Final Fantasy XIII – Hẳn từ thuở còn bé, đã không ít người trầm trồ trước những chiếc bìa vở được in hình các nhân vật tuyệt đẹp bước ra từ loạt game/phim Final Fantasy từng làm điên đảo giới trẻ trên khắp thế giới.
Tuổi đời chinh chiến trong làng game nhập vai Nhật Bản và cả thế giới của Final Fantasy luôn được xem như là một “cây đại thụ” khổng lồ, với bề dày lịch sử sắp chạm đến cột mốc 30 năm (từ năm 1987), rồi nhanh chóng trở thành hiện tượng, lôi kéo hàng triệu fan trung thành và cũng gián tiếp tạo ra “tín ngưỡng” Final Fantasy…
Tuy nhiên, Square Enix có vẻ như đã “ngấy” với công thức cũ kỹ truyền thống của dòng game và quyết định tiến lên một bước với nhiều thay đổi đáng kể thay thế cho lối chơi truyền thống vốn đã là chuẩn mực.
Đó là lúc Final Fantasy XIII ra đời, hứng chịu vô vàn các lời đàm tiếu và được mệnh danh là “phá gia chi tử” vào năm 2009.
Việc này đã làm dấy lên hai làn sóng tranh luận đối lập nhau, một bên cho rằng những cải tiến của Final Fantasy XIII là một lẽ hiển nhiên và được ủng hộ nhiệt tình, một bên cho rằng tựa game đã phá hỏng các giá trị truyền thống của dòng game bao lâu nay.
Đáp lại, Final Fantasy XIII không những thành công mà còn hốt bạc nhờ doanh số “khủng” và tiếp tục “đẻ” ra thêm hai tập lẻ là Final Fantasy XIII-2 và Lightning Returns: Final Fantasy XIII vừa ra mắt trong năm qua.
Vậy ai đúng ai sai?
Điều này chỉ được kiểm chứng bởi những người chơi trên console năm đó. Còn đối với game thủ PC, Final Fantasy XIII dành cho hệ máy này chỉ mới được phát hành mà thôi.
Hãy cùng Vietgame.asia đánh giá xem những thay đổi này có thực sự tạo ra một bước chuyển mình cho dòng game không nhé!
[su_heading style=”flat-blue” size=”35″ margin=”50″]BẠN SẼ THÍCH[/su_heading]
BÌNH CŨ NHƯNG RƯỢU MỚI
Điều gì làm nên “danh tiếng” và cả “tai tiếng” của Final Fantasy XIII kể từ lúc tựa game này ra đời?
Tất nhiên sẽ chẳng phải là âm thanh, hình ảnh, hay cốt truyện thiếu ly kỳ mà chính là cốt lõi của nó – lối chơi nhập vai theo lượt truyền thống nay… đã không còn.
Thay vào đó, Final Fantasy XIII mang đến vô vàn thay đổi cả lớn lẫn nhỏ.
Nói không ngoa rằng, hệ thống chiến đấu của Final Fantasy XIII không chỉ kế thừa những ưu điểm của các phiên bản trước đây, mà còn lược bỏ một cách khoa học lẫn cải tiến, thêm thắt nhiều chi tiết mới để không ngừng lôi cuốn người chơi.
Hệ thống chiến đấu trong Final Fantasy XIII còn tác động trực tiếp đến các khái niệm game nhập vai theo lượt phong cách Nhật Bản “đại chúng” hơn, dễ tiếp cận hơn với đại đa số các game thủ quốc tế.
Để mô tả một cách cụ thể hơn, Final Fantasy XIII đã tiến một bước tiến cực lớn trong việc xóa nhòa đi ranh giới giữa hai thể loại nhập vai hành động hiện đại và nhập vai theo lượt truyền thống.
Thanh “Active Time Battle” (ATB) vẫn còn đó, nhưng cơ chế hoạt động đã khác xưa, nay ATB được chia ra làm nhiều phần nhỏ bằng nhau, dần sẽ được mở rộng về sau theo cấp độ nhân vật.
Những phần nhỏ này ứng với một lệnh mà bạn sẽ đưa ra cho nhân vật chính, đồng nghĩa với việc một-lượt-đánh của người chơi khi kích hoạt sẽ là một combo liên hoàn chứ không chỉ là một chiêu thức đơn thuần như trước nữa.
Đây là thay đổi nhỏ nhưng tác động rất lớn đến tổng thể, người chơi không còn những lần nhấp lệnh nhàm chán, khắc phục được sự thiếu liền mạch và nâng cao được cảm giác kịch tính cần có của một trận đấu.
Các lệnh tấn công mà bạn gán vào ATB cũng đều có “cái giá” của nó, một số chiêu thức mạnh mẽ có thể chiếm từ 2 đến 3 phần, đổi lại mức sát thương sẽ cao hơn, kết thúc combo nhanh hơn và đôi khi cũng né được đòn của đối phương.
Tại sao “né” được đòn của đối phương? Giờ đây, cuộc chiến sẽ diễn ra trong thời-gian-thực, ngay cả công đoạn chia lượt/chọn lệnh cũng sẽ được tính thẳng vào quãng thời gian chiến đấu của nhân vật.
Trong một cuộc chiến, người chơi cần phải tập trung hết sức và liên tục chọn lệnh, ra đòn mỗi khi thanh Active Time Battle đang dần được làm đầy.
Càng hành động nhanh chóng bạn sẽ “né” được đòn đánh của đối phương chứ không còn ngây mặt ra chịu trận như trước nữa.
Đặc sắc là vậy, nhưng cơ chế này cũng không kém phần “khó nhai” bởi người chơi cần phải tỉnh táo lựa chọn những thao tác thật nhanh chóng và chính xác để tránh tình trạng “trật đường ray”.
Càng chần chừ bao nhiêu, càng chậm ra đòn bao nhiêu thì sẽ càng dính đòn nhiều bấy nhiêu, đôi khi cái giá của việc vô tình… gãi mồm thôi cũng đủ khiến người chơi “cắn lưỡi” tiếc nuối.
Đặc biệt là trong các trường đoạn đấu trùm, sát thương mà chúng gây ra là rất lớn, chỉ một giây lơ là cũng có thể dẫn đến hậu quả khôn lường.
Bên cạnh đó, người chơi còn phải hướng sự tập trung cao độ cho tất cả đồng đội của mình.
Những thành viên trong nhóm không chết đi mỗi khi bị hạ gục mà sẽ chỉ lui về ở trạng thái “chờ thuốc” từ trưởng nhóm (chính bạn), và có thể tiếp tục chiến đấu nếu được hỗ trợ kịp thời.
Đổi lại, nhiệm vụ của người trưởng nhóm còn nặng nề hơn khi chỉ bạn mới có khả năng sử dụng các vật dụng hồi máu và hồi sinh.
Vừa phải quan tâm thanh máu của đồng đội, lại phải canh chừng thanh máu của bản thân vì nếu bạn “toi” thì cũng đồng nghĩa với việc cuộc đấu sẽ chấm dứt hoàn toàn.
[su_quote]hệ thống chiến đấu của Final Fantasy XIII không chỉ kế thừa những ưu điểm của các phiên bản trước đây, mà còn lược bỏ một cách khoa học lẫn cải tiến, thêm thắt nhiều chi tiết mới để không ngừng lôi cuốn người chơi[/su_quote]Điểm kinh nghiệm, nay được gọi là điểm CP, giờ đây cũng có đôi chút thay đổi. Điểm này sẽ được tính thông qua kết quả các trận chiến của nhóm, càng nhanh gọn, xuất sắc và ít tổn thất bao nhiêu, lượng điểm CP thu về bấy nhiêu.
Người chơi có thể dùng điểm CP để nâng cấp trực tiếp các kỹ năng chiến đấu của từng thành viên.
Tuy nhiên, vai trò của hệ thống kỹ năng không còn đóng vai trò chủ đạo, mà được thu gọn để nhường chỗ cho một yếu tố hấp dẫn mới là “Paradigms”.
PARADIGMS: NÂNG CAO “TẦM NHÌN” CHIẾN LƯỢC
Những thay đổi mà Final Fantasy XIII có trên chỉ mới là “bề nổi của tảng băng trôi” mà thôi.
Điểm nhấn chủ đạo trong hệ thống chiến đấu mà Final Fantasy XIII muốn nhấn mạnh chính là chức năng “Paradigms” mới mẻ, đầy tính chiến thuật và cực kỳ hấp dẫn.
Với hệ thống “Paradigms”, Final Fantasy XIII cung cấp cho người chơi 6 “vai trò” khác nhau để gán cho từng nhân vật trong đội hình chiến đấu của nhóm.
Có thể kể sơ như “Commando” – tấn công bằng đòn vật lý, “Ravager” – tấn công bằng đòn phép thuật, đặc biệt có thể kể đến “Sentinel” – một “lá chắn sống” đúng nghĩa…
Mỗi nhân vật chỉ được gán một vai trò duy nhất và việc gán các vai trò này sẽ tùy thuộc vào chiến thuật chung và cả thế mạnh của từng nhân vật.
[su_quote]Điểm nhấn chủ đạo trong hệ thống chiến đấu mà Final Fantasy XIII muốn nhấn mạnh chính là chức năng Paradigms mới mẻ, đầy tính chiến thuật và cực kì hấp dẫn[/su_quote]Với bổ sung đặc sắc từ hệ thống Paradigms, tính chiến thuật của Final Fantasy XIII được đẩy lên cao hơn rất nhiều so với trước đây. Chủ động hơn trong các đòn thế, trận thế, phân rõ các vai trò và cả việc hỗ trợ qua lại.
Mối liên hệ mật thiết giữa các nhân vật cũng được nâng cao hơn, qua đó, các thông số, kỹ năng và vật dụng mà người chơi lựa chọn cho các nhân vật cũng có sự đa dạng lớn.
Mặt khác, như đã nói ở trên, mỗi nhân vật chỉ được gán một vai trò duy nhất, nhưng bạn cũng chẳng phải lo lắng bởi chiến thuật chung của nhóm có thể được thay đổi một cách chủ động ngay trong lúc chiến đấu nhờ các “Paradigms Deck”.
Các Paradigms Deck thật ra là các đội hình sẵn có hoặc do người chơi lập nên và lưu lại nhằm linh hoạt hơn trong các giai đoạn chiến đấu của đội.
Giai đoạn chiến đấu ở đây chính là việc nếu đối phó với mỗi loại đối thủ khác nhau thì chúng cũng có các thế trận khác nhau.
Lấy ví dụ khi đối phó với các con trùm “dai nhách”, đội hình Paradigms mà người chơi hay áp dụng ở giai đoạn đầu lúc đối thủ còn “cứng” là đưa nhân vật có lượng HP dồi dào ra chịu trận (Sentinel), sau đó các nhân vật khác liên tục công kích nhằm phá thế của đối thủ.
Một khi đối phương đã vỡ trận, chúng sẽ rơi vào trạng thái yếu thế, sát thương và giáp trụ bị giảm đáng kể, lúc này cũng chính là lúc thay đổi sang đội hình Paradigms tấn công toàn lực để nhanh chóng kết thúc trận chiến trước khi chúng kịp lấy lại thế thượng phong.
Quả thật, câu nói “đẹp trai không bằng chai mặt” quá đúng trong trường hợp này!
THÁNH THẦN CŨNG PHẢI LÊN TIẾNG!
Sát cánh cùng hệ thống Paradigms độc đáo, người chơi sẽ còn có cơ hội kích hoạt chế độ chiến đấu đặc biệt khác là triệu hồi thần hộ pháp “Eidolon” cực “ngầu” và cũng vô cùng “hổ báo”!
Mỗi nhân vật trong Final Fantasy XIII đều sở hữu cho riêng mình một thần thú Eidolon đặc trưng sẽ được thu phục trong quá trình chơi.
Các Eidolon này sở hữu mức sát thương cực khủng và cả các khả năng biến hình/hỗ trợ chiến đấu cùng nhân vật một cách rất bài bản và đầy mê hoặc.
[su_quote]người chơi sẽ còn có cơ hội kích hoạt chế độ chiến đấu đặc biệt khác là triệu hồi thần hộ pháp “Eidolon” cực “ngầu” và cũng vô cùng “hổ báo”![/su_quote]Điển hình như Eidolon của Lightning – Odin, có thể biến hình linh hoạt từ dạng hiệp sĩ sang ngựa chiến và mang đến các đòn tấn công cực “bá đạo” như bão táp (Bão với Sét? “Hạp” cực!).
Trong khi đó, Snow lại được sở hữu tận hai nàng Eidolon song sinh có khả năng lắp ghép thành một chiếc moto phân khối lớn ấn tượng!
[su_heading style=”flat-blue” size=”35″ margin=”50″]BẠN SẼ GHÉT[/su_heading]
PHIÊN BẢN PC “LỞM ĐỜI”
Việc Final Fantasy XIII lên hệ PC là một điều được cộng đồng game thủ hết sức hoan nghênh và chào đón nhiệt liệt, tuy nhiên với thái độ làm việc cẩu thả kiểu “vét cơm cháy” như của Square Enix thì đúng là kể cả game thủ gạo cội của dòng game này cũng khó mà nuốt trôi!
Ngay ở giao diện điều khiển (launcher) đầu game, người chơi sẽ dễ dàng bắt gặp các lỗi cơ bản đến khó hiểu, nhất là khi đây là tựa game đến từ một nhà phát hành lớn.
Không phiên dịch sang tiếng Anh, đầy rẫy các ký tự tượng hình “đánh đố” hay sai chính tả đến mức khó tin…
Phải chăng một điềm báo trước về chất lượng một bản chuyển hệ (port) “lởm đời” đang chờ người chơi phía trước?
Nghi vấn này được giải đáp ngay khi người chơi bước chân vào game. Square Enix quả biết cách chiều lòng người chơi… console!
Game thủ PC chỉ được chơi game ở độ phân giải 720p (1280×720) bé tí, không có một bất cứ tùy chỉnh đồ họa cơ bản nào trong giao diện điều khiển chính của game, thậm chí cả những tùy chọn rất cơ bản như độ phân giải, đổ bóng, răng cưa cũng đều biệt tăm.
[su_quote]thái độ làm việc cẩu thả kiểu “vét cơm cháy” như của Square Enix thì đúng là kể cả game thủ gạo cội của dòng game này cũng khó mà nuốt trôi[/su_quote]Chưa hết, nếu nhỡ ấn nhầm phím ESC (một phím rất cơ bản của game thủ PC), bạn sẽ “văng” ra ngoài màn hình Desktop mà chẳng hiểu vì sao?!?!
Những ấn tượng ban đầu với Final Fantasy XIII phiên bản PC chẳng khác mấy cơn ác mộng một thời mang tên Dark Souls: Prepare to Die thuở nào.
Đòi hỏi quá nhiều ở một tựa game ra mắt cách đây 5 năm hơi tham lam, nhưng với dung lượng 60GB, gấp đôi phiên bản console trước đây mà không có bất cứ thay đổi nào cả về đồ họa lẫn âm thanh, phim cắt cảnh xấu tệ là điều rất khó chấp nhận.
Chưa kể thái độ “điếc không sợ súng” của Square Enix khi bỏ ngoài tai tất cả các phàn nàn của người chơi và không hề phát hành bất kỳ bản vá lỗi.
Thật đáng xấu hổ!
NGHE-NHÌN TẠM BỢ
Phần đồ họa của Final Fantasy XIII là một thang điểm khó chấm ngay từ những giây phút đầu tiên, nhất là khi chất lượng phiên bản PC quá cẩu thả từ phía Square Enix (như đã nói ở trên).
Chỉ với độ phân giải 720p, các khung hình như vỡ vụn, nhân vật mô hình thô ráp, xấu xí mà chẳng hề được tút táp…
Còn đâu một bom tấn đồ họa một thời từng khiến người chơi trên console trầm trồ?
Thật may mắn, modder từng ra tay chỉnh sửa đồ họa của Dark Souls: Prepare to Die Edition trước đây đã một phen cứu thua cho Square Enix khi tung ra một công cụ tinh chỉnh đồ họa tự chế, nâng cao độ phân giải của Final Fantasy XIII lên cao, và còn tuyệt vời hơn nữa khi được tích hợp công nghệ “UpScale” nén các độ phân giải 2K, 4K ngay trên các màn hình độ phân giải thấp hơn (xem phần “Bạn cần biết” ở trên).
Qua đó, nền đồ họa thực sự của Final Fantasy XIII mới thực sự có tiếng nói, mô hình nhân vật trở nên mịn màn, đẹp mắt, các hiệu ứng được cải thiện cực tốt, chất lượng màu sắc cho đến vân bề mặt đều “miễn bàn” – điều hiếm thấy ở một tựa game đã ra mắt được 5 năm.
Nhưng nói đi cũng phải nói lại, nền đồ họa “đủ xài” ban đầu của Final Fantasy XIII vẫn xứng đáng nhận một điểm trừ nặng nề.
Âm thanh cũng là một điểm thụt lùi khi so sánh với các phiên bản trước đây.
[su_quote]nền đồ họa “đủ xài” ban đầu của Final Fantasy XIII xứng đáng nhận một điểm trừ nặng nề[/su_quote]Có thể những xung đột trong quá trình phát triển, dẫn đến sự ra đi đáng tiếc của các nhạc sĩ đảm nhiệm phiên bản này và không còn được “chắp cánh” bởi nhạc sĩ Nobuo Uematsu nên dường như các giai điệu của Final Fantasy XIII thiếu chút sự sâu sắc cần thiết.
Chúng thiếu sự cao trào trong từng âm hưởng, một số bản nhạc lặp đi lặp lại khá nghèo nàn và chưa đủ độ “chín” để diễn tả được sự máu lửa của cuộc chiến và cũng chẳng hợp tông với nhịp độ của game là mấy.
BÊN LỀ
1. Nhằm cải thiện nền đồ họa “nửa mùa” của Final Fantasy XIII, modder GeDoSaTo (từng nổi danh với công cụ DsFix dành cho Dark Souls: Prepare to Die Edition) đã tạo ra một công cụ cải thiện độ phân giải và đồ họa của game.
Bạn có thể tải về ở đường dẫn sau, chỉ cần khởi động công cụ này trước khi vào game và thưởng thức nền đồ họa mới: http://blog.metaclassofnil.com/?p=618
2. Thực ra dung lượng 60GB của Final Fantasy XIII có nguồn gốc từ 2 phiên bản khác nhau được phát hành riêng lẻ trên console trước đây, một dành cho quốc tế với phần lồng tiếng Anh và phụ đề Anh ngữ, một dành cho thị trường nội địa Nhật với phần lồng tiếng Nhật và phụ đề Nhật ngữ.
Khi phát hành phiên bản PC, Square Enix chọn cách “khôn ngoan” là gộp cả 2 lại, có thể tùy chọn lồng tiếng Nhật/Anh và phụ đề Nhật/Anh.
Nếu ngại chọn mua bản 60GB trên, bạn có thể mua phiên bản Asia Edition với phần phụ đề Anh Ngữ và lồng tiếng Nhật với dung lượng 30GB.
THÔNG TIN
- Sản xuất: Square Enix
- Phát hành: Square Enix
- Thể loại: Nhập vai
- Ngày ra mắt: 9/10/2014 (PC)
- Hệ máy: PC, PS3, Xbox 360
CẤU HÌNH TỐI THIỂU
- OS: Windows XP SP2 | Vista | 7 | 8
- CPU: 2GHz Dual Core CPU
- RAM: 1GB
- VGA: NVIDIA® Geforce® 8 Series/ATI Radeon™ HD 2000 VRAM 256MB
- HDD: 60GB
CẤU HÌNH THỬ NGHIỆM
- OS: Windows 10
- CPU: AMD Ryzen 5 3600X
- RAM: 32 GB
- VGA: AMD VEGA 56 Red Devil
- SSD: 250GB
GAME ĐƯỢC HỖ TRỢ BỞI SQUARE ENIX
GAME ĐƯỢC CHƠI TRÊN HỆ PC
BÀI MỚI NHẤT
- Kingdom Come: Deliverance 2 bật mí lộ trình ra mắt nội dung! – Tin Game
- Bend Studio cảm ơn người hâm mộ sau tin tựa game mới bị Sony hủy bỏ – Tin Game
- Game nhập vai Warhammer của Thought Pennies đã bị hủy! – Tin Game
- COLORFUL Ra Mắt Dòng Bo Mạch Chủ B860 Series – Tin Gaming Gear
- Team Cherry cập nhật tình hình của Hollow Knight: Silksong! – Tin Game
- Civilization 7 chính thức “gone gold”! – Tin Game