Forspoken – Tựa game “bom tấn” mới nhất tới từ nhà phát triển Square Enix vô cùng “tiếng tăm” trong cộng đồng game thủ, đồng thời cũng là tiếng trống đánh vang sự trở lại của Luminious Engine khét tiếng sau Final Fantasy 15.
Forspoken cũng thuộc chuỗi các game được “deal” (thỏa thuận) độc quyền cho hệ máy console PlayStation 5, phát hành song song bản PC.
Gánh vác trách nhiệm nặng nề mang tới một trải nghiệm “next-gen” độc nhất, với cái giá 70 Mỹ kim phấp phới.
Vậy liệu rằng sau khoảng thời gian cố gắng quảng bá dày đặc của Square Enix thì Forspoken thật sự mang tới những gì?
Mời bạn đọc đến với bài đánh giá sau của Vietgame.asia để tìm hiểu nhé!
BẠN SẼ GHÉT
NỘI DUNG “THÙNG RỖNG KÊU TO”!
Sau những lời quảng bá nào là sở hữu một nền tảng cốt truyện sâu sắc, một miền đất hứa đẹp đẽ đáng để khám phá thì cuối cùng… quảng cáo vẫn chỉ là quảng cáo!
Câu chuyện chính của Forspoken kể về một cô nàng mồ côi tên Frey, trải qua nhiều biến cố cuộc sống thì vô tình một ngày nọ định mệnh đẩy đưa cô gặp được một cái vòng tay kỳ quái và hút cô sang thế giới bí ẩn đầy chết chóc mang tên Athia. Cuộc hành trình tìm kiếm câu trả lời cho bản thân cũng như con đường trở về nhà của Frey bắt đầu từ đây.
Với bản tính tò mò tìm hiểu sâu về nội dung như mọi khi, người viết rất bất ngờ khi biết được đội ngũ biên kịch của Forspoken có sự tham gia của khá nhiều thành viên “gạo cội” trong giới game-phim như Gary Whitta (đồng biên kịch của phim điện ảnh “bom tấn” Rogue One: A Star Wars Story), hay Amy Hennig (đạo diễn trứ danh của dòng game Uncharted) và nhiều vị đạo diễn có tiếng khác.
Nhưng dù có “quân đoàn hùng hậu” như vậy, thực chất câu chuyện của Forspoken không mới mẻ và phong cách dẫn truyện của 2/3 thời lượng game không đủ sức hấp dẫn lôi cuốn, các đoạn cắt cảnh thực hiện chắp vá và thiếu mạch lạc, chỉn chu.
Chỉ đúng tầm ba chương cuối thì Forspoken mới thật sự khởi sắc do cú “xoay xe” khá tốt và cũng có cái gọi là cảm xúc đong đầy, nhưng chẳng phải điều đó là quá trễ để tạo sự ấn tượng cho người chơi hay sao?
Người viết tiếc nhất chính là việc xây dựng nhân vật chính Frey thật sự đã có thể ổn áp hơn! Nhưng do đội ngũ biên kịch không xử lý hội thoại tốt, lẫn các phân đoạn lột tả cảm xúc cứ vội vã, gấp rút không điểm nhấn, đã khiến cô nàng trở nên nhạt nhòa trong Forspoken.
Toàn bộ các nhân vật phụ khác hiển nhiên cũng “tua nhanh” chóng vánh, dường như người viết không còn nhớ nổi một ai nhờ các nhiệm vụ phụ ít ỏi và buồn chán.
câu chuyện của Forspoken không mới mẻ và phong cách dẫn truyện của 2/3 thời lượng game không đủ sức hấp dẫn lôi cuốn, các đoạn cắt cảnh thực hiện chắp vá và thiếu mạch lạc, chỉn chu
THẾ GIỚI MỞ “VÔ HỒN”
Bàn về độ “mở” của thế giới Forspoken, hầu như các tuyến nhiệm vụ phụ với chất lượng đầy “chán và chê” chỉ… diễn ra trong thành phố! Cho nên khi bước chân ra ngoài thế giới, người chơi chẳng thể nào tìm được bất kỳ sự bất ngờ nào mà các game như The Witcher 3 hay Horizon Forbidden West đã thực hiện rất tốt!
Chính vì chỉ giới hạn tuyến nhiệm vụ phụ chỉ diễn ra trong khu vực kể trên, việc làm còn lại của người chơi khi vi vu ở thế giới mở của Forspoken chỉ còn lại ở các hoạt động như: đánh quái trong thời gian nhất định để đạt điểm cao nhất, chạy đua parkour kèm… đánh quái trong thời gian ngắn nhất, hoặc tiếp tục tìm các khu vực cũng chỉ để… đánh số lượng quái theo yêu cầu để mở thùng đồ, hoặc vui hơn là… săn các loài biến thể nguy hiểm để nhận được các vật liệu hiếm.
Song song trên bản đồ rộng lớn của Forspoken, người chơi sẽ truy tìm các món đồ bí ẩn để mở khóa các “móng tay”, áo khoác. Để làm “mới hơn” thì còn có các cột giúp ta mở những địa điểm ẩn xung quanh, tương tự kiểu chơi tìm các tòa tháp để mở bản đồ như trong Assassin’s Creed, Far Cry!
“Mới hơn nữa” là các khu vực hầm ngục để sau đó tiếp tục… được thưởng áo khoác và vòng cổ xịn hiếm, và hiển nhiên, cách thiết kế các màn chơi của chúng na ná nhau, chỉ khác màu…
Các rương báu xịn thường đi kèm thử thách là đánh hạ hàng loạt các quái xuất hiện, có cái đi kèm giải đố, và độ khó của chúng cao lắm là… 20 giây để hoàn thành. Người chơi không cần bỏ quá nhiều chất xám, thậm chí đôi lúc dễ tới lạ mà ngay cả chính Frey lại bảo “Ui cha khó quá, mất cả ngày!”, không rõ là có ngụ ý “mỉa mai” hay không?! Tính ra, chúng thua xa cả vụ ghép sao trong Dragon Age: Inquisition năm nào nữa!
Nếu chúng ta phóng góc nhìn rộng ra, việc xuất hiện các hoạt động dưới dạng “mini game” trong một bối cảnh chết chóc không phù hợp! Chẳng hạn ở Saints Row phiên bản “reboot” hay Horizon Forbidden West, các hoạt động “mini game” tồn tại là do có các giải đấu và bảng xếp hạng, nó phù hợp ngữ cảnh!
Nhưng hãy tưởng tượng, nếu bối cảnh như Elden Ring hay God of War Ragnarok, bạn đang căng thẳng trong việc dò dẫm, tìm hiểu thế giới, cẩn trọng trong việc tẩn từng con quái vật thì bỗng dưng kiểu chơi sẽ là… đánh hạ 100 con trong 10 giây, vượt đoạn đường nhanh nhất có thể, v.v. Nó phá toạc đi cái khái niệm mà game đề ra, kiểu như “lý thuyết một đường, thực hành một nẻo” vậy!
Một tựa game “đẹp” không chỉ dừng lại ở việc trình làng các cảnh đẹp rừng rú, công trình nguy nga tráng lệ thông qua nền tảng công nghệ đình đám, mà chủ yếu nằm ở nghệ thuật “kể truyện trong bối cảnh” để lưu lại ấn tượng về thị giác và cảm giác trong ánh mắt người chơi, khi chỉ cần nhìn vào một khung cảnh là hiểu được ẩn ý mà game muốn truyền tải, đơn cử như các game Mario + Rabbids Sparks of Hope hay Xenoblade Chronicles 3 vừa qua đã thực hiện rất tốt!
Tiếc rằng Forspoken không thể làm điều đó khi các khu vực tàn tích, các kiến trúc nhà cửa đều tạo cảm giác “lặp đi, lặp lại” từ đầu tới cuối một cách vô hồn. Nếu có khác, chắc là khu vực để đấu các lãnh chúa, nhưng chúng được dàn dựng sơ sài vì chúng ta chỉ được diện kiến một chút rồi vào đấu luôn!
Nói lại một chút về khía cạnh tối ưu, dù bạn đang chơi trên hệ máy nào thì Forspoken cũng không thật sự được tối ưu tốt. Vốn dĩ engine Luminious này đã “tai tiếng” từ thời Final Fantasy 15 trên hệ console, ít ra lúc đó có thể “bao biện” vì cấu hình yếu của hệ console lúc đó để đổ lỗi.
Bàn về độ “mở” của thế giới Forspoken, hầu như các tuyến nhiệm vụ phụ với chất lượng đầy “chán và chê” chỉ… diễn ra trong thành phố!
Thế nhưng những tưởng sau ngần ấy năm mọi thứ đã ổn thì rất tiếc mọi thứ vẫn vậy! Người viết trải nghiệm Forspoken trên PS5, chơi ở chế độ “Performance mode” tạm ổn nhưng khi rơi vào các khung cảnh đặc sệt hiệu ứng trên chiến trường thì hiện tượng “lồi lõm” fps (khung hình trên giây) là việc “diễn ra như cơm bữa” của game.
Còn ở các mức độ đồ họa khác trừ phi TV của bạn hỗ trợ VRR bật lên chơi cho “thoải mái con mắt” được chút, chứ nếu không có thì tốt nhất nên chơi ở Performance mode (kể trên) là “tạm ổn” nhất.
Và về khía cạnh công nghệ tương tác hay hiệu ứng thì Forspoken không đã và đẹp như Horizon: Forbidden West, hay hiệu ứng lòe loẹt khi tung chưởng cũng thua xa độ hoành tráng điện giựt của Miles trong Spider-Man: Miles Morales.
Vậy nên đồ họa của Forspoken cũng không thật sự để lại ấn tượng tốt mấy trong ánh mắt người viết, từ chỉ đạo nghệ thuật cho tới tối ưu hóa.
BẠN SẼ THÍCH
HỆ THỐNG CHIẾN ĐẤU KẾT HỢP PARKOUR CÓ CHIỀU SÂU!
Nếu hỏi đâu là điểm “tương đối sáng” của Forspoken thì ắt hẳn nó nằm ở mảng chiến đấu bằng phép thuật hoành tráng và nhộn nhịp!
Không phủ nhận khi chưa quen với hệ thống điều khiển thì người viết khá khó chịu và tương đối “vật lộn”. Nhưng khi dần hiểu nhịp độ và cách thức triển khai thì lúc này Forspoken dần tạo nên độ “nghiện” trong việc gây tò mò kết hợp đòn đánh.
Nhân vật chính của chúng ta có hai dạng đánh: đánh chính và hỗ trợ. Các thuộc tính phép thuật mới cùng các pha kết thúc (finish move) sẽ được “mở khóa” dần khi người chơi chiến thắng và tận diệt các thủ lĩnh theo tuyến truyện.
Các thủ lĩnh đó cũng sở hữu các loại “parkour” di chuyển trong màn khác nhau. Bên cạnh trình làng khả năng di chuyển bá đạo trong màn chơi na ná như Delsin trong inFamous: Second Son, thì các chuyển động của chúng cũng ảnh hưởng tới việc Frey “ra dẻ” khi triển đòn.
Tuy nhiên, các loại đối thủ trong Forspoken cũng có các nhược và ưu khác nhau. Vì vậy việc liên tục để ý và ra đúng các loại đòn phù hợp sẽ “dễ thở” hơn cho người chơi, thay vì sử dụng vô tội vạ và rước họa vào thân!
Để từng đòn đánh trở nên uy lực và hữu dụng hơn, người chơi phải thực hiện các thử thách thông qua các tủ sách trong nhà nghỉ, mỗi kỹ năng đều có các nhiệm vụ “cày cối” khác. Theo cá nhân người viết, các nâng cấp này hoàn toàn xứng đáng thời gian bỏ ra vì chúng không chỉ giảm thiểu khả năng tiêu hao “stamina” (thể lực), mà một trong số chúng còn có khả năng “đẻ” thêm hiệu ứng tăng năng lực.
Việc nâng cấp các chỉ số của từng món đồ trang bị đi theo cũng là điều nên làm nếu bạn chơi ở cấp độ “normal” (bình thường) trở lên, do các quái và trùm đều dai máu và có kỹ năng khắc chế Frey.
Các trang bị bao gồm… móng tay phù phép, các loại vòng cổ tới áo choàng. Ban đầu chúng sẽ có chỉ số khác nhau, nhưng về sau hoàn toàn có thể được nâng cấp để mạnh ngang đều. Vì vậy, các món đồ này vô hình chung trở thành “vật phẩm trang trí” chứ không quyết định cái nào mạnh hơn cái nào! Điều này cũng loại bỏ được gánh nặng trong việc lựa đồ thời trang cho nhân vật chính.
Nếu ở phần nhìn Forspoken chưa đủ chất lượng để kể truyện, thì ở phần âm, thật may khi đội ngũ vẫn còn giữ được bản sắc của Square Enix. Các trận đấu trở nên vô cùng “hăng”, phần rất lớn nhờ vào các bản nhạc “chiến” và đã tai!
Các bản nhạc khác khi ở trong thành hoặc ngoại cảnh đều để lại ấn tượng khá tốt, kèm với đó là hiệu ứng âm thanh “ngon lành” khi thi triển hiệu ứng hoặc âm thanh mô tả môi trường xung quanh đều được trau chuốt kỹ lưỡng!
Phần khá ổn tiếp theo cũng nên được nhắc tới, tuy rằng các hoạt động lặp đi lặp lại và không phù hợp lắm tới bối cảnh. Nhưng chúng không ôm đồm quá nhiều như các game từ Ubisoft và thời lượng hoàn thành cũng không kéo dài. Vì vậy, đâu đó bạn vẫn sẽ tìm được sự giải trí nhất định khi trải nghiệm Forspoken.
Nếu hỏi đâu là điểm “tương đối sáng” của Forspoken thì ắt hẳn nó nằm ở mảng chiến đấu bằng phép thuật hoành tráng và nhộn nhịp!