Gigabyte RTX 3080 Eagle Gaming OC 10G – Mặc dù được xem như một bước đột phá mạnh mẽ về mặt thiết kế kiến trúc đồ hoạ trong một vài năm gần đây, thế nhưng các sản phẩm card đồ hoạ RTX sử dụng kiến trúc Turing ra mắt hồi năm 2018 lại không nhận được sự đón nhận nồng nhiệt từ phía game thủ như những gì NVIDIA mong đợi.
Thậm chí những tính năng được hứa hẹn làm nên cuộc cách mạng cho kiến trúc này như khả năng xử lý dò tia theo thời gian thực (Real time Ray Tracing) hay tính năng khử răng cưa hình ảnh bằng máy học (Machine Learning) hay còn gọi là DLSS (Deep Learning Super Sampling) đều không đem lại sức hút mạnh mẽ cho các sản phẩm này như mong đợi.
Chính vì thế mà ngay từ năm ngoái, dù chỉ có vòng đời 1 năm tuổi, nhưng đã có những tin đồn râm ran rằng “đội xanh” sẽ sớm cho ra mắt kiến trúc card đồ hoạ mới với tên mã Ampere vào năm 2020 với lời hứa hẹn đây sẽ là một kiến trúc đem lại sức mạnh xử lý vượt trội, thoát khỏi cái “bóng mờ” của dòng sản phẩm Turing trước đó.
Màn ra mắt “hoành tráng” của các sản phẩm GeForce RTX 30 Series vừa qua với tâm điểm là dòng card đồ hoạ NVIDIA GeForce RTX 3080 với sức mạnh vượt trội so với phiên bản card đồ hoạ dành cho người dùng mạnh nhất hiện nay là NVIDIA GeForce RTX 2080 Ti đã làm “nức lòng” không ít fan hâm mộ của “đội xanh” và các game thủ.
Gigabyte có thể xem như một trong những hãng sản xuất linh kiện đầu tiên trên thị trường hiện nay đưa các sản phẩm sử dụng chip xử lý mạnh mẽ này về Việt Nam. Phiên bản được tung ra thương mại có tên gọi Gigabyte RTX 3080 Eagle Gaming OC 10G, một sản phẩm thuộc về dòng card đồ hoạ Eagle mới được hãng giới thiệu ra thị trường vào năm ngoái.
Trước khi đến với bài đánh gia chi tiết sản phẩm, hãy cùng Vietgame.asia đến với bài “đập hộp” để “chiêm ngưỡng” thiết kế ban đầu các bạn nhé!
GIGABYTE RTX 3080 EAGLE GAMING OC 10G – “GÃ KHỔNG LỒ” CỦA LÀNG LINH KIỆN!
Phải nói là nhóm thiết kế vỏ hộp của Gigabyte xứng đáng được đánh giá là nhóm thiết kế quy củ nhất trên thị trường hiện nay khi trang bị cho vỏ hộp của Gigabyte RTX 3080 Eagle Gaming OC 10G … gần như chẳng khác biệt là bao so với các vỏ hộp card đồ hoạ trước đây với công thức viền xanh, nền đen và mắt đại bàng màu xanh mới mẻ của dòng sản phẩm Eagle thay cho con mắt điện tử của robot chim cắt mà hãng thường sử dụng.
Mặt sau của vỏ hộp cũng gần như chẳng thay đổi gì so với các sản phẩm trước đây như Gigabyte RTX 2070 Super Gaming OC 8G hay Gigabyte RTX 2060 Super Gaming OC 8G với mô tả thuộc loại “chính tông” của dòng sản phẩm quạt tản nhiệt Windforce 3 với các tính năng thậm chí… giống từng ô một với các thiết kế vỏ hộp cũ.
Bỏ qua một bên vỏ hộp không đem lại nhiều hứng khởi cho một “chuyên gia đập hộp”, phần thân card đồ hoạ sở hữu một thiết kế thực sự khác biệt với các thế hệ card đồ hoạ trước đó mới tạo ra được “nguồn động lực” để người viết tiếp tục “săm soi” kỹ càng hơn về mặt thiết kế.
Ấn tượng đầu tiên của người viết đối với Gigabyte RTX 3080 Eagle Gaming OC 10G chính là mẫu card đồ hoạ này có kích thước khá lớn, nhưng lại không quá nặng nề như mẫu card đồ hoạ đến từ “team rồng đỏ” MSI RTX 2080 Super Gaming X Trio
Nhìn từ phía trước, có thể thấy Gigabyte đã bỏ đi thiết kế dạng thanh dài đối xứng thường thấy trên các sản phẩm dùng tản nhiệt Windforce 3 thế hệ trước để thay bằng một thiết kế mang tính “cơ bắp” hơn với lớp mặt nạ được thiết kế theo dạng bậc thang và logo Eagle được đặt hoàn toàn trên một tấm nhựa trong suốt.
Theo những “quảng cáo” trên vỏ hộp, tấm nhựa trong này có tác dụng dẫn ánh sáng “đánh đều” lên logo Eagle và dòng chữ GeForce RTX phía trên đỉnh card.
Điểm duy nhất “gợi nhớ” đến thiết kế Windforce 3 trước đây chính là ba quạt tản nhiệt được sắp xếp theo hàng ngang với các gờ nổi 3D trên cánh quạt, giúp điều hướng luồng gió cho giải pháp giải quyết luồng gió hỗn loạn Alternate Spinning mà Gigabyte theo đuổi trong những thiết kế tản nhiệt vài năm trở lại đây.
[su_quote]Ấn tượng đầu tiên của người viết đối với Gigabyte RTX 3080 Eagle Gaming OC 10G chính là mẫu card đồ hoạ này có kích thước khá lớn, nhưng lại không quá nặng nề[/su_quote]Theo một số thông tin từ Gigabyte thì hãng đã bôi trơn bi quạt bằng các hạt Graphene ở kích thước nano, từ đó nâng cao tuổi thọ của quạt khi phải làm việc liên tục lên đến 2.1 lần so với các quạt vòng bi đơn thông thường, gần tương đương tuổi thọ các quạt vòng bi kép đắt đỏ, nhưng lại hoạt động êm ái hơn. Điều này còn cần được kiểm chứng trên thực tế hoạt động về sau.
Nhìn từ trên xuống, Gigabyte RTX 3080 Eagle Gaming OC 10G có kích thước rất dày, chủ yếu do bộ tản nhiệt cỡ lớn với khá nhiều ống đồng dẫn nhiệt cùng một tấm đồng tiếp xúc cỡ lớn, bao phủ toàn bộ phần chip xử lý và các chip RAM đồ hoạ xung quanh, hứa hẹn đem lại khả năng tản nhiệt “trọn gói” cho tất cả các linh kiện chính, từ đó đem đến hoạt động ổn định hơn.
Thiết kế dạng này đã một lần “toả sáng” trong phiên bản Gigabyte RX 5500 XT Gaming OC 8G, giúp cho card vẫn có thể hoạt động ổn định dù lên mức nhiệt độ cao đến 94 độ C mà không bị cắt xung khi mới chỉ đạt 86 độ C như trên phiên bản Sapphire Pulse RX 5500 XT 4G không sở hữu thiết kế tản nhiệt dành riêng cho RAM đồ hoạ.
Bên cạnh đó, có thể thấy mẫu card đồ hoạ cao cấp này của Gigabyte vẫn sử dụng hai đầu cấp nguồn 8 pin theo thông lệ thay vì được trang bị đầu cấp nguồn 12 pin cỡ nhỏ đời mới trên các phiên bản Founder Edition cho chính NVIDIA thiết kế và sản xuất.
Không những thế, hai cổng này còn được đặt cách khá xa nhau được phân cách bằng một tấm nhựa tiệp màu. Vẫn không rõ thiết kế này để phục vụ cho mục đích gì, nhưng việc bố trí cả một khu vực lớn để dành riêng cho cấp nguồn xem ra là một điểm trừ nhẹ trong thiết kế vì nó không hợp lắm với thiết kế tổng thể của card.
Là một sản phẩm card đồ hoạ cao cấp, Gigabyte RTX 3080 Eagle Gaming OC 10G cũng được trang bị “giáp lưng” chịu lực chống cong gãy bảng mạch với thiết kế vô cùng đơn giản.
Điểm nhấn duy nhất ở mặt lưng chính là một “cửa sổ” cho phép thoát khí nóng trực tiếp ra phần lưng card thay vì bị thổi ép tán loạn như các thiết kế card đồ hoạ truyền thống.
Thiết kế này cho thấy hai yếu tố mà phiên bản card đồ hoạ của Gigabyte chịu ảnh hưởng từ thiết kế độc đáo của NVIDIA trên phiên bản Founder Edition.
Thứ nhất, Gigabyte cũng thiết kế một bảng mạch (PCB) thuộc dạng ngắn hơn chiều dài tiêu chuẩn. Điều này có nghĩa là linh kiện tập trung nhiều hơn trong 1 khu vực, đòi hỏi việc tản nhiệt phải được tiến hành hiệu quả hơn nếu không muốn gặp phải các vấn đề về nhiệt.
Và thứ hai, Gigabyte cũng “học theo” NVIDIA cho một quạt đẩy bớt luồng gió ra phía sau nhằm “tận dụng” khả năng hút khí của khe quạt sau của thùng máy. Hy vọng là thiết kế này sẽ đạt được hiệu quả như mong đợi chứ không chỉ đơn thuần “làm màu” như thiết kế tản nhiệt chân chip trên phiên bản AORUS GeForce GTX 1080Ti 11G trước đây.
Về tổng thể, có thể thấy đến với Gigabyte RTX 3080 Eagle Gaming OC 10G, Gigabyte bắt đầu tập trung “chăm chút” nhiều hơn cho “mặt tiền” tản nhiệt của sản phẩm, một điều rất ít thấy ở thế hệ card đồ hoạ trước đây do mặt này thường được… úp xuống đất. Có lẽ chính vì thiết kế có kích thước khá lớn khiến cho việc “dựng đứng” card đồ hoạ trở nên hợp lý hơn so với đặt nằm ngang trên bo mạch chủ. Chắc chắn đây sẽ là “trend” bố trí thùng máy cho các bộ gaming PC cao cấp trong tương lai gần.
TỔNG QUAN
Nhìn chung, ngoại trừ thiết kế vỏ hộp có phần hơi “công thức”, Gigabyte RTX 3080 Eagle Gaming OC 10G đã có những thay đổi khá lớn trong thiết kế, chịu nhiều ảnh hưởng từ phiên bản Founder Edition do NVIDIA thiết kế.
Bên cạnh đó, phần mặt trước của card cũng đã được chăm chút nhiều hơn, cùng với kích thước card càng ngày càng “phình to” báo hiệu “thời đại” card dựng sắp đến trong sắp đặt thùng máy Gaming PC cao cấp.
Còn về phần thử nghiệm trên thực tế sản phẩm, Vietgame.asia xin hẹn bạn đọc trong những bài viết sắp tới.
BÀI MỚI NHẤT
- Valve tặng miễn phí Half-Life 2! – Tin Game
- Final Fantasy XVI có doanh số tương đối tệ hại trên PC – Tin Game
- Avowed hé lộ cấu hình PC! – Tin Game
- Ruckus Games hé lộ dự án đầu tiên! – Tin Game
- Assassin’s Creed Shadows bị lộ hình ảnh… Battle Pass! – Tin Game
- KVARK – Đánh Giá Game