Final Fantasy VIII Remastered – Tròn 20 năm, và chúng ta vẫn trở lại đây để đánh giá về tựa game này. Tại sao vậy?
Cơ chế chơi ư? Rõ ràng là không. Lối chơi chiến đấu theo lượt sử dụng thanh ATB đã “giã từ dĩ vãng” lâu rồi.
Giờ đây là thời đại của những game thế giới mở, những trận chiến thời gian thực, như những gì Final Fantasy XV mang tới.
Thế cốt truyện ư? Đánh giá một câu chuyện có giá trị tới đâu có phần khó nói, nhưng tựa game này quả thực không nổi trội bằng người tiền nhiệm của nó về cốt truyện.
Final Fantasy VII không những mở ra một lượng ngoại truyện (spin-off) rất lớn, mà còn mang tới một chi tiết của dòng game Final Fatansy mà đã trở thành hình tượng: cảnh Aerith bị “xiên” bởi Sephiroth (Dự kiến sắp có phiên bản “cực nét” 4K UHD trong Final Fantasy VII Remake).
Vậy còn đồ họa? Cũng có lý, bởi chúng ta đang đánh giá phiên bản Remaster (tút lại) của game mà… nhưng không.
Các phiên bản Final Fantasy cũ như I và II đã từng được phát hành lại cho các nền tảng hàng chục lần, với nhiều cải tiến đồ họa. Nhưng bạn có thấy chúng được hào hứng chào đón không? Thậm chí Final Fantasy IV còn được làm lại dưới dạng 3D, nhưng nó cũng không tạo tiếng vang lớn.
Thế rốt cục, điều gì đã khiến một tựa game ra mắt 20 năm về trước vẫn gì giá trị, vẫn còn được nhắc tới, vẫn còn làm nhiều người lưu luyến?
Liệu có phải đơn giản bởi tựa game đó là… Final Fantasy VIII Remastered?
[su_heading style=”flat-blue” size=”35″ margin=”50″]BẠN SẼ GHÉT[/su_heading]
REMASTER – KHÔNG PHẢI REMAKE
Nếu bạn chưa từng trải nghiệm Final Fantasy VIII nhưng tin rằng Final Fantasy VIII Remastered sẽ có đồ họa “cực mượt” của thời hiện đại, hoặc bạn đã từng chơi Final Fantasy VIII rồi và hi vọng phiên bản này sẽ là sự trở lại bóng bẩy… không có đâu! Remaster không phải là Remake.
Những gì mà Square Enix cải tiến rõ ràng nhất ở phiên bản này là tăng độ nét của nhân vật.
Bên cạnh đó, khung cảnh cũng được khử răng cưa và làm mịn hơn chút.
Nếu Square Enix tận dụng công nghệ làm mịn bằng trí thông minh nhân tạo như Gigapixel AI để làm nét các ảnh nền, mọi thứ có thể sẽ tốt hơn trông thấy, nhưng có lẽ cũng không tạo được sự khác biệt đâu.
Do chỉ cải tiến về độ nét, còn độ chi tiết của vân bề mặt không đổi nên dù có nét đến mấy, Final Fantasy VIII Remastered không thể nhìn “xuôi” được nếu bạn đã quá quen với các sản phẩm đồ họa láng mịn.
Một điểm đặc sắc khác của phiên bản này là 3 chế độ “cheat”, cho phép bạn bất tử trong chiến trận, không gặp quái vật và tăng tốc game lên 3 lần. Nhìn chung là chúng cũng hữu dụng, nhưng chỉ dừng ở mức phụ họa chứ không phải trọng tâm.
Thế nhưng, có vẻ để có cộng có trừ, Square Enix đã bỏ game phụ Chocobo World trong phiên bản này, và tiện tay thay đổi hình ảnh một số nhân vật như GF Siren để “kín” hơn.
Đương nhiên là rất nhiều người không thích sự che đậy này, tới mức quản trị viên của Valve phải nhảy vào để khóa tranh luận.
Tóm lại, nếu bạn tránh được hoặc có thế khắc phục các vấn đề về mặt kĩ thuật, Final Fantasy VIII Remastered không có khác biệt quá lớn so với trải nghiệm gốc đâu.
Kì vọng quá cao theo những lời lẽ mĩ miều như “phiên bản Remaster cho thế hệ này” của Square Enix quảng cáo và bạn sẽ thất vọng đó.
Muốn trải nghiệm nó, hãy tới để cảm nhận giá trị lịch sử, chứ không phải tới vì trải nghiệm bùng nổ… hoàn toàn không có đâu nhé!
Và đã rõ những gì mà bản Remaster mang tới, chúng ta hãy tạm gạt qua để phân tích những giá trị cốt lõi của tựa game “không tuổi” này.
[su_heading style=”flat-blue” size=”35″ margin=”50″]BẠN SẼ THÍCH[/su_heading]
CƠ CHẾ ĐẬM TÍNH TÙY CHỈNH
Nói đến Final Fantasy VIII là nói tới cơ chế Junction, hay có thể hiểu nôm na là “gán”.
Mới mỗi nhân vật, bạn cần gán GF (Guardian Force) cho họ để họ có thể làm gì “có não” hơn là tấn công bình thời.
Khi được gán GF, nhân vật có thể sử dụng các kĩ năng như phép thuật, dùng đồ, hút phép hoặc triệu hồi.
Không những thế, mỗi GF có thể có những khả năng quý giá, độc nhất riêng mà bạn có thể tận dụng như hóa kẻ địch thành bài, luyện đồ, tăng chỉ số… Do vậy, đây là một trong những phiên bản Final Fantasy đánh rất mạnh vào giá trị của GF, và sưu tâm được đủ bộ GF cũng là một thành tựu gì đó không nhỏ đâu.
Quay trở lại với hệ thống Junction, khi gặp kẻ địch, bạn có thể hút phép từ chúng để chuyển qua mình.
Hút được phép rồi, bạn có thế dùng lại phép đó lên kẻ thù, và điều này sẽ tiêu đi một đơn vị phép đó.
Tuy nhiên, bạn cũng có thể “gán” phép vào các chỉ số cho nhân vật mạnh lên.
Ví dụ, nhân vật có 50 phép Fire (lửa) và GF hỗ trợ khả năng gán phép vào Strength (sức mạnh vật lý), thì bạn có thể gán 50 phép này để tăng Strength.
Tối đa bạn có thể có 100 đơn vị mỗi phép, và chỉ số được gán sẽ tăng tùy vào loại phép cũng như số lượng của phép đó.
Ngoài ra, bạn có thể gán phép để miễn nhiễm hay có các còn tấn công mang nguyên tố hoặc trạng thái nào đó.
[su_quote]đây là một trong những phiên bản Final Fantasy đánh rất mạnh vào giá trị của GF, và sưu tâm được đủ bộ GF cũng là một thành tựu gì đó không nhỏ đâu[/su_quote]Lưu ý là kẻ địch có vô tận lượng phép để hút, nên nếu muốn mạnh lên từ đầu, bạn luôn có thể “chơi lầy”, ngồi hút cho đủ 100 phép cho nhân vật khi gặp kẻ địch, rồi sau đó đi Junction thoải mái.
Điều này dẫn tới một số chỉ trích về hệ thống này, là nó nhiều lúc khiến trải nghiệm chơi lặp đi lặp lại. Tuy nhiên, bản Remaster có chức năng gấp 3 tốc độ đó, sẽ khiến quá trình này diễn ra nhanh hơn nhiều.
Bù lại, với hệ thống này, một nhân vật có khá nhiều lựa chọn tùy chỉnh để “gán” các GF, các phép vào nhiều vị trí, và tùy chỉnh các nhân vật một cách “chóng mặt”. Từ đó, bạn sẽ có những nhân vật với các ưu điểm và chức năng rõ rệt.
Ngoài ra, một tính năng cũng khá quan trọng và đặc trưng với từng nhân vật là Limit Break.
Khi nhân vật của bạn lâm vào trạng thái nguy kịch cạn máu, bạn có thể thi triển những đòn đánh đặc biệt và khác nhau.
Còn cụ thể chúng là gì, hãy tự trải nghiệm để chính tựa game dẫn lối cho bạn nhé.
CỐT TRUYỆN VIÊN MÃN
Final Fantasy VIII không phải là tựa game có cốt truyện hấp dẫn nhất, bi tráng nhất hay đau thương nhất, nhưng nó là câu chuyện vô cùng đẹp và viên mãn.
Mọi sự kiện kết thúc cho câu chuyện của Final Fantasy VIII cũng chính là động lực để mở đầu cho… Final Fantasy VIII.
Nhân vật chính Squall được sinh ra để thực hiện một định mệnh mà anh ta được giao phó, để rồi khi chiến thắng, anh ta trở lại nơi mình bắt đầu trong quá khứ, đặt “hạt giống” của định mệnh ấy cho một Squall nhỏ bé hơn.
Định mệnh và sự viên mãn không chỉ dừng ở đó. Tình yêu giữa Squall và Rinoa cũng như được dắt lối, là cái kết có hậu cho những gì dang dở trong quá khứ của cha mẹ hai người.
[su_quote]nó là câu chuyện vô cùng đẹp và viên mãn[/su_quote]Không những thế, cốt truyện còn cho thấy sự thay đổi và phát triển của Squall, từ lạnh lùng, ích kỷ tới cởi mở, chịu hi sinh; còn cho thấy mối liên hệ giữa các nhân vật trong quá khứ; còn có những nút thắt bất ngờ…
Nói tóm lại, đây là một hành trình chứa chan nhiều cảm xúc và rất đáng trải nghiệm. Còn lại, Vietgame xin không đi sâu vào chi tiết, bởi đó là thứ mà bạn phải trải nghiệm thôi.
Bạn có thấy Final Fantasy VIII có spin-off không? Có Final Fantasy VIII-2 không? Có DLC phần kết khác không?
Đơn giản là vì câu chuyện trong game tuy vắng những phút cao trào tới mức “huyền thoại” nhưng nó dẫn mọi thứ tới phận tụ hội hoàn hảo.
Nhìn vào tựa game này, liệu ta có thấy vắng bóng những câu chuyện tương tự trong những sản phẩm hiện đại, khi mà nhà sản xuất cố gắng thiết kế câu chuyện theo hướng đậm cảm xúc hoặc mở, để rồi bán những phần mở rộng, những DLC, hoặc làm phần kế tiếp.
Một cốt truyện viên mãn… tưởng chứng như thứ gì đó thật đơn giản, nhưng không ngờ cũng thật hiếm hoi phải không nào.
TRIPLE TRIAD, EYES ON ME VÀ MỘT TỰA GAME KHÔNG TUỔI
Final Fantasy VIII không chỉ là một tựa game RPG với một chặng đường thẳng tắp, mà nó có những khúc cua, những nét đặc sắc, giúp bạn “chìm đắm” trên đường đi.
Triple Triad là một tựa game bài phụ trong Final Fantasy VIII, tương tự như Gwent trong The Witcher 3 vậy, với những lá bài là những quái vật hoặc nhân vật mà bạn sẽ gặp trong game.
Mỗi là bài có 4 số, tương ứng với 4 hướng trên, dưới, trái phải. Để “ăn” con bài của kẻ thù, bạn cần đặt một lá bài có số của hướng đối xứng nó cao hơn.
Ví dụ, con bài kẻ thù có số bên phải là 4, thì bạn cần đặt vào bên phải lá bài có số bên trái là 5 chẳng hạn.
Cách chơi đơn giản nhưng sẽ ngày càng trở nên cân não, hấp dẫn khi các luật phụ được cập nhật và khi bạn mong muốn có những lá bài hiếm.
Hành trình có mọi lá bài trong Triple Traid cũng không phải đơn giản đâu, và Triple Triad là một nét đặc trưng của Final Fantasy VIII mà bạn không thể bỏ lỡ.
Tiếp đó, chúng ta không thể không đề cập tới ca khúc Eyes on Me, biểu diễn bởi Faye Wong (Vương Phi).
Như truyền tài tình yêu vào từng điệp khúc, Eyes on Me là bài ca tuyệt vời, thể hiện tâm ý của nhà phát triển với câu chuyện của Final Fantasy VIII – một câu chuyện viên mãn tròn đầy. Và ca khúc Eyes on Me cũng đóng một vài trò nho nhỏ trong cốt truyện đó.
Và tất cả những điều nói trên, bao gồm một hệ thống chiến đấu “bất biến”, một cốt truyện đẹp, một tựa game phụ hấp dẫn, một bản nhạc nền du dương, cùng nhiều yếu tố khác đã hòa quyền lại để tạo nên một tựa game có tên Final Fantasy VIII, nãy đã được cập nhật thành Final Fantasy VIII Remastered.
[su_quote]Final Fantasy VIII không chỉ là một tựa game RPG với một chặng đường thẳng tắp, mà nó có những khúc cua, những nét đặc sắc, giúp bạn “chìm đắm” trên đường đi[/su_quote]Như đã nói, mặc dù có những hạt sạn (điển hình port của Square Enix thì không có mới lạ), nhưng về bản chất thì Final Fantasy VIII Remastered chắc chắn chứa đủ những giá trị cốt lõi của game gốc rồi.
Nếu bạn đem nó ra và so sánh với những sản phẩm nhập vai “của thời đại này” thì có lẽ nó không quá đặc sắc lắm.
Tuy nhiên, đây là tựa game của 20 năm trước, và tới bây giờ, nó vẫn được nhắc lại, vẫn được háo hức mong chờ.
Thời gian đã chứng minh vẻ đẹp và ý nghĩa của tựa game này là không tuổi, vì vậy chỉ còn một việc để làm thôi…
THÔNG TIN
- Sản xuất: Square Enix
- Phát hành: Square Enix
- Thể loại: Nhập vai
- Ngày ra mắt: 3/9/2019
- Hệ máy: PC, Nintendo Switch, PlayStation 4, Xbox One
CẤU HÌNH TỐI THIỂU
- OS: Windows 7
- CPU: AMD A-Seiries 2.2GHz | Intel Core i3 2.2GHz
- RAM: 2 GB
- VGA: AMD Radeon R7 240 | NVIDIAGeForce GT 730
- DirectX: 11
- HDD: 2 GB
CẤU HÌNH THỬ NGHIỆM
- OS: Windows 10 Pro 64-bit
- CPU: Ryzen R7 1700 @ 3.7 GHz
- RAM: 16 GB
- VGA: MSI Rx Vega 56 Airboost
- SSD: Samsung 950 Pro 256GB
GAME ĐƯỢC HỖ TRỢ BỞI SQUARE ENIX
GAME ĐƯỢC CHƠI TRÊN HỆ PC
BÀI MỚI NHẤT
- 11 Bit Studios hủy Project 8, thực hiện sa thải hàng loạt! – Tin Game
- Mùa Lễ Hội, Mùa Nâng Cấp với GeForce RTX – Tin Gaming Gear
- Sonic the Hedgehog 4 sẽ khởi chiếu trong năm 2027! – Tin Game
- COLORFUL Giới Thiệu Dòng Bộ Nhớ iGame Shadow DDR5 – Tin Gaming Gear
- STALKER 2: Heart of Chornobyl “vá” hơn 1800 lỗi trong bản cập nhật 1.1! – Tin Game
- Netflix đang cân nhắc thực hiện phim chuyển thể STALKER! – Tin Game