Fallout 4 – Bất ngờ chơi “sốc” với màn quảng cáo và thông báo ngày phát hành sát nút, hãng Bethesda đã thành công tạo ra “cơn sốt” hiện tượng Fallout 4, cùng với việc liên tiếp quảng bá dồn dập với những thước hoạt hình phim ngắn ngộ nghĩnh và thậm chí, sự ra đời của tựa game Fallout Shelter trên nền điện thoại di động.
Những thứ tưởng chừng như nhỏ bé này lại là một tác nhân rất quan trọng, để giữ “ngọn lửa” trong lòng người hâm mộ.
Khéo léo và tài tình trong cách “nhá hàng” của mình, cung cấp vừa đủ một lượng thông tin khiến không ít người hâm mộ phải “đảo điên” mò mẫm và suy đoán về những gì mà bản thân họ sẽ được trải nghiệm trong Fallout 4.
Và cái gì đến thì cũng đã đến khi mà “con tàu” Fallout 4 đã cập bến vào ngày 10 tháng 11 vừa qua, mang theo mình những hoài bão của nhà làm game và cả kỳ vọng của người hâm mộ về sự tuyệt vời của một tựa game nhập vai thế giới mở quy mô nhất mà Bethesda đã từng phát triển từ trước tới giờ.
Liệu Fallout 4 có xứng đáng là game hay nhất của năm nay hay không? Vietgame.asia sẽ đưa ra đánh giá của mình ngay sau đây!
BẠN SẼ THÍCH
MỘT THẾ GIỚI HẬU TẬN THẾ LÔI CUỐN ĐẾN LẠ LÙNG!
Điểm nhấn đầu tiên và cũng là quan trọng nhất của bất kỳ tựa game thế giới mở nào chính là tạo ra một thế giới giả tưởng lôi cuốn, đây chính là điểm mạnh của dòng game Fallout và Fallout 4 cũng không phải là ngoại lệ.
Lấy bối cảnh thành phố Boston và vùng lân cận hơn 200 năm sau thảm họa chiến tranh hạt nhân, Fallout 4 không những thành công xây dựng nên một thế giới hậu tận thế, mà còn phác họa nó qua một tương lai giả tưởng với một cách rất sống động và vô cùng thuyết phục.
Đây chính là điểm tương đồng của cả Fallout 4 và Grand Theft Auto V khi xây dựng lên thế giới mở: chú trọng đến các tiểu tiết trong game.
Chỉ dạo quanh một vòng thành phố Boston là bạn có thể bắt gặp đủ các thứ giúp tạo ra sự thuyết phục về thế giới trong game: từ quán ăn, xe cộ, nhà cửa, tòa thị chính, ngân hàng và cả tá các đồ vật linh tinh.
Chỉ đơn giản nhìn vào chúng là bạn cũng có thể ít nhiều đoán ra được chuyện gì đã xảy ra.
Một số tuy rất hài hước, nhưng lại không ít những cảnh tượng gieo rắc lên người chơi một nỗi buồn tê tái về thế giới hậu thảm họa và những nạn nhân của nó.
Tuy các tiểu tiết này không hề ảnh hưởng tới lối chơi, cốt truyện hay nhân vật chính, thế nhưng chúng lại là một nút thắt rất quan trọng, tạo nên sự phong phú trải nghiệm của người chơi và giúp họ hình dung ra một thế giới trước và sau cuộc chiến.
Điểm nhấn đầu tiên và cũng là quan trọng nhất của bất kỳ tựa game thế giới mở nào chính là tạo ra một thế giới giả tưởng lôi cuốn, đây chính là điểm mạnh của dòng game Fallout và Fallout 4 cũng không phải là ngoại lệ
Điểm nhấn thứ hai chính là bầu không khí (atmosphere) trong game.
Tuy không quá xuất sắc như những tựa game đối thủ nặng ký khác như The Witcher 3 hay Metal Gear Solid V: The Phantom Pain, mà phần lớn là do sự thiếu đồng đều khi lồng ghép bầu không khí vào bối cảnh.
Một số trường đoạn thì được trau chuốt và thực hiện rất tốt, trong khi một số khác thì không.
Thế nhưng, nếu nhìn tổng thể, bầu không khí trong Fallout 4 cũng đã đạt đủ các yếu tố để giúp game đạt chuẩn khá tốt, phần lớn nhờ vào sự xuất hiện của hệ thống thời tiết trong game.
Hệ thống này đã tạo ra một trải nghiệm vô cùng ấn tượng với bất kỳ ai lần đầu tiên đặt chân tới Boston.
Nó như một công cụ để nhà phát triển kiểm soát trải nghiệm và cảm xúc của người chơi.
Mấy chốc bạn đang còn “rực lửa” sau một trận đấu súng khóc liệt dưới trận mưa rào, thì bỗng nhiên cơn bão phóng xạ ập tới!
Không những người chơi phải rùng mình trước sự thay đổi ồ ạt của thế giới xung quanh mà còn bởi cường độ của nó.
Cơn bão đó như là một lời nhắn, chính xác hơn là nhắc nhở người chơi rằng đừng quá tự tin vào sức mạnh của mình vì trong thế giới của Fallout, vẫn còn vô số thứ nguy hiểm đang rình rập xung quanh.
Điểm cuối cùng đóng góp không nhỏ vào thành công của trò chơi, chính là hệ thống nhiệm vụ phụ trong Fallout 4.
Nó không những giúp mà còn khuyến khích và đồng thời tạo động lực cho người chơi tìm hiểu thế giới rộng lớn và vô cùng phong phú của game.
Cho đến giờ thì có rất ít các tựa game nhập vai thế giới mở có thể làm được những gì mà Fallout 4 đã làm: tạo điều kiện cho người chơi tiếp cận các nhiệm vụ phụ một cách rất tự nhiên.
Nó không những tạo cơ hội cho người chơi khám phá thế giới, nâng cấp trang bị và nhân vật, mà còn là công cụ để nhà phát triển đưa vào các trải nghiệm mà họ đã không thể nào lồng vào trong phần chơi cốt truyện chính.
Cái hay của Fallout 4 là nó làm được điều này quá tốt, vô cùng phong phú.
Bạn đang tò mò tìm hiểu về sự biến mất kỳ quái của nhóm lính đánh thuê ở bảo tàng phù thủy, thì sau đó lại vô tình tìm thấy khu khai quật đầy ma quái với một lời nguyền vô cùng đen tối, khiến cho bất kì những kẻ bất hạnh nào vô tình vướng vào, đón nhận một kết thúc tàn khốc!
NHỮNG CẢI TIẾN VÀ NÂNG CẤP TUYỆT VỜI!
Một trong những điểm yếu “chết người” của các tựa game do Bethesda phát triển trước đây chính là cảnh tượng “ta đánh mặc ta, mi đánh kệ mi”.
Hệ thống tương tác trong các game này được thiết kế rất tệ hại, khiến cho hai nhân vật khi đánh nhau hoàn toàn không thể hiện được “tác động” vào nhau rõ rệt, nhất là trong những tựa game Fallout trước (do Bethesda làm) thiếu độ kịch tính và tính chân thật.
Với sự ra đời của hệ máy console mới thì Bethesda cuối cùng cũng đã có thể thêm vào hệ thống mô phỏng vật lý.
Bất ngờ này khiến rất nhiều người hâm mộ hài lòng và có lẽ, vui sướng nhất chính là các “Modder” (những người thích “vọc” game).
Trước khi đi vào Mod thì chúng ta đánh giá qua những gì mà hệ thống này làm được cho bản game gốc.
Đầu tiên chính là hệ thống tương tác khi chiến đấu, thấy rõ nhất khi bạn đánh nhau với lũ quái vật và đặc biệt là Ghoul, cảnh tượng chúng chen lấn nhau để có thể “cào cấu” con mồi đã làm người viết phải… rùng mình, bởi rất ít các game có thể tạo ra được cảnh tượng hãi hùng đó!
Không những thấy bằng mắt mà bạn còn cảm nhận được cường độ tấn công và khí chất tấn công của chúng, gói gọn lại trong một cụm từ là “bất chấp”.
Nếu chú ý kỹ hơn, bạn có thể thấy chúng phản ứng tương tác hết sức rất ngẫu nhiên, nhiều lúc cũng khiến người viết phì cười khi một con đạp nhầm… ống bơ, trượt chân té thẳng cẳng.
Đã nhất chính là lúc tay đôi với con quái Deathclaw, từ cách hành động, di chuyển và tấn công.
Nhờ vào hệ thống mô phỏng vật lý mà bạn có thể cảm nhận được sức mạnh và sức nặng của con dã thú này, khi nó hất tung mọi thứ ngán đường với một tốc độ đáng nể!
Không những giúp lột tả các nhân vật, kẻ thù trong game mà hệ thống này còn làm các trận đấu súng trở nên “đã” hơn bao giờ hết.
Tất cả mọi nhân vật và quái vật đều hứng chịu tác động vật lý trong Fallout 4 một cách thật hơn rất nhiều so với các phiên bản trước.
Thấy rõ nhất là khi va chạm vào các mảnh giáp của kẻ thủ, không những “thổi bay” miếng giáp mà còn làm đối thủ mất thăng bằng.
Còn đối những ai ưa thích lối chơi cận chiến, người viết chắc chắn rằng: bạn sẽ có những khoảnh khắc vô cùng ấn tượng khi tặng một quả đấm thép trăm cân vào mặt đối thủ!
Cải tiến tiếp theo và cũng không kém phần tuyệt vời đó chính là hệ thống nâng cấp và xây dựng.
Bất kỳ ai đã từng chơi qua các tựa game do Bethesda phát triển trước đây đều biết rằng: trong game luôn có vô số các vật dụng… linh tinh.
Chúng tuy nhỏ nhưng lại là nhân tố to lớn giúp chân thật hóa thế giới của game và… làm người chơi “ức chế” mỗi lần lỡ tay cầm nhầm.
“Nhất tiễn hạ song điêu”, Bethesda đã áp dụng hệ thống này vào nâng cấp và xây dựng.
Chúng không những tăng thêm sự phong phú của lối chơi và còn giúp việc thu lượm những thứ được coi là “rác” trước đây trở nên vô cùng ý nghĩa, bởi vì giờ đây chúng không còn là vật chiếm chỉ số cân nặng của bạn mà là những nguyên liệu thiết yếu cho hệ thống nâng cấp và xây dựng.
Lưu ý rằng, bạn hoàn toàn có thể hoàn thành game mà không hề đoái hoài tới nó, thế nhưng rất ít người có thể vượt qua được “cám dỗ” mà hệ thống này mang lại.
Cải tiến tiếp theo và cũng không kém phần tuyệt vời đó chính là hệ thống nâng cấp và xây dựng
Chúng có thể dễ dàng “nướng” từ 20 đến 30 tiếng chơi mà vẫn tạo ra động lực tích cực cho người chơi.
Khác với rất nhiều các game khác, hệ thống nâng cấp này không chỉ đơn giản làm người chơi mạnh mẽ hơn mà còn khiến cho bạn phải tiếp cận game theo một lối chơi mới: lối chơi sử dụng chỉ số thông minh (Intelligent).
Bằng việc nâng cấp vũ khí, áo giáp và cả bộ giáp năng lượng, người chơi có chỉ số thông minh cao hoàn toàn có thể chiến thắng trong các trận đánh dựa vào lợi thế trang bị của mình.
Bên cạnh hệ thống nâng cấp thì hệ thống xây dựng “làng xã” (settlement) cũng đóng góp một phần không nhỏ vào sự phong phú và cuốn hút của Fallout 4.
Hệ thống này đánh mạnh vào trọng tâm của dòng game Fallout mà trước đây nhà phát triển đã bỏ qua, đó chính là việc vượt lên số phận!
Tâm điểm của bất kỳ phiên bản game Fallout nào cũng đều nói về sự vượt lên khỏi số phận bị áp đặt.
Và không còn gì tuyệt vời hơn khi giờ đây bạn có thể xây dựng cho mình một mái ấm, một ngôi làng, một cộng đồng, một quân đội hùng mạnh để vượt lên khỏi sự nghiệt ngã của thế giới hậu thảm họa hạt nhân.
Không chỉ đơn thuần là dừng lại ở xây dựng mà hệ thống này còn mở ra rất nhiều những nhiệm vụ phụ, những tính năng mua bán, trao đổi mới và “đã” nhất có lẽ là thứ vũ khí mạnh nhất nhì trong game.
Nhà phát triển đã rất tinh ý khi không hề áp đặt người chơi buộc phải trải nghiệm hệ thống này, thế nhưng liệu có mấy ai từ chối khi mà công sức bạn bỏ ra đều sẽ giúp “gặt hái” được những thành quả xứng đáng?
KHẢ NĂNG TÙY CHỈNH NỘI DUNG (MOD)
Đã có rất nhiều những đánh giá vụn vặt về như thứ nhỏ nhặt như bản đồ trong game, hiệu ứng, các tiểu tiết trong lối chơi, v..v. thế nhưng rất ít người hiểu rằng: đặc trưng của các game do hãng Bethesda phát hành là nằm ở khả năng tùy chỉnh nội dung do người chơi tạo nên.
Nhìn lại các tựa game như Skyrim, Fallout 3, Fallout: New Vegas bạn sẽ biết rằng điểm mạnh của chúng là nằm trong những nội dung đã được tùy chỉnh (Mod) do người chơi làm.
Vậy thì khi nhìn vào Fallout 4 chúng ta phải đánh giá cái gì?
Đó chính là những “nền móng” mà nhà làm game đã xây dựng lên để tạo điều kiện cho người chơi thỏa sức tùy chỉnh.
Bằng việc nâng cấp hệ thống mô phỏng vật lý và thêm vào khả năng xây dựng, nâng cấp cũng như mở ra những giới hạn cho engine “Creation” mà nhà phát triển đã tạo ra những điều kiện, nguyên liệu và khả năng tuyệt vời cho các Modder thỏa sức tưởng tượng để thay đổi.
Vậy thì khi nhìn vào Fallout 4 chúng ta phải đánh giá cái gì? Đó chính là những nền móng mà nhà làm game đã xây dựng lên để tạo điều kiện cho người chơi thỏa sức tùy chỉnh
Bộ công cụ tùy chỉnh và phát triển game sẽ được tung ra vào đầu năm sau, thế nhưng bây giờ trên những mạng xã hội và cộng đồng, đã có hàng tá các nội dung tùy chỉnh do người hâm mộ làm ra.
Chúng không những giải quyết những điểm yếu như thiết kế bản đồ, màu sắc, các hiệu ứng mà còn thêm vào vô số các tính năng mới.
Rất nhiều những người chơi lão luyện đã đưa ra các ý tưởng mới như việc mở rộng nâng cấp bộ quản lý xây dựng trong game.
Không ít trong số họ đã tạo ra vô số các mô hình quần áo, vũ khí… và chỉ cần bộ phát triển game chính thức phát hành là sẽ ồ ạt thêm chúng vào trong Fallout 4.
BẠN SẼ GHÉT
CỐT TRUYỆN… DỞ TOÀN TẬP!
Fallout 4 là phiên bản có cốt truyện chính… dở nhất mà người viết từng trải nghiệm (tính cả phiên bản “ất ơ” một thời – Fallout: Brotherhood of Steel), trong đó bao gồm cả cách truyền tải nội dung.
Câu chuyện của game xoay quanh việc nhân vật chính đi tìm đứa con bị một nhóm người bắt cóc mất.
Thế nhưng với những game thủ lão luyện thì họ sẽ nhanh chóng đoán được các nút thắt, móc xích quan trọng của câu truyện ngay từ nửa đầu.
Và rồi đến nửa cuối của game, mọi thứ vô cùng tẻ nhạt khi mà nhân vật chính chỉ có một sự lựa duy nhất là loại bỏ những thế lực chống lại mình.
Quá đơn giản hệt như phần lớn sản phẩm giải trí có mác “bom tấn 2015”.
Cái tệ thứ hai là nằm trong khả năng truyền tải nội dung.
Khác với các tựa game Fallout trước đây khi mà đa phần cốt truyện chính game khá tuyến tính nhưng vẫn tạo cho người chơi một trải nghiệm thú vị, thì khi đến với Fallout 4, mặc dù người chơi được tùy chọn lối đi của nhân vật một cách rất tự do, thế nhưng nhà phát triển lại cung cấp quá ít thông tin liên quan tới cốt truyện, thứ mà sẽ giúp người chơi tự mình quyết định.
Thay vào đó, để kiếm được thông tin thì người chơi buộc phải đi theo con đường mà nhà phát triển đã đặt ra.
Fallout 4 là phiên bản có cốt truyện chính… dở nhất mà người viết từng trải nghiệm (tính cả phiên bản “ất ơ” một thời – Fallout: Brotherhood of Steel)
Điểm “chết người” của Fallout 4 xảy ra khi game buộc bạn phải thực hiện một lựa chọn giữa một trong bốn tổ chức chính trong game, rồi những sự kiện sau đó lại rất ngắn, chả khác nào một “cái tát” đau đớn với bất kỳ ai chơi qua Fallout 4, nó khiến cho việc bạn chọn phe phái và loại bỏ tất cả các khả năng còn lại hoàn toàn chả có tí “trọng lượng”!
Tệ hại nhất của nội dung game chính là kết thúc.
Nếu ai đã từng chơi qua những dòng game Fallout trước đây, thì đều đã trải nghiệm cách truyền tải kết thúc game cực kỳ tuyệt vời!
Kết thúc của Fallout chính là lúc nó đưa ra những kết quả cuối cùng của những hành động mà nhân vật chính (tức là bạn) đã chọn làm trong quá trình chơi.
Nó khiến cho các nhiệm vụ phụ trong game Fallout trở nên vô cùng ý nghĩa và làm cho người chơi cảm thấy xứng đáng với công sức mình bỏ ra cho game.
Điều này hoàn toàn không có trong Fallout 4, khi mà game chỉ có một cái kết thúc rất chung chung và nhàm chán!
HỆ THỐNG NHẬP VAI TỆ…
Người viết đã “khá sốc” khi mà nhà phát triển Bethesda đã “bạc bẽo” lượt bỏ đi hệ thống nâng điểm truyền thống của game nhập vai nói chung và Fallout nói riêng.
Fallout 4 giờ đây chỉ xoay quanh việc nâng cấp kỹ năng PERK, một điều “sỉ nhục” trí tuệ người chơi game nhập vai.
Với bảng kỹ năng PERK này thì việc tùy biến kỹ năng của nhân vật rất nghèo nàn, khô khan và cứng nhắc.
Bên cạnh đó, chúng ta cũng phải nhắc tới hệ thống hội thoại vô cùng đơn giản tới mức… đần độn với chỉ duy nhất bốn kiểu trả lời: tốt, xấu, chung chung và… nói đểu xuyên suốt game!
Cứ mỗi lần nhìn vào hệ thống nhập vai của Fallout 4 là người viết thở dài và tự hỏi: sao không gọi đây là game bắn súng (FPS) cho rồi…
Thậm chí, những gì hiện ra để bạn chọn nhiều lúc không đúng với những gì mà nhân vật nói ra hoặc theo ý bạn, khiến cho phần chơi nhập vai hội thoại vô cùng ức chế và nhiều lúc dẫn tới mâu thuẫn với các nhân vật trong game một cách vô ý!
Cuối cùng là hệ thống bạn đồng hành “thiếu chất xám” trầm trọng, chỉ giúp ích trong một số trường hợp nhất định và cũng rất ít, thế nhưng phiền phức mà chúng gây ra thì nhiều vô kể.
Đặc biệt là trong những trường đoạn mà bạn muốn chơi lén lút với “đứa bạn đồng hành” cứ hễ thấy ai là “thu hút” sự chú ý của kẻ đó!
Cứ mỗi lần nhìn vào hệ thống nhập vai của Fallout 4 là người viết thở dài và tự hỏi: sao không gọi đây là game bắn súng (FPS) cho rồi…
THÔNG TIN
- Sản xuất: Bethesda Game Studios
- Phát hành: Bethesda Softworks
- Thể loại: Nhập vai
- Ngày ra mắt: 10/11/2015
- Hệ máy: PC, Xbox One, PS4
CẤU HÌNH TỐI THIỂU
- OS: Windows 7/8/10 (64-bit)
- CPU: Intel Core i5-2300 2.8 GHz/AMD Phenom II X4 945 3.0 GHz
- RAM: 8 GB
- VGA: NVIDIA GTX 550 Ti 2GB/AMD Radeon HD 7870 2GB
- HDD: 30 GB
CẤU HÌNH THỬ NGHIỆM
- OS: Windows 10
- CPU: AMD Ryzen 5 3600x 3.2Ghz
- RAM: 32GB
- VGA: Red Devil VEGA 56
- SSD: 250GB