Skip to content

Gigabyte GTX 1650 Gaming OC 4G – Đánh Giá Gaming Gear

Gigabyte GTX 1650 Gaming OC 4G

Gigabyte GTX 1650 Gaming OC 4G là một sản phẩm khá mới mẻ đến từ nhà sản xuất linh kiện danh tiếng Đài Loan Gigabyte, sử dụng chip xử lý đồ họa GTX 1650 hoàn toàn mới của NVIDIA đã sớm xuất hiện tại thị trường Việt Nam, “đánh mạnh” vào phân khúc card đồ họa phổ thông dành cho các máy có cấu hình tầm thấp.

Đây cũng là sản phẩm được tung ra thay thế cho dòng sản phẩm sử dụng chip xử lý GTX 1050 đã đạt được rất nhiều thành công trước đây để trở thành “trái tim” cho các cỗ máy giải trí, chơi game gia đình.

Mặc dù vậy, kể từ khi được ra mắt, dòng sản phẩm GTX 1650 cũng nhận không ít “gạch đá” từ phía cộng đồng game thủ, cho rằng sản phẩm không đáng với giá tiền, và có nhiều lựa chọn tốt hơn.

Liệu đây có phải là một lựa chọn tốt trong phân khúc card đồ họa phổ thông? Hãy cùng Vietgame.asia theo dõi bài đánh giá các bạn nhé!

[su_heading style=”flat-blue” size=”35″ margin=”50″]BẠN SẼ THÍCH[/su_heading]

Gigabyte GTX 1650 Gaming OC 4G

Gigabyte GTX 1650 Gaming OC 4G – THIẾT KẾ CHÚ TRỌNG HIỆU QUẢ

Phải nói rằng, ngay từ khi cái “chất” cao cấp của Gigabyte “ra đi” theo gót nhãn hàng AORUS thì các sản phẩm của hãng này có phần hơi kém đi về mặt thiết kế, và Gigabyte GTX 1650 Gaming OC 4G cũng chẳng phải là một sản phẩm ngoại lệ. Thế nhưng phải nói rằng, khi bắt đầu sử dụng, thiết kế của hãng sản xuất đến từ Đài Loan vẫn rất “chất lượng”, mang đậm tính hiệu quả khi sử dụng.

Gigabyte GTX 1650 Gaming OC 4G

Trước hết có thể kể đến thiết kế vỏ ngoài của sản phẩm hầu hết sử dụng chất liệu nhựa, với một tản nhiệt nhôm nguyên khối “xen lẫn” với các ống tản nhiệt đồng đỏ.

Mặc dù không đủ sang trọng, nhưng sản phẩm rất nhẹ, nhẹ hơn rất nhiều những sản phẩm khác cố đi theo khuynh hướng “hầm hố”. Nhẹ hơn đồng nghĩa với việc người dùng có thể bố trí card trong những thùng máy cỡ nhỏ, những mainboard cấp thấp không được “gia cố” chân sắt cho các khe PCI Express.

Gigabyte GTX 1650 Gaming OC 4G

Nhẹ nhàng là vậy, nhưng bộ tản nhiệt Hybrid với các ống đồng “pha lẫn” với tấm tản nhiệt nhôm nguyên khối vẫn tỏ ra hiệu quả mạnh mẽ trong việc đem “cái nóng” trên chip xử lý đồ họa GTX 1650 ra bên ngoài.

Thử nghiệm với chương trình stress test Furmark trong một khoảng thời gian tương đối dài, khi chip xử lý trên Gigabyte GTX 1650 Gaming OC 4G bị “ép chạy” ở công suất tối đa, nhiệt độ đo được chỉ dao động nhẹ từ 67 độ đến 68 độ, khá “mát mẻ” và an toàn, người dùng thậm chí có thể ép xung nhẹ thêm đôi chút thì bộ tản nhiệt này vẫn đủ sức “gánh”.

Gigabyte GTX 1650 Gaming OC 4G

Những yếu tố nho nhỏ khác cũng được thiết kế vô cùng tốt. Là một sản phẩm card đồ họa phổ thông, Gigabyte “ưu ái” cho sản phẩm của mình đến 3 cổng HDMI, phù hợp cho các hệ thống giải trí tầm thấp.

Hệ thống đèn màu LED RGB cũng được thiết kế vô cùng đơn giản, chỉ tập trung phía trên đỉnh card với logo tên hãng, là nơi “trưng bày” truyền thống của các case tầm phổ thông, đủ để người dùng có thể “khoe hàng” và “chơi” với những hệ thống màu RGB đơn giản.

Gigabyte GTX 1650 Gaming OC 4G – SỨC MẠNH “MIỄN CƯỠNG” THUỘC VỀ PHÂN KHÚC CAO CẤP

Là một sản phẩm dành cho phân khúc card đồ họa phổ thông, Gigabyte GTX 1650 Gaming OC 4G lại tỏ ra khá mạnh mẽ, đủ để “miễn cưỡng” lấn sân sang sức mạnh của phân khúc Trung – Cao cấp hiện nay, thậm chí có thể so sánh được phần nào sức mạnh với sản phẩm khá thông dụng là GTX 1060.

Gigabyte GTX 1650 Gaming OC 4G

Ở thử nghiệm 3DMark FireStrike, sản phẩm đạt 8,201 điểm trong khi với thử nghiệm ở chế độ dựng hình DirectX12 là 3DMark TimeSpy, sản phẩm có thể đạt mức 3,784 điểm. Mức điểm số này mạnh hơn cả một “đàn anh” khá thành công khác là GTX 1050 Ti khoảng 15% và cũng chỉ thua GTX 1060 khoảng 10% về sức mạnh.

Gigabyte GTX 1650 Gaming OC 4G

Khi bước vào “thực chiến” với các game hiện hành. Gigabyte GTX 1650 Gaming OC 4G tỏ ra khá mạnh mẽ khi có thể “gánh” hầu hết các game “khủng long” trong những năm gần đây ở thiết lập cao nhất với độ phân giải 1080p. Nếu so sánh với sự xuất hiện tương đối “èo uột” của GTX 1050 vài năm về trước chỉ để “cân” các game nặng ở thiết lập trung bình thì sản phẩm “tân binh” này có màn “chào sân” hoa lệ hơn rất nhiều.

Hầu hết các game đều có thể chạy mượt mà ở tốc độ cao, kể cả game khá mới và nổi tiếng nặng nề như Battlefield V cũng có tốc độ khung hình trung bình lý tưởng ở mức 54fps. Shadow of the Tomb Raider sở hữu nhiều khung cảnh với đổ bóng và ánh sáng phức tạp hơn nhưng vẫn “trụ” được ở mức tốc độ trung bình 41fps, nhưng hai game Assasin’s Creed OdysseyWarhammer 2: Total War lại có kết quá khá “suýt soát” ngưỡng an toàn.

Gigabyte GTX 1650 Gaming OC 4G

Điều này có thể lý giải do bus RAM của Gigabyte GTX 1650 Gaming OC 4G khá hẹp, chỉ có độ rộng 128bit và dung lượng nhỏ, chỉ 4GB nên rất khó có thể thỏa mãn cho các cảnh vật nhiều mô hình hoạt động cùng lúc như ở hai game này.

Sự tắc nghẽn về RAM có thể thấy rõ khi trong một vài phân đoạn ở cả hai game, tốc độ khung hình giảm xuống mức 20fps trong khi tốc độ xử lý của GPU tụt xuống mức thấp hơn 70%. Tuy vậy, chỉ cần tinh giảm một vài thiết lập hiệu ứng, cả hai game này vẫn có thể chơi được ở thiết lập đồ họa ở mức High thay vì Ultra như trong các thử nghiệm.

Gigabyte GTX 1650 Gaming OC 4G

[su_heading style=”flat-blue” size=”35″ margin=”50″]BẠN SẼ GHÉT[/su_heading]

CÁC VẤN ĐỀ TỒN ĐỌNG

Gigabyte GTX 1650 Gaming OC 4G được thiết kế dành cho các hệ thống phổ thông, thế nên người dùng cũng khó mà đòi hỏi nhiều tính năng hay chất liệu thiết kế cao cấp từ phía nhà sản xuất.

Tuy nhiên, khó có thể phủ nhận rằng thiết kế của sản phẩm không đẹp, không bắt mắt, và cũng chẳng dễ dàng cuốn hút game thủ từ cái nhìn đầu tiên.

Gigabyte GTX 1650 Gaming OC 4G

Thiết kế của Gigabyte cho sản phẩm phổ thông của mình tạo nên cảm giác ọp ẹp, mỏng manh và không chắc chắn nếu so sánh với sản phẩm cùng loại ở cùng phân khúc. Với mức giá chênh nhau không nhiều, đây là một điểm trừ làm cho sản phẩm kém hấp dẫn trong mắt các game thủ.

Một điểm trừ nhẹ nữa đối với sản phẩm chính là việc Gigabyte GTX 1650 Gaming OC 4G “đòi hỏi” một nguồn cấp điện 6pin để có thể hoạt động “trơn tru”, không như “tiền nhiệm” GTX 1050 có thể hoạt động mà không cần đến cấp nguồn bên ngoài.

Mặc dù vẫn không phải “ăn điện như nước lã” ở các dòng card cao cấp hơn, điều này ít nhiều cũng gây khó khăn cho người dùng, nhất là những game thủ có ý định nâng cấp cho các hệ thống máy chơi game cũ sở hữu bộ nguồn không mấy mạnh mẽ, hay các bộ nguồn không sở hữu cổng 6pin như các bộ nguồn trong một vài năm gần đây.

Vấn đề cuối cùng đối với Gigabyte GTX 1650 Gaming OC 4G chính là sản phẩm có quá nhiều đối thủ cạnh tranh. Trong bối cảnh “trâu cày” bị “cho về hưu” hàng loạt, kéo tụt giá các sản phẩm đời cũ xuống ít nhiều thì thị trường đầy rẫy những lựa chọn khác cũng “ngon lành” và hấp dẫn không kém.

Chẳng hạn như người dùng có thể “rình mua” những sản phẩm sử dụng chip xử lý đồ họa GTX 1060 có sức mạnh cao hơn nhưng với mức giá tương đương, hay các sản phẩm sử dụng chip RX 570 của “đội đỏ” trong những dịp khuyến mãi “khủng” từ các nhà bán lẻ. Nếu không phải quá bận tâm về công suất bộ nguồn thì những lựa chọn này vẫn tỏ ra hợp lý hơn ít nhiều.

Bạc 8.0

Gigabyte GTX 1650 Gaming OC 4G cho thấy một sản phẩm vô cùng hấp dẫn ở phân khúc card đồ họa phổ thông với một thiết kế hiệu quả, một chip xử lý có tốc độ cao đủ "cân" các game hiện đại ở thiết lập cao nhất. Tuy nhiên, sản phẩm cũng chịu sự cạnh tranh mạnh mẽ từ các dòng card đồ họa cao cấp hơn ở thế hệ cũ. Chính vì thế mà sản phẩm chỉ phù hợp cho các game thủ cần để nâng cấp cho các dàn PC cũ, phải cân nhắc thêm về sức mạnh của bộ nguồn.