FIFA 23 – Đã xuyên suốt hơn hai thập kỷ và dường như đã trở thành truyền thống khi mỗi năm cộng đồng game thủ lại được thưởng thức cuộc tranh đua khốc liệt giữa hai thương hiệu game bóng đá: FIFA và PES.
Thế nhưng câu chuyện đã đến hồi kết hoặc dần rẽ sang một hướng đi khác, bắt đầu từ cuối năm 2021 khi Konami chính thức đổi tên dòng game PES đầy hoài niệm sang eFootball và miễn phí hoàn toàn, cũng như định hướng cho tựa game này “lấn sân” vào thị trường game mobile nhiều hơn.
Điều này đã gây ra rất nhiều hụt hẫng cho các fan làng game túc cầu, đặc biệt là ở thị trường Việt Nam khi “món ăn tinh thần” quen thuộc giờ đã bị thay thế bằng một món mới khó “nuốt trôi”, với hàng loạt lỗi ngớ ngẩn trong giai đoạn đầu phát hành.
Những tưởng đã đến lúc EA “xưng bá” và độc tôn thị trường với dòng game FIFA nhưng không, họ lại vướng vào lùm xùm với Liên đoàn bóng đá vì chính cái tên thương hiệu của mình và FIFA 23 chính thức là tựa game cuối cùng còn được mang cái tên này, trước khi đổi thành EA Sports Football Club từ năm sau.
Hãy cùng Vietgame.asia bước ra sân cỏ tìm hiểu xem liệu FIFA 23 sẽ để lại thêm những dấu ấn gì đặc biệt trước khi “treo giày” hay không nhé.
Xin lưu ý, người viết trải nghiệm tựa game hoàn toàn trên hệ máy PS5, rất nhiều thứ có thể sẽ bị lược bỏ đi ở các hệ máy khác như PS4 và Xbox One.
BẠN SẼ THÍCH
Những cải tiến chất lượng!
Khác với phiên bản trước, FIFA 23 không mở màn cầu kỳ với các thước phim hoành tráng hay màn xuất hiện sang chảnh của các siêu sao, mà chỉ ngắn gọn giới thiệu hai tính năng Hypermotion 2 và Training Centre, người chơi cũng được yêu cầu chọn một trong hai gương mặt thương hiệu: Sam Kerr hoặc Mbappe để làm “trainer” đại diện.
Training Centre ở đây ngắn gọn là công cụ hỗ trợ các tân thủ bắt nhịp với dòng game thông qua một loạt các khóa huấn luyện (drill) và gợi ý các thiết lập phù hợp để có những trải nghiệm tốt nhất.
Ngay sau đó ta sẽ được thấy các hoạt cảnh rất thú vị và náo nhiệt bên ngoài sân vận động trước các trận cầu tâm điểm, cũng như chứng kiến mặt sân cỏ nay đã được nâng tầm trông rất mềm mại, sống động và chân thực.
Không chỉ thay đổi về màu sắc, trạng thái theo thời tiết và giời gian thực mà mặt sân còn bị ảnh hưởng trực tiếp bởi các tác động vật lý diễn ra suốt trận đấu, lấy ví dụ như các cầu thủ ăn mừng theo phong cách trượt cỏ như Mbappe hay sau khi chùi bóng sẽ để lại những vết lõm kéo dài cho tới hết trận!
Tương tác vật lý FIFA 23 cũng được cải tiến đáng kể, từ độ đàn hồi của quả bóng, mức căng cơ trên bắp chân cầu thủ cho đến các chi tiết nhỏ như tác động của màng lưới, giả lập sợi tóc hay rung động sau va chạm trên từng đầu ngón tay của các thủ môn.
Công nghệ Hypermotion 2 bắt chuyển động mocap (motion capture) cùng một lúc cả hai đội bóng, kết hợp với các thuật toán “học máy” (machine learning) của máy tính cũng giúp truyền tải những chuyển động từ thực tế vào game mượt mà hơn.
Từng phong cách đi bóng, cách vung tay hay phản ứng của mỗi cầu thủ và huấn luyện viên trên sân đều có cá tính riêng biệt và được tái hiện chân thực.
EA cũng bổ sung và cập nhật thêm khá nhiều bản quét (scan) khuôn mặt mới của cầu thủ giống với hiện tại, từ các siêu sao như Benzema (nay đã nhìn già dặn hơn bản trước), Haaland (siêu cầu thủ đang nổi đình đám), Pedri cho tới cả những tài năng trẻ đang lên như Harvey Elliott hay Wesley Fofana.
Nhưng có lẽ nhiều fan Ngoại Hạng Anh (gồm cả người viết) sẽ rất thất vọng khi các thương vụ bom tấn hè rồi như Antony và Darwin Nunez vẫn chưa có “real face” và trông vẫn rất “chán đời”. (version 1.0)
Nhìn chung, cách đá của FIFA 23 không có quá nhiều thay đổi so với bản trước nhưng cũng không đến nỗi để phải gọi đùa là “FIFA 18.5” hay “FIFA 22.1”.
thay đổi thú vị nhất ở FIFA 23 lại là ở các tình huống cố định
Đáng kể nhất, có thể thấy nhịp độ trận đấu có phần chậm hơn rõ rệt khi mỗi đường chuyền ngắn giờ đây sẽ có quỹ đạo được mô phỏng vật lý như thật, ví dụ nếu cầu thủ quay vòng 180 độ rồi chuyền ngay thì độ chính xác sẽ giảm mạnh, cộng thêm lực nhấn và hướng cần gạt analog của người chơi cũng tác động đáng kể đến đường đi hay độ nảy của quả bóng.
Đặc biệt khi bấm sút kèm giữ hai nút L1+R1 (LB, RB trên tay Xbox) thay vì sút sệt thì nay người chơi sẽ kích hoạt một tính năng hoàn toàn mới gọi là Power Shot, với camera phóng cận cảnh vào người cầu thủ, cùng với hiệu ứng “slow-motion” (chiếu chậm) để canh chỉnh quỹ đạo bóng.
Nhưng theo người viết, thay đổi thú vị nhất ở FIFA 23 lại là ở các tình huống cố định. Khi đá phạt, đặc biệt là phạt góc sẽ có một vòng cung điều hướng và một ô điều khiển canh chỉnh vị trí đá vào quả bóng mà có thể liên tưởng nó gần giống như cách đánh trong các game bida thường thấy.
Người chơi có thể dễ dàng “tỉa tót” những cú đá phạt vào góc chết khung thành và tỉ lệ chuyền chính xác tới đồng đội cũng tăng lên đáng kể, chứ không còn kiểu chuyền “cầu âu” như bản trước, thậm chí còn dễ sút thẳng vào lưới đối phương ngay từ chấm phạt góc nếu nhận thấy thủ môn dâng cao.
Khi lập hàng rào đá phạt ta cũng thấy một cầu thủ phòng ngự nằm rạp xuống để che chắn các tình huống sút chìm y như ngoài đời.
Làm mới một số chế độ chơi
Career Mode được thêm thắt rất nhiều các đoạn cắt cảnh cinematic khá ấn tượng từ khoảnh khắc cầu thủ lần đầu gia nhập câu lạc bộ, ký tặng các fan cho đến các đoạn hội thoại với đồng đội trong phòng thay đồ hay trao đổi gì đó với trợ lý và huấn luyện viên trưởng.
Cầu thủ tự tạo của người chơi còn có thể tham gia các hoạt động khác ngoài sân cỏ như mua sắm siêu xe, góp quỹ từ thiện, tổ chức họp báo, dù chỉ được thể hiện một cách đơn điệu qua các cửa sổ trình đơn (menu) giống như chế độ Career của tựa game EA Sports UFC 3 vậy.
FIFA 23 cũng bổ sung tính năng Play Highlight dành cho người “bận rộn”, thay vì chỉ chạy Sim Match để giả lập trận đấu nhanh gọn nhưng ít quyền kiểm soát, giờ người chơi có thể lựa chọn và nhảy vào để “tự xử” các thời khắc mang tính quyết định như các cơ hội đối mặt thủ môn đội bạn hay các tình huống đá phạt gần khung thành.
Còn Career Manager thì cuối cùng EA cũng cho người chơi chọn các huấn luyện viên ngoài đời thật khi bắt đầu hành trình với câu lạc bộ mới, thay vì cứ phải tự khởi tạo, dù rằng còn hơi ít sự lựa chọn có “real face”.
Các cuộc thương thảo chuyển nhượng sẽ có thêm một thanh Tension, tạm gọi là mức độ “căng thẳng” ảnh hưởng bởi mỗi lựa chọn hội thoại của người chơi. Sau mỗi lần “chốt đơn” thành công sẽ có một bảng đánh giá mức độ thành công cũng như phân tích chất lượng cầu thủ vừa mua sắm được.
Volta Football thì có thêm một số chế độ Arcane có tính chất “sinh tồn” với quả bóng rất vui nhộn và thú vị khi chơi cùng bạn bè, nhưng thật tiếc lại bị giới hạn khi chỉ mở vào các ngày cuối tuần khiến người viết không có nhiều cơ hội trải nghiệm.
Và cũng không ngạc nhiên khi “gà cưng đẻ trứng vàng” Fifa Ultimate Team (FUT) vẫn là mục chơi trọng tâm với các thay đổi lớn nhất của FIFA 23 khi EA đã mạnh dạn xóa bỏ hẳn các đường liên kết (link) các vị trí trong đội hình và mang đến một hệ thống Chemistry hoàn toàn mới.
Giờ đây người chơi sẽ chỉ quan tâm đến việc “build” điểm Chemistry cho toàn đội, với mỗi thẻ bài có tối đa 3 điểm Chemistry, tượng trưng bằng biểu tượng kim cương dựa trên tiêu chí cùng quốc tịch, giải đấu hay câu lạc bộ.
Hãy tưởng tượng hậu vệ biên trái có thể “buff” được cho cả đội nếu hợp với ngôi sao bên cánh phải, chứ không còn cần bận tâm có liên kết được với các trung vệ lân cận hay không nữa.
Ngoài ra mỗi cầu thủ sẽ có thêm ít nhất hai vị trí đá phụ ngoài vị trí sở trường và nếu điểm Chemistry có bằng 0 đi nữa cũng không bị giảm đi bất kỳ một chỉ số nào (như ở các phiên bản trước).
“gà cưng đẻ trứng vàng” Fifa Ultimate Team (FUT) vẫn là mục chơi trọng tâm với các thay đổi lớn nhất của FIFA 23
FUT cũng bổ sung thêm những màn chơi ngắn gọi là “Moments”, đại khái là bạn sẽ nhảy vào các trận đấu đặc biệt, với mục tiêu là tái hiện lại các thời khắc làm nên tên tuổi của ngôi sao nào đó, nếu thành công sẽ được thưởng một loại tiền tệ dùng để mua bán và “cày” thẻ.
Chức năng Cross-play (chơi chéo nền tảng) của FIFA 23 cũng giúp người chơi có thể thi đấu giao lưu với tất cả các hệ máy khác trong cùng thế hệ (ví dụ PS5 sẽ có thể ghép trận với Xbox Series X/S hay PC)
BẠN SẼ GHÉT
Vẫn là những vấn đề nan giải!
A.I cầu thủ do máy điều khiển vẫn thật sự là “bài toán khó” muôn thuở chưa có lời giải qua nhiều thế hệ của FIFA.
Khi người viết thử sức ở cấp độ Legendary, với các đội làng nhàng thuộc hàng tầm trung thì nhiều lúc hàng công của máy vẫn rất “lên đồng” với cảm giác như biết “dán” quả bóng vào chân, rê dắt, càn lướt, chuyền “một chạm” rất kinh khủng gần như không thể ngăn cản được!
Ngoài ra, đối thủ máy vẫn ít có “khái niệm” tạt cánh đánh đầu mà cứ thích rê dắt bóng ngay từ hai biên xộc thẳng vào khung thành, hay nhấn nhá trước vùng cấm địa rồi ban bật và dứt điểm cận thành.
Còn đối đầu với các đội đẳng cấp cao thì đúng là khỏi phải nói, vừa “đói” bóng để chơi mà mỗi khi có bóng trong chân còn bị đối phương cho “ăn hành” bằng việc pressing tầm cao liên tục không biết mệt mỏi.
Dù qua FIFA 23 A.I các tiền đạo đã có phần “khôn” hơn trước khi biết phần nào hạn chế các tình huống việt vị, hậu vệ thì tương đối đeo bám và kèm người quyết liệt hơn nhưng vẫn để lộ quá nhiều khoảng trống, chọn vị trí thiếu hợp lý và khá bị động khi tranh chấp không bóng.
Người viết cũng có cảm giác A.I thủ môn năm nay phản ứng chậm đi khá nhiều và xử lý rất “ngớ ngẩn” ở một số tình huống đơn giản, làm dẫn đến rất nhiều bàn thua tai hại và tỷ số các trận đấu lớn thì cứ như bảng điểm đánh tennis!
A.I cầu thủ do máy điều khiển vẫn thật sự là “bài toán khó” muôn thuở chưa có lời giải qua nhiều thế hệ của FIFA
Những điểm phi thực tế!
Có thể nói việc thay thế nút sút sệt bằng Power Shot khá phiền toái, mà theo người viết, chức năng này cũng vô tình phá vỡ tính thực tế của FIFA 23, làm mất cân bằng khi người chơi có thể dễ dàng thực hiện những cú sút với cự ly không tưởng hay có quỹ đạo vòng bán nguyệt, hệt như xài tuyệt chiêu ở các game Captain Tsubasa vậy.
Chiến thuật chủ đạo, hay còn gọi là “meta” của FIFA 23, vẫn phụ thuộc quá nhiều vào các cầu thủ có chỉ số Pace cao kết hợp việc “bắn tốc” với các tình huống “đập nhả” chuyền ngắn trong vùng cấm địa, khiến A.I phòng ngự không thể nào phản ứng kịp.
Và thật khó hiểu khi EA dành nhiều tâm huyết quảng bá hình ảnh các ngôi sao làng bóng đá nữ hay thậm chí giới thiệu cả một đội bóng… giả tưởng trong loạt phim truyền hình Ted Lasso nhưng lại chả buồn đến việc bổ sung giải đấu câu lạc bộ nữ hay giải trẻ vào game? Ở hiện tại (version 1.0) game vẫn chưa có bản cập nhật giải đấu World Cup.
việc thay thế nút sút sệt bằng Power Shot khá phiền toái, mà theo người viết, chức năng này cũng vô tình phá vỡ tính thực tế của FIFA 23
Nhiều điều tiếc nuối
Thật tiếc là năm nào cũng vậy, nhiều điểm mới lạ của FIFA 23 vẫn kéo theo các “hạt sạn” hay còn làm chưa thật sự “tới” và tất cả cũng chỉ dành cho những hệ máy next-gen mà thôi.
Minh chứng là hai chế độ Career, tuy không hề kém cạnh người chơi nhưng sự chỉnh chu và mức độ hoàn thiện vẫn còn kém rất xa so với “gà cưng” FUT.
Nếu muốn, EA có thể nâng tầm Player Career lên thành trải nghiệm hấp dẫn như một tựa game nhập vai, khi người chơi vốn dĩ đã có thể tham gia nhiều hoạt động bên ngoài sân cỏ nhưng không, nó vẫn chỉ dừng lại ở những cửa sổ trình đơn, những dòng hội thoại buồn tẻ hay các đoạn cinematic lặp đi, lặp lại đến chán ngán.
Còn Manager Career thì cầu thủ trẻ tiềm năng vẫn bị câu lạc bộ chủ quản bán với giá rẻ như… bán cá, trụ cột vẫn bị “đẩy” ra rìa sau một mùa, giao diện mới gọi là “tăng cường” trải nghiệm người chơi nhưng thực tế chỉ thấy… thêm phiền khi các phím tắt bị thay đổi loạn xạ, ví dụ như chức năng lưu game (save) bị đẩy ra nằm sau cùng trên trình đơn (menu) thay vì chỉ cần bấm 1 nút tắt duy nhất như trước.
Câu lạc bộ Juventus cũng trở lại toàn diện sau nhiều năm vắng bóng vì vấn đề bản quyền nhưng nhiều đội bóng khác như AS Roma, Atalanta hay Barcelona thì vẫn thuộc về Konami.
năm nào cũng vậy, nhiều điểm mới lạ của FIFA 23 vẫn kéo theo các “hạt sạn” hay còn làm chưa thật sự “tới”