God of War – Xét về thần thoại, Hy Lạp và Bắc Âu có nhiều nét tương đồng: vô số cổ thần nổi tiếng với quyền năng na ná nhau, họ được lãnh đạo bởi một vị “cha già” phép thuật vô biên, đầy mưu sâu kế hiểm, họ cũng có những cuộc chiến “trời long, đất lở” với các thần khổng lồ, cũng chi phối vạn vật sinh linh và cũng có những mâu thuẫn gia đình, quan hệ tình thân phức tạp, chằng chéo, v.v.
Vậy nên, để một God of War mới ra đời mà không đi vào những nội dung cũ kỹ ở Hy Lạp, Kratos xuất hiện ở Bắc Âu là một lựa chọn hợp lý nhất!
Nhưng chuyện gì xảy ra sau khi Kratos dùng thanh gươm của Zeus tự vẫn năm ấy để mang đến niềm hi vọng cho nhân loại và giờ “lạc trôi” đến tận đây?
Đó là một bí ẩn mà người chơi chúng ta phải tìm hiểu!
Chỉ biết rằng câu chuyện của mọi thứ bắt đầu rất “đơn giản”: một cuộc hành trình đưa tro cốt người thân đã mất của Kratos và con trai, Atreus lên đỉnh núi cao nhất để hoàn thành di nguyện!
Vậy mà, cuộc hành trình đó trở nên phức tạp hơn bao giờ hết!
Phức tạp khi những mâu thuẫn nảy sinh, bùng phát.
Phức tạp khi bỗng dưng những thứ quỷ quái, thần thánh đều đổ ập đến cản đường họ.
Cả thế giới đều đảo điên theo từng bước chân của hai cha con.
Và đó là lúc những điều tuyệt vời của God of War được phô diễn, đốt cháy mọi cảm xúc…
BẠN SẼ THÍCH
MỘT CÂU CHUYỆN ĐẦY TÍNH NHÂN VĂN…
Điều bất ngờ lớn nhất về nội dung của God of War kỳ này không phải là việc Kratos lưu lạc đến Bắc Âu ra sao, cũng chẳng phải các vị cổ thần sẽ xuất hiện hoành tráng thế nào mà chính là trò chơi xoáy vào khai thác sự phức tạp trong mối quan hệ tình thân, rất “con người”, dẫu cho nhân vật đó là gì đi chăng nữa.
Còn gì hay hơn khi sự phức tạp đó được diễn đạt bằng những nhân vật tràn đầy cá tính?
Bằng việc kết hợp diễn hoạt tự nhiên, các đoạn thoại sâu sắc và thích nhất là phần lồng tiếng cực kỳ xuất sắc, God of War đã tạo ra những nhân vật đặc sắc mà bạn không thể quên được dù đó là chính hay phụ!
Bạn sẽ rất ngạc nhiên khi nhân vật mình yêu thích, Kratos, đã thay đổi hoàn toàn.
Không còn là một gã chiến thần nóng nảy, hung hãn và hiếu chiến ngày nào, thay vào đó là một người đàn ông trung niên chững chạc đã có gia đình.
Quá khứ dẫu đã được Kratos chôn chặt đâu đó thế nhưng nó vẫn cháy âm ỉ trong lòng và chuyển hóa thành tính cách khá “khó chịu” của Kratos với mọi người xung quanh, đặc biệt là với cậu con trai – Atreus.
Ông là hình mẫu thường thấy của những bậc phụ huynh ngày hôm nay: luôn tỏ ra “quan tâm quá mức” đến mức nghiêm khắc với đứa con của mình khi cứ “không được làm cái này, cái kia”, điển hình nhất là câu cửa miệng “Boy!” (Nhóc)! Thành ra dù rất thương cậu bé nhưng cách biểu hiện của Kratos lại gây ức chế cho Atreus.
Về phần Atreus, cậu chàng miệng thì “dạ, vâng” nhưng trong lòng vẫn ấm ức khôn nguôi.
Một cậu bé đang tuổi lớn, đang muốn khám phá và học hỏi mọi thứ xung quanh lại gặp một người cha “khó chịu” không thích giải đáp lời con trẻ.
Bạn sẽ được thấy một Atreus “diễn” vô cùng tốt!
Gương mặt “ục một đống” khi dỗi, háo hức khi khám phá được điều gì hay ho, liến thoắng nói này nói kia khi không có “rào cản”, tức giận không kiểm soát được bản thân khi bị kẻ thù châm chọc…
trò chơi xoáy vào khai thác sự phức tạp trong mối quan hệ tình thân, rất “con người”, dẫu cho nhân vật đó là gì đi chăng nữa
Cao trào trong quan hệ hai cha con lúc trầm lúc bổng, phát triển theo diễn biến game.
Từ chỗ những cuộc đối thoại nhát gừng sợ sệt của Atreus cho tới lúc bùng nổ khi cái xấu của cậu bé trỗi dậy, phản kháng lời khuyên bảo của người cha, sự lo lắng chuyển hóa thành giận dữ của Kratos khi đứa con không nghe lời cho tới sức mạnh tình thương bất chấp mọi thứ để cứu lấy đứa con…
Dàn “kép” phụ của God of War cũng đâu kém hai cha con.
Cặp anh em thợ rèn người lùn (dwarf) trái tính nết: một kẻ thì cục mịch, thô lỗ, kẻ kia thì ăn vận điệu đà và… sợ “dơ”, miệng lưỡi lươn lẹo.
Họ vì những hiềm khích cỏn con đã không nhìn mặt nhau nhưng thật ra vẫn quan tâm nhau đấy khi “dò hỏi” qua Atreus.
Một nữ phù thủy có thân thế bí ẩn đau thương nhưng lại rất yêu thiên nhiên và quý mến cậu bé Atreus một cách lạ thường để Kratos phải ngả mũ kính trọng, hay kẻ lạ mặt giấu tên đầu game có những đoạn thoại rất “sốc óc”, đặc biệt là gây “sôi máu” người chơi khi cứ mỉa mai: “I feel NOTHING” (Tao chẳng hề hấn gì cả!) lại là người bị tổn thương sâu sắc bởi chính người mẹ của mình…
Cứ thế, họ phát triển tình cảm gắn kết với nhau qua các xung đột, qua những vấp ngã, hận thù!
THẾ GIỚI BIẾN THIÊN, LỐI CHƠI THAY ĐỔI!
Nếu bạn đã quen với kiểu chơi tuyến tính của dòng God of War trước đây, hãy… vứt hết khi bước vào phiên bản kỳ này!
Không nằm ngoài xu hướng “thế giới mở” của làng game trong những năm gần đây, God of War đã thay đổi hoàn toàn về cấu trúc game.
Người chơi sẽ được tiếp cận một bản đồ thế giới rất thú vị, người viết tạm dùng thuật ngữ “thế giới bán mở” sẽ chính xác hơn khi đề cập về bản đồ này!
Vì sao “bán mở”?
Trước hết hãy nhìn rộng về bối cảnh toàn cục: God of War được thực hiện theo thần thoại Bắc Âu, nên hẳn nhiên không thể thiếu sự đề cập về “cửu giới” (chín thế giới theo quan niệm của người Bắc Âu xưa).
Mỗi thế giới như vậy, tựu trung (lớn nhỏ tùy theo nội dung game) sẽ gồm một bản đồ lớn chứa nhiều khu vực với tên gọi khác nhau.
Trong mỗi khu vực là các màn chơi liền kề.
Bây giờ chúng ta hãy “thu lại” góc nhìn ở góc độ vi mô.
Cách thiết kế các màn chơi này rất giống với những game hành động phiêu lưu nổi tiếng như Darksiders, Tomb Raider: một màn chơi vừa phải mà người chơi có thể khám phá hết ngóc ngách, có thể quan sát được “biên giới” của màn từ xa nhưng theo một sự sắp đặt.
Chỉ những chỗ cho phép leo trèo, khám phá hay phải đợi “kích hoạt” sự kiện thì mới tiến triển được!
Điều này khác hẳn các game “thế giới mở” thật thụ như Assassin’s Creed, Far Cry, Grand Theft Auto, v.v. khi cho phép người chơi “quẩy” kiểu nào cũng được!
Nếu chỉ có vậy thì không có gì đáng nói, God of War đã làm người chơi phải “bật ngửa” khi xoay chuyển thế cục của thiết kế màn chơi.
Khi bạn cứ đinh ninh đã khám phá hết hay sẽ quay lại một chỗ nào đấy thì coi chừng vì về sau game sẽ “nâng tầng”, đảo ngược, mở ra vô số thứ mới làm cho những nơi ta từng đi qua phải ngỡ ngàng khám phá lại!
Không chỉ một lần mà sẽ nhiều lần như vậy làm cho chúng ta phải “rối trí”!
Với một kết cấu màn chơi thú vị vậy, hẳn sẽ không thiếu các thứ hay ho để khám phá.
God of War mang tới cho người chơi một loạt nhiệm vụ phụ bên cạnh nhiệm vụ chính, hàng loạt thứ linh tinh để mần: đào kho báu nằm rải rác (Treasure Hunt), thực hiện các kỳ công (Labors), thu lượm cổ vật quý giá (Artifacts), nhặt đồ rơi trên mặt nước, hái “quả” thần, mở rộng thanh máu/nộ khí, vân vân và vân vân, chúng được xếp đặt tự nhiên không mang lại cảm giác lặp lại như thường thấy khi chơi các game cùng loại!
Thú vị nhất, vẫn là tìm cách vượt qua các bẫy trùng trùng lớp lớp, tính toán cách phá vỡ những vật cản theo nhiều kiểu để tiếp cận với vô số rương kho báu mà bên trong chúng chứa đựng những thứ rất cần thiết cho người chơi!
Có vẻ, God of War đã “học hỏi” khá nhiều ở dòng game Tomb Raider mặt này!
Xuyên suốt cuộc hành trình, để các “khoảng lặng” không làm chán nản người chơi như những lúc chèo xuồng miệt mài, đi bộ hụt hơi, game sẽ cung cấp vô vàn mẩu truyện ngắn rất thú vị về các thần khổng lồ, về những bí mật động trời của gia đình Odin hay các mẩu chuyện “vô duyên” của Kratos qua những mẩu đối thoại hấp dẫn giữa gã và cậu bé Atreus, hay với “thần biết tuốt” (mà thật ra… không hẳn biết tuốt) – Mimir!
God of War đã làm người chơi phải “bật ngửa” khi xoay chuyển thế cục của thiết kế màn chơi
Và không thể không kể đến hệ thống nhập vai xuất hiện, làm cho việc xây dựng Kratos trở nên thú vị và phức tạp hơn!
Bạn muốn Kratos hay sự hỗ trợ của Atreus hiệu quả hơn?
Phải nâng cấp kỹ năng cho họ bằng điểm kinh nghiệm thu được.
Yếu thế trong chiến đấu khi đối đầu những kẻ địch khó xơi?
Hãy chế tạo hoặc nâng cấp ngay giáp trụ, gắn đá rune kèm theo các đá khảm bổ trợ cho vật dụng/vũ khí!
Độ phức tạp còn tăng thêm khi đồ dùng của Kratos còn được chia theo “mã màu”, theo các chỉ số và chúng sẽ ảnh hưởng đến sức mạnh tổng quát của gã chiến thần!
Vậy đó, cứ tưởng lên đồ, cường hóa các kiểu là bạn sẽ “bá đạo”?
Không hề!
Mỗi vùng đất đi qua, mỗi địch thủ đối mặt làm bạn phải… suy nghĩ lại cách lắp ghép mọi thứ sao cho Kratos mạnh nhất, an toàn nhất!
ĐÁNH TRÙM… DỄ HƠN ĐÁNH LÍNH!
Nghe có vẻ rất ngược đời!
Thật sự việc đối đầu với các con trùm trong God of War luôn dễ chịu: đa phần chúng to xác, dễ bắt bài, một thân một mình và cùng lắm thì bạn sẽ “cụng ly” với… hai tên một lúc nhưng vẫn dễ xoay sở!
Trong khi đó, đối diện với đám lâu la trong God of War, cảm giác “kinh hoàng” của những trận chiến sinh tử trong Dark Souls, trong Nioh ập về!
Những khó nhằn mà nếu bạn là người hâm mộ kỳ cựu của dòng God of War trước đây sẽ KHÔNG LÀ GÌ CẢ trong phiên bản kỳ này!
Bọn quái luôn vây hãm người chơi từ nhiều hướng, ra đòn bất ngờ thậm chí là kết hợp cả “không quân” bắn lén từ xa và có khi còn… nhồi cả những con trùm mini mà bạn từng “vất vả” hạ cách đây không lâu vào!
Phần lớn nguyên nhân của độ khó “dễ sợ” trên là do God of War đã được thay đổi cơ chế chiến đấu
Một đám hỗn loạn đổ ập vào đầu người chơi trong tíc tắc!
Nếu bạn chọn cấp độ khó trở lên (tương đương HARD, game có 4 mức, khó nhất là “Give me God of War” tức VERY HARD), bạn sẽ thấy “địa ngục” ngay: một đập chết tươi (nếu con quái vượt bạn 2 cấp), một cú nhảy xổ hay một cái tát trời giáng hay “tai bay vạ gió” bất thình lình ở đâu bay tới, v.v. sẽ làm chúng ta cáu tiết lên hết lần này tới lần khác và… nhẹ nhàng nạp lại game liên tục!
Phần lớn nguyên nhân của độ khó “dễ sợ” trên là do God of War đã được thay đổi cơ chế chiến đấu qua việc Kratos chỉ có một món vũ khí: Rìu Leviathan cùng khiên đỡ cho cận chiến (về sau sẽ có một vũ khí “quen thuộc” nhưng bạn phải đi hơn 50% game mới tiếp cận được) nên chiến thần của chúng ta không thể múa may quay cuồng như trước vì tốc độ vung rìu khá chậm, chỉ được vài nhịp là lộ nhiều khoảng trống không phòng bị của cơ thể.
Cộng với góc đặt camera để ngang vai làm cho khả năng quan sát cục diện trận chiến của người chơi không được thoải mái như trước.
Chưa hết, việc nhớ được một lô lốc các kỹ năng vung rìu, đập khiên ra sao cho hiệu quả cũng là một bài toán nan giải!
Khía cạnh đáng nói kế là việc phân bố những con quái rất “độc chiêu”!
Ngoài việc bủa vây, phối hợp nhiều loại quân, bản thân của mỗi con quái cũng tự “cải tiến” theo từng trận đấu vậy nên bạn không thể “nhồi” nút tấn công lia lịa, lặp lại cách đánh trước đó mà phải tùy cơ ứng biến: dựa theo chủng loại quái để lựa cách dùng vũ khí, nắm đấm hay tận dụng môi trường hoặc vật thể mang lại lợi thế cho bản thân.
Nhưng nói gì nói, chất tàn bạo, máu lửa của thương hiệu God of War không hề suy giảm, mà tăng dần theo diễn biến game: càng đi vô sâu, càng dữ dội rực lửa!
Có những màn chơi “mở đường máu” để chạy hoặc tử thủ giữa “biển” kẻ thù, chiến thần Kratos một mình tả xung hữu đột lúc đông lúc tây, khi thì xé xác một tên quái xấu số, chẻ đôi kết liễu những kẻ hớ hênh, lúc thì hét vang cơn thịnh nộ dùng tuyệt chiêu bổ nát lũ quỷ cản đường.
Đã nhất vẫn là các pha tẩn tới tấp những kẻ tự xưng “thần thánh”, tự cho mình cái quyền định đoạt người khác!
Một đấm, hai đấm và nhiều cái tát giáng trả đầy hả dạ cho người chơi!
Búa vung lên, những thân xác ngã xuống, tay cầm người chơi bấm nhoay nhoáy, nhịp nhàng và thuần thục!
Để khi kết thúc một trận chiến, khi “máu hăng” vẫn còn, có khi bạn hét lên: Còn tên nào nữa ra hết đây!!!
NHỮNG SẮC MÀU TƯƠNG PHẢN!
Nếu bạn có theo dõi sô truyền hình dài tập đầy cuốn hút của kênh History về đề tài “Vikings” từ 2013 (tính cho tới hiện tại là gần hết Mùa 5), hẳn bạn sẽ thấy một khung cảnh ảm đạm, lạnh lẽo, quanh năm tuyết trắng bao phủ, rất ít khi người dân Bắc Âu có được thời tiết dễ chịu để trồng trọt.
Sẽ ra sao nếu đồ họa của God of War chỉ toàn tuyết và tuyết và những khung cảnh xám xịt?
Đó cũng là chủ đề bàn cãi đầy mâu thuẫn của nhóm họa sĩ thiết kế hình ảnh God of War với Giám đốc sáng tạo – Cory Barlog, trong bài phỏng vấn của tạp chí GameInformer.
“Thêm tuyết nhiều vào, đây là bán đảo Scandinavia, một nơi lạnh lẽo và tuyết phủ quanh năm”
“Cần có tuyết, nhưng đừng quá nhiều tuyết!”
Tuyết, khắp mọi nơi trong game nhưng trở nên ấm áp hơn nhờ những gam màu rực rỡ và nổi bật của các thế giới thú vị ẩn mình bên trong.
Một khu rừng bí ẩn đỏ rực làm bạn phải “WOW” khi lần đầu thấy nó, một vùng hồ lạnh giá sương mù bỗng chốc thay đổi địa hình khi đại mãng xà Jörmungandr trở mình làm lộ ra làn nước xanh thẫm lấp lánh cùng vô số thành quách hùng vĩ khoe mình, một tiên cảnh Álfheimr với ánh sáng tím rịm mê hoặc, hay cảnh tượng lạnh lẽo của chốn âm ty Helheimr với những linh hồn lầm lũi đi vào cõi hư không…
Tuyết, khắp mọi nơi trong game nhưng trở nên ấm áp hơn nhờ những gam màu rực rỡ và nổi bật của các thế giới thú vị ẩn mình bên trong
THÔNG TIN
- Sản xuất: SIE Santa Monica Studio
- Phát hành: Sony Interactive Entertainment
- Thể loại: Hành động, Nhập vai
- Ngày ra mắt: 20/04/2018
- Hệ máy: PS4
CẤU HÌNH TỐI THIỂU
- OS: N/A
- CPU: N/A
- RAM: N/A
- VGA: N/A
- HDD: N/A
CẤU HÌNH THỬ NGHIỆM
- OS: N/A
- CPU: N/A
- RAM: N/A
- VGA: N/A
- HDD: N/A
GAME ĐƯỢC HỖ TRỢ BỞI SONY COMPUTER ENTERTAINMENT ASIA – CHƠI TRÊN HỆ PS4