Skip to content

ELEX – Đánh Giá Game

ELEX

ELEX – “Eurojank RPG” là một cụm từ khá tối nghĩa và chỉ được sử dụng bởi một bộ phận nhỏ người hâm mộ game nhập vai phương Tây, thường được dùng để chỉ những tựa game RPG đến từ Trung/Tây/Đông Âu và các khu vực lân cận, sở hữu đặc điểm chung là sử dụng góc nhìn thứ ba, quy mô ở mức vừa phải, chất lượng cũng ở mức… vừa phải, và nếu phải mô tả chúng bằng một từ duy nhất thì từ đó sẽ là “janky” (cục mịch) trong bản chất của chúng.

Divinity II: Ego Draconis của Larian Studiosphiên bản The Witcher đầu tiên của CD Projekt RED có thể được xem như là những ví dụ điển hình của nhánh nhỏ “eurojank RPG” này.

Những tựa game “eurojank RPG” rất hay đi đôi với một thuật ngữ khác, đó là “cult-classic”, những sản phẩm (không chỉ bao gồm video game) không tìm được thành công rộng rãi đối với phần đông công chúng, thế nhưng theo thời gian thì chúng bắt đầu tạo nên tiếng tăm cho riêng mình, quy tụ cho mình một cộng đồng người hâm mộ nhỏ mà vững mạnh.

Dòng game Gothic đến từ Pyranha Bytes chính là một cái tên như vậy.

Có thể tranh luận rằng Pyranha Bytes chưa tạo ra được bất kỳ một tựa game sáng giá nào trong vòng 7 năm kể từ sau khi họ đánh mất quyền sở hữu trí tuệ của Gothic và bắt đầu phát động loạt game Risen, thế nên người viết thực sự phải… khâm phục sự kỳ vọng từ những người hâm mộ đối với cái tên mới nhất của hãng – ELEX, đặc biệt khi trò chơi ra mắt giữa một “rừng hổ lốn” những sản phẩm RPG tầm cỡ với chất lượng AAA từ các ông lớn của ngành công nghiệp game.

BẠN SẼ GHÉT

ELEX - Đánh Giá Game

TRỞ VỀ QUÁ KHỨ… THEO NGHĨA ĐEN?

Thực sự người viết cực kỳ, cực kỳ nghiêm túc khi nhấn mạnh từ “janky” trong “eurojank RPG”, bởi vì thậm chí vào năm 2001 lúc mà Gothic ra mắt, trò chơi đã nhận phải khá nhiều chỉ trích trong lối điều khiển đi lùi thời đại, khiến cho việc tiếp cận game trở thành một rào cản không nhỏ.

Sự thô kệch có thể được xem như là… thương hiệu của Pyranha Bytes, và không phải ngẫu nhiên khi không ít người coi nó như là một phần tạo nên cái hồn trong các tựa game của họ.

Dẫu biết rằng Pyranha Bytes không phải là một hãng phát triển sở hữu nguồn lực lẫn nhân lực lớn (số nhân viên tham gia dự án ELEX không quá 50 người) nên việc trò chơi thiếu thốn sự chỉn chu là điều dễ hiểu, thế nhưng cái sự cục mịch trong rất nhiều khía cạnh kỹ thuật khiến cho việc trải nghiệm trò chơi của người viết gặp phải không ít phiền toái.

Đầu tiên là về đồ họa. Chỉ đạo nghệ thuật trong khâu thiết kế đồ họa của ELEX có thể được diễn tả bằng hai chữ: ĐIÊN RỒ! Một sự kiện liên quan đến việc sao chổi đâm thẳng xuống Trái Đất, lan tỏa loại vật chất Elex biến đổi hành vi của cả hành tinh và tạo nên một bối cảnh phi logic đến mức có thể: chúng ta có một vùng đất huyễn mộng với núi non và rừng rú tại Edan đậm sắc màu Skyrim, một vùng sa mạc Tavar hoang tàn với dáng vẻ hậu tận thế tương đồng với Fallout: New Vegas, và khu pháo đài Hort trực thuộc Ignadon với dáng vẻ tương lai rất… căn bản đối với những ai ưa thích khoa học viễn tưởng nói chung.

Nghe có vẻ “lẩu thập cẩm” là vậy, thế nhưng cách sắp đặt khéo léo những nhân tố đại diện cho ba nền bối cảnh khiến cho thế giới của ELEX không bao giờ mang lại cảm giác lộn xộn.

Ví dụ điển hình nhất đó là “thành phố mái vòm” The Domed City quy tụ nền văn minh của cả ba, nơi mà những căn chòi nhỏ được tạm bợ bằng mái tôn rỉ sét nằm sát bên cạnh căn cứ đầy đủ công nghệ tương lai, chèn lẫn bên trong một bức tường thành cổ đại. Không khó để nhận thấy cách thức sắp đặt vật cảnh bằng tay của Pyranha Bytes đã tạo nên một thế giới sống động một cách lạ lùng trong ELEX.

cái sự cục mịch trong rất nhiều khía cạnh kỹ thuật khiến cho việc trải nghiệm trò chơi của người viết gặp phải không ít phiền toái

Tuy nhiên, mất cái này thì cũng được cái khác. Không cần phải “soi” kỹ cũng có thể dễ dàng nhận ra chất lượng đồ họa chỉ ở mức trung bình của ELEX, bởi dẫu cho hiệu ứng ánh sáng và môi trường có được “chỉnh chọt” tới mức nào đi chăng nữa, thì chúng cũng không thể giấu nổi những khối mô hình đầy góc cạnh và lặp lại bên trong những tảng đá lồi lõm, vân bề mặt sở hữu độ phân giải khá thấp, cử động (cả trên khuôn mặt lẫn động tác) của nhân vật thô kệch và lặp lại khá nhiều, gần như toàn bộ nhân vật nữ “tái chế” một khuôn mặt duy nhất (nghe có vẻ giống như game-mà-ai-cũng-biết-là-game-gì-đấy).

Thật sự không ngoa khi nói rằng kể cả nếu so chất lượng đồ họa với game PS3/Xbox 360 thì ELEX vẫn chỉ ở mức… xoàng.

Không chỉ ở đồ họa, mà cái sự… lạc hậu về công nghệ còn được thể hiện một cách rõ nét ở rất nhiều mặt còn lại của ELEX.

ELEX - Đánh Giá Game

Chất lượng lồng tiếng chỉ ở mức 50/50, âm thanh môi trường có lúc lai tạp lẫn nhau một cách hổ lốn, có lúc lại… im lặng một cách quá mức khi chỉ có mỗi tiếng bước chân của người chơi là phát ra tiếng động.

Giao diện thùng đồ cổ lỗ sĩ một cách khó tin khi hiện một danh sách dài ngoằng toàn bộ vật phẩm, còn màn hình trao đổi với NPC không hiểu vì lý do gì mà lại đẩy hết mọi đồ vật không phải là giáp trụ và vũ khí vào một danh mục duy nhất, khiến cho hành động rất đơn giản là tìm mọi vật phẩm phế thải để bán đi trở nên cục mịch một cách không cần thiết.

Thật phải khâm phục Pyranha Bytes vì đã 16 năm rồi mà họ vẫn chưa thể tìm ra cách thiết kế một phương thức di chuyển nhân vật cho ra hồn.

Nhân vật chính của ELEX: Jax – đi bộ, chạy, nhảy, choảng nhau, lăn người, né người với sự uyển chuyển của một gã Orc nặng vài tấn đi dự thi khiêu vũ. Cơ chế chiến đấu đầy tiềm năng của ELEX vì lẽ đó mà cũng bị kéo lùi theo, một hệ thống lấy cảm hứng từ Dark Souls với thanh thể lực, nhưng được bổ trợ đòn đánh nhẹ, mạnh và… “rất mạnh” chỉ có thể được thực hiện khi người chơi thực thi chuỗi liên hoàn trước đó.

Người viết có thể không màng đến cử động nhân vật ở mức tồi bởi cảm giác chiến đấu trong ELEX nhìn chung khá tốt với độ khó cao, các đòn đánh rất có lực một phần nhờ vào âm thanh “chát chúa” của vũ khí không đến nỗi nào, song cơ chế khóa mục tiêu tồi tệ cùng hitbox (khối hình học vô hình gán trên mô hình vật thể dùng để phát hiện va chạm) làm việc theo… ý của riêng nó khiến cho chiến đấu trong ELEX trở thành một cực hình đúng nghĩa.

 

 

 

 

 

Nếu như bạn có ý định “một chọi nhiều” trong ELEX thì hãy… bỏ ngay ý nghĩ đó ra khỏi đầu, kể cả khi cán cân sức mạnh của bạn với kẻ thù có lớn mức nào đi chăng nữa, bởi vì cái cách mà cơ chế khóa mục tiêu cố ý giảm thiểu độ nhanh nhạy mà game phản ứng đối với thao tác nhấn phím của bạn, cũng như việc chuyển mục tiêu thiếu nhạy bén một cách bực mình sẽ khiến cho người chơi dù cho phản xạ có cao tới mấy cũng sẽ bị ăn đòn trước khi kịp phản ứng. Còn hitbox? Người viết không thể đếm xuể số lần mình rõ ràng lăn người khỏi đòn đánh của địch, nhưng vì ma thuật nào đó mà hitbox (có thể là của cả vũ khí lẫn mô hình nhân vật) quyết định “phản chủ”, cho phép vũ khí của địch chạm mông mình trong… không khí và gây sát thương một cách lãng nhách.

Đó là chưa kể trong một số trường hợp, chiến đấu sẽ kích hoạt với NPC mà người chơi vừa hoàn thành đối thoại, và NPC đó sẽ luôn luôn “xoạc” bạn một phát trước khi bạn có thể rút vũ khí và lăn người đi chỗ khác. CÔNG BẰNG Ở ĐÂU???[su_divider][su_heading style=”flat-blue” size=”35″ margin=”50″]BẠN SẼ THÍCH[/su_heading]ELEX - Đánh Giá Game

NGÀY CŨ CỦA TƯƠNG LAI

Câu chuyện của ELEX nói về Jack… à nhầm, Jax, một nhân vật được tạo ra với đầy đủ mọi thành phẩm từ khuôn mẫu “anh hùng trong game RPG phương Tây” mà bạn có thể tưởng tượng ra. Hắn là một tư lệnh Alb cấp cao được cử đi thực hiện một nhiệm vụ bí mật với mục đích chinh phục vùng đất Magalan, nhưng mọi chuyện chẳng diễn ra một cách “xuôi chèo mát mái” lắm khi mà Jax bị chính đồng loại phản bội, và một cuộc hành trình tìm hiểu cái quái gì đang xảy ra dẫn đến mục tiêu trả thù và cả đống thứ tòng teng diễn ra ở giữa. Vùng đất này được phân tách thành nhiều khu vực nhỏ được phân chia bởi Berserker – những gã cosplay Viking biết cách chuyển hóa nguyên tố Elex thành… Mana để phục vụ cho mình dù cho phản đối sự hiện diện của công nghệ, Outlaw có thể được xem là hội nghị cosplay Mad Max với đầy đủ hạng du thủ du thực, và Cleric là tổ chức cosplay Space Marine cuồng tín nhưng giáp trụ dĩ nhiên không ngầu bằng.

Khởi đầu và tiền đề của ELEX nếu nói là “hứa hẹn” thì có lẽ hơi… tích cực một cách thái quá, đặc biệt khi người chơi sẽ phải dính chặt với tảng thịt vô hồn mang tên Jack trong chiều dài 40 giờ đồng hồ của trò chơi. Thế nên trò chơi cố tình cho người chơi gặp gỡ một nhân vật đồng hành từ rất sớm để cung cấp thông tin tối quan trọng: toàn bộ Alb thật ra đều là đồ tồi với độ khát máu tăng theo cấp số cộng. Tin buồn là những ai biết rằng bạn là Alb sẽ khinh bỉ, thậm chí tấn công bạn. Tin vui là bạn… không phải là đồ tồi duy nhất trong thế giới của ELEX.[su_quote]Tin buồn là những ai biết rằng bạn là Alb sẽ khinh bỉ, thậm chí tấn công bạn. Tin vui là bạn… không phải là đồ tồi duy nhất trong thế giới của ELEX[/su_quote]ELEX - Đánh Giá GameELEX - Đánh Giá GameSự “thâm sâu” trong thiết kế nhiệm vụ của ELEX từ đó bộc lộ rõ ngay từ những giây phút đầu tiên của trò chơi. Có rất nhiều tuyến nhiệm vụ chính lẫn phụ lồng ghép vào nhau một cách khéo léo khiến cho hiệu ứng dây chuyền là thứ mà người chơi sẽ gặp phải rất nhiều trong suốt quá trình chơi. Ví dụ như để lấy được sự hậu thuẫn của thủ lĩnh phe Berserker, một trong vô vàn những công việc mà bạn phải thực hiện là tìm hiểu ngọn nguồn của một vụ sát nhân tại Edan, và khi những nghi phạm đã bị loại trừ thì cái tên cuối cùng chưa được gạch khỏi danh sách lại là người mà ít ai ngờ đến. Liệu đối với bạn, sự hậu thuẫn có đáng để đánh đổi với lòng tin của một cánh tay phải đắc lực?

Một trong những tuyến nhiệm vụ mà người viết ưa thích nhất trong toàn bộ trò chơi liên quan đến cuộc tranh chấp Abessa định đoạt “số phận” của The Domed City, trong đó ELEX cho phép bạn thực hiện rất nhiều nhiệm vụ phụ khác nhau để cứu lấy thành phố bằng cách hợp tác với những người cần bạn giúp đỡ, hoặc đạp đổ nó một cách gián tiếp nếu bạn tiếp tay cho phe phản loạn cả bên trong lẫn ngoài thành phố. Nếu như bạn chỉ chăm chăm làm theo những gì mà NPC yêu cầu, thì đừng ngạc nhiên nếu như mọi chuyện diễn ra theo hướng mà bạn không ngờ đến.

Các tuyến nhiệm vụ trong ELEX gần như không đơn thuần chỉ gói gọn trong mô-típ “lựa chọn A nhận kết cục B” nữa, nhờ vào cách thức sắp đặt các sự kiện trong thế giới đầy tự nhiên và không bao giờ giới hạn người chơi trong bất kỳ khuôn khổ rập khuôn nào như bạn không có đủ điểm kinh nghiệm, chưa đủ cấp độ, không có kỹ năng cần thiết hay đại loại thế. Phần lớn thời gian trong game, người chơi hẳn sẽ chơi theo phong cách “mô phỏng tẩu vi thượng sách”, đơn giản vì chiến đấu là một việc làm… phí thời gian, bởi chắc chắn bạn sẽ chẳng đủ mạnh mẽ để hạ ai mà không có trang bị chuẩn mực trên mình. Không có bức tường nào là quá cao dành cho bộ phóng jetpack của bạn, không có tình huống nào mà lời nói (hoặc một lựa chọn kiểm tra chỉ số tương ứng) không giải quyết được, trừ phi NPC cố tình muốn gây hấn với bạn. Những cơ chế hiện đại như chỉ dẫn vị trí mục tiêu cụ thể trên bản đồ, hay chức năng dịch chuyển nhanh ở mọi vị trí sẽ chỉ giúp bạn tiết kiệm đôi chút thời gian, chứ chúng không hề làm nhiệm vụ dễ hơn là bao.

Đó là chưa kể, do trí thông minh nhân tạo hơi… í ẹ dẫn đến việc đôi khi quái vật sẽ không ngừng rượt đuổi bạn, với một chút khéo léo và may mắn thì bạn hoàn toàn có thể tạo nên một vài trò vui cho riêng mình.

À mà ngẫm nghĩ lại thì người viết thấy việc dẫn một đàn Mutant vào Fort để các đồng chí Outlaw xử đẹp chúng không thực sự khôn ngoan lắm, vì chúng lỡ tiện tay “chém” nhầm NPC bán vũ khí mất rồi…

6.0

Một thế giới đầy sáng tạo, thiết kế hệ thống nhiệm vụ chặt chẽ sẽ là lý do chính để "câu kéo" bạn vào cuộc phiêu lưu đầy cục mịch của ELEX. Không khó để nhận ra rằng đây là một sản phẩm CHỈ dành cho người hâm mộ của Gothic và Pyranha Bytes, nhưng đó không phải là lời biện hộ cho cái sự "đứng một chỗ suốt 16 năm" ở khâu kỹ thuật, và càng đáng buồn hơn khi mà tiềm năng của ELEX bị kéo lùi bởi những nhược điểm nhảm nhí như thế.

Thông tin

  • ELEX
  • Nhà phát triển
    Pyranha Bytes
  • Nhà phát hành
    THQ Nordic
  • Thể loại
    Nhập vai
  • Ngày ra mắt
    18/10/2017
  • Nền tảng
    Windows, Xbox One, PlayStation 4

Cấu hình tối thiểu

  • Hệ điều hành
    64-bit Windows 7, Windows 8.1, Windows 10
  • CPU
    Intel Core i5 3570, AMD FX-6350
  • RAM
    8GB
  • GPU
    NVIDIA GTX 660 2GB, AMD Radeon 7850 2GB
  • Lưu trữ
    35GB
  • Thiết bị
    N/A

Cấu hình thử nghiệm

  • Hệ điều hành
    Windows 10 Pro 64-bit
  • CPU
    Intel Core i3 4170 3.7Ghz
  • RAM
    8GB
  • GPU
    Sapphire AMD Radeon R7 260X 2GB OC Edition
  • Lưu trữ
    1TB
  • Thiết bị
    N/A
Game được hỗ trợ bởi THQ Nordic. Chơi trên PC.

Tác giả

Abydon Belegarssøn

“Happiness can be found even in the darkest of times, if one only remembers to turn on the light.” - Albus Percival Wulfric Brian Dumbledore. ᚠᚢᚦᚨᚱᚲᚷᚹᚺᚾᛁᛃᛇᛈᛉᛊᛏᛒᛖᛗᛚᛜᛞᛟ