Everybody’s Gone to the Rapture – Với một cuốn sách, khi người coi đọc và cảm nhận những dòng chữ mô tả về nội dung, thông qua lời thoại, thông qua những hình ảnh mang tính trừu tượng thì ta có thể tưởng tượng được cả một câu chuyện với những gì đang diễn ra trong tâm trí.
Vậy còn trong thế giới game thì sao?
Liệu có cách nào đem những cuốn sách ấy “biến” vào trong game để cho ta có thể trải nghiệm một nét đẹp của một câu chuyện, mà cũng có thể đưa người chơi vào những tưởng tượng đó không?
Vâng và ta đã có câu trả lời đó chính là Dear Esther, v.v. những thể loại phiêu lưu kể truyện này thường rất kén người chơi do tính chất của nó không phải là một thể loại game hành động, không có tương tác nhiều hay súng đạn mọi nơi.
Nhưng có lẽ, với người viết đó chính là mấu chốt tạo nên một phong cách rất riêng cho chúng.
Và tựa game mới nhất của The Chinese Room (nổi tiếng với Dear Esther và Amnesia: A Machine for Pigs) tiếp tục mang đến cho người chơi của hệ máy PS4 một tựa game tương tự, được mang tên: Everybody’s Gone to the Rapture.
NỘI DUNG
Everybody’s Gone to the Rapture sẽ lần lượt đưa người chơi đến với những lát cắt, những khoảng khắc ngắn ngủi trước khi tận thế để khám phá ra những lựa chọn của con người, cho ta thấy được những góc khuất khi họ phải đối mặt với sự kiện làm rung chuyển cả thế giới.
Cốt truyện của game rất hay, ý nghĩa và vô cùng nhân văn.
Everybody’s Gone to the Rapture chắc chắn sẽ mang đến cho người chơi một góc nhìn rất đẹp về cuộc sống, cũng như những giá trị sâu sắc trong con người của mỗi người.
BẠN SẼ THÍCH
DẪN CHUYỆN, MẤU CHỐT NỀN TẢNG LỐI CHƠI CỦA GAME
Lối chơi của Everybody’s Gone to the Rapture sẽ giống những tựa game như Dear Esther hay Gone Home, đó là game sẽ “kể chuyện” cho người chơi thông qua góc nhìn thứ nhất.
Và khi đi đến đâu, game sẽ tự bật lên những sự kiện thông qua lời thoại của một vài nhân vật (chủ yếu mang hình hài trừu tượng, không rõ ràng) hay chỉ đơn giản là một ai đó kể lại cho người chơi.
Với Everybody’s Gone to the Rapture, những vệt sáng chính là trọng tâm của cả câu chuyện.
Khi đi theo vệt sáng đó, người chơi sẽ được trực tiếp nghe lại các đoạn hội thoại giữa những nhân vật trong game thông qua các hạt sáng vàng, từ đó có thể dần hiểu được nguyên nhân của việc mọi người dần biến mất, cũng như tìm hiểu được chuyện gì đang diễn ra.
Không khí game cũng sẽ thay đổi tùy vào câu chuyện, từ đó mang đến cho người chơi cảm nhận được phần hồn, những cảm xúc khó tả mà game mang lại thông qua cách dẫn truyện tuyệt vời
Quay trở lại, tại sao người viết lại nói “cách kể chuyện” lại chính là nền tảng lối chơi của game?
Cũng giống như khi bạn lật từng trang sách, những dòng chữ của cuốn sách ấy chính là “lời thoại” dẫn bạn đi theo từng câu, từng chữ trong nó.
Thì Everybody’s Gone to the Rapture cũng tương tự vậy, dường như mọi thứ trong game được làm ra là để kể chuyện cho bạn.
Việc thưởng thức trong game rất quan trọng vì hầu hết, việc người chơi được làm nhiều nhất là ngồi nghe những đoạn hội thoại vô cùng cảm xúc kể về quá trình của họ trong game, cũng như cho ta thấy những mối quan hệ phức tạp, nhưng cũng tràn đầy tình người, lòng nhân ái, v.v.
Cho nên nếu bạn không thuộc tuýp người “chờ đợi” thì sẽ rất khó mà trụ lâu với Everybody’s Gone to the Rapture.
Ngoài ra, nếu bạn là một người ngược lại, thì chắc chắn bạn sẽ không bao giờ ngán khi được nghe, được nhìn và được trải nghiệm câu truyện mà Everybody’s Gone to the Rapture mang lại.
Người dẫn truyện chính là đốm sáng vàng, người kể truyện là các nhân vật trong game.
Còn người chơi?
Bạn chính là người thưởng thức và là khán giả chính của game.
Bối cảnh của Everybody’s Gone to the Rapture đều rất yên bình, nhẹ nhàng và thư thái.
Không khí game cũng sẽ thay đổi tùy vào câu chuyện, từ đó mang đến cho người chơi cảm nhận được phần hồn, những cảm xúc khó tả mà game mang lại thông qua cách dẫn truyện tuyệt vời của mình.
HÌNH ÂM – NỐT NHẠC SON VÀNG HOÀN HẢO
Everybody’s Gone to the Rapture sử dụng CryEngine nên chắc chắn hãng The Chinese Room sẽ không làm người chơi thất vọng.
Game sẵn sàng mang lại cho người chơi những khung cảnh rất đẹp, rất có hồn, cùng cây cối um tùm, xum xuê.
Đóng góp thêm vào cho bức tranh của game là hiệu ứng ánh sáng đặc sắc, ấn tượng!
Nhất là các hạt sáng lung linh dẫn dắt người chơi đi sâu hơn cùng game, để rồi người chơi sẽ dần cảm nhận được vẻ đẹp mộc mạc, gần gũi và yên bình của từng vùng đất.
Hãng The Chinese Room gần như đã tiến xa hơn rất nhiều nếu so với các sản phẩm trước từng làm, mọi thứ trong game đều được gọt giũa kĩ càng, mang lại một bầu không khí rất thực mà cũng không kém phần lung linh, gợi mở.
Bạn sẽ rất thích thú khi nhìn từng tia sáng chiếu qua ngọn cây, hay chỉ đơn giản là khung cảnh như những hình ảnh minh họa của bài viết.
Mỗi vùng đất người chơi đi qua trong game đều mang một bản nhạc khác nhau, với cảm xúc thăng hoa dần theo từng đỉnh điểm của cốt truyện
Và để làm nên một phần hình hoàn hảo, chúng ta không thể không nhắc tới âm thanh của game.
Người viết rất ít khi trầm trồ khi nghe một bài nhạc nền game nào đó, nhưng đến với Everybody’s Gone to the Rapture, ta có thể cảm nhận được rằng phần âm thanh của game cũng không kém cạnh các trò chơi đỉnh cao khác như Journey, The Witcher 3 hay thậm chí là Uncharted: The Nathan Drake Collection mới đây.
Mỗi vùng đất người chơi đi qua trong game đều mang một bản nhạc khác nhau, với cảm xúc thăng hoa dần theo từng đỉnh điểm của cốt truyện, để rồi ta sẽ cảm động trước những số phận của các nhân vật trong game.
Phần nhạc nền rất là xuất sắc, vô cùng ấn tượng, rất biết cách đi vào lòng người.
Mảng âm thanh còn được góp công rất lớn khác ở khâu lồng tiếng.
Từng nhân vật trong game đều có các đoạn hội thoại sâu sắc, rất đời người, thực tế nhưng đôi khi cũng rất ấm cúng.
Ta thậm chí có thể tưởng tượng ra được nhân vật đó đang buồn, đang khóc, đang lo lắng, tức giận mà không cần một khuôn mặt biểu cảm nào để diễn tả.
BẠN SẼ GHÉT
TIẾT TẤU GAME CHẬM
Điều đầu tiên sẽ cản chân nhiều người chơi, chính là nhịp độ của game.
Dù game có cốt truyện và cách dẫn dắt vô cùng tốt, nhưng đôi khi “đi” khá chậm rãi, nên có thể sẽ gây chút phiền hà cho người chơi trong việc tận hưởng trọn vẹn cái đẹp của game.
Chưa kể, nếu người chơi vô tình lo đi khám phá thì việc tìm cái đốm sáng (để biết phải đi đâu tiếp), thi thoảng sẽ khá là “căng”, vì môi trường game rộng lớn và có nhiều thứ để khám phá.
Và đôi khi đốm sáng cũng có một chút trục trặc nhỏ, đó là chính nó cũng không biết phải… làm gì tiếp theo (có lẽ do người chơi khám phá mà không đi theo trật tự), cho nên người chơi cứ việc đi lên trước nó một chút thì đột nhiên nó sẽ “tự biết” phải dẫn người chơi đi đâu.
Dù game có cốt truyện và cách dẫn dắt vô cùng tốt nhưng đôi khi “đi” khá chậm rãi, nên có thể sẽ gây chút phiền hà cho người chơi
THÔNG TIN
- Sản xuất: The Chinese Room | Santa Monica
- Phát hành: Sony Computer Entertainment
- Thể loại: Phiêu lưu
- Ngày ra mắt: 11/08/2015
- Hệ máy: PS4
CẤU HÌNH TỐI THIỂU
- OS: N/A
- CPU: N/A
- RAM: N/A
- VGA: N/A
- HDD: N/A
CẤU HÌNH THỬ NGHIỆM
- OS: N/A
- CPU: N/A
- RAM: N/A
- VGA: N/A
- HDD: N/A
GAME ĐƯỢC HỖ TRỢ BỞI SCE ASIA – CHƠI TRÊN HỆ PS4