Skip to content

Escape Dead Island – Đánh Giá Game

Escape Dead Island

Escape Dead Island – Vào thời điểm này khoảng hai năm về trước, cộng đồng game thủ vẫn còn đang “than trời” bởi trào lưu làm game zombie bắt đầu “nở rộ”, không ít tựa game lấy đề tài về những con thây ma dị hợm được tung ra “như nấm mọc sau mưa”.

Đến nay, “làn sóng zombie” có lẽ đã nguội bớt khi trong năm nay chỉ có vài cái tên tiêu biểu như The Evil Within và một số tựa game độc lập như Contagion hay Unturned. Nhưng với Deep Silver, hãng không bỏ quên một trong những thương hiệu chủ lực của mình: Dead Island.

Với 5 triệu bản game được bán ra, hiển nhiên Deep Silver sẽ tiếp tục “vắt sữa” thương hiệu này, dù rằng sau đó họ vấp phải nhiều thất bại như Dead Island: Riptide, bị chỉ trích bởi không có nhiều đột phá so với  game tiền nhiệm, tựa game MOBA: Dead Island Epidemic mà… chả ai cần đến.

Tuy nhiên, chúng ta sẽ không bàn đến câu chuyện “thất bại” của thương hiệu Dead Island ra sao, mà tiêu điểm của bài viết sau là một tựa game Dead Island khác, Escape Dead Island, được giao cho gã “thua cuộc” tài năng Fatshark thực hiện (do Techland đã “bỏ của chạy lấy người”).

Liệu Escape Dead Island có thể vực dậy một Fatshark trì trệ bao năm qua hay không, hay tựa game lại nối gót Krater và War of The Vikings, trở thành một sản phẩm đáng thất vọng khác của hãng?

BẠN SẼ GHÉT

Cốt truyện: hào nhoáng bên ngoài, nhạt nhẽo bên trong

Escape Dead Island đưa người chơi vào vai anh chàng phóng viên Cliff Calo cùng hai người bạn của mình truy tìm ngọn nguồn của loại virus gây nên đại dịch zombie (ở phiên bản Dead Island đầu) tại hòn đảo Narapela, tọa lạc gần hòn đảo Banoi.

Điều đầu tiên mà người viết phải… thừa nhận là cốt truyện của Escape Dead Island được xây dựng tốt hơn hẳn hai phiên bản trước. Escape Dead Island liên tục đưa người chơi vào tình trạng “nửa tỉnh nửa mơ”, cùng với hàng tá ảo giác xuất hiện trong đầu của Cliff.

Lúc thì màn hình chợt biến thành cảnh đen trắng và điểm xuyết bằng màu đỏ (dễ liên tưởng tới tựa game Betrayer), lúc thì màn hình tự dưng… lộn ngược, hay khi tầm nhìn trở nên “trắng xóa” và Cliff “bị” đặt vào một nơi xa lạ trong chớp mắt…

Tuy vậy, ấn tượng về cách “đùa giỡn” với thực tại này không hề kéo dài được lâu. Lối kể chuyện trong Escape Dead Island cứ tà tà, thẳng tuột từ đầu đến cuối, mặc dù có sở hữu một vài nút thắt nhưng lại chẳng gây ấn tượng được gì nhiều, có lẽ bởi đa số chúng quá… dễ đoán. Một người bị zombie cắn vào cổ thì có lẽ có… điên mới tin rằng: người đó còn đủ sức mà nói chuyện với mình qua điện đàm.

review_off-escapeDI-02

Các nhân vật trong Escape Dead Island cũng là điểm khiến người viết phải… chĩa hai ngón tay vào đầu rồi quay vòng tròn liên tục.

Thứ nhất, không rõ có phải đây là ý đồ của Fatshark hay không, mà xuyên suốt game, tính cách của Cliff Calo liên tục xung đột lẫn nhau. Lúc thì thái độ của anh ta rất “hồn nhiên” và có vẻ như chả có gì xảy ra cả, lúc thì quay ngoắc 180 độ với vẻ mặt hầm hừ khi đấu tranh với “những thứ lởn vởn” trong đầu.

Thứ hai là sự xuất hiện của nhân vật Xian Mei. Escape Dead Island đã làm rất tốt trong việc giải thích về ngọn nguồn của virus và gián tiếp trả lời mọi nghi vấn ở Dead Island, nhưng việc Xian Mei… ở đâu chui ra càng khiến người viết trở nên mơ hồ về cốt truyện, khiến cho kết thúc của phiên bản Dead Island: Riptide không được giải thích thỏa đáng.

Nếu Xian ở đây thì bốn người còn lại đâu rồi? Chiếc buồm ở cuối Dead Island: Riptide đánh đố điều gì?

Escape Dead Island không hề nhắc đến bất kỳ điều nào trong số đó, càng khiến cho câu chuyện của loạt game càng trở nên rối rắm.

Lối kể chuyện trong Escape Dead Island cứ tà tà, thẳng tuột từ đầu đến cuối, mặc dù có sở hữu một vài nút thắt nhưng lại chẳng gây ấn tượng được gì nhiều


Lối chơi “nửa mùa”

Thật khó có thể định hình được lối chơi của Escape Dead Island. Nó có phải là một game hành động chặt chém đơn thuần không? Có thể. Nó có phải là một game hành động bí mật hay không? Có thể. Nó có phải là một game Dead Island đúng nghĩa không? Không!

Vậy Escape Dead Island là gì?

Một đống tạp nham vô nghĩa, chấp vá và thiếu chiều sâu.

Điều đầu tiên mà người chơi cần phải biết là Escape Dead Island là một tựa game cực kỳ tuyến tính. Game không có nhiệm vụ phụ, không có hệ thống “xu” (loot) đồ, không có chế đồ (crafting), không có phương tiện di chuyển, không có bảng kỹ năng, không có bất kỳ yếu tố nào của Dead Island ngoại trừ thanh thể lực! Chiều sâu trong lối chơi của game? Zero!

Dĩ nhiên, cái “tội” của Escape Dead Island không phải là sự tuyến tính, mà là việc game buộc người chơi phải “backtrack” (quay về các khu vực cũ) liên tục qua các khu vực nhàm chán và thiếu sáng tạo. Escape Dead Island có… ba khu vực chính: khu rừng, nhà máy Geo-Pharm và (thỉnh thoảng là) khu biệt thự, với yếu tố thôi thúc người chơi khám phá… bằng không.

Điểm yếu trong cơ chế chiến đấu của Escape Dead Island là gì? Trong hai phiên bản trước, góc nhìn thứ nhất cho phép người chơi cảm nhận được độ nặng của vũ khí và cảm giác khi vũ khí bắt đầu chạm vào da thịt của những con zombie, một trải nghiệm cực kỳ đã tay! Còn trong Escape Dead Island, góc nhìn thứ ba hoàn toàn “đánh đổ” trải nghiệm đó.

Cliff có hai động tác đánh chính: đánh nhẹ cho phép quơ vũ khí ba lần, đánh mạnh tốn nhiều thể lực và mất nhiều thời gian hơn cho phép quơ một lần, và người chơi sẽ phải kết hợp lối đánh đó với động tác né người, lặp đi lặp lại đến cuối game, không hề có “combo” nào khác.

Cách tính sát thương cũng rất khó hiểu, bởi có lúc pha đánh mạnh có thể “đấm phát chết luôn” một con walker thường, lúc thì chỉ làm nó mất 1/3 bình máu, lúc thì lại quật ngã nó. Thậm chí, tầm xa của cú đánh thỉnh thoảng “loạn xà ngầu” lên, đừng bất ngờ khi bạn quật trúng một con zombie đứng… sau tảng đá vì hiệu ứng hình ảnh từ vũ khí… chạy xuyên qua tảng đá đó.

Hành động lén lút trong Escape Dead Island là một trò cười đúng nghĩa. Cũng giống như phần hành động chính, Cliff chỉ có đúng một động tác hạ thủ từ đằng sau duy nhất. Đối với cây tua vít thì là “chọt chọt” ba lần, con dao thì là “xẹt” một lần, mỗi tội hành động bí mật kiểu gì mà… cứa cổ nhưng lại gây ra âm thanh rất to!

Một tên zombie đang đứng dựa vào lan can ư? Chả vấn đề gì, tới gần nó, chĩa mặt vào “mông” nó, nhấn nút và con zombie sẽ tự động… quay người lại cho Cliff “xử”. Bạn đang đến gần một con zombie nhưng nó lại thấy bạn? Thoải mái đi, cứ đi vòng quanh nó là game cho phép hạ thủ ngay thôi.

Thật khó có thể định hình được lối chơi của Escape Dead Island

Thậm chí có nhiều tình huống bạn cũng chả cần ngồi xuống rồi đi từ từ nữa, miễn sao cứ chạy ra sau lưng kẻ địch là được.

Những cơ chế còn lại trong Escape Dead Island hoàn toàn “vỡ vụn”. Trong quá trình chơi, người chơi có thể nhặt được một số hộp cứu thương rồi game hiện thông báo “+5 lượng máu” hay “+1 lượng máu”, vấn đề ở đây là… máu gì cơ ? Dù người chơi nhặt được bao nhiêu hộp cứu thương đi chăng nữa thì thời gian hồi máu của Cliff vẫn không đổi, vậy thì mục đích của chúng là gì?

review_off-escapeDI-11

Cơ chế tự động hồi máu sẽ chả có vấn đề gì nếu như Escape Dead Island không cố tình làm người chơi mất phương hướng khi bị tấn công. Thực sự, người viết không thể đếm xuể số lần chết oan bởi game không hiển thị đúng độ sát thương mà Cliff nhận được, bạn chỉ có thể nhìn thấy một tí máu ở dưới màn hình và âm thanh bị nhỏ đi, chứ không có dấu hiệu màn hình bị mờ đi khi chuẩn bị “chầu trời” như lẽ thường.

Nhược điểm chí mạng cuối cùng của Escape Dead Island là hệ thống camera. Góc nhìn trong game bám quá sát vào Cliff, khiến cho người chơi dễ bị “móc lốp” và chết oan uổng, bởi một con zombie yếu nhất cũng có thể hạ Cliff trong ba phát.

Nhắm bắn thì sao ? Chúc may mắn khi “smooth mouse” làm cho việc quay camera khi bắn còn khó hơn cả tự… liếm cùi chỏ của mình.

Còn cơ chế khóa mục tiêu (lock-target)? Đừng, đừng bao giờ động đến nó nếu bạn không muốn đâm đầu vào tường liên tục.


Quá nhiều lỗi!

Dead Island từng gây “tai tiếng” bởi số lượng lỗi khủng khiếp khi vừa ra mắt, và Escape Dead Island cũng không phải là ngoại lệ.

Bạn có còn nhớ đến lỗi “kinh điển” của Dead Island khi zombie tự dưng bị “đơ” hoặc đi thẳng vào tường không? Bạn sẽ gặp lại nó trong Escape Dead Island.

Người viết đã tìm ra một cách khá hữu hiệu để né zombie: trong lúc bị rượt đuổi thì cứ leo lên hoặc xuống cầu thang, đảm bảo chúng sẽ… đứng nhìn bạn như “trời trồng” rồi bỏ đi một lúc sau. Vấn đề về A.I trong Escape Dead Island thực sự không thể nào kể hết.

Sẽ có lúc người chơi “tử nạn” một cách nhảm nhí, vì rõ ràng con Butcher quơ “lưỡi dao” của nó cách Cliff cả thước nhưng rốt cuộc Cliff lại dính đòn, zombie rất hay mắc kẹt ở đằng sau vật thể, hay thỉnh thoảng bị “mù” khi Cliff tới gần…

Điều may mắn nhất của Escape Dead Island là gì?

Game không có quá nhiều lỗi nghiêm trọng khiến người chơi không thể tiếp tục trò chơi như trong Dead Island, mà chỉ gặp một số lỗi lặt vặt như bị kẹt khi đang ngồi hay nhấn nút nhưng không chuyển vũ khí, nhưng chắc chắn “chịu ức chế” là điều không thể tránh khỏi!

Dead Island từng gây “tai tiếng” bởi số lượng lỗi khủng khiếp khi vừa ra mắt, và Escape Dead Island cũng không phải là ngoại lệ


Hình – âm thiếu đầu tư

Phong cách đồ họa hoạt hình (cel-shading) không còn xa lạ trên thị trường game hiện nay, nhưng Fatshark đã quá ỷ lại vào phong cách “nghệ thuật” mà bỏ quên phần “kỹ thuật”.

Ngoại trừ Cliff ra thì toàn bộ mô hình các nhân vật phụ và zombie trong Escape Dead Island rất thiếu chi tiết, tuy có bị che lấp bớt bởi đường viền đen nhưng vẫn không thể khiến người chơi không khỏi “xốn hai con mắt”. Nhược điểm tương tự lặp lại với môi trường trong game.

Cử động nhân vật cũng chả khá hơn là bao. Động tác quật vũ khí như đang “múa” có thể tạm chấp nhận được, nhưng đến khi Cliff “xử đẹp” zombie nằm dưới đất với điệu bộ của… một ông lão đốn củi thì người viết chỉ biết… lắc đầu ngán ngẩm!

Phần âm thanh cũng chả đỡ… xí muội hơn nhiều. Sau khi tốn khoảng 9 giờ đồng hồ để hoàn thành game, người viết nhận ra rằng, không có bất kỳ bài nhạc nào đọng lại trong đầu.

Dead Island và Dead Island: Riptide thì có bản nhạc nền chính vớt vát lại, còn Escape Dead Island thì rất có thể thành… “phim câm” hoàn toàn, nếu như không có khâu lồng tiếng và các hiệu ứng âm thanh khác “tạm chấp nhận” được.

Fathark đã quá ỷ lại vào phong cách “nghệ thuật” mà bỏ quên phần “kỹ thuật”

3.0




Escape Dead Island là một tựa game thừa thãi, đáng quên và không hề sở hữu bất kỳ giá trị chơi nào. Những người hâm mộ nếu muốn tìm một "món khai vị" trong lúc chờ đợi Dead Island 2 hay Dying Light thì hãy chơi lại hai phần đầu, hoặc chí ít là tìm kiếm những tựa game hành động góc nhìn thứ ba khác.

Đừng tốn thời gian vào Escape Dead Island. Điểm "tốt" nhất của Escape Dead Island là gì? Đúng như cái tên, nó khiến cho người chơi phải nhấn nút "Esc" ngay lập tức


Thông tin

  • Escape Dead Island
  • Nhà phát triển
    Fatshark
  • Nhà phát hành
    Deep Silver
  • Thể loại
    Hành động
  • Ngày ra mắt
    28/11/2014
  • Nền tảng
    Windows, Xbox 360, PlayStation 3

Cấu hình tối thiểu

  • Hệ điều hành
    Windows 7 (64-bit) | Windows 8 (64-bit)
  • CPU
    Intel Core 2 Quad Q6600 | AMD Phenom 9850
  • RAM
    4GB
  • GPU
    Radeon HD 6850 (1 GB) | GeForce GTX 460 (1 GB)
  • Lưu trữ
    10GB
  • Thiết bị
    N/A

Cấu hình thử nghiệm

  • Hệ điều hành
    N/A
  • CPU
    N/A
  • RAM
    N/A
  • GPU
    N/A
  • Lưu trữ
    N/A
  • Thiết bị
    N/A
Game được hỗ trợ bởi DEEP SILVER. Chơi trên Xbox 360.

Tác giả

Abydon Belegarssøn

“Happiness can be found even in the darkest of times, if one only remembers to turn on the light.” - Albus Percival Wulfric Brian Dumbledore. ᚠᚢᚦᚨᚱᚲᚷᚹᚺᚾᛁᛃᛇᛈᛉᛊᛏᛒᛖᛗᛚᛜᛞᛟ