FAR: Changing Tides – Sau hai tháng liền “bội thực” với những màn “xuất kích” bom tấn như Elden Ring, Horizon: Forbidden West, Ghostwire: Tokyo, Destiny 2: The Witch Queen, Strangers of Paradise: Final Fantasy Origins… Dù cho chúng có là những trải nghiệm thỏa mãn và thú vị tới đâu, nhiều cũng đâm ngán, thế nên vào tháng Năm này khi những trải nghiệm “bom tấn” sẽ được tạm nghỉ, người chơi hoàn toàn nên “nhường chỗ” cho những tựa game độc lập cũng không kém độ “nóng” với giới phê bình và mộ điệu.
Một trong những sản phẩm như vậy là FAR: Changing Tides, hậu bản của của một cú hit “ngầm” ra mắt vào năm 2018 – FAR: Lone Sails.
Nhiều người chơi đánh giá cao sự “nhỏ nhắn” của game tiền nhiệm, khi nó cộng hưởng hoàn mỹ với lối thiết kế môi trường và dẫn truyện đầy ý nghĩa, để tạo ra một sản phẩm vô cùng trọn vẹn.
Tuy nhiên, chính sự “trọn vẹn” của FAR: Lone Sails đã khiến cho một số người trong giới mộ điệu nhướng mày nghi ngờ khi hậu bản có phần lớn hơn và chi tiết hơn, mang tên FAR: Changing Tides được công bố.
Lớn hơn, chi tiết hơn, phức tạp hơn và cầu kỳ hơn, liệu FAR: Changing Tides có thực sự là một người kế nhiệm xứng đáng với di sản nhỏ bé nhưng đặc biệt mà đội ngũ Okomotive đến từ Thụy Sĩ đã đạt được bốn năm về trước, hãy cùng Vietgame.asia tìm hiểu nhé!
BẠN SẼ THÍCH
Gửi cho em, người sẽ sống tiếp!
Ngạc nhiên thay, khi đặt hai tựa game FAR bên cạnh nhau, FAR: Changing Tides vừa có thể là một bản tiền truyện, lẫn hậu truyện cho Lone Sails.
Trong game, người chơi sẽ đóng vai một nhân vật chính không tên, không tuổi, xuyên suốt game… không cất lên lời nào, và người đồng hành duy nhất của họ là chiếc thuyền buồm hơi nước được thiết kế một cách vô cùng chi tiết, du ngoạn khắp một vùng đất màu mỡ bị bỏ hoang vì lý do nào đó.
Người chơi sẽ tự tay điều khiển nhân vật chính tương tác với các phụ tùng, cần gạt, vô lăng để khiến con tàu tịnh tiến cũng như vượt chướng ngại vật và giải đố. Cụ thể, nếu gặp gió xuôi chiều, người chơi sẽ cố gắng giương buồm lên thật cao để đón gió, còn nếu gặp gió ngược chiều, người chơi sẽ hạ buồm và để cho động cơ hơi nước chạy bằng cách “tiếp tế” nhiên liệu cho nó bằng tay.
Lối thiết kế và tiếp cận tỉ mẩn này khiến người chơi nhanh chóng và dễ dàng gắn bó với con tàu nọ, vì mọi tương tác giữa người chơi và nó đều có cảm giác vô cùng có ý nghĩa. Giương buồm lên để đi nhanh, bật động cơ để đi nhanh hơn, hút nước từ biển để dập lửa, hút nước từ tàu để nó không bị chìm… Những tương tác này tưởng như đơn giản nhưng lại vô cùng có sức nặng, vì xuyên suốt game người chơi sẽ không gặp được bất kì NPC khác nào, nên mối quan hệ “cộng sinh” mật thiết này sẽ dần dần trở thành một tình bạn, một tình bằng hữu rất đặc biệt giống như giữa người chơi và Companion Cube trong Portal, nhưng khăng khít và chi tiết hơn.
Tuy nhiên, Changing Tides cũng mở rộng một số cơ chế của Lone Sails, giờ người chơi không chỉ đơn giản là “giương buồm” và con tàu sẽ tiến lên, họ sẽ còn phải tự tay điều chỉnh góc độ của cánh buồm để nó đón gió nhiều nhất, rồi người chơi có thể gắn nhiên liệu lên trên “dây chuyền” để quá trình trở nên thuận lợi hơn.
Tất cả những cơ chế bổ sung này khiến cho con tàu buồm trong FAR: Changing Tides trở nên chân thật và có sức sống, cộng với các phân đoạn hết sức bùng nổ như con tàu “bay” và “chạy” ở phần sau của game.
FAR: Changing Tides chính là sự bổ sung hoàn hảo cho mạch truyện và thông điệp hết sức “người”, hết sức nhân văn về sự sống và cái chết
Và sức sống chính là chủ đề chính của game, bật lên khỏi game tiền nhiệm. Trái với cảm giác mục rữa buồn bã, xa xăm của bản trước, FAR: Changing Tides trình bày cho người chơi một thế giới vẫn đang sống và cố gắng được sống tiếp.
Những món nội thất vẫn còn hoạt động trơn tru, thậm chí là mới toanh bóng loáng, trang thiết bị khai thác gỗ vẫn còn nguyên vẹn bên cạnh một rừng cây mơn mởn… Vì bất kì lý do nào dẫn tới việc thế giới này bị bỏ lại, nhân vật chính cũng không quan tâm, cậu ấy đi qua một thế giới đổ nát nhưng đầy sức sống để có thể tìm lại kết nối con người, tìm lại khát vọng sống.
Môi trường, lối chơi và lối kể chuyện đầy chặt chẽ, lưu loát và tự nhiên khiến cho thông điệp về khát vọng sống của FAR: Changing Tides cộng hưởng mạnh mẽ với người chơi, kéo người chơi vào thế giới tuyệt đẹp đã, đang và sẽ tiếp tục sống mà đội ngũ Okomotive đã sáng tạo nên!
Có thể Changing Tides là câu chuyện trước khi dẫn đến cái chết của thế giới Lone Sails, có thể Lone Sails là câu chuyện về việc “tiếp đuốc” sự sống cho Changing Tides.
Dù gì đi chăng nữa, FAR: Changing Tides chính là sự bổ sung hoàn hảo cho mạch truyện và thông điệp hết sức “người”, hết sức nhân văn về sự sống và cái chết.
BẠN SẼ GHÉT
Lớn hơn, cồng kềnh hơn
Đội ngũ Okomotive thực sự muốn FAR: Changing Tides trở thành một tựa game “lớn” hơn, chi tiết hơn và phức tạp hơn để mở rộng dẫn truyện của game, và dù họ đã tương đối thành công, nhưng dường như quy mô đã làm “ngợp” đội ngũ kĩ thuật của hãng, vì lỗi vặt (bug) trong game rất nhiều!
Từ việc cánh buồm mắc kẹt trong môi trường, con thuyền chìm nghỉm rồi…. rơi qua mặt đất! Những lỗi vặt hết sức buồn cười và… ức chế sẽ phải khiến người chơi liên tục phải tải lại “checkpoint” (điểm lưu tạm) để có thể qua được game, người viết cảm giác rằng 20% thời lượng chơi sẽ được cắt bớt nếu game không nhiều lỗi vặt quá.
Thêm nữa, một trong những điểm mạnh nhất của bản game trước – FAR: Lone Sails, là những khoảng lặng trong game rất nhiều vì con tàu của game đơn giản hơn nhiều, cho phép người chơi tương tác với chiếc radio, cũng như những nội thất khác trong tàu.
Những khoảnh khắc này khiến người chơi gắn bó và hoà mình vào thế giới dễ hơn, cũng như trân trọng được thiết kế môi trường của game để có thể nhập tâm vào câu chuyện một cách hiệu quả hơn.
Còn ở FAR: Changing Tides, vì con tàu quá phức tạp nên người chơi sẽ mất thời gian điều chỉnh nó nhiều hơn, khiến cho trải nghiệm trầm lặng và thư giãn trở nên căng thẳng và mệt mỏi hơn một cách không cần thiết.
Lúc nào người chơi cũng phải chạy, bơi, lặn, tiếp nhiên liệu, chỉnh buồm, hạ buồm… sự phức tạp này cộng với việc game khá nhiều lỗi vặt thực sự ảnh hưởng đến trải nghiệm game!
FAR: Changing Tides chính là sự bổ sung hoàn hảo cho mạch truyện và thông điệp hết sức “người”, hết sức nhân văn về sự sống và cái chết