dụng L1 để chọn và kích hoạt kỹ năng, L2 để đỡ đòn… 

Dù cho lối chơi chưa thật sự hoàn hảo và còn sạn, Dragon Ball Z: Kakarot vẫn có sức hút riêng của mình, khi mang đến cảm giác thỏa mãn trong từng trận chiến cùng với vô vàn các đòn thế đẹp mắt

Thế nhưng, tuy có phần đơn giản, thử thách của trò chơi nằm ở việc phải canh chỉnh thời gian hợp lý để tung ra các đòn thế chuẩn xác. 

Cơ chế thủ của trò chơi cho phép nhân vật có thể đỡ bất kỳ lúc nào cho đến khi bị phá thế thủ, do đó bạn sẽ thường xuyên thấy kẻ địch nằm ở thế bị động và luôn luôn đề phòng bạn, hoặc đỡ đòn hoặc tạo khoảng cách và sử dụng các đòn tấn công xa, khiến cho việc gây ra một chuỗi sát thương hoàn hảo nhằm dứt điểm chúng là tương đối khó khăn.

Điều tương tự sẽ xảy ra với bạn, bởi nếu quá ham tấn công, chỉ cần một sơ hở nhỏ nhặt cũng đủ làm cho chúng nhận ra và lập tức “giã” bạn ra bã!

Dragon Ball Z: Kakarot

Tuy sở hữu lối chơi đánh đấm đã tay tương đồng với những tựa game đối kháng, trò chơi lại bộc lộ điểm yếu của mình khi đưa người chơi vào những trận chiến… “một chọi một trăm”!

Ở các màn chơi chấp hai, hay tệ hơn là chấp ba, bạn sẽ nhanh chóng nhận thấy sự yếu kém của trò chơi rõ rệt. 

Sử dụng hệ thống chọn mục tiêu để khóa góc quay, bạn sẽ chỉ có thể thấy được một kẻ địch nhất định, trong khi đó những kẻ còn lại thì “biệt vô âm tín”.

Trò chơi sẽ chỉ hiển thị mũi tên chỉ vị trí của chúng, còn việc chúng đang làm gì thì bạn đành bó tay!

Khi bạn mải đọ sức với một kẻ nhất định, thì những tên còn lại liền nhanh nhảu… sử dụng đòn tấn công tầm xa lên bạn, khiến cho chuỗi liên hoàn của bạn lập tức bị khựng lại.

Không chỉ vậy, toàn bộ kẻ địch đều sẽ chỉ nhắm vào bạn, hoàn toàn bỏ qua những người đồng đội của bạn.

Điều này làm cho cuộc chơi nhanh chóng trở thành một cuộc hội đồng, mà ở đó phần thiệt luôn ngả về phía bạn.

Chính vì sự chênh lệch này, người chơi sẽ cảm giác nhiều trường đoạn độ khó trở nên lên xuống một cách vô lý: trận đánh với Frieza bỗng dưng lại dễ hơn nhiều khi đánh nhau với Burter và Jeice từ đội Ginyu, hay cả một số trận đánh ngẫu nhiên với một đám Saibaman lại dễ làm cho bạn bị trầy trật… 

Dù cho lối chơi chưa thật sự hoàn hảo và còn sạn, Dragon Ball Z: Kakarot vẫn có sức hút riêng của mình, khi mang đến cảm giác thỏa mãn trong từng trận chiến cùng với vô vàn các đòn thế đẹp mắt.

BẠN SẼ GHÉT

Dragon Ball Z: Kakarot

NHỮNG TRẢI NGHIỆM “LỬNG LƠ”

Có lẽ, hệ thống bị làm sơ sài nhất trong Dragon Ball Z: Kakarot lại chính là thứ mà Bandai Namco “khoe mẽ” nhiều nhất đến với giới mộ điệu: hệ thống nhập vai phát triển nhân vật.

Về mặt lý thuyết thì không sai, bởi các nhân vật đều có cấp độ, kinh nghiệm, chỉ số và cây kỹ năng để người chơi lên cấp và tùy biến xuyên suốt quá trình chơi.

Thế nhưng, chúng lại không có giá trị thực tiễn và ảnh hưởng to lớn đến người chơi.

Toàn bộ chỉ số của nhân vật và cây kỹ năng đều bị giới hạn bởi cấp độ, thế nhưng, bạn có thể hoàn toàn trải nghiệm cốt truyện mà không cần phải cày cuốc một tí nào, bởi trò chơi luôn đảm bảo cho bạn một lượng kinh nghiệm khổng lồ qua mỗi trận đánh, nhiều hơn rất nhiều so với khi bạn “hành hiệp trượng nghĩa” trên bản đồ. 

Thêm nữa, việc thu thập Soul Emblem để nâng cấp kỹ năng cũng là một tính năng… có cũng được, không có cũng chẳng sao!

Gần như toàn bộ sát thương của bạn đều được “cân đo đong đếm” bởi cấp độ nhân vật, nên việc nâng cấp chiêu cũng sẽ chỉ thay đổi hiệu ứng và đòn thế mang tính đẹp mắt chứ không có quá nhiều giá trị thực tiễn giúp bạn “lật kèo” trận đấu.

Dragon Ball Z: Kakarot

Đừng nhắc đến hệ thống nấu ăn và phương tiện di chuyển, bởi chúng còn tệ hơn khi trừ việc “săn” thành tựu ra, bạn sẽ chả cảm nhận được lợi ích thực sự của chúng.

Phương tiện di chuyển để làm gì khi tốc độ bay của một nhân vật nhanh hơn gấp trăm lần?

Nấu ăn cũng chỉ tăng được một chút chỉ số trong thời gian ngắn ngủi, như tăng 3% sát thương (trong khi biến hình Kaioken đã tăng ít nhất 20%), tăng 10% kinh nghiệm…

Tất cả đều không đáng công sức bạn lặn lội đi kiếm nguyên liệu trên bản đồ!

Nếu như toàn bộ mọi thứ chỉ gói gọn trong phần cốt truyện, vậy thì giá trị của các cơ chế phát triển nhân vật này là gì?

Liệu CyberConnect2 xây dựng “thế giới bán mở” này chỉ để quảng bá game?

hệ thống bị làm sơ sài nhất trong Dragon Ball Z: Kakarot lại chính là thứ mà Bandai Namco “khoe mẽ” nhiều nhất đến với giới mộ điệu: hệ thống nhập vai phát triển nhân vật

7.5

Dragon Ball Z: Kakarot dù không xuất sắc nhưng vẫn mang lại những giây phút giải trí đánh đấm đã tay và tái hiện một cách “chuẩn không cần chỉnh” phần nội dung của toàn bộ Dragon Ball Z, xứng đáng là “món ăn” tinh thần tuyệt hảo dành cho người hâm mộ bộ truyện này.



Tuy nhiên, hệ thống xây dựng nhân vật tương đối sơ sài và lại bị “thổi phồng” quá nhiều bởi hãng phát triển sẽ khiến cho không ít người thất vọng.

Thông tin

  • Dragon Ball Z: Kakarot
  • Nhà phát triển
    CyberConnect2
  • Nhà phát hành
    BANDAI NAMCO Entertainment
  • Thể loại
    Hành động, Nhập vai
  • Ngày ra mắt
    17/01/2019
  • Nền tảng
    Windows, Xbox One, PlayStation 4

Cấu hình tối thiểu

  • Hệ điều hành
    Windows 7 SP1 64-bit
  • CPU
    Intel Core i5-2400 / AMD Phenom II X6 1100T
  • RAM
    4GB
  • GPU
    GeForce GTX 750 Ti / Radeon HD 7950
  • Lưu trữ
    36GB
  • Thiết bị
    N/A

Cấu hình thử nghiệm

  • Hệ điều hành
    N/A
  • CPU
    N/A
  • RAM
    N/A
  • GPU
    N/A
  • Lưu trữ
    N/A
  • Thiết bị
    N/A
Game được hỗ trợ bởi BANDAI NAMCO ENTERTAINMENT. Chơi trên PlayStation 4.

Tác giả

Killou

"There is a fine line between consideration and hesitation. The former is wisdom, the latter is fear." - Emperor Izaro