Skip to content

Endless Legend – Đánh Giá Game

Endless Legend

Endless Legend – Là phần tiếp theo trong loạt game “Endless” của Amplitude Studio, với nhiệm vụ viết tiếp những trang sử mới cho thế giới Endless, Endless Legend lấy bối cảnh về sự phát triển các đế chế ở hành tinh Auriga, hàng ngàn năm trước khi cuộc xung đột lan tỏa tới mọi ngóc ngách của thiên hà trong Endless Space.

Với “lớp áo” chiến thuật theo lượt 4X, Endless Legend chịu ảnh hưởng khá lớn từ tựa game huyền thoại Civilization (gần đây nhất là bản Sid Meier’s Civilization: Beyond Earth) và xa hơn là tượng đài cổ – Master of Magic.

Sự thay đổi khá táo bạo trong bối cảnh, lẫn cơ chế này đã giúp cho Endless Legend giành được nhiều thiện cảm trong cộng đồng game thủ yêu thích chiến thuật.

Nhưng ở một thời kỳ mà bất cứ trò chơi 4X nào rồi cũng sẽ bị đem ra để so sánh với “chuẩn mực” Civilization, thì người chơi không khó để nhận ra những hạn chế của Endless Legend và thật sự, đây chưa hẳn đã là một trò chơi “đẹp” trọn vẹn.

Để hiểu được đâu là cái hay, cái dở của Endless Legend, chúng ta đơn giản chỉ cần thực hiện theo công thức mà hầu hết các game thủ 4x vẫn thường hay làm, và đặt nó lên “bàn cân” cùng với Civilization.

Nào, cùng Vietgame.asia tìm hiểu nhé!

BẠN SẼ THÍCH

Đồ họa ấn tượng!

Điểm dễ dàng nhận ra trong phong cách thiết kế của Amplitude Studio là hệ thống giao diện.

Nó không hề cầu kỳ mà phải nói là cực kỳ đơn giản, nhưng bù lại, rất đẹp và hiệu quả!

Những nút bấm đơn thuần chỉ là một ô vuông đơn sắc, đi cùng những dòng chữ hay “icon” minh họa.

Tổng thể của màn hình là những khối màu đặt kề nhau, thay cho những hiệu ứng bóng bẩy có thể làm xao nhãng người chơi.

Hơn nữa, hệ thống giao diện này hoạt động khá tinh tế, qua đó người chơi sẽ được cung cấp đầy đủ thông tin cần thiết, những của sổ “pop-up” xuất hiện đúng lúc và nút phải chuột được dùng để đóng các cửa sổ rất thuận tiện, thay vì bắt buộc người chơi phải tìm kiếm nút X trên màn hình…

Kế thừa những tinh hoa từ giao diện của Endless Space và một phần nhỏ của Dungeon of Endless (vì là game “rogue-like” nên giao diện thiếu đất diễn), Endless Legend đã tạo ra một sự tiến triển không tồi trong việc mang lại sự tiện dụng cho dòng game 4X, vốn phụ thuộc rất nặng vào các thông số và biểu đồ thống kê.

Quan trọng hơn, Endless Legend còn sở hữu chất lượng đồ họa không hề thua kém bất kỳ tựa game chiến thuật nào khác. 

Trên thực tế, đây có thể được xem là một trong những trò chơi chiến thuật có đồ họa “lung linh” nhất hiện tại.

Giữ nguyên tiêu chí đơn giản nhưng hiệu quả của mình, nhà phát triển Amplitude thiết kế Endless Legend dựa trên phong cách “low poly” (tiết kiệm tối đa số lượng đa giác của các vật thể, mang lại phong vị của những trò chơi 3D thời kỳ sơ khởi) ở khá nhiều chi tiết, giúp người chơi cảm thấy dễ chịu và gần gũi hơn với thế giới Endless.

Bù lại, các chi tiết khác như màu sắc, ánh sáng, bóng đổ, mặt nước và các hiệu ứng thiên nhiên được chăm chút rất kỹ càng.

Cả một thế giới đầy màu sắc của Endless Legend là sản phẫm từ sự kết hơp giữa tông màu “pastel” dễ chịu và hiệu ứng “Depth of Field” tạo nên độ sâu mờ ảo cho hình ảnh.

Bối cảnh thế giới ảo tưởng kết hợp giữa ma thuật và khoa học cũng góp phần tạo ra một hương vị mới trong phong cách của Endless Legend

Đặc biệt, hiệu ứng chuyển tiếp giữa góc nhìn chính và bản đồ thế giới thật sự gây ấn tượng mạnh với tác giả.

Endless Legend có thể được xem là một trong những trò chơi chiến thuật có đồ họa “lung linh” nhất hiện tại

Khi người chơi kéo góc nhìn ra xa, những chi tiết 3D cận cảnh sẽ mờ dần và được thay thế bằng những phác họa sẫm màu, cũ kỹ hệt như như một tấm bản đồ cổ.

Sự mượt mà kết hợp với hiệu ứng hình ảnh đầy tinh tế đã tạo nên một chi tiết cực kỳ thú vị cho Endless Legend.

Chính vì những ưu điểm đó mà dù cho các khối vật thể có cục mịch đến đâu đi chăng nữa, người chơi cũng khó lòng mà phàn nàn tới chất lượng đồ họa tổng thể của Endless Legend.


Chiến thuật đa dạng

Khi đề cập đến chuyện so sánh giữa Endless Legend và dòng game Civilization, ta có thể nhận ra rất nhiều điểm tương đồng trong cốt lõi của thể loại game 4X: bạn chọn một chủng tộc, khai khẩn, mở rộng đất đai bờ cõi, phát triển kỹ thuật, xây dựng quân đội, chinh phạt… hoặc những tương đồng trong tính năng như: tài nguyên chiến lược, cách thức chiến thắng và các tùy chọn ngoại giao…

Nhưng quả là may mắn, khi Endless Legend có những nét riêng rõ rệt và một phần nào đó, khá hơn hẳn so với những game Civilization mới nhất.

Số lượng chủng tộc mà người chơi điều khiển là 9, nghe có vẻ rất kém cỏi so với số lượng trên… 40 chủng tộc của Civilization V, nhưng điều đặc biệt là mỗi chủng quân lại có thiết kế khác biệt nhau rõ rệt, từ đó tạo ra những phong cách chiến thuật và phát triển hoàn toàn khác nhau.

Thêm vào đó người chơi còn có thể chỉnh sửa những chỉ số này để tạo ra những phe phái theo ý mình, tạo thêm sự đổi mới giữa những lần chơi.

Việc mở mang biên giới cũng không đơn giản như trong Civilization, các thành phố phải xây dựng các công trình “borough” để có thể mở rộng, và nếu như một tính toán sai lầm nào đó trong việc bố trí “borough”, sẽ khiến bạn phải trả giá trong phần còn lại của cuộc chơi.

Sự đa dạng trong chiến thuật giúp Endless Legend có giá trị chơi lại khá cao, người chơi không còn cảm giác nhàm chán mỗi khi bắt đầu những màn chơi mới

Endless Legend còn có thêm các tiểu chủng tộc do đối thủ máy điều khiển, tương tự như các “city state” của Civilization V.

Các chủng tộc này rải rác khắp bản đồ và gây không ít khó dễ cho người chơi lẫn đối phương.

Điều đặc biệt là người chơi có thể triệt hạ chúng và nếu nằm trong vùng đất mà mình quản lý, người chơi còn có quyền sát nhập và biến chủng tộc này thành những đơn vị quân lính đắc lực cho mình, kèm theo đó là những lợi ích về kinh tế, kỹ thuật.

Nhũng đơn vị quân từ các tiểu chủng tộc là một sự bổ sung đáng giá, khi mà mỗi chủng quân chỉ sở hữu 3 dạng quân khác nhau.

Sự đa dạng trong chiến thuật giúp Endless Legend có giá trị chơi lại khá cao, người chơi không còn cảm giác nhàm chán mỗi khi bắt đầu những màn chơi mới.

Xét về khía cạnh mở mang bờ cõi, Endless Legends có một khái niệm khá thú vị nhằm giảm thiểu chiêu thức xây dựng thành phố tràn lan (spam city) mà một số phiên bản Civilization trước đây từng gặp phải.

Bản đồ thế giới được chia nhỏ thành những vùng miền với khoảng 20-30 ô đất và người chơi không được xây dựng hai thành phố trong cùng một vùng.

Điều này không những hạn chế người chơi xây dựng nhiều thành phố liền kề, nó cũng đặt ra không ít khó khăn khi đòi hỏi người chơi phải nghiên cứu phân tích thật kỹ những vùng đất mới, cũng như bố trí lực lượng bảo kê hợp lý trước khi quyết định cho các đơn vị Settler khởi hành.

Một yếu tố giúp Endless Legend trở nên nổi bật và thú vị hơn rất nhiều so với dòng game Civilization chính là yếu tố nhập vai.

Cũng giống như Endless Space, người chơi có thể thuê các “Anh hùng” làm việc cho mình.

Các nhân vật này có những bộ kỹ năng riêng biệt và tích lũy dần theo điểm kinh nghiệm, cùng với hệ thống trang bị khá chi tiết.

Các Anh hùng không chỉ có nhiệm vụ lãnh đạo quân đội, họ còn có thể quản lý các thành phố, giúp tăng cường lượng tài nguyên khai thác được cũng như đẩy mạnh quá trình phát triển.

Thậm chí các nhánh kỹ năng chuyên biệt còn giúp khả năng quản lý thành phố của các Anh hùng tăng lên và mang lại nhiều lợi ích hơn nữa cho người chơi.

Còn trên chiến trường, việc sở hữu một anh hùng sẽ mang lại một ưu thế vượt trội cho người chơi.

Ngoài việc tăng thêm sức mạnh cho các đơn vị quân đội khác, lớp nhân vật này còn được tính như một đơn vị quân lính và trực tiếp tham gia vào trận đấu, bổ sung đáng kể vào sức mạnh tổng thể của đạo quân này.

Nhà phát triển cũng đã thiết kế khá nhiều yếu tố để hỗ trợ cho các nhân vật Anh hùng, như việc bổ sung thêm các nghiên cứu và công trình đặc biệt giúp người chơi có thể mua trang thiết bị cho Anh hùng của mình.

Một điều ngạc nhiên là sau khi nâng cấp một số công nghệ nhất định, các đơn vị quân lính cũng có thể sử dụng những trang thiết bị này.


Lối chơi phong phú

Chiến trường là một tính năng nổi bật của Endless Legend so với những diễn hoạt sơ sài của Civilization và hầu hết các game 4X khác.

Việc bổ sung thêm các trận chiến chi tiết làm cho Endless Legend có khuynh hướng giống với nhưng trò chiến thuật theo lượt lấy bối cảnh giả tưởng như Heroes of Might and Magic, Age of Wonder… hơn là chạy theo những yếu tố cốt lõi thuần chất 4X như Civilization.

Có thể thấy tượng đài Master of Magic mới chính là hình ảnh mà Endless Legend đang muốn hướng tới.

Nói về cơ chế chiến trận, người chơi có khả năng lựa chọn mục tiêu cũng như vị trí di chuyển cho từng đạo quân của mình.

Tuy vậy, kỹ năng của các đơn vị quân chỉ giới hạn trong những chiêu thức tấn công cơ bản, dẫn đến chuyện người chơi… không có nhiều việc để làm hơn là chỉ đạo chiến thuật một cách khá chung chung.

Nhìn chung thì dù vẫn còn khá hạn chế và đặc biệt là diễn tiến khá chậm, yếu tố chiến trận vẫn tỏ ra khá thú vị khi cho phép người chơi trực tiếp tham gia vào những trận chiến và tự tay xoay chuyển thế trận.

Dù vẫn còn khá hạn chế và đặc biệt là diễn tiến khá chậm, yếu tố chiến trận vẫn tỏ ra khá thú vị khi cho phép người chơi trực tiếp tham gia vào những trận chiến và tự tay xoay chuyển thế trận

Hệ thống nhiệm vụ cũng là một nét mới đáng phải kể tới của Endless Legend so với Civilization, mà mãi đến Sid Meier’s Civilization: Beyond Earth thì Firaxis mới chịu chú ý đến.

Endless Legend

Endless Legend không hề có những màn chơi liên quan đến cốt truyện, và mỗi màn chơi đơn cũng là dịp để nhà phát triển dẫn dắt câu chuyện của từng chủng tộc đến người chơi, hệ thống nhiệm vụ cũng chính là công cụ mà Amplitude sử dụng cho mục đích đó.

Quả là “một công đôi việc” khi nó vừa mang lại lợi ích cho người chơi ở mỗi màn, vừa giúp người chơi hiểu hơn về thế giới của Endless.

Nhìn chung về mặt thiết kế. hệ thống nhiệm vụ này tỏ ra khá thú vị và thử thách, nó đẩy nhịp độ trò chơi lên khá nhanh trong giai đoạn đầu, thúc giục người chơi “động binh” để đạt được những lợi ích từ đó.

Tiếp đến là hệ thống nghiên cứu, Endless Legend đã mạnh dạn phá bỏ lối nghiên cứu dạng cây truyền thống của thể loại 4X, công thức mà thậm chí “tiền bối” Endless Space của mình đã từng phải làm theo mà thay vào đó, các công nghệ rời rạc được gom lại theo từng kỷ nguyên.

Để tiến lên một kỷ nguyên tiếp theo và mở ra những công nghệ mới, người chơi đơn giản chỉ cần nghiên cứu thành công một số lượng công nghệ nhất định bất kể những công nghệ này tốt xấu thế nào.

Nếu việc phân chia vùng lãnh thổ đã hạn chế sự phát triển của người chơi, thì ở hệ thống này, người chơi được thỏa sức “vung vẩy”.

Endless Legend

Người chơi dễ dàng dồn hết mọi nguồn lực khoa học mình để nhanh chóng có đạt được một công nghệ tối cao, có thể mang lại những lợi ích “khủng” thay vì phải đi từ gốc tới ngọn như trước đây.

Những tính năng mà tác giả đề cập phía trên chưa phải là tất cả.

Có thể thấy một số cải tiến khá thú vị khác như: mùa đông, giao thương, tài nguyên chiến lược….

Điều này đủ để ta có thể nhìn nhận Endless Legend “không phải là dạng vừa”.

Amplitude Studio đã đầu tư một cách rất nghiêm túc để phát huy thế mạnh của dòng game Endless, bỏ xa những thương hiệu 4X tầm trung trên thị trường hiện nay.

BẠN SẼ GHÉT

Endless Legend

Chưa đủ chiều sâu…

Lại một lỗi kinh điển của các nhà phát triển độc lập mà Amplitude, vốn dĩ cũng là một trong số đó, không may vướng phải.

Với vẻ ngoài “hào nhoáng” của mình, thật khó có thể tưởng tượng nổi những khuyết điểm mà Endless Legend giấu bên trong.

Càng về sau, Endless Legend càng thể hiện tỏ ra “hụt hơi” khi phơi bày những yếu kém của mình, để lại sự thất vọng tràn trề của người chơi khi đã kết thúc những lượt chơi cuối cùng.

Hầu hết các tính năng trong Endless Legend, dù khởi đầu có tốt đến đâu, cũng không thể bắt kịp nhịp độ của các màn chơi.

Các nhiệm vụ, sau một thời gian đầu khá thú vị, sẽ nhạt nhẽo dần với những thử thách lặp đi lặp lại, không khỏi gây nhàm chán cho người chơi.

Cốt truyện khá nửa vời, thiếu điểm nhấn, được thể hiện bên trong những đoạn văn bản dài lê thê.

Hệ thống ngoại giao, vốn dĩ đã rất bình thường, trở nên “kệch cỡm” hơn khi tạo ra một cảm giác tất cả các phe phái đối phương có cùng chung một ý nghĩ, thật sự không khó để người chơi nhận ra ý đồ của từng đối thủ.

Dù được bổ sung rất nhiều cải tiến ấn tượng, sự “đuối sức” trong cuộc đua đường dài khiến Endless Legend vẫn còn kém khá xa so với tượng đài Civilization

Nhịp độ của Endless Legend lại là một lý do khiến trò chơi trở nên nhàm chán, tốc độ diễn hoạt của các đơn vị quân trở nên cực kỳ chậm ở thời điểm đầu và cuối của mối hành động, gây ra một cảm giác rất khó chịu khi người chơi phải tốn thời gian cho những hiệu ứng vô bổ này.

Nói đến đây, phần nào chúng ta cũng thấy được vì sao Civilization có thể trụ vững ở “ngôi vương” của thể loại 4X trong suốt nhiều năm như vậy.

Như người ta thường nói “Phong độ chỉ là nhất thời, đẳng cấp mới là mãi mãi”.

Dù cho có được bổ sung rất nhiều cải tiến ấn tượng, sự đuối sức trong cuộc đua đường dài khiến Endless Legend vẫn còn kém khá xa so với tượng đài Civilization này.


Endless Legend

A.I thụ động, “thiếu muối”

Thêm một “chuyên mục nhỏ” trong câu chuyện “kém chiều sâu” của Endless Legend mà tác giả đề cập bên trên.

Xuyên suốt các màn chơi, sẽ rất hiếm khi bạn phải gánh chịu những đòn tấn công khôn khéo, khó lường của đối phương.

Đáng nói hơn là những hành động rất khó hiểu của đối phương, dưới sự điều khiển của một hệ thống A.I rất kém cỏi.

Còn trên chiến trường, A.I đối phương lại một lần nữa “tiếp tay” cho người chơi bằng những nước đi đầy bất ngờ, với một mục đích duy nhất là… thí hết số quân của mình, hi vọng gây ra vài “vết xước” lên đơn vị quân của người chơi.

Thậm chí ở những cấp độ khó cao nhất, tình hình vẫn không được cải thiện bao nhiêu, người chơi vẫn dễ dàng giành thế chủ động trước sự “yếu đuối” của đối thủ máy.

Vấn đề này đã khiến Endless Legend mất điểm trầm trọng đối với những người chơi mong chờ những thử thách khắc nghiệt từ thể loại 4X.

Chưa dừng lại ở đó, hệ thống này phần nào lại gây ra sự khó chịu đáng kể khi người chơi trực tiếp điều khiển chiến trận.

Trước mỗi lượt đi, A.I lại “giúp đỡ” người chơi hoạch định mục điêu bằng cách đưa ra sẵn ý kiến tối ưu nhất của mình.

Tuy vậy, những ý kiến này rất hiếm khi tỏ ra hữu ích, người chơi lại phải tự tay điều chỉnh hệ thống mục tiêu đó theo ý của mình.

Xuyên suốt các màn chơi, sẽ rất hiếm khi bạn phải gánh chịu những đòn tấn công khôn khéo, khó lường của đối phương


THÔNG TIN

  • Sản xuất: Amplitude Studio
  • Phát hành: Amplitude Studio
  • Thể loại: Chiến thuật
  • Ngày ra mắt: 18/09/2014
  • Hệ máy: PC

CẤU HÌNH TỐI THIỂU

  • OS: Windows Vista / 7 / 8 / 8.1
  • CPU: 2.5Ghz Intel Core 2 Quad Q8300
  • RAM: 4 GB
  • VGA: 1GB nVidia Geforce GT460 | 1GB ATI HD4850
  • HDD: 3 GB

CẤU HÌNH THỬ NGHIỆM

  • OS: N/A 
  • CPU: N/A 
  • RAM: N/A 
  • VGA: N/A 
  • HDD: N/A

GAME ĐƯỢC HỖ TRỢ BỞI AMPLITUDE STUDIO – CHƠI TRÊN HỆ PC

Bạc 8.0

4X là một thể loại game đòi hỏi rất nhiều công phu trong quá trình phát triển và cân bằng các tính năng, việc thiếu đi sự đầu tư kỹ lưỡng cho chiều sâu đã biến Endless Legends trở thành một sản phẩm "đuối sức" và kém thử thách đối với những người chơi trung thành với thể loại này.
Nhưng nhìn chung, Endless Legends lại là một tựa game hay, với sự trau chuốt hết sức ấn tượng trong cả thiết kế lẫn đồ họa.
Đặc biệt đối với những người chơi từng bị hút hồn bởi sự tinh tế của Endless Legends và nét độc đáo của Dungeon of Endless, Endless Legends sẽ là sự tiếp nối hoàn hảo.

Tác giả