Echo Generation – Với những độc giả sinh ra trong giai đoạn 8x hoặc 9x, có thể bạn đã có một tuổi thơ đi “khám phá” những địa điểm trong khu phố cùng đám bạn gần nhà.
Gọi là “khám phá” cho oai thế thôi, thực chất cả đám chỉ có thể dạo chơi xung quanh và mong muốn rằng điều gì đó thú vị sẽ xảy ra để có thể trải nghiệm trước khi tới ngày trở lại trường.
Để ôn lại những kỉ niệm này, nhà phát triển Cococucumber đã thiết kế tựa game Echo Generation. Đây là một trò chơi phiêu lưu giải đố, kết hợp cơ chế đánh theo lượt.
Bên cạnh đó, người viết cũng được biết rằng nguồn cảm hứng lớn khác của Echo Generation đó chính là tựa game JRPG kinh điển: Earthbound.
Tuy nhiên, do chưa trải nghiệm tựa game này, người viết sẽ chỉ đánh giá Echo Generation dựa trên chính những giá trị mà trò chơi đem lại, không phải những gì mà nó làm giống (hoặc khác) Earthbound.
Giờ thì, hãy cùng Vietgame.asia quay lại thập niên 90 thông qua Echo Generation thôi.
Nội dung
Lấy bối cảnh năm 1993, chúng ta vào vai một trong những đứa trẻ sống tại thị trấn nhỏ bình dị có tên Maple.
Nhân vật chính đang chuẩn bị làm một bộ phim ngắn với bạn bè của mình thì tình cờ hay tin đồn về một con tàu vũ trụ bên ngoài thị trấn. Cùng với em gái, nhân vật chính mạo hiểm để điều tra xem những tin đồn này có phải là sự thật không.
Không ai có thể ngờ rằng, chuyến đi nhỏ này sẽ dẫn đến một loạt các sự kiện đáng sợ.
Nhân vật chính sớm nhận ra rằng những sinh vật lạ lùng và nguy hiểm bắt đầu xuất hiện bên trong thị trấn Maple và săn lùng các cư dân. Động vật hoang dã địa phương đang biến đổi thành những con thú gớm ghiếc, và những người máy khổng lồ thì đang đang hoành hành ở ngoại ô thành phố.
Với số phận của thị trấn Maple đang gặp nguy hiểm và người lớn thì… chẳng thèm quan tâm, nhân vật chính và em gái sẽ phải tìm ra ngọn nguồn của những con quái vật này và ngăn chúng phá hủy thị trấn.
BẠN SẼ THÍCH
Nét cổ điển xen lẫn hiện đại
Có lẽ điều đầu tiên khiến Echo Generation gây được sự chú ý với nhiều người (và cả người viết) chính là phong cách thẩm mỹ của nó.
Bằng các khối lập phương nhỏ, Echo Generation đã tái hiện lại đồ họa 8 bit và 16 bit trong môi trường 3D. Đây là một phong cách đồ họa bắt mắt mang tên “voxels”.
Kết hợp phong cách đồ họa thú vị với những khúc nhạc nền đậm chất Synth của thập niên 80 và Rock giai đoạn đầu những năm 90, bối cảnh 1993 của tựa game lại thêm phần chân thực hơn hơn nữa.
Cổ điển xong thì chúng ta phải nói đến yếu tố hiện đại của game.
Bên cạnh sự sắc nét của đồ họa, hiệu ứng ánh sáng của game được thực hiện rất tốt, đặc biệt là yếu tố đổ bóng của nhân vật và phản chiếu áng sáng của các bề mặt.
Sự kết hợp giữa cổ điện và hiện đại của Echo Generation giúp cho người viết hoài niệm về tuổi thơ khi đang chơi game trên máy SNES, nhưng vẫn cảm nhận được sự phát triển của công nghệ.
Sự kết hợp giữa cổ điện và hiện đại của Echo Generation giúp cho người viết hoài niệm về tuổi thơ khi đang chơi game trên máy SNES, nhưng vẫn cảm nhận được sự phát triển của công nghệ.
Hệ thống chiến đấu độc đáo!
Echo Generation sử dụng cơ chế chiến đấu theo lượt truyền thống, tuy nhiên tựa game cũng có những biến tấu để giúp cho cơ chế thêm phần độc đáo hơn.
Tương tự như tựa game Yakuza: Like a Dragon mà người viết đã đánh giá gần đây, hệ thống chiến đấu theo lượt của Echo Generation cũng sử dụng những QTE (Quick Time Event) để tăng độ hiệu quả của đòn đánh.
Không chỉ vậy, khi kẻ địch tấn công, người chơi cũng có thể thực hiện các QTE để tăng hiệu quả trong việc phòng thủ.
Điểm khác biệt, đó là các QTE của Echo Generation khá là đa dạng, khiến cho người chơi phải luôn cẩn thận trong mỗi trận đấu, không phải chỉ bấm nút cho qua.
Sau mỗi chiến thắng, nhân vật chính và đồng đội sẽ nhận điểm kinh nghiệm. Khi lên cấp, chúng ta sẽ có thể nâng giá trị sức khỏe, sức mạnh tấn công và “skill point” (một dạng điểm khá tương tự với mana trong nhiều game) của mỗi nhân vật.
Điểm độc đáo của Echo Generation nằm ở hệ thống kỹ năng. Thay vì mặc định học kỹ năng mới khi lên cấp, chúng ta sẽ đạt được điều này thông qua sưu tập những quyển truyện tranh được rải rác khắp thế giới.
Điều này có nghĩa rằng nếu không tinh mắt, người chơi sẽ liên tiếp gặp khó khăn trong các trận đấu trùm.
Một điểm đáng chú ý khác, đó là do tần suất “random encounter” (đụng độ bất ngờ) của Echo Generation rất thấp và số lương điểm kinh nghiệm mà các trận đấu này cho cũng nhỏ, người chơi sẽ không thể “cày” cấp.
Điều này có nghĩa rằng người chơi sẽ phải cân nhắc kỹ lưỡng chỉ số nào mà mình muốn nâng cấp, vì nếu nâng cấp sai, cơ hội để bù lại trong tương lai gần là hầu như không có.
Dĩ nhiên, việc không có cơ hội “cày” cấp cũng khiến cho các trận đấu trùm khó hơn, buộc người chơi phải thận trọng trong việc thực hiện QTE và sử dụng vật phẩm hồi sức khỏe.
Đôi khi sự khác biệt giữa chiến thắng và bại trận phụ thuộc và việc người chơi có thực hiện được QTE hay không.
Echo Generation sử dụng cơ chế chiến đấu theo lượt truyền thống, tuy nhiên tựa game cũng có những biến tấu để giúp cho cơ chế thêm phần độc đáo hơn.
BẠN SẼ GHÉT
Lối thiết kế game quá cũ!
Tuy Echo Generation là một tựa game được tạo ra để giúp người chơi hoài niệm về ngày xưa, một số yếu tố thiết kế của trò chơi đã quá cũ cho tiêu chuẩn ngày nay.
Echo Generation không có danh sách nhiệm vụ, không có bản đồ, dù là lớn hay nhỏ (minimap), không có những hiển thị cho thấy rằng vật dụng hoặc địa điểm có thể tương tác hay không…
Sự thiếu hụt của các yếu tố này sẽ khiến cho những game thủ đã quen với lối thiết kế game tuyến tính gặp khó khăn trong việc tiếp tục trò chơi.
Không chỉ vậy, Echo Generation cũng không có một hệ thống “quick travel” (di chuyển nhanh), khiến cho việc di chuyển khắp thành phố để tìm manh mối điều tra và hồi phục sức khỏe trở nên dai dẳng.
Bên cạnh đó là một số câu đố trong trò chơi được thiết kế không đi kèm với những lời gợi ý hoặc manh mối, khiến người chơi phải có suy nghĩ sáng tạo để vượt qua… hoặc là vô tình có vật phẩm giải đố trong túi vì khám phá tất cả mọi thứ trong game.
Một vấn đề khác, đó là sau mỗi trận chiến, chỉ có những nhân vật trực tiếp tham gia mới được điểm kinh nghiệm.
Tại sao đây lại là vấn đề? Đó là bởi vì khi trận đấu bắt đầu, chúng ta có thể điều khiển 3 thành viên là nhân vật chính, em gái và thú nuôi.
Nhân vật chính và em gái là hai thành viên cố định, trong khi đó thú nuôi có thể thay đổi với những thú nuôi khác mà chúng ta gặp trong hành trình.
Không lâu sau khi bắt đầu game, chúng ta sẽ được gặp Meowsy, chú mèo dễ thương trong vai thú nuôi đầu tiên, phải khá lâu trong game, chúng ta mới được gặp thú nuôi thứ hai là Doggo.
Tuy nhiên, vì Doggo có chỉ số yếu hơn hẳn Meowsy, thay đổi Meowsy với nó sẽ khiến cho trận đấu khó khăn hơn.
Luyện tập cho Doggo cũng không phải là một lựa chọn, vì tần suất của các trận đấu bất ngờ quá thấp.
Như vậy, khả năng cao bạn sẽ sử dụng đúng Meowsy từ đầu đến cuối game.
Tuy Echo Generation là một tựa game được tạo ra để giúp người chơi hoài niệm về ngày xưa, một số yếu tố thiết kế của trò chơi đã quá cũ cho tiêu chuẩn ngày nay.