Skip to content

Epic Games Store và cái giá BẠN PHẢI TRẢ cho tỉ lệ 12%?

Epic Games Store

Epic Games Store – Khi Epic Games công bố cửa hàng bán game riêng của mình, CEO Tim Sweeney đã sử dụng những lời lẽ mĩ miều và đề nghị hấp dẫn để “chèo kéo” nhà phát triển cũng như người dùng khỏi Steam như “hùn” tiền đi đêm, “mua” game độc quyền, bỏ thu phí trên công cụ Unreal Engine 4… Và trên tất cả, thông báo gây tiếng vang nhất có lẽ là tỉ lệ ăn chia 88%-12% thay vì 70%-30% như Steam. Theo đó Epic Games Store chỉ lấy 12% lợi nhuận thôi, còn nhà phát triển sẽ được 88%…

Nghe qua thì có vẻ là một bước đi đúng đắn, thể hiện mong muốn làm lợi cho nhà sản xuất và khao khát đẩy mạnh nền công nghiệp game. Thật là cao cả thay!

Chỉ tiếc là… hẳn bạn cũng biết quy luật nhân quả cơ bản: cái gì cũng có giá của nó. Để đạt được con số 12% đó cần một cái giá. Nhà phát triển sẽ trả nó? Không, đương nhiên rồi, bởi Epic Games Store đang muốn thu hút họ mà. Vậy Epic Games Store sẽ trả? Haha… Không! Bạn. Chính bạn là người phải trả cái giá đó.

Vậy cái giá cho con số 12% đó là gì, và tại sao bạn phải trả cho nó? Hãy cùng Vietgame.asia tìm hiểu nhé!


BỎ BÊ NHỮNG THỊ TRƯỜNG ĐANG PHÁT TRIỂN

Khi bạn trả $60 để mua game, thì theo tỉ lệ 88%-12%, 52,8 USD sẽ vào túi nhà phát triển, còn 7.2 USD sẽ vào túi Epic Games đúng không nào? Phải. Ở một thế giới hoàn hảo thì đáp số bài toán là vậy. Nhưng đó không phải là thế giới này.

Nếu bạn sử dụng thẻ tín dụng, thẻ ghi nợ của các công ty lớn như Visa, Master Card hoặc tài khoản Paypal (đã liên kết với thẻ tín dụng hoặc tài khoản ngân hàng) thì trong mỗi giao dịch, gần như tỉ lệ 88%-12% sẽ được bảo toàn. Nhìn chung, do lượng người sử dụng rất đông nên các công ty lớn này có rất nhiều cách riêng để thu về lợi nhuận nên mức phí bạn phải trả cho mỗi giao dịch là rất nhỏ hoặc gần như không có. Hơn thế nữa, các phương thức thanh toán này rất phổ biến ở những quốc gia như Mỹ hoặc châu Âu nên đại đa số người dùng sẽ không cần phàn nàn gì. Tuy nhiên, bài toán sẽ thay đổi nếu bạn sống ở châu Á.

Epic Games Store

Người dùng châu Á thường ít có thói quen sử dụng Paypal hoặc thẻ tín dụng, mà sử dụng một cổng thanh toán nào đó hoặc tiền tươi thóc thật. Do vậy, khi thực hiện giao dịch mua game, ngoài Epic Games và nhà phát triển, tiền của bạn còn chảy vào công ty đứng ở giữa đã lập ra cổng thanh toán nữa.

Đơn cử ở Việt Nam, VTC là công ty thiết lập cổng thanh toán, cho phép bạn trả bằng VTC-pay, online banking hay thẻ ngân hàng nội địa. Và đương nhiên, VTC chẳng rảnh hơi đi làm không công. Họ phải thu lời mới làm chứ. Hơn thế nữa, giao dịch của bạn thực hiện qua VTC sẽ được truyền qua Smart2Pay, và Smart2Pay chắc cũng không tốt bụng tới mức làm miễn phí đâu.

Thế nhưng nếu bạn mua game hay mua Steam Wallet, bạn sẽ thấy mức phí bạn phải trả cao hơn xấp xỉ 10%. Đó là mức thuế thu nhập cá nhân ở Việt Nam, và khi mua hàng Việt Nam, các bạn phải trả thêm tiền thuế cho VTC cũng không có gì là khó hiểu.

Thế nhưng điều khó hiểu là: vậy các công ty như VTC hay Smart2Pay kiếm tiền đâu ra?

Steam trả họ đấy!

Việc đặt ra mức thu 30% từ nhà sản xuất cho phép Steam có dư một lượng tiền để chi trả cho các cổng thanh toán không phổ biến. Theo lời, Sergey Galyonkin, một thành viên trong nhóm phát triển Epic Games Store, các cổng thanh toán này có thể thu phí tới 25%.

Do đưa cho nhà sản xuất tới 88% lợi nhuận, nên Epic Games không còn cách nào khác, phải bắt người dùng trả tiền cho các cổng thanh toán.

Thế nên, giả sử VTC có đứng ra làm trụ đỡ cho Epic Games Store chẳng hạn, thì khi mua một game 60 USD, bạn không chỉ phải trả 60 USD cộng thuế, mà bạn sẽ phải trả 60 USD + tiền cho VTC Pay + tiền cho cổng thanh toán khác nếu có + thuế 10%.

Và đương nhiên rồi, người dùng nào cũng sẽ “vui vẻ” khi phải trả nhiều tiền hơn cho một sản phẩm nào đó…

Hơn thế nữa, như đã nói, người dùng châu Á còn có thói quen mua hàng bằng “tiền tươi thóc thật”, và cách mà Steam khai thác điều này là in ra thẻ cào Steam Wallet. Hình thức này tuy chưa phổ biến ở Việt Nam nhưng đã có mặt ở nhiều quốc gia châu Á khác.

Vấn đề là thẻ cào là hàng vật lý. Muốn sản xuất nó ra cần in ấn, cần vật liệu, cần nhân công, phân phối… Nó không phải là thứ gì kỹ thuật số để gửi ngay tới tài khoản người dùng và chờ họ thực hiện một hai cái nhấp chuột để hoàn thành giao dịch, nên việc sản xuất và tiêu thụ nó cần có phụ phí. Thế nhưng nếu bạn mua một chiếc thẻ 60 USD, bạn sẽ nạp vào tài khoản 60 USD. Vậy bạn đoán xem bên nào trả tất tần tật các khoản đó…

Nói trắng ra là Valve chịu lỗ 10%-15% cho mỗi chiếc thẻ cào bạn mua. Nhưng mức phí thu 30% từ nhà phát triển cho phép họ làm điều đó. Họ trừ thêm lợi nhuận từ phía nhà phát triển, chịu các thể loại phí lỉnh kỉnh để đảm bảo rằng người dùng sẽ phải trả ít nhất.

Còn trong lời giải của Epic Games, thì không phải nhà sản xuất mà người dùng là bên phải chịu toàn bộ mọi chi phí thừa thãi…


GIỚI HẠN CÁC BÊN BÁN LẺ

Chắc chắn rằng các trang bán lẻ key game là những nơi mà nhiều game thủ hay lui tới, và cũng là nguồn lợi không nhỏ cho nhà sản xuất.

Nếu nhà sản xuất tạo key game của họ để bán tại các trang khác như Humble Bundle, Indiegala, Fanatical, Green Man Gaming… thì Steam sẽ thu một mức phí là… 0%. Nhà sản xuất sẽ chỉ phải chia lợi nhuận với các trang thứ ba đó mà không cần chi một đồng nào cho Steam. Tuy nhiên, với Epic Games Store, câu chuyện sẽ khác.

Để cạnh tranh người mua với Steam, các trang bán lẻ khác có thể giảm phần trăm lời lãi của mình xuống. Ví dụ một tựa game mới ra, Steam bán nó với giá 60 USD thì Green Man Gaming (cũng chia tỉ lệ 70%-30% như Steam) có thể chịu giảm lời xuống còn 20% thôi, tức giảm 10% và bán nó với giá 54 USD chẳng hạn để chèo kéo người mua (đó là lý do vì sao mà các trang bán lẻ này hay có các chiêu trò như khuyến mãi độc quyền cho thành viên VIP, hoặc voucher giảm giá…).

Chưa hết. Chẳng hạn vào dịp khuyến mãi hay sử dụng mã giảm giá, Steam hoặc các trang bán lẻ có thể giảm giá game nhiều hơn cho người chơi. Với một tựa game 60 USD, nếu nhà phát triển muốn giảm giá game 20% chẳng hạn, thì tựa game sẽ có giá 48 USD. Do mức lợi nhuận có tỉ lệ 70%-30%, nên 33,6 USD sẽ rơi vào túi nhà phát triển, còn 14,4 USD sẽ rơi vào túi Steam hoặc bên bán key thứ ba. Tuy nhiên, do con số 14,4 USD này hoàn toàn không phải là tiền nhà phát triển quản lý, nên Steam hoặc bên bán key có thể hạ giá tiếp, bớt đi 6 USD chẳng hạn, giữ mức lời còn 8,4 USD thôi, nhưng giá game lại được hạ xuống 42 USD thay vì 48 USD, tức giảm 30% và chèo kéo được càng nhiều người mua hơn.

Đáng tiếc thay, với con số 12% “kì diệu” của Epic Games thì game thủ sẽ khó có cơ hội trải nghiệm những đợt giảm giá đậm như hiện nay.

Lấy tỉ lệ lời 12% sẽ không cho Epic Games nhiều lựa chọn để hạ giá. Với mức lợi nhuận 30%, nếu Steam hay các bên bán key chịu cắt giảm 12% tiền lời, họ vẫn còn “ăn” được 18%. Còn nếu Epic Games cắt giảm 12% tiền lời, họ đơn giản là… húp cháo. Như vậy, có hai vấn đề:

  • Epic Games Store không thể cắt giảm quá nhiều phần lợi nhuận của mình để có giá ngọt cho người tiêu dùng. Do vậy, nếu bạn thấy một tựa game có giảm giá trên Epic Games Store, thì giá giảm đó là do nhà phát triển quyết định một phần rất lớn, còn Epic Games chỉ có thể du di một khoảng cực nhỏ, gần như là không có. Nôm na, quyền quyết định giảm giá được giao gần như toàn bộ vào tay nhà phát triển, chứ không còn được chia kha khá cho bên bán như với Steam. Kéo theo đó, người dùng sẽ ít có cơ hội được khuyến mại đặc biệt hơn.
  • Epic Games Store không thể để các bên bán key vượt mặt mình về giảm giá. Do vậy, hoặc là họ phải chặn hẳn bên bán key thứ ba, hoặc phải kí thỏa thuận với từng bên, ví dụ giới hạn tối đa lượng giá mà các bên bán key có thể giảm, bởi nếu bên bán key giảm quá nhiều thì Epic Games Store sẽ chẳng còn hấp dẫn người dùng nữa. Hiện tại, nếu bạn nhìn sang Humble Bundle, trang web này có thể hoàn tiền tối đa 10% vào ví Humble Wallet của bạn, hoặc cho lựa chọn đóng góp 10% đó cho từ thiện. Tuy nhiên với Borderlands 3, một tựa game độc quyền Epic Games Store, con số này bị giảm xuống còn có… 3%. Quay sang Green Man Gaming, một trang web nổi tiếng về giảm giá cực mạnh, thì họ cũng chỉ giảm giá Borderlands 310% mà thôi.

Như vậy, nôm na là để với được tới con số 12%, Epic Games Store phải đánh đổi bằng cách khống chế thị trường, giới hạn số tiền mà các bên bán key có thể giảm. Và đoán xem ai sẽ phải trả thêm tiền?


TỈ LỆ 12%… CON SỐ “CAO THƯỢNG” HAY TRÒ LỐ KIẾM TIẾNG?

Đối đầu với Steam, Epic Games tung ra con số 12% với khẩu hiệu ủng hộ nhà phát triển. Với con số này, Epic Games đã dồn gần như toàn bộ “hoa hồng” của thị trường game vào họ. Vấn đề là… ừ thì nhà phát triển cũng quan trọng thật đó, nhưng đâu phải là tất cả mắt xích của thị trường game. Người dùng đâu? Bên bán game đâu?

Valve và con số 30% có vẻ “tham lam” hơn, nhưng sự thật là nó tách bớt quyền lợi từ nhà phát triển để đem đi “vun đắp” vào những mặt khác của ngành game.

Một cách nào đó, bạn có thể hiểu việc Valve đang làm là lấy của người giàu chia cho người nghèo cũng được. Ở các thị trường lớn, Valve lấy 30% lợi nhuận rồi đen đi đầu tư các thị trường mới, nhỏ hơn, như châu Á chẳng hạn. Gã khổng lồ này sẵn sàng chi trả cho các phụ phí lỉnh kỉnh để mở rộng thị trường game PC, đưa ngành công nghiệp PC phát triển. Và chẳng nói đâu xa, chính nhờ Steam, game bản quyền ở Việt Nam đã nở rộ mạnh hơn bao giờ hết.

Chưa dừng ở đó, tỉ lệ 30% còn có lợi cho người dùng bất kể bạn sống ở đâu chăng nữa, bởi nó cho phép nền tảng bán game có một mức “quyền lực” nhất định về giá, và có thể giảm giá, thu hút sức mua nếu thấy cần thiết.

Còn tỉ lệ 12% vô hình chung đã bỏ quá nhiều “quyền lực” vào phía nhà phát triển – phát hành.

Tuy họ có vai trò cực kì quan trọng nhưng cũng đâu phải là “vua chúa” của ngành game?

Cho họ 88% thì nghe vĩ đại, cao thượng thật đó, nhưng cái giá đi kèm cho sự cao thượng hão đó cuối cùng vẫn là người dùng phải trả – cả nghĩa đen và nghĩa bóng.

Có một ranh giới giữa việc người dùng “ủng hộ” nhà phát triển, và “tôn thờ” nhà phát triển.

Nếu là người dùng thông thái, hi vọng bạn sẽ phân biệt được nó!

Cuối cùng, CEO Tim Sweeney “bô bô” rằng nếu Steam giảm tỉ lệ ăn chia của họ xuống 12% thì Epic Games sẽ thôi chiêu bài độc quyền hay thậm chí mang Fortnite lên Steam.

Nghe qua thì có vẻ “đạo đức” cho nhà phát triển, nhưng Steam không thể làm vậy.

Steam không thể tiếp tục chi trả cho những khoản phí nhỏ lẻ, giúp đỡ các thị trường yếu kém, và chính bạn sẽ phải “trả giá” đó.