Dragon Quest Monsters: The Dark Prince – Thực tế thì dòng game Dragon Quest của Square Enix cho tới nay không chỉ đơn thuần là một mớ game theo lượt, đánh số từ 1 tới 11, mà có rất nhiều tựa game “phụ bản” vô cùng thú vị, tỉ như Dragon Quest Heroes, Dragon Quest Builders, Dragon Quest Treasures…
Trong đó, đáng chú ý có lẽ là dòng Dragon Quest Monsters, một dòng phụ bản đã gây được khá nhiều tiếng vang với lối chơi bắt thú mới lạ và những cốt truyện mới mẻ.
Tuy nhiên, dòng game này đã im hơi lặng tiếng hơn một thập kỷ đối với khán giả phương Tây kể từ sau Dragon Quest Monsters Joker 2, và Dragon Quest Monsters Joker 3, thậm chí còn không được phát hành ra ngoài Nhật Bản.
Do đó, Dragon Quest Monsters: The Dark Prince đóng một vai trò khá quan trọng: tựa game này vừa là tựa game có khả năng “hồi sinh” lại dòng game, cũng là tựa game cuối cùng được ra mắt trước khi cố họa sĩ Akira Toriyama qua đời – khi tựa game ra mắt trên hệ máy Nintendo Switch vào năm 2023.
Hãy cùng Vietgame.asia tìm hiểu xem Dragon Quest Monsters: The Dark Prince có xứng đáng với kỳ vọng không qua bài đánh giá sau.
BẠN SẼ THÍCH

Quá khứ của kẻ phản diện
Những tựa game Dragon Quest thực chất không phải hoàn toàn là “độc lập” mà một số tựa game, như Dragon Quest I II III, có thể được coi là một “dòng” độc lập, với cốt truyện có tính liên kết, và thậm chí Dragon Quest XI dường như cũng nằm trong phạm vi bộ ba này.
Tuy nhiên, Dragon Quest chưa bao giờ bắt buộc người chơi phải chơi một bản nào đó để có thể chơi một bản khác, vì những câu chuyện giữa chúng là hoàn toàn độc lập.
Thực ra, nếu coi trailer của Dragon Quest Monsters: The Dark Prince, những người hâm mộ kỳ cựu sẽ nhận ra ngay nhân vật chính Psaro là ai! Còn ai khác ngoài Psaro Sát Nhân ở Dragon Quest IV, Ma vương độc ác muốn tàn sát cả nhân loại này?

Cốt truyện của Dragon Quest Monsters: The Dark Prince có thể coi là một tiền bản của Dragon Quest IV, giải thích cụ thể về xuất thân của Psaro, và nguyên nhân tại sao Psaro lại trở nên tàn độc như vậy.
Cụ thể, Psaro là con lai giữa ma vương và loài người, tuy nhiên sau đó mẹ (là con người) của Psaro bị bệnh nặng. Anh chàng này đã tới gặp cha của mình, ma vương Randolfo, và đề nghị cha cứu giúp mẹ, tuy nhiên thay vì hỗ trợ, Randolfo đã đặt lên Psaro một lời nguyền khá trớ trêu, đó là… không bao giờ làm hại được quái vật.
Do đó, Psaro đã phải tìm một phương án khác, đó là… thu phục quái vật để đánh nhau với quái vật. Sau một hồi chiến đấu, Psaro gặp Rose, người mà chúng ta đều biết là tình yêu lớn nhất của anh chàng, và giải cứu Rose khỏi đám cai trị, sau đó hai người rong ruổi di khắp miền đất Terrestria để tìm lại công bằng cho mẹ của Psaro.

Người viết đánh giá cốt truyện của Dragon Quest Monsters: The Dark Prince là tương đối hấp dẫn, và cũng khá mới lạ. Thực tế là các mạch truyện của Dragon Quest thường theo chân một người “không tì vết”, một anh hùng chính hiệu, do đó việc một kẻ phản diện – mà thực tế có thể coi là phản anh hùng – trong một tựa game Dragon Quest thực sự đã thổi một làn gió mới, một cảm xúc mới khác hẳn những phiên bản khác.
cốt truyện của Dragon Quest Monsters: The Dark Prince tương đối hấp dẫn, và cũng khá mới lạ
Người chơi sẽ nhận ra rất nhiều những liên kết thú vị với Dragon Quest IV, và sẽ không dưới chục lần “ồ” lên thích thú khi được ngắm nghĩa những cảnh vật, sự kiện quen thuộc, tuy nhiên Dragon Quest Monsters: The Dark Prince không hề bắt buộc người chơi phải “nằm lòng” Dragon Quest IV mới có thể tận hưởng cốt truyện – nghĩa là nếu bạn chưa từng chơi qua Dragon Quest IV thì cũng không sao, cốt truyện vẫn hoàn toàn có thể nắm được.

Nhìn chung, với Dragon Quest Monsters: The Dark Prince, bạn đọc sẽ được thả mình vào một thế giới đậm chất “Dragon Quest“, một cốt truyện tương đối cuốn hút với một nhân vật chính không phải là “thánh nhân”, hứa hẹn đem lại một trải nghiệm đáng nhớ cho những người hâm mộ JRPG.
Tuy vậy, có một vấn đề “nho nhỏ”, đó là Psaro… bị “câm” – như bao nhân vật chính của dòng game Dragon Quest khác. Điều này khá đáng tiếc vì trong Dragon Quest IV Psaro nói tương đối nhiều, và có lẽ rất nhiều người chơi đã mong muốn được nghe giọng của anh chàng này, và cũng ảnh hưởng phần nào tới việc dẫn dắt mạch truyện, do Psaro là một nhân vật đã được xây dựng chứ không phải là “tờ giấy trắng”.

Dragon Quest Shin Megami Tensei!!!
Chính ra dòng game Dragon Quest Monsters có một “công nghệ lõi” không đổi sau suốt nhiều năm qua, đó là:
- Bạn ra đường bắt gặp quái vật
- Bạn có thể lựa chọn thu thập quái hoặc đánh bại để tăng kinh nghiệm cho quái mình điều khiển
- Sau khi đã thu thập đủ quái với đủ kinh nghiệm, bạn có thể “dung hợp” các quái vật với nhau thành một con quái… “có thể” là mạnh hơn.
- Lặp lại cho tới khi nào bạn thấy đội đủ “trâu”.
Với phương châm “nếu nó không hỏng thì đừng sửa” y như Pokemon, Dragon Quest Monsters: The Dark Prince sở hữu lối chơi y như những bản trước… và vẫn thực sự gây nghiện, nhất ở đoạn “dung hợp” quái vật – với một người đam mê Shin Megami Tensei và Pokemon như người viết thì lối chơi của Dragon Quest Monsters: The Dark Prince bỗng dưng trở nên quá thân thuộc và phù hợp.

Người chơi sẽ điều khiển một tổ đội 4 quái vật đi chiến đấu khắp nơi trên thế giới, với cơ chế chiến đấu theo lượt truyền thống của Dragon Quest. Khi bắt gặp quái vật trên đường, thì bạn có thể đánh chúng lấy kinh nghiệm, hoặc “thu phục” bằng cách… cho quái vật đội mình “khoe cơ bắp”, hòng thuyết phục quái vật kia gia nhập, và mỗi lần “khoe” màn hình sẽ nhảy lên một số cho thấy khả năng bắt được quái vật là bao nhiêu phần trăm.
Khi quái thú tới cấp độ 10, thì quái thú đó có thể được sử dụng làm nguyên liệu dung hợp. Con quái “con” có thể thừa hưởng kỹ năng từ “bố” và “mẹ”, do đó bạn có thể dung hợp được một số con quái vật có chỉ số và kỹ năng bá đạo càn quét hết mọi vật thể trong game – và quả thực đây là nguồn “dopamine” chính của Dragon Quest Monsters: The Dark Prince, khi bạn dành hàng giờ thử nghiệm, điều chế, dung hợp, lên Google tra tổ hợp, rồi lại điều chế, dung hợp…

nguồn “dopamine” chính của Dragon Quest Monsters: The Dark Prince, khi bạn dành hàng giờ thử nghiệm, điều chế, dung hợp, lên Google tra tổ hợp, rồi lại điều chế, dung hợp…
Nhìn có vẻ đơn giản, nhưng Dragon Quest Monsters: The Dark Prince thực tế sở hữu độ khó cũng phải thuộc hàng đầu của dòng game, khi bạn không phải cứ gọi 4 con quái tấn công cực mạnh là có thể thắng được.
Cụ thể, bạn sẽ cần một con quái hồi máu, một con quái tăng chỉ số phe mình, một con quái giảm chỉ số phe địch, hoặc phải tuỳ biến vô cùng linh hoạt để có thể qua được một số con trùm khó nhằn với những cơ chế tương đối “khốn nạn”. Việc này vô hình chung lại kết hợp với vòng lặp thu phục – dung hợp ở trên, tạo nên một lối chơi khá cuốn.
Kết hợp với việc có tận hơn 500 con quái vật để săn bắt và dung hợp, người viết có thể ngồi hàng giờ chỉ để đi “điều chế” quái vật, làm sao ra được một con quái mạnh nhất có thể.
Mỗi con quái sẽ có một cây kỹ năng riêng, do đó bạn thậm chí có thể làm một đội ngũ toàn Dracky, nhưng mỗi con Dracky lại có một chức vụ khác nhau – hoàn toàn tùy theo khả năng hoặc độ may mắn của bạn.
Tựu chung lại, Dragon Quest Monsters: The Dark Prince có một lối chơi không phải gọi là đột phá hay quá nổi bật trong dòng game Dragon Quest Monsters nói riêng và thị trường game nói chung, tuy nhiên công thức trên vẫn “dùng ngon” thì không tội gì mà phải thay đổi, game vẫn đem lại một trải nghiệm gây nghiện, cuốn hút.

Thế giới của Akira Toriyama
Dragon Quest Monsters: The Dark Prince vẫn sở hữu những nét vẽ đặc trưng của cố họa sĩ Akira Toriyama, từ thế giới, nét vẽ nhân vật, quái vật và cả âm nhạc nữa.
Thế giới Nadiria được chia thành nhiều khu vực (cũng là một truyền thống của Dragon Quest), với mỗi khu vực lại được chia làm ba tầng, hạ, trung và thượng. Nadiria trong Dragon Quest IV thì được mô tả khá sơ sài, tuy nhiên trong Dragon Quest Monsters: The Dark Prince lại được mô tả rất chi tiết, với mỗi khu vực đều có một đặc trưng riêng, một nét vẽ riêng hoàn toàn khác lạ, và đây cũng là một trong những động lực chính để người chơi khám phá thế giới kỳ ảo do Akira phác thảo nên.
Có nơi thì nhìn tăm tối, đáng sợ đúng như cái tên “địa ngục”, có nơi thì lại trải đầy… bánh kẹo và mật ngọt, có nơi thì băng giá, có nơi thì toàn là… nhà máy, chắc chắn lục địa Nadiria này sẽ làm những người hâm mộ Dragon Quest, hoặc người hâm mộ cố hoạ sĩ Akira Toriyama, yêu thích.

Người viết đặc biệt khen ngợi số lượng đa dạng của quái vật, và sự đa dạng trong nét vẽ của từng con quái, thay vì chỉ là “reskin” một cách rẻ tiền, thậm chí có một số con mới toanh mà người viết chưa bao giờ thấy trong các tựa game Dragon Quest khác. Ví dụ, con quái cơ bản “slime” (bọng nhớt), nhưng có tới tận hơn… 40 chủng khác nhau, mỗi con slime lại có một hình thái riêng như Slimecicle có một cái mũ băng rất lớn trên đầu, Wild Slime thì cả người toàn lông lá…
Những nét vẽ quái vật này chính là nguồn động lực lớn nhất để người viết dành hàng giờ săn bắt quái thú, thử nghiệm dung hợp, rồi lại “cày” kinh nghiệm cho quái mới để dung hợp tiếp…
Người viết đặc biệt khen ngợi số lượng đa dạng của quái vật, và sự đa dạng trong nét vẽ của từng con quái, thay vì chỉ là “reskin” một cách rẻ tiền
Cả âm nhạc cũng mang những nét đặc trưng vô cùng của dòng game Dragon Quest, mặc dù không phải là quá xuất sắc, nhưng đối với những người hâm mộ kỳ cựu như vậy là quá đủ để làm trải nghiệm thêm phần thoải mái.
Game chạy tương đối mượt mà kể cả ở trên Steam Deck, do đó người chơi sẽ có thể đắm chìm vào một thế giới huyền ảo mộng mơ một cách mỹ mãn nhất!
BẠN SẼ GHÉT

Vẫn phải “cày” như thường
Dragon Quest Monsters: The Dark Prince có một vòng lặp như vậy, tuy nhiên cần nhớ là tới cấp 10 quái thú mới có thể được dung hợp, và phải lên cấp độ cao thì quái mới có thể sử dụng để chiến đấu được. Khác với Shin Megami Tensei hay Persona, quái thú mới sinh lại bắt đầu từ… cấp 1, do đó bạn phải “cày cấp” cho chúng thì mới có thể sử dụng được.
Do việc bạn thử nghiệm đội hình, xoay tua quái vật rất nhiều, nên việc cày cấp cũng… kinh khủng nhiều, và bạn buộc phải “cày” lại từ đầu kha khá nhiều con quái mỗi khi qua một vùng mới và bắt những con quái mới nếu muốn vượt qua được ải ở vùng đó.
Việc cày cấp này đối với người hâm mộ mấy game thể loại bắt thú thì không đáng kể, tuy nhiên với những người chỉ muốn cảm nhận cốt truyện thì “cày cuốc” như thế này quả thực là thử thách lòng kiên nhẫn!
Tuy vậy, game có một số chức năng như tua nhanh trận đấu, hoặc tự động chiến đấu để việc cày cấp trở nên dễ dàng và linh hoạt hơn.
Do việc bạn thử nghiệm đội hình, xoay tua quái vật là rất nhiều, nên việc cày cấp cũng… kinh khủng nhiều

Những mối liên kết gãy đoạn
Như đã nói ở trên, Dragon Quest Monsters: The Dark Prince có thể coi là một tiền bản của Dragon Quest IV và chứa đựng tương đối nhiều sự kiện về Dragon Quest IV, do đó có thể hiểu được sẽ xảy ra một số sự kiện mà người chơi có thể cảm thấy… hơi hoang mang.
Thậm chí, người viết đã chơi Dragon Quest IV rồi, có thể nắm được nhiều chi tiết mà người mới chơi không biết được, tuy nhiên vẫn có một số chi tiết người viết… không nhớ, dẫn tới sự khó hiểu trong một số hành động của Psaro, tới mức đôi lúc cảm giác như Psaro bị… kéo theo mạch truyện của Dragon Quest IV vậy.

Một số sự kiện mà người viết mong đợi đáng ra sẽ được giải thích kỹ lưỡng hơn, hoặc được làm chi tiết hơn thì lại không được làm kỹ lưỡng cho lắm, dẫn tới một vài sự hụt hẫng. Ví dụ như đoạn Psaro gặp The Chosen – những nhân vật chính mà người chơi điều khiển trong Dragon Quest IV – người chơi nghĩ sẽ có nhiều cảm xúc hơn, như khi Jack gặp 4 Chiến binh Ánh sáng trong Strangers of Paradise: Final Fantasy Origin, tuy nhiên phân cảnh này lại bị làm hơi vội, do đó gần như cảm xúc bị mất hết.
Về đại thể thì việc này không ảnh hưởng quá lớn tới kết cấu cốt truyện của Dragon Quest Monsters: The Dark Prince, chỉ là một chút phàn nàn từ một người hâm mộ Dragon Quest mà thôi.
Một số sự kiện mà người viết mong đợi đáng ra sẽ được giải thích kỹ lưỡng hơn, hoặc được làm chi tiết hơn thì lại không được làm kỹ lưỡng cho lắm