Giải mã Inside – Cồn cào, bức rức và không thể chấp nhận được, đó là những cảm xúc mà bạn, cũng như người viết luôn nhận được mỗi khi một bộ phim, một cuốn sách hay một tựa game nào đó bất ngờ kết thúc, một kết thúc lấp lững với quá nhiều câu hỏi còn chưa được giải đáp.
Nói thật lòng, cảm giác đó chẳng khác gì chúng ta đang bị “troll” châm biếm), bỗng thấy mình thật “ngố” khi không hiểu chuyện gì xảy ra dù rằng tất cả đã chấm hết.
Trong thời gian gần đây, Inside – một tựa game kỳ lạ đến từ Playdead, nhà phát triển đứng sau hiện tượng Limbo vào năm 2010 đã tạo nên một cơn sốt không hề nhỏ bởi nội dung đầy “hack não” mà nó truyền tải.
Tựa game này mang tên Inside và thứ người chơi phải làm rõ cũng được giấu kín rất khéo léo.
Còn Playdead, họ không bật mí bất cứ điều gì xung quanh cốt truyện của Inside.
Inside không phải là tựa game đầu tiên chọn cách che giấu cốt truyện thật để người chơi có thể tự tìm hiểu và hiểu theo nhiều giả thuyết khác nhau, điển hình là dòng game Dark Souls.
Có lẽ, người viết nên đi thẳng luôn vào vấn đề chính: giải mã Inside – câu chuyện thật sự mà trò chơi đang truyền tải là gì?
Và để làm rõ được câu hỏi lớn này ta có ba câu hỏi nhỏ trong bài viết ngày hôm nay: Đây là đâu? Cậu bé kia là ai? Kết thúc của game nói lên điều gì?
Nào, chúng ta hãy cùng nhau bắt tay giải mã Inside!
LƯU Ý: BÀI VIẾT CÓ TÍNH CHẤT TIẾT LỘ TRƯỚC GẦN NHƯ TOÀN BỘ TÌNH TIẾT TRONG GAME, CẦN CÂN NHẮC TRƯỚC KHI ĐỌC.
ĐÂY LÀ ĐÂU?
Giải mã Inside sẽ bắt đầu ở đầu game, người chơi được theo chân một cấu bé, một hình tượng quen thuộc nếu từng trải nghiệm qua Limbo – một tác phẩm cũng do Playdead phát triển.
Người chơi có thể nhanh chóng nhận ra giữa Inside và Limbo có khá nhiều nét tương đồng liên quan với nhau.
Giả thiết đặt ra ở đây là liệu Limbo và Inside có ở cùng một thế giới, rằng Inside chính là phần câu chuyện trước khi đến với Limbo?
Đầu tiên, cậu bé mà chúng ta hóa thân vốn xuất phát từ một nơi có thể gọi là an toàn, và hành trình của cậu trong Inside là dấn thân vào một nơi cực kỳ nguy hiểm, tối tăm và luôn bị đe dọa bởi một xã hội loài người bị tha hóa đạo đức.
Trong hành trình đó, người chơi sẽ được chứng kiến cảnh hàng loạt xác chết của gia súc, cụ thể chính là những con lợn chết la liệt trên khắp các trang trại.
Nguyên nhân do đâu mà chúng chết?
Ở thế giới thực, chúng ta sử dụng loài lợn để thực hiện các thí nghiệm về dịch bệnh trong các phòng nghiên cứu.
Trong game, loài lợn cũng bị đối xử tương tự, và thứ dịch bệnh mà chúng được thí nghiệm chính là những con giun – ký sinh trùng sẽ điều khiển bộ não của chúng.
Trong Limbo, game thủ cũng bị một loài giun được gọi là “brain slug” thao túng.
Trong Inside, loại “brain slug” này dường như chỉ mới được thí nghiệm ở phạm vi loài lợn, do đó chưa có khả năng tác động lên con người.
[su_quote]liệu Limbo và Inside có ở cùng một thế giới, rằng Inside chính là phần câu chuyện trước khi đến với Limbo?[/su_quote]Điểm tương đồng thứ hai là trọng lực.
Trong Inside, một loạt các câu đố về sử dụng trọng lực tiếp tục xuất hiện, và Limbo trước đó cũng vậy.
Môi trường nước là thứ mà chúng ta có thể điều khiển được trong Inside, bằng cách bật tắt một vài công tắc đảo chiều để nâng hoặc hạ mực nước nhằm tiến đến một số địa điểm quan trọng.
Đây cũng có thể là tiền đề cho công nghệ tráo đổi chiều trọng lực trong Limbo.
Điểm tương đồng thứ ba – chiếc máy tạo chấn khổng lồ.
Ở một trường đoạn ngắn trong game, người chơi sẽ phải thoát khỏi áp suất cực mạnh của một chiếc máy tạo chấn khổng lồ.
Chiếc máy này hoạt động liên tục và tạo ra các tần suất sóng trong không khí để thay đổi thời tiết, có thể khiến người chơi “tan xác pháo” nếu bất cẩn.
Trong Limbo cũng có một cỗ máy với công nghệ tương tự được gọi là “rain maker”.
Với ba điểm tương đồng lớn trong bối cảnh này, một giả thuyết mà số đông người hâm mộ hướng tới chính là sau những sự kiện xảy ra trong Inside, chúng ta có Limbo.
CẬU BÉ LÀ AI, AI LÀ CẬU BÉ?
Nếu đã đọc qua bài đánh giá Inside của Vietgame.asia, hẳn bạn đọc còn nhớ mục đề đầu tiên người viết đặt là: “Hành trình tìm kiếm sự giải thoát” cũng như nhiều gợi ý nhỏ (để tránh hé lộ tình tiết) về một kết thúc khác đang ẩn mình trong game.
Đầu game, dấn thân vào một chốn nguy hiểm và chịu sự truy lùng của rất nhiều thợ săn.
Lý do nào khiến cậu phải quay trở lại đó?
Chẳng ai ngu khi vừa thoát khỏi trại giam lại cố tìm cách quay lại cả.
Inside có hai kết thúc, kết thúc thứ hai chỉ cho chúng ta thấy nhân vật chính của game không phải là cậu bé, bởi cậu đang bị điều khiển bởi game thủ chúng ta – người đang ngồi sau màn hình.
Qua quá trình giải mã Inside đã làm lộ ra một thông điệp khá độc đáo, phá vỡ bức tường thứ tư để biến game thủ thành một phần trong cốt truyện của game, rằng: “ai là người điều khiển?”, và “ai mới là người bị điều khiển?” (rõ ràng người chơi đang là một nhân vật bí ẩn nào đó trong game mà hồi sau chúng ta sẽ rõ).
Thứ có thể được xem là trọng tâm trong thế giới Inside chính là công nghệ điều khiển trí óc, công nghệ này được thể hiện qua một chiếc nón đặc biệt.
Với chiếc nón này, game thủ sẽ điều khiển cậu bé, và cậu bé cũng có thể điều khiển tiếp những người bị tẩy não khác theo tính chất bắt cầu, nó chính là câu trả lời giải đáp cho toàn bộ những bí ẩn trong game.
Thứ cậu bé đang cố “giải thoát” chính là sinh vật bị thịt kinh tởm ở trường đoạn cuối game, cục thịt dị hình này là tập hợp của rất nhiều những cái xác sống, được con người ở xã hội này đem ra thí nghiệm với một loạt chiếc nón điều khiển trí óc gắn lên đó.
Cậu bé kia là một trong những cái xác mà cục thịt này điều khiển.
Nói cách khác, người chơi chính là cục thịt này – thứ đang muốn tự giải thoát bản thân bằng “công cụ” là cậu bé kia.
Mặt khác, ở những trường đoạn xuất hiện sinh vật tóc dài dưới nước, tạm gọi là “nàng tiên cá”.
Sinh vật này ở giai đoạn đầu khiến chúng ta hoảng sợ và bỏ chạy bởi cách nó tiếp cận tỏ ra rất nguy hiểm.
Tuy nhiên ở trường đoạn sau, sự thật mới được phơi bày khi “nàng tiên cá” ban cho cậu bé một khả năng thở được dưới.
Những màn chơi về sau, nước là môi trường chính mà cậu bé sẽ tiếp xúc.
Vậy có thể “nàng tiên cá” này cũng được điều khiển bởi cục thịt kia, để chuẩn bị cho những thử thách khó khăn mà cậu sắp phải đối mặt.
[su_quote]Inside mang đến một thông điệp khá độc đáo, phá vỡ bức tường thứ tư để biến game thủ thành một phần trong cốt truyện của game, rằng: “ai là người điều khiển?”, và “ai mới là người bị điều khiển?”[/su_quote]Nói đến đây, người chơi đã có thể mườn tượng được rằng cục thịt kia chính là trung tâm của câu chuyện, nó là nhân vật chính, nó chính là người chơi, và nó điều khiển tất cả mọi thứ để chuẩn bị cho cuộc đào thoát ngoạn mục của chính nó và cậu bé kia chỉ là một chất xúc tác cho toàn bộ câu chuyện.
Với nhiều người, kết thúc lấp lửng đầu tiên được cho là “bad ending”, trong khi việc tự ngắt kết nối ở kết thúc thứ hai lại được cho là “good ending”.
Đây có thể xem là một cú lừa ngoạn mục mà Playdead vẽ ra trong Inside, bởi khi thực hiện kết thúc này, game không chạy phần credit mà buộc game thủ bắt đầu lại.
Bạn biết tại sao rồi chứ?
Cậu bé tự ngắt kết nối với cục thịt, tức cuộc chơi kết thúc, và mục tiêu cuối cùng thất bại, đồng nghĩa với cục thịt kia từ bỏ mục tiêu của mình.
Đó có lẽ không phải là “sự giải thoát” mà game đang nói đến.
Dù sao thì để có được kết thúc thứ hai, game thủ cũng phải đi hết xuyên xuốt từ đầu đến “gần cuối” game.
Đây là một thủ pháp quen thuộc – “vặn ngược thời gian” để giải thích cho những diễn biến được vẽ ra trước đó.
KẾT THÚC NÓI LÊN ĐIỀU GÌ?
Thay vì đặt câu hỏi “Cục thịt trên là ai?” thì thứ chúng ta cần tìm hiểu sâu hơn là vai trò của cục thịt này trong Inside.
Người chơi có thể hiểu một cách đơn giản như sau: người chơi và cục thịt là một, nó điều khiển cậu bé, điều khiển tất cả mọi thứ trong thế giới của game dưới sự giám sát và nghiên cứu của xã hội loài người ở đó, và công nghệ điều khiển trí não cũng có thể từ chính cục thịt này mà ra – mục tiêu nghiên cứu ra loài giun “brain slug”.
Điều này chỉ ra rằng dù sở hữu một hình hài quái dị và ghê tởm, cục thịt này lại có một bộ óc vô cùng thông minh và tinh vi, nó là mục tiêu nghiên cứu hoặc một sản phẩm đột biến của con người “tiến bộ” trong Inside.
[su_quote]Thực chất việc không thể điều khiển được cục thịt ở cuối game không phải do nó đã chết, mà là vì nhiệm vụ của người chơi đã hoàn thành, chính người chơi cũng được giải thoát.[/su_quote]Đó cũng là lí do nó bị “bắt cóc”, bị “nhốt” trong một chiếc lồng thép đầy nước với những chiếc ống cắm sâu vào thân.
Trong bài đánh giá Inside, người viết ví cục thịt này là “trái tim” mà bạn sẽ phải “giải thoát” cho nó.
Đến đây, mọi chuyện đã gần như sáng tỏ.
Thực chất việc không thể điều khiển được cục thịt ở cuối game không phải do nó đã chết, mà là vì nhiệm vụ của người chơi đã hoàn thành, chính người chơi cũng được giải thoát.
Ánh sáng mặt trời chiếu rọi như một kết thúc có hậu cho cả cục thịt, cậu bé và người chơi.
Cục thịt này cũng không hẳn là đã chết, bởi người chơi có thể thấy nó vẫn “động đậy” (hoặc thở), một cái kết có thể xem là “có hậu”.
Nhưng chưa… kết thúc của game chưa dừng lại ở đây.
Trong khoảnh khắc cuối cùng của Inside, cục thịt nằm bất động trên một bờ sông rậm cỏ, với ánh nắng chiếu rọi như cứu rỗi lấy nó…
Cảnh này có vẻ hơi quen. Và chính xác là nó từng xuất hiện đâu đó trong… nhà máy!
Có vẻ như sau tất cả những nổ lực của mình, tất cả những gì mà người chơi nhận được là một sự mơ hồ, một sự giả dối được sắp đặt sẵn trong toàn bộ câu chuyện.
Cục thịt kia đã tự giải cứu bản thân, chúng ta lầm tưởng rằng mình là cậu bé, rằng cả hai kết thúc của game chính là câu trả lời…
Tất cả đều không phải.
Người viết cũng từng viết trong bài đánh giá: kết thúc của Inside không phải là câu trả lời mà người chơi cần tìm kiếm.
Thật quá bi hài phải không?
LỜI KẾT
Inside không dài, nhưng những ý nghĩa trong câu chuyện mà nó để lại cho game thủ lại quá nhiều.
Quá nhiều điều được phản ánh, quá nhiều khoảnh khắc đáng nhớ, quá nhiều điều cần suy ngẫm: về giá trị cuộc sống, về những thứ “bên trong” mà khó ai có thể thấu được một cách hoàn toàn.
Playdead chọn cách im lặng để người chơi có thể hiểu Inside theo cách của riêng mình.
Do đó việc giải mã Inside được người viết vén màn trong bài viết cũng chỉ mang tính chất tương đối.
Có thể chính bạn cũng sẽ tìm ra được một câu trả lời cho riêng mình, tự giải mã Inside để giải thích cho cái kết “không thể chấp nhận được” của game!
BÀI MỚI NHẤT
- Avowed hé lộ cấu hình PC! – Tin Game
- Ruckus Games hé lộ dự án đầu tiên! – Tin Game
- Assassin’s Creed Shadows bị lộ hình ảnh… Battle Pass! – Tin Game
- KVARK – Đánh Giá Game
- Atomfall sẽ bắt đầu phát hành vào đầu năm 2025! – Tin Game
- Shift Up đang cân nhắc phát hành Stellar Blade trên PC vào năm 2025 -Tin Game