Fire Emblem Echoes – Nintendo hẳn là một cái tên không hề xa lạ với bất kỳ ai đã từng chơi videogame – dù là game thủ gạo cội hay chỉ đơn thuần tìm kiếm sự giải trí nhẹ nhàng.
Với phương châm cốt lõi “game là phải vui”, cho nên tuy đi sau các đối thủ như Sony và Microsoft rất nhiều về mặt phần cứng đồ họa, nhưng Nintendo vẫn đảm bảo doanh số và danh tiếng chẳng hề kém cạnh gì ai.
Nhắc đến Nintendo, không thể không nhắc đến một truyền thống bảo thủ có phần khắc nghiệt của hãng game Nhật Bản này: Nintendo xưa nay vẫn luôn rất hạn chế chuyện phát hành game của hãng khác, và thường chú trọng đến việc tự làm game tự phát hành hơn.
Về phần riêng mình, Nintendo sở hữu những thương hiệu cực lớn như Mario, The Legend of Zelda, Kirby… Không dừng lại ở đó, Nintendo còn sở hữu khá nhiều studio “ẩn sĩ cao thủ” khác, mà điển hình là Rare với dòng Donkey Kong và Inteligent System với dòng Fire Emblem.
Với hơn 14 phiên bản ra mắt trên nhiều đời máy của Nintendo, Fire Emblem có thể xem là dòng game chiến thuật – nhập vai kinh điển nhất của Nhật Bản (được biết với cái tên Mộc Đế tại Việt Nam).
Không tính đến phiên bản mobile Fire Emblem Heroes, thì dòng game lâu đời này đã có một sự trở lại khá ngoạn mục trên hệ máy Nintendo 3DS với hai phiên bản Awakening và Fates.
Tuy nhiên, phiên bản Fates với tận ba phần cốt truyện cùng nhiều tính năng “casual” đã khiến khá nhiều game thủ cảm thấy “ngán” vì phần chơi đơn bị kéo dài ra một cách lê thê không cần thiết – chính vì vậy, Nintendo cảm thấy cần phải có một sự thay đổi nào đó.
Và quả thật, với sự ra mắt của phiên bản Fire Emblem thứ ba trên nền 3DS: Fire Emblem Echoes: Shadows of Valentia, Intelligent System đã mang lại những làn gió mới, đủ sức khiến cộng đồng hâm mộ lại một lần nữa hâm nóng lên ngọn lửa nhiệt tình.
Vậy, Fire Emblem Echoes: Shadows of Valentia đã làm điều đó như thế nào?
Mời bạn đọc cùng Vietgame.asia tìm hiểu qua bài đánh giá sau đây.
BẠN SẼ THÍCH
Cốt truyện kinh điển, dễ tiếp thu
Cần biết một điều là thực tế Fire Emblem Echoes: Shadows of Valentia là phiên bản làm lại của Fire Emblem Gaiden – bản cuối cùng ra mắt trên hệ máy Famicom (NES) hồi năm 1992.
Do đó, phần cốt truyện cũng như nội dung chính không có nhiều thay đổi – tuy nhiên, thứ nhất do đây là một phiên bản quá cũ, chưa chắc đã có ai biết tới, và thứ nhì, là nó không có bản tiếng Anh chính thức (chỉ có bản vá của fan làm).
Vietgame.asia sẽ đánh giá Fire Emblem Echoes: Shadows of Valentia dựa trên tiêu chí của một tựa game mới hoàn toàn, và sẽ có nhiều so sánh với Awakening/Fates.
Cốt truyện của Fire Emblem Echoes: Shadows of Valentia nói về vùng đất Valentia, nơi có hai vị thần ngự trị là Duma và Mila. Họ vốn là hai anh em ruột, nhưng vì tư duy đối lập mà dẫn đến trận chiến ngàn năm tàn phá cả thế giới.
Người anh Duma cho rằng loài người chỉ nên được đối xử bằng roi vọt và những lời răn khắc nghiệt mới khá được, trong khi người em gái Mila lại cho rằng loài người xứng đáng được hưởng thụ mọi thú vui trên đời.
Sau ngàn năm chiến đấu bất phân thắng bại, cả hai người đã quá mệt mỏi và nhận thấy rằng cứ tiếp tục đánh nhau cũng chẳng giải quyết được gì. Vì vậy, hai anh em đã ngưng chiến và đặt ra một hiệp ước chia đôi thiên hạ: miền Bắc sẽ thuộc quyền cai trị sắt đá của Duma, và được đặt tên là vương quốc Rigel – trong khi miền Nam sẽ chịu sự lãnh đạo của Lima, và đặt tên là vương quốc Zofia.
Hòa bình trở lại trên lục địa Valenthia sau nhiều năm chiến loạn tang thương.
Thế nhưng, hòa bình giả tạo này không kéo dài vĩnh viễn, khi mà sau 1000 năm, tình hình trên lục địa Valentia lại trở nên càng lúc càng xấu đi. Zofia chìm đắm trong sự trụy lạc, hưởng thụ xa hoa, khiến con người ta bệ rạc, nhụt chí dần đi – trong khi Rigel vùng đất cằn cỗi khắc nghiệt đào tạo ra những chiến binh hùng mạnh, nhưng lại đánh mất đi cảm xúc và chỉ biết hành động một cách máy móc.
Một lần nữa, trận chiến khốc liệt lại bùng nổ khi Mila bỗng biến mất khỏi đền thờ của mình, khiến kết giới bảo vệ Zofia không còn nữa.
Cùng lúc đó, quốc vương Zofia bị chính tể tướng của mình ám sát đã khiến mọi việc càng thêm rối ren.
Fire Emblem Echoes: Shadows of Valentia là phiên bản làm lại của Fire Emblem Gaiden – bản cuối cùng ra mắt trên hệ máy Famicom (NES) hồi năm 1992
Trong tình thế nhiễu nhương đó, một trong những nhà quý tộc yêu nước, Sir Clive, đã thành lập nên một đội nghĩa quân kháng chiến, The Deliverance, với hy vọng có thể vãn hồi đại cuộc.
Và đây cũng là lúc mà cuộc hành trình của hai nhân vật chính, Alm và Celica bắt đầu.
Liệu họ có thể thay đổi được vận mệnh đen tối của Valentia hay không?
Liệu dự cảm bất tường về trận chiến một mất một còn giữa hai người thân như ruột thịt có thành sự thật hay không?
Câu trả lời nằm trong tay của người chơi và chờ được hé mở qua 6 chương cốt truyện dài của Fire Emblem Echoes: Shadows of Valentia.
Lối chơi tối giản, súc tích
Với ba phiên bản Fire Emblem trên hệ máy Nintendo 3DS, có thể tóm tắt đại khái như sau: Awakening mở đầu cho thời kỳ hoàng kim với nhiều cơ chế mới đặc sắc, Fates chấm dứt thời kỳ đó bằng cách lạm dụng thái quá những tính năng này – và Echoes tái sinh tất cả mọi thứ bằng cách mang lại những giá trị xưa cũ mà quý báu đến với người chơi.
Cụ thể, tính năng bắt cặp Pair Up vốn làm nên tên tuổi của Awakening/Fates nay đã không còn nữa. Mỗi đơn vị sẽ chỉ có thể tác chiến một cách độc lập, và nương tựa vào trận hình để phát huy tác dụng – chứ không còn cầu may vào các chỉ số Support để có người “đánh hôi”/đỡ đòn dùm nữa.
Pair Up có thể xem là một tính năng khá hay của Awakening, thế nhưng lợi ích mà nó mang lại sẽ khiến người chơi lạm dụng để trở thành một cuộc thi đua về chỉ số chứ không phải tính chiến thuật – điều này đi ngược lại với tôn chỉ của cả một dòng game.
Không biết là trong bản gốc Gaiden đã như vậy, hay do học tập từ Fire Emblem Heroes, mà trong Fire Emblem Echoes: Shadows of Valentia việc phân chia chỉ số Str và Mag đã được lược bỏ.
Tất cả bây giờ chỉ gói gọn trong một chỉ số Atk của nhân vật, và tùy vào vũ khí họ dùng mà sát thương sẽ trừ vào Def hoặc Res của mục tiêu.
Việc làm này sẽ loại bỏ sự “vô dụng” của một số nhân vật khi có chỉ số tấn công tương ứng bị “lệch pha” khi chuyển chức nghiệp như trong bản Fates mắc phải.
Một điểm thú vị mới, đó là Fire Emblem Echoes: Shadows of Valentia không còn cho nhân vật giới hạn 5 ô trang bị nữa. Giờ đây mỗi nhân vật ngoài món vũ khí chính chỉ có thể đem theo MỘT món đồ, có thể là trang bị phụ trợ hoặc các vật phẩm hồi máu.
Song song theo đó, giờ đây các trang bị sẽ có kỹ năng ẩn, và chỉ được kích hoạt khi nhân vật sử dụng trang bị đó nhiều lần. Chúng có thể là những kỹ năng nội tại tăng chỉ số, hoặc thậm chí là các Art chủ động với uy lực rất mạnh mẽ.
Cải tiến này mang Fire Emblem Echoes: Shadows of Valentia đến gần với khía cạnh nhập vai như Final Fantasy Tactics hơn.
Kế đến, là tính năng Promotion quen thuộc. Trái với những phiên bản truyền thống, khi cho nhân vật ở cấp 10 là có thể Promotion với một vật phẩm cụ thể (Master Seal) – với Fire Emblem Echoes: Shadows of Valentia thì tùy vào lớp nhân vật mà chúng sẽ có cấp Promotion khác nhau, ví dụ như với Knight là cấp 7 còn Mage là cấp 12.
Ngoài ra, tùy lớp nhân vật mà sẽ có số lần Promotion khác nhau nữa. Sau cùng, đó là việc Promotion trong Fire Emblem Echoes: Shadows of Valentia tương đối đơn giản khi không cần tiêu tốn vật phẩm nào cả, mà chỉ cần cầu nguyện trước tượng thần Mila khi đủ cấp độ là xong.
Echoes tái sinh tất cả mọi thứ bằng cách mang lại những giá trị xưa cũ mà quý báu đến với người chơi
Gói DLC duy nhất hiện nay cho phép các nhân vật đã đạt Promotion tối đa mở khóa lên thêm một phân cấp cao hơn nữa, mở rộng thêm trải nghiệm chơi.
Sau cùng, đó là phiên bản Fire Emblem Echoes: Shadows of Valentia có vẻ ưu ái rất nhiều cho những lớp nhân vật đánh xa như Pháp Sư và Cung Thủ.
Nếu các phiên bản trước Cung Thủ (Archer/ Sniper) chỉ có thể đánh xa tối đa hai ô (ba ô với Long Bow), thì hiện tại với những kỹ năng ẩn nội tại, việc Cung Thủ có thể xạ kích kẻ địch từ khoảng cách… năm ô là quá bình thường.
Chưa bàn đến việc khi bị đánh cận chiến, Cung Thủ vẫn có thể đánh trả thoải mái chứ không phải bó tay chịu chết như trước nữa (Fire Emblem Heroes – Takumi anh ơi!!!). Pháp Sư cũng tương tự khi có thể đánh xa đến ba ô, cùng việc có thể đánh lan nhờ vào các Art mạnh mẽ.
Đồ họa cải tiến đáng kể
Từ khi ra mắt trên hệ máy Wii cho đến nay, dòng game Fire Emblem đã bắt đầu đi theo chiều hướng 3D hóa (dàn trận 2D, thể hiện chiến đấu 3D). Đây là một tín hiệu đáng mừng bởi vì những pha giao phong trong Fire Emblem luôn là tâm điểm đáng xem, vì vậy làm càng hoành tráng càng tốt. Về điểm này thì cả Awakening lẫn Fates đều làm khá ổn thỏa, khi cả diễn hoạt chiến đấu lẫn các hiệu ứng đều rất được đầu tư, chăm chút.
Tuy nhiên, cả hai phiên bản nói trên đều mắc phải một nhược điểm khá lớn, đó là thiết kế nhân vật kiểu chibi 3.5 đầu với phần chân bị lược bỏ, nhìn như bị… cụt giò. Điểm này cũng làm game thủ mất cảm tình ít nhiều, khi độ “ngầu lòi” của nhân vật bị ảnh hưởng đáng kể.
Có vẻ như chính Nintendo và Intelligent System cũng nghiệm ra được chuyện đó qua các phản hồi của fan, cho nên với Fire Emblem Echoes: Shadows of Valentia thì mọi thứ lại đi theo một hướng khác hoàn toàn tích cực hơn.
Tất cả nhân vật trong Fire Emblem Echoes: Shadows of Valentia đều được thiết kế với mô hình 3D tỉ lệ chuẩn, dẫn đến việc những pha chiến đấu trong game trở nên kịch tính và dồn dập hơn rất nhiều.
Được như vậy, cũng không thể bỏ qua công sức rất lớn nằm trong khâu diễn hoạt rất mượt mà và đậm chất điện ảnh của đội ngũ thiết kế. Những bộ giáp trụ sáng loáng, những đòn công thủ gãy gọn, những hiệu ứng phép thuật dữ dội, những động tác ăn mừng chiến thắng đậm chất “ngầu lòi” đã được thể hiện rất tuyệt vời với những mô hình 3D hoàn chỉnh.
Có hai tính năng đặc biệt trong Fire Emblem Echoes: Shadows of Valentia được tôn vinh nhờ vào mảng đồ họa – thứ nhất là giai đoạn dẫn truyện. Lúc này bố trí giao diện sẽ biến thành một bản đồ với các điểm quan trọng, và nhân vật có thể di chuyển giữa các điểm này để nói chuyện với các NPC, hoặc chuyển sang chế độ tìm kiếm như dạng game Hidden Object để thu nhặt các trang bị/đồ vật rải rác khắp nơi.
Bổ sung này tạo nên những khoảng lặng cần thiết để tiếp nối cốt truyện, nhưng lại không khiến người chơi bị phân tâm như tính năng xây thành của phiên bản Fates.
Thứ hai, là tính năng thám hiểm rất đặc thù. Trong chế độ này, người chơi sẽ điều khiển nhân vật với góc nhìn người thứ ba (tương tự như Monster Hunter hoặc The Witcher).
Nhân vật có thể di chuyển trong một môi trường hoàn toàn 3D, bao gồm các mê cung và phòng ốc. Kẻ địch sẽ hiển thị trên bản đồ và người chơi có thể chủ động tấn công chúng để mở trận đấu – lúc này giao diện sẽ trở về dạng dàn trận cổ điển, và kẻ địch sẽ bị mất một chút máu, tạo lợi thế cho người chơi.
Cần nói thêm là phong cách vẽ artwork 2D của Fire Emblem Echoes: Shadows of Valentia cũng thay đổi hoàn toàn, khi mà những họa sĩ chịu trách nhiệm vẽ Awakening và Fates không còn tham gia dự án này nữa.
Thay vào đó, họa sĩ mới chịu trách nhiệm cho Fire Emblem Echoes: Shadows of Valentia chính là Hidari – người nổi tiếng với những tác phẩm tuyệt vời trong các tựa game Toukiden và Atelier đình đám.
Có hai tính năng đặc biệt trong Fire Emblem Echoes: Shadows of Valentia được tôn vinh nhờ vào mảng đồ họa