GeForce RTX 30 Series – Cũng đã hai năm kể từ lúc NVIDIA mang tới một dòng GPU mang kiến trúc mới cho người dùng.
Ra mắt năm 2018, và cho tới hiện tại, Turing đã “gom góp” được một phần rất lớn thị trường GPU, nhưng có lẽ với đội Xanh, họ mong muốn thành công hơn thế.
Turing “khô máu” được trong trận so găng với “đội Đỏ” (AMD) chính là nhờ tính năng Ray Tracing (dò tia), mà như các bạn biết đó, số game sử dụng được Ray Tracing hiện tại vẫn đến được trên đầu ngon tay.
Chưa kể việc hiệu năng chơi game sẽ giảm thậm tệ, thậm chí tình hình này nghiêm trọng đến nỗi nếu ở các game thông thường, các card đồ hoạ dòng RX 5700 và RX 5700XT thừa sức “đè bẹp” các đối thủ cùng phân khúc nhưng lại có mức giá “mềm mại” hơn rất nhiều, điều này khiến cho đội Xanh phải cho ra mắt các dòng sản phẩm RTX Super để tăng sức cạnh tranh.
Do vậy, người hâm mộ trung thành của đội Xanh đã chờ đợi sự xuất hiện của dòng card GeForce RTX 30 Series từ NVIDIA đã lâu rồi.
Và hôm nay, sản phẩm mới mang kiến trúc Ampere đã chính thức ra mắt, hứa hẹn sẽ làm nức lòng người hâm mộ.
Sau đây, Vietgame.asia xin tóm tắt lại nhưng thông tin quan trọng về dòng card đồ họa GeForce RTX 30 Series của Nvidia nhé!
1. CẤU HÌNH CÁC SẢN PHẨM MỚI
Trước mắt, chúng ta hãy xem cấu hình của dòng card này đã.
Hiện tại, đội Xanh mới công bố 3 GPU cho dòng GeForce RTX 30 Series.
Thông số cấu hình chi tiết, cùng một số sản phẩm từ dòng RTX 2000 khác, bạn có thể tham khảo ở bảng dưới đây.
Tên | Sỗ lõi CUDA | Bộ nhớ | Băng thông | Xung nhịp | Điện năng | Giá khởi điểm (USD) |
RTX 3090 | 10496 | 24GB GDDR6X | 384-bit | 1.70GHz | 350w | 1,499 |
RTX 3080 | 8704 | 10GB GDDR6X | 320-bit | 1.71GHz | 320w | 699 |
RTX 3070 | 5888 | 8GB GDDR6 | 256-bit | 1.73GHz | 220w | 499 |
RTX 2080 Ti | 4352 | 11GB GDDR6 | 352-bit | 1.54GHz | 250w | 999 |
RTX 2080 Super | 3072 | 8GB GDDR6 | 256-bit | 1.82GHz | 250w | 699 |
RTX 2070 Super | 2560 | 8GB DRR6 | 256-bit | 1.77GHz | 215w | 499 |
Như bạn có thể thấy, “cụ ông” của dòng GeForce RTX 30 Series là RTX 3090.
Với hơn 10 ngàn nhân CUDA và 24GB bộ nhớ GDDR6X (nhanh hơn khoảng 25% so với GDDR6), RTX 3090 được Nvidia cho biết sẽ nhanh hơn 50% so với RTX Titan!
Nếu bạn muốn chơi game ở mức phân giải 8K, có lẽ đây sẽ là GPU đầu tiên giúp bạn thực hiện điều đó.
Chắc chắn rồi, với cấu hình trên trời như vậy thì giá cũng phải trên trời luôn!
Sản phẩm này sẽ “bế” của bạn 1.500 USD chưa thuế.
Đồng thời, nó cũng ngốn không ít điện, tận 350W, tức nhiều hơn cả sản phẩm GPU chơi game ngốn điện nhất của đội Đỏ bây giờ: Radeon VII, vốn “chỉ” có 300W.
Đương nhiên là một khi bạn đã chạm tay được vào chiếc GPU này thì chắc cũng không cần quan tâm hóa đơn tiền điện đâu.
Tuy nhiên, nếu RTX 3090 là sản phẩm để Nvidia “gáy to” thì RTX 3080 và RTX 3070 mới thực sự là hai sản phẩm để tấn công thị trường cực mạnh.
RTX 3080 có 8.704 lõi CUDA, mạnh hơn 65% so với RTX 2080 Super và hơn 50% so với RTX 2080 Ti.
Đây cũng là một GPU tiêu nhiều điện năng hơn cả RTX 2080 Ti, RTX 2080 Super hay thậm chí Radeon VII.
RTX 3080 mang theo 10GB bộ nhớ GDDR6X ở tốc độ 19Gbps, tức là ít hơn 1 nửa so với RTX 3090.
Cuối cùng, chúng ta không thế không nói tới RTX 3070.
Với cấu hình “bình dân” chỉ 8GB GDDR6, RTX 3070 tiêu tốn điện năng ít hơn đang kể so với hai đàn anh, chỉ 220W, nhưng theo Nvidia là mạnh hơn cả 2080 Ti.
Điểm “ăn tiền” của RTX 3070 và RTX 3080 trong nhóm các sản phẩm GeForce RTX 30 Series là ở chỗ: chúng gần như đồng giá với đời trước.
Chiếu lại lịch sử GPU, chúng ta có thể thấy RTX 970 có giá khởi điểm 329 USD, RTX 1070 có giá 379 USD và RTX 2070 có giá 499 USD.
Nhưng với RTX 3070, Nvidia giữ nguyên giá chứ không tăng.
Liệu có phải đội Xanh muốn “khô máu” với đội Đỏ vì đã “đánh hơi” được phần nào sức mạnh của Navi 2, hay muốn “ép” người dùng nâng cấp từ Pascal?
Câu trả lời sẽ tới vào cuối năm thôi.
Điểm “ăn tiền” của RTX 3070 và RTX 3080 trong nhóm các sản phẩm GeForce RTX 30 Series là ở chỗ: chúng gần như đồng giá với đời trước
Còn trước hết, ở thời điểm hiện tại, với mức giá cũng không rẻ nhưng không tăng so với đời trước, dòng card GeForce RTX 30 Series đang được cộng đồng game thủ đón nhận khá hồ hởi.
Để có được thông tin chính xác nhất về hiệu năng sản phẩm, chúng ta phải tự kiếm chứng, và Vietgame.asia sẽ cung cấp cho bạn những đánh giá về các sản phẩm này khi chúng có mặt trên thị trường nhé!
2. LÕI CUDA, LÕI TENSOR VÀ LÕI RT
Với dòng GPU RTX 2000, Nvidia đã giới thiệu hai công nghệ: Ray Tracing và DLSS.
Điểm chung của cả hai công nghệ này là đều nhằm tăng chất lượng hình ảnh.
Hiểu một cách nôm na “bình dân” nhất, Ray Tracing là tính toán đường đi ánh sáng để mang lại hình ảnh thực tế, còn DLSS là dùng học máy để phóng khung hình từ độ phân giải thấp lên cao mà không bị vỡ nét.
Tuy nhiên có thể nói, ở thời điểm hiện tại, cả hai công nghệ này trên dòng card RTX 2000 đều chưa được ứng dụng nhiều.
Nhưng có lẽ với dòng card GeForce RTX 30 Series, Nvidia quyết tâm thay đổi điều đó!
Dòng GeForce RTX 30 Series được sản xuất trên tiến trình 8nm của Samsung, cho phép Nvidia “nhồi nhét” nhiều linh kiện bán dẫn hơn so với tiến trình 14nm trên dòng RTX 2000.
Điều này giúp Nvidia tích hợp hơn nhiều lõi Shader (tức lõi CUDA, chịu trách nhiệm kiết xuất đồ họa), lõi RT thế hệ hai (để tính toán Ray Tracing), và lõi Tensor thế hệ ba (để tính toán học máy).
Chúng ta có thể tham khảo qua bảng hiệu suất của dòng RTX 3000 dưới đây.
Tên | Shader (TFLOP) | RT (TFLOP) | Tensor (TFLOP) |
RTX 2080 | 11 | 34 | 89 |
RTX 3070 | 20 | 40 | 163 |
RTX 3080 | 30 | 58 | 238 |
RTX 3090 | 36 | 69 | 285 |
Nhìn chung, với việc tích hợp nhiều lõi tính toàn khác nhau như thế này, những sản phẩm GPU của dòng GeForce RTX 30 Series sẽ chơi được game khủng hơn, bật Ray Tracing đỡ tốn FPS hơn, dùng chạy tính toán học máy nhanh hơn…
Nhưng điều mà Nvidia hướng tới là tích hợp cả 3 công nghệ này lại cùng một lúc.
Ví dụ, bạn chơi game ở độ phân giải 4K mà lại bật Ray Tracing nữa thì chắc chắn FPS sẽ tụt thảm hại!
Chơi ở 1080p thì mượt, tốc độ khung hình cao, nhưng nhìn đồ họa lại không đã mắt.
Vậy giờ phải làm sao?
Lời giải cho vấn đề này là chơi ở 1080p, bật Ray Tracing, nhưng dùng DLSS để phóng lên 4K, như vậy là tích hợp được cả 3 loại lõi đồ họa của dòng GeForce RTX 30 Series.
Nvidia có cho ví dụ về tựa game Death Stranding cho PC.
Sau khi kết hợp Ray Tracing và DLSS, bạn có chơi ở 1080p thì tựa game nhìn đẹp, rõ, và có FPS cao hơn so với việc chơi ở mức 4K bình thường.
Đương nhiên việc tích hợp các công nghệ như Ray Tracing hay DLSS thì cũng phụ thuộc vào nhà sản xuất nữa nên cũng khó nói, nhưng hi vọng công nghệ cực kì tiềm năng này sẽ trở nên phổ biến trên thị trường.
3. PHẦN MỀM BÊN LỀ
Bên cạnh phần cứng “khủng bố” thì đội Xanh cũng khá nổi tiếng về các công nghệ phần mềm đi kèm.
Với dòng GeForce RTX 30 Series, Nvidia cho ra mắt 3 công nghệ mới: RTX IO, Nvidia Reflex và RTX Broadcast.
Đầu tiên, RTX IO là sản phẩm tích hợp nhiều công nghệ lưu trữ từ các hãng nổi tiếng như Microsoft, cho phép GPU lấy dữ liệu trực tiếp từ SSD qua PCIe Gen 4 để lưu vào VRAM, mà không cần qua CPU hay RAM trước.
Điều này sẽ giúp giảm giật, lag và độ trễ khung hình.
Tiếp đó, Nvidia Reflex là công nghệ tối lưu quá trình kết xuất đồ họa, giúp giảm độ trễ khi chơi.
Cuối cùng, RTX Broadcast sử dụng lõi tensor và công nghệ học máy (machine learning) để khử tiếng ồn trong trò chuyện.
Công nghệ này có lẽ sẽ gây hứng thú nhất với các streamer, bởi họ không cần đầu tư một bộ tai nghe hay mic quá xịn nhưng vẫn có thể trò chuyện được thoải mái.
Và đó là tất cả những gì mà dòng GPU GeForce RTX 30 Series sẽ mang lại, ít ra là theo Nvidia công bố.
Còn cụ thể mọi thứ hoạt động thế nào, chúng ta hay cũng chờ tới lúc các sản phẩm này ra mắt vào cuối tháng 9 nhé.