Gigabyte RTX 3060 Gaming OC 12G – Phải nói rằng sau màn “ra mắt hoành tráng” của dòng sản phẩm card đồ hoạ cao cấp thuộc dòng sản phẩm GeForce RTX 30 Series, rất nhiều người dùng, các game thủ tầm trung đã háo hức chờ đợi một phiên bản tầm trung của các card đồ hoạ sử dụng kiến trúc Ampere, thế nhưng, phải đến tận 4 tháng sau, hãng mới cho ra mắt các card đồ hoạ RTX 3060Ti và cuối cùng là phiên bản RTX 3060 ra mắt vào ngày 25/2.
Trong bối cảnh card đồ hoạ trở nên khan hiếm như hiện nay, Gigabyte là một trong những hãng sản xuất tiên phong tung mẫu card đồ hoạ sử dụng chip GPU RTX 3060 tại thị trường Việt Nam với phiên bản Gigabyte RTX 3060 Gaming OC 12G.
Với sự hỗ trợ sản phẩm trực tiếp từ nhà phân phối Viễn Sơn, nhóm thử nghiệm đã có dịp “trên tay” card đồ hoạ tầm trung này để giới thiệu với bạn đọc – Hãy cùng Vietgame.asia “đập hộp” sản phẩm các bạn nhé!
GIGABYTE RTX 3060 GAMING OC 12G – MỘT RTX 3060TI “NHÂN BẢN”
Chỉ cách đây không lâu, nhóm thử nghiệm đã có dịp giới thiệu phiên bản “đàn anh” Gigabyte RTX 3060 Ti Gaming OC 8G đến với bạn đọc, thì nay, khi cầm trên tay phiên bản Gigabyte RTX 3060 Gaming OC 12G, ấn tượng đầu tiên của người viết là gần như cả hai chẳng có gì thay đổi.
Từ cái nhìn đầu tiên, cả hai đều sở hữu thiết kế vỏ hộp kiểu mới của dòng sản phẩm Gaming OC với hình con mắt của “thần chim” choán hầu hết bề mặt trước cùng một vài chi tiết nhỏ khác biệt báo hiệu phiên bản card đồ hoạ.
Mặt sau hai sản phẩm cũng chẳng có bao nhiêu khác biệt với cũng ngần ấy tính năng đáng chú ý như tản nhiệt Windforce 3X, phương pháp thổi gió Screen-cooling, hệ thống đèn-màu-mè RGB Fusion 2.0 và tấm “giáp lưng” bảo vệ bằng kim loại.
Khi tiến hành đập hộp, cả hai phiên bản card đồ hoạ cũng giống nhau y hệt về thiết kế lẫn kích thước, hơi nhỏ hơn một chút so với các card đồ hoạ dòng cao cấp như Gigabyte RTX 3080 Eagle Gaming OC 10G nhưng vẫn khá dài, khá khó để có thể “nhét vừa” các case gọn nhẹ như FSP CMT340.
Mặc dù không có sản phẩm để so sánh trực tiếp, nhưng người viết cảm giác khi cầm trên tay, Gigabyte RTX 3060 Gaming OC 12G nhẹ hơn “đàn anh” RTX 3060Ti đôi chút, có lẽ do Gigabyte đã “cắt giảm” bớt một ống dẫn nhiệt trên tản nhiệt WindForce 3X cho phù hợp hơn với một phiên bản card đồ hoạ tầm trung.
Tất nhiên, điều này sẽ có ảnh hưởng đến hiệu năng giải nhiệt của card đồ hoạ, nhưng với mức độ “ăn điện” có phần khiêm tốn hơn của chip xử lý RTX 3060 thì mức độ thay đổi về nhiệt có lẽ sẽ không đáng kể.
Cả hai đều được trang bị bộ tản nhiệt WindForce 3X với ba quạt tản nhiệt cỡ lớn quay ngược chiều nhau mà hãng gọi là Alternate Spining giúp giảm nhiễu động khí và tăng cường hiệu quả luồng gió. Công nghệ này từng được thử nghiệm trước trên các dòng card đồ hoạ cao cấp dòng AORUS trước đây.
Mặt sau vẫn tương tự, là tấm “giáp lưng” bằng kim loại được in laser kỹ lưỡng và sắc nét cùng “cửa sổ” cho phép card đồ hoạ tận dụng luồng gió của case giúp tăng hiệu quả tản nhiệt.
Khu vực duy nhất chứa các bóng đèn LED RGB vẫn được đặt ở phía trên card, ngay bên dưới logo Gigabyte, tương tự nhiều mẫu card đồ hoạ dòng Gaming OC ra mắt gần đây.
Cũng tương tự như “đàn anh” RTX 3060 Ti, phiên bản Gigabyte RTX 3060 Gaming OC 12G cũng sở hữu duy nhất một cổng cấp nguồn 8pin nằm ở vị trí gần giữa card. Điều này khá khác biệt so với các dòng sản phẩm trước đây thường có khuynh hướng “đẩy” cổng cấp nguồn về phía xa, do bo mạch chủ PCB được “rút ngắn” để chừa chỗ cho khu vực thổi gió Screen-Cooling mà NVIDIA “sáng chế” cho các dòng card đồ hoạ tham chiếu của mình.
Điều này cũng cho thấy, mẫu card đồ hoạ tầm trung của Gigabyte cũng không “ăn uống” quá nhiều điện năng, phù hợp cho các dàn máy tầm trung hiện nay.
Cuối cùng, Gigabyte RTX 3060 Gaming OC 12G cũng sở hữu các kết nối vô cùng cơ bản bao gồm 2 cổng DisplayPort 1.4a và 2 cổng HDMI 2.1, bỏ qua cổng USB Type C có kính năng Virtual Link hỗ trợ các kính thực tế ảo như trên thế hệ card đồ hoạ dòng Turing trước đây.
TỔNG QUAN
Nhìn chung, Gigabyte gần như “tận dụng” tối đa thiết kế trên phiên bản Gigabyte RTX 3060 Ti Gaming OC 8G để thiết kế và chế tạo Gigabyte RTX 3060 Gaming OC 12G nhằm tận dụng được quy mô sản xuất và cắt giảm chi phí thiết kế.
Điều này giúp mang lại biên độ lợi nhuận lớn hơn cho hãng, nhưng cũng làm cho cả hai phiên bản giống nhau như đúc. Nếu đặt cả hai bên cạnh nhau, rất khó dùng mắt thường có thể phân biệt được rạch ròi cả hai mẫu card đồ hoạ.
BÀI MỚI NHẤT
- Đạo diễn Dragon Age: The Veilguard rời khỏi BioWare là tự nguyện! – Tin Game
- Krafton công bố chiến lược mở rộng IP mới cho năm 2025 – Tin Game
- Các hãng game “hy vọng” Grand Theft Auto 6 sẽ được bán ở mức 100 USD? – Tin Game
- Palworld bật mí lộ trình ra mắt nội dung cho năm 2025! – Tin Game
- Dragon Age: The Veilguard – Đánh Giá Game
- Shuhei Yoshida: “Remaster và remake giúp Sony tiếp tục đầu tư vào các game mới” – Tin Game