Skip to content

GameBoy – Ba mươi năm, một tượng đài của Nintendo

GameBoy

GameBoy là một cái tên khá xa lạ với nhiều game thủ trẻ, thế nhưng với những game thủ thuộc thế hệ 8x hay đầu 9x thì đây là một “niềm mơ ước” khi có thể mang theo bên mình các trò chơi ưa thích

Thế nhưng ở những năm 90 của thế kỷ trước, để sở hữu được một chiếc GameBoy cũng là chuyện khó khăn không tưởng.

Cho dù bạn là một game thủ rủng rỉnh hầu bao thì cũng chưa chắc có thể mua được một chiếc vì máy chỉ xuất hiện lác đác, ít ỏi qua con đường xách tay, hay ở một số “nguồn” đặc biệt mà chỉ có các game thủ “gộc” mới biết rõ.

Tìm mua máy đã khó, tìm được băng vừa ý còn khó hơn “lên trời”, nhất là khi người dùng không có mạng hay thông tin thuận tiện như ngày nay, thiếu thốn cả thông tin về các trò chơi được ra mắt.

Gần như rất nhiều người chỉ biết đến các game này sau khi đã ra mắt một thời gian dài, được “xào nấu” nhiều lần, và thậm chí đến khi xuất hiện cả các “băng lậu” thì game thủ mới có dịp trải nghiệm những game “đình đám” trên thế giới.

Khó khăn là vậy, thế nhưng sức hút của GameBoy vẫn không nhỏ đối với các game thủ “sơ khai”, những người mê game, yêu game đích thực.

Có thể thấy Nintendo đã tạo ra một sản phẩm đặc biệt, tạo được sức hút mạnh mẽ, và thậm chí trở thành chuẩn mực cho các thế hệ máy chơi game cầm tay về sau mà ngay cả đến game thủ ở một đất nước vừa mở cửa, kém hòa nhập như Việt Nam vào những năm thập niên 90 cũng phải “ao ước”.

Trong suốt thời kỳ đó, không phải không có những đối thủ mạnh mẽ khác, tung ra những hệ thống chơi game cầm tay thậm chí còn siêu việt hơn GameBoy về tính năng, thế nhưng sản phẩm của Nintendo vẫn “sừng sững” như một tượng đài và trở thành một biểu tượng khó xóa nhòa trong suốt 30 năm tồn tại của mình.

Điều gì thực sự làm nên một GameBoy “huyền thoại” như vậy? Hãy cùng Vietgame.asia tìm hiểu các bạn nhé!


1. MỘT THIẾT KẾ VỪA PHẢI

GameBoy là một bước tiến quan trọng trong thế giới game di động, thế nhưng nó không phải là máy chơi game cầm tay đầu tiên, càng không phải là máy chơi game tốt nhất ở thời điểm đó.

Một trong những đối thủ nặng ký nhất của Nintendo chính là sản phẩm đến từ một nhà sản xuất vô cùng tên tuổi đến từ nước Pháp, Atari.

Mặc dù ra mắt sau GameBoy vài tháng, thế nhưng Atari Lynx lại sở hữu một cấu hình vượt trội hơn nhiều.

Thiết bị sở hữu một màn LCD đa sắc với đèn nền chiếu sau, một điều rất quen thuộc với người dùng công nghệ hiện nay, nhưng lại là một điều xa xỉ vào năm 1989.

Thêm vào đó, Atari Lynx còn sở hữu cả một bộ loa cỡ lớn, một bộ vi xử lý mạnh và lượng RAM rộng rãi đủ sức cho người dùng chơi các game hình chiếu 3D (hay còn gọi là 2.5D theo cách gọi “dân dã”) mà GameBoy phải “hít khói” chạy dài.

Mặc dù chỉ sở hữu phần cứng ở mức trung bình cùng màn hình LCD đơn sắc và không có đèn nền, thế nhưng tất cả những yếu tố cấu thành nên chiếc máy chơi game huyền thoại này lại khá vừa vặn.

Trước hết, kích thước của sản phẩm khá gọn gàng, đủ để người chơi có thể đút túi và mang đi bất kỳ nơi đâu trong khi Atari Lynx và nhiều hệ máy chơi game cầm tay cùng thời kỳ có kích thước khá lớn, chỉ có thể cho vào ba lô mang đi mà thôi, khá bất tiện để có thể “cầm tay” và chơi game ở bất kỳ nơi nào.

Cũng chính nhờ một cấu hình trung bình mà GameBoy tỏ ra rất “trâu” khi có thể sử dụng từ 10 đến 15 giờ đồng hồ chỉ với bốn cục pin AA trong khi đó Atari Lynx với cấu hình mạnh mẽ và màn hình chất lượng cao chỉ có thể “trụ” được hơn 3 giờ rưỡi với 6 pin AA.

Thậm chí là các hệ máy sau này như Genesis Nomad của Sega cũng phải dùng đến 6 pin AA với chỉ hơn 2 giờ sử dụng.

Kết quả là rất nhiều người phải vừa chơi, vừa cắm sạc các hệ máy này, làm mất đi hoàn toàn ý nghĩa di động của hệ máy

Nên nhớ rằng các cục sạc tiêu chuẩn cho pin AA thường chỉ hỗ trợ sạc cùng lúc 4 pin, thế nên việc sạc và thay pin cho GameBoy cũng đơn giản và thuận tiện hơn rất nhiều so với các thiết bị khác.

Thêm vào đó, cũng nhờ vào thiết kế vừa phải mà các hệ máy của Nintendo đều có mức giá khá mềm. Chẳng hạn như GameBoy nguyên bản có mức giá chỉ xấp xỉ 90USD, trong khi phiên bản nâng cấp với màn hình màu GameBoy Color thậm chí còn rẻ hơn, chỉ với 70USD

Trong khi các đối thủ khác đều có mức giá cao “ngất ngưỡng”, ít nhất như Atari Lynx cũng có giá đến 130USD, hay Game Gear của Sega có mức giá đến 150USD ở cùng thời kỳ

Chiến lược này vẫn được Nintendo giữ nguyên đến tận thời hiện đại với các sản phẩm không bao giờ dẫn đầu về công nghệ nhưng vẫn rất vừa vặn, phù hợp với nhu cầu của phần đông game thủ.


2. “BỘ SƯU TẬP GAME” ĐỒ SỘ

GameBoy được phát triển kế thừa những nền tảng console trước đó của Nintendo vốn cũng vô cùng thành công, thế nên không lấy gì làm lạ khi hãng có được mối quan hệ tốt với nhiều studio danh tiếng

Đó cũng là thời kỳ mà hãng “làm mưa làm gió” trên nền console với các hệ máy NES, hay sau này là SNES, với một bộ sưu tập game hùng hậu chưa từng có.

Thậm chí có rất nhiều game cũ đã nổi đình nổi đám trước đó, chỉ cần chỉnh sửa lại nhẹ nhàng đã có thể hoạt động tốt trên nền thế hệ máy chơi game cầm tay này.

Có thể kể đến những cái tên quen thuộc như Battle City (game bắn xe tăng), Galaga (game “bắn ruồi”) đều là những tên tuổi đã “nhẵn mặt” game thủ trên nền máy NES.

“Bộ sưu tập” cây nhà lá vườn cũng là một lý do thu hút người chơi đến với GameBoy như Mario Bros., Donkey Kong, Zelda và một loạt những “hậu bản” của các nhân vật đáng yêu đến từ chính studio chuyên thiết kế game của Nintendo

Megaman – một trong những tựa game hot của Capcom dành cho GameBoy

Không thể phủ nhận được rằng cho đến thời điểm hiện tại, không ít game thủ mua các hệ máy của hãng này như 3DS hay Nintendo Switch sau này cũng chỉ nhằm vào các game độc quyền của hãng với phong cách rất riêng biệt.

Ngoài ra, mối quan hệ thân thiết giữa hãng và các studio game, cũng góp phần “kéo về” không ít các sản phẩm chất lượng đến từ những studio danh tiếng.

Chắc chắn bạn không thể bỏ qua dòng sản phẩm Megaman lừng danh của Capcom, hay dòng game Final Fantasy của Squaresoft, tiền thân của Square Enix sau này.

Trong khi đó, các sản phẩm đến từ các hãng khác mặc dù được “hậu thuẫn” từ các ông trùm của ngành công nghiệp game thời bấy giờ như Atari hay Sega lại chịu cảnh “đói game” với không nhiều những tựa game hấp dẫn

Có máy mà không có game hay độc quyền, những hệ máy này dù rất nổi tiếng ở thời gian đầu ra mắt, nhưng dần dần trở nên “đuối sức” ở giai đoạn sau trong khi GameBoy vẫn phát triển đều đặn.

Kết quả là hệ máy này có đến hơn 1000 tựa game được ra mắt trong thế hệ đầu tiên, chưa kể đến gần 1300 tựa game dành cho hai hệ máy nối tiếp là GameBoy ColorGameBoy Advance.


3. SỰ PHÁT TRIỂN “THẦN KỲ” CỦA CÁC TỰA GAME MỚI

Tại Việt Nam và nhiều nơi trên thế giới, khi nhắc tới GameBoy, chắc chắn rất nhiều game thủ đều nghĩ tới dòng game Pokemon với khá nhiều phiên bản khác nhau

Ra mắt lần đầu vào năm 1995, Pokemon có thể xem như một dòng game khá mới mẻ trên một sản phẩm có phần “có tuổi” như GameBoy.

Thế nhưng nhờ vào một cốt chuyện chặt chẽ và lối chơi đầy lôi cuốn, các phiên bản Pokemon đã đem đến một thế giới huyền ảo muôn màu

Thậm chí Nintendo còn “vắt sữa” tựa game này với hàng chục phiên bản khác nhau với một ít khác biệt nhỏ, nhưng vẫn tạo nên “cơn sốt” hàng đầu trên thế giới.

Đây cũng là tựa game đầu tiên chứng kiến sự bùng nổ của phong trào “chơi mạng” của GameBoy thông qua thiết bị Game Link Cable.

Mặc dù tính năng “chơi mạng” đã có từ lâu, thế nhưng chỉ thật sự “tỏa sáng” với dòng game Pokemon khi người chơi có thể chia sẻ quái vật, hay cùng nhau đánh quái, luyện level.

Thậm chí đến tận 10 năm sau ngày ra mắt, GameBoy nguyên bản vẫn đón nhận một game mới ra mắt dù cho các hệ máy kế thừa đã được tung ra thị trường, một điều không tưởng trong thế giới các hệ máy biến đổi từng ngày

Tựa game đó chính là Pokemon Yellow: Special Pikachu Edition được Nintendo cho ra mắt vào tháng 10 năm 1999 như một món quà cho các fan trung thành và để kết thúc “vòng đời” của hệ máy.

Một sản phẩm khác cũng “đình đám” không kém nổi lên vào những năm cuối vòng đời của GameBoy truyền thống chính là Harvest Moon, hay còn có tên gọi khác là Story of Seasons.

Đây là một dòng game được phát triển đầu tiên trên hệ máy SNES, nhưng sau đó “nở rộ” trên các hệ máy GameBoy và các sản phẩm “kế thừa” của nó như GameBoy Color, GameBoy Advance hay sau này là Nintendo DS, hay thậm chí hệ máy chơi game cầm tay 3DS. Hiện game vẫn đang được duy trì và sắp tung ra phiên bản mới với nhân vật chính là nhóm bạn Doraemon quen thuộc với nhiều độc giả Việt Nam.

Với lối chơi giả lập, mô phỏng cuộc sống nông trại đơn giản nhưng cũng đầy ngộ nghĩnh, dòng game Harvest Moon đã thu hút được một lượng đông đảo game thủ đến với các hệ máy của Nintendo nói chung và GameBoy nói riêng.

Có thể nói Nintendo đã rất “mát tay” khi tìm kiếm và đem đến cho game thủ những “dòng máu mới” chứ không đơn thuần “ăn” vào di sản của các hệ máy console cũ kỹ. Nhờ đó mà game thủ luôn giữ được “lửa” cũng như kéo dài được sự gắn bó của mình với hệ máy. Điều này góp phần không nhỏ cho sự thành công “dài hơi” của GameBoy qua từng thế hệ máy.


4. MỘT GAMEBOY RẤT… “GAMEGIRL”

Mặc dù có tên gọi GameBoy, thế nhưng điều đáng ngạc nhiên là một phần không nhỏ trong số những người chơi trung thành với hệ máy này lại là phái nữ.

Trong một cuộc khảo sát được Nintendo tiến hành tỉ mỉ vào năm 1995 thì có đến 46% người chơi hệ máy này là các nữ game thủ, tăng vọt so với mức chỉ 29% trên hệ máy NES.

Nếu nhìn lại lịch sử ngành game hiện đại, hầu hết các “ông lớn” trong lĩnh vực này đều cố gắng tung ra các sản phẩm chiều lòng game thủ chuyên nghiệp, các “hardcore gamers” với phần đông là các nam game thủ, những người sẵn sàng chi nhiều tiền cho các tựa game yêu thích.

Chiến lược phát triển của Nintendo lại khá khác biệt, họ tập trung đầu tư vào những game đơn giản, trung tính, phù hợp cho mọi người cùng chơi ở nhiều độ tuổi khác nhau, thậm chí là còn cố ý “lăng xê” các tựa game chỉ dành cho nữ game thủ.

Cá biệt có thể thấy hãng đã cố gắng thúc đẩy dòng game “ăn theo” sản phẩm đồ chơi dành cho bé gái cực kỳ nổi tiếng là búp bê Barbie với tựa game Barbie: Game Girl được phát hành cho thế hệ GameBoy đầu tiên vào năm 1992.

Dòng game về cô nàng búp bê Barbie này đã gây được một cơn sốt không nhỏ cho các bé gái và các game thủ nữ. Trò chơi “hot” đến độ gần như sau đó năm nào hãng cũng phối hợp tung ra vài phiên bản cho cả các hệ máy nối tiếp sau đó như GameBoy CorlorGameBoy Advance.

Thậm chí với cả các trò chơi mang hơi hướm bạo lực với các pha hành động bắn súng mang màu sắc viễn tưởng như dòng game Metroid cũng có nhân vật chính là một… nữ chiến binh thay vì các “anh hùng cơ bắp” như các game cùng thời.

Không dừng lại ở đó, Nintendo thậm chí còn ra mắt một số mẫu máy GameBoy với thiết kế bề ngoài bắt mắt chuyên dành cho cánh “chị em” như màu hồng hay màu … xanh chuối.

Công thức này được hãng duy trì liên tục không chỉ với GameBoy mà còn với cả các thế hệ máy game kế tiếp, nhờ đó, Nintendo luôn duy trì được một cộng đồng nữ game thủ đông đảo qua từng năm

Mặc dù cũng có khá nhiều hãng sản xuất thiết bị chơi game khác, chẳng hạn như SONY với sản phẩm SONY PlayStation Portable cũng cố gắng “học theo”, thế nhưng vẫn thiếu đi sự phối hợp nhịp nhàng giữa các tựa game dành cho game thủ và thiết kế máy phù hợp cho cộng đồng người chơi độc đáo này.


5. TETRIS, TETRIS VÀ TETRIS

Thật khó hình dung số phận của GameBoy sẽ ra sao nếu không được bán kèm theo Tetris, và ngược lại, chính hệ máy này đã làm nên tên tuổi của tựa game ăn khách hàng đầu lịch sử nhân loại với trên 500 triệu bản được bán ra thị trường, trong đó có đến 70 triệu bản phát hành cho các hệ máy GameBoy của Nintendo.

Tất cả bắt nguồn từ một ý tưởng có phần điên rồ của Hiroshi Yamauchi, chủ tịch của Nintendo vào thời điểm hệ máy này ra mắt khi loại bỏ Mario Bros. ra khỏi danh sách sản phẩm bán kèm theo GameBoy để thay bằng tựa game “xếp gạch” còn mới toanh toe này.

Ở thời điểm bấy giờ, Tetris là một trò chơi non trẻ, được nhà toán học Alexey Pajitnov phát triển tại Viện toán học Liên Xô vào năm 1984 và với bối cảnh khủng hoảng kinh tế của những năm cuối thời kỳ Xô Viết, trò chơi bắt đầu được thương mại hóa và “chật vật” tìm đường ra khỏi phạm vi Moskva trong những năm tiếp đó

Mặc dù được chuyển mã sang cho các hệ máy của IBM và MS. DOS vào năm 1988, nhưng sự đắt đỏ của các máy tính thời kỳ này ngăn cản sự phổ biến của trò chơi

Theo bài phỏng vấn từ tạp chí Nintendo Life, tất cả công lao đưa trò chơi “bén duyên” với GameBoy đến từ Henk Rogers, một thương nhân công nghệ nhìn ra được tiềm năng to lớn của trò chơi này.

Ông tìm đến Minoru Arakawa, chủ tịch Nintendo tại Mỹ và cũng là con rể của cụ Yamauchi để thuyết phục công ty Nhật Bản tích hợp trò chơi của mình vào thế hệ máy chơi game cầm tay của mình với một lý do đơn giản.

“Nếu anh muốn chỉ những đứa bé mua GameBoy thì cứ tích hợp trò chơi Mario của các anh vào máy, còn nếu anh muốn mọi người, bất kể già, trẻ, lớn, bé, bất kể nam hay nữ đều chơi GameBoy thì hãy tích hợp Teris”

Chủ tịch Arakawa sau đó đã thành công thuyết phục cụ Yamauchi và để rồi ngay sau đó, cụ đã phải bay sang Mỹ để gặp Henk Rogers và nhà thiết kế game Alexey Pajitnov để ký kết một hợp đồng lịch sử đưa Tetris trở thành trò chơi được hoan nghênh nhất mọi thời đại.

Với lối chơi đơn giản nhưng không kém phần cân não, Tentris (hay “xếp gạch”) đã góp phần thúc đẩy mãnh liệt doanh số của GameBoy ngay từ những ngày đầu ra mắt, đem tên tuổi cả hai xích lại gần nhau và trở thành một trong những “đôi bạn cùng tiến” điển hình trong làng game thế giới.

Trò chơi tạo thành một hiện tượng mạnh mẽ trong làng game thế giới, thậm chí khi nhắc đến GameBoy, nhiều người nghĩ ngay đến trò chơi xếp gạch Tetris và ngược lại.

Thậm chí một số hãng đến từ Trung Quốc đã “ăn theo” hiện tượng Tetris và GameBoy để tạo ra các “máy game xếp gạch” (hay còn được biết với tên gọi Brick Game), đây là loại máy trò chơi đơn giản chỉ sở hữu duy nhất một game Tetris mà thôi và về sau mới được phát triển thêm một vài trò chơi khác nhưng vẫn không nổi tiếng bằng “xếp gạch”.

Chắc chắn là với không ít thế hệ 8x và 9x trước đây đều không xa lạ gì với chiếc máy chơi game xếp gạch này bởi giá bán khá mềm, màu sắc vui tươi, bắt mắt và dễ mua hơn rất nhiều so với những máy chơi game “thứ thiệt” có giá tiền đắt đỏ thời bấy giờ.

Người viết thậm chí còn nhớ một vài nơi cho thuê máy game “hàng nhái” loại này chỉ với 500đ cho mỗi giờ chơi ở những năm đầu thập niên 90, điều đó cho thấy sự phát triển mạnh mẽ của Tetris khi vượt ra khỏi “biên giới” của GameBoy để đến với nhiều game thủ hơn nữa.

Tóm lại, với 5 yếu tố kể trên, Nintendo đã biến GameBoy thành một phép lạ, một tượng đài sừng sững trong thế giới máy chơi game cầm tay trong suốt 30 năm qua và thậm chí, rất khó có một hệ máy chơi game cầm tay nào có thể vượt qua sản phẩm của hãng trong suốt một thời gian dài sau đó.

Mặc dù các hệ máy GameBoy đã được “khai tử” vào cuối năm 2010, thế nhưng những “di sản” mà chúng để lại vẫn rất khó có thể xóa nhòa trong làng game và trong các cộng đồng game thủ.

Tác giả