God of War PC – Trong một vài năm trở lại đây, khi công nghệ đồ hoạ phát triển mạnh mẽ, dẫn đầu đẩy mạnh các cỗ máy PC trở thành những “con quái vật” thật sự, không còn lẹt đẹt chạy theo sau lưng các máy console tiên tiến như với một vài thế hệ trước đây, thì các hãng sản xuất game cũng mạnh dạn hơn rất nhiều đưa các sản phẩm của mình lên nền hệ máy lâu đời nhưng mạnh mẽ này.
Sớm nhất có thể kể đến Square Enix đã “dứt áo ra đi” khỏi nền máy độc quyền PlayStation 3 từ rất sớm với tựa game Final Fantasy XIII sau một thời gian dài trung thành với các hệ máy chơi game “nhà Sony“, sau đó nữa là các tựa game dòng Yakuza của SEGA cũng lần lượt “đổ bộ” lên PC thông qua các phiên bản Remastered…
Thậm chí gần đây nhất, hàng loạt những tựa game độc quyền đến từ các studio có mối quan hệ thân thiết với Sony như Days Gone của Bend Studio hay Horizon Zero Dawn của Guerrilla Games đều xuất hiện trên nền PC, báo hiệu một sự chuyển dịch mạnh mẽ từ chính Sony với các tựa game độc quyền của mình.
Điều gì đến cũng sẽ đến, sau rất nhiều lời đồn đoán râm ran, thì God of War, tựa game độc quyền thành công và cũng là một trong những dòng game đánh dấu nên tên tuổi của các hệ máy chơi game PlayStation, đã được Sony chính thức xác nhận ra mắt trên nền tảng PC đầu năm nay.
Thế nhưng cũng có không ít game thủ nghi ngờ về quyết định này của Sony, bởi lẽ không ít tựa game vốn được phát triển gốc trên nền PlayStation 4 được chuyển hệ một cách vội vã, trở thành những “cái dớp” chẳng hề vui vẻ chút nào với game thủ, mà gần đây nhất là Final Fantasy VII Remake nhận được hàng tá những “gạch đá” về bản chuyển hệ tệ hại, cả về chất lượng đồ hoạ lẫn hiệu năng mà game thể hiện trên nền PC.
Mãi đến tận khi God of War PC chính thức “lên kệ” trên toàn cầu vào ngày 13/1 vừa qua với những điểm số ấn tượng từ phía các nhà phê bình trên toàn thế giới thì các fan hâm mộ mới thật sự thở phào nhẹ nhõm và nhanh chóng xuống tiền để trải nghiệm một trong những tựa game xuất sắc nhất của “nhà Sony” trên cỗ máy PC thân yêu của mình.
Do phiên bản phát hành cho PC lần này chỉ là một phiên bản chuyển hệ đơn thuần, giữ lại nguyên vẹn những yếu tố làm nên thành công của phiên bản gốc, thế nên trong khuôn khổ bài viết này, người viết tập trung đánh giá những yếu tố riêng biệt của phiên bản chuyển hệ hơn là một bài đánh giá game thông thường đối với đồ hoạ, cốt truyện, hay lối chơi của trò chơi.
Nếu muốn tìm hiểu thêm về những yếu tố này, bạn có thể xem thêm bài đánh giá God of War phiên bản gốc ra mắt năm 2018.
Nào, bây giờ hãy cùng tìm hiểu chi tiết về bản chuyển hệ này các bạn nhé!
BẠN SẼ THÍCH
Bản chuyển hệ hoàn hảo!
Trong thế giới game hiện nay, “chuyển hệ” luôn là một “cục gân gà” khó nhằn với phần đông game thủ, bởi lẽ trừ các tựa game được xây dựng từ đầu định hướng đa nền tảng, những tựa game chuyển hệ từ máy chơi game console lên nền PC thường gắn liền với đủ các loại lỗi tương thích, với các tuỳ chọn đồ hoạ và lối chơi bị “khoá cứng” không phù hợp với hệ thống điều khiển bằng bàn phím và chuột.
Lý do thì có nhiều, có thể kể đến các tựa game được sản xuất dành riêng cho console đều được tối ưu riêng cho một hệ máy nào đó với phần cứng và hệ điều hành riêng biệt, việc chuyển hệ “ngang hông” sẽ phá vỡ sự tối ưu về phần cứng và phần mềm đó, khiến cho tựa game chuyển hệ không thể hoạt động trơn tru như dự định.
Cũng có thể do sự kỳ vọng đối với doanh thu phiên bản chuyển hệ không đủ lớn để các studio phát triển game bỏ nhiều kinh phí cho các khâu phát triển và tối ưu tựa game, thế nên phần lớn các phiên bản chuyển hệ đều được tiến hành dựa trên việc tạo ra một lớp dịch mã chạy song song để có thể biên dịch nội dung từ phiên bản gốc trên máy console sang nền Windows cho PC hơn là “đập ra làm lại” cấu trúc game để đạt được độ tương thích ở mức cao nhất.
Thế nhưng với God of War PC, câu chuyện chuyển hệ đã được tiến hành theo một cách hoàn toàn khác biệt, mang theo kỳ vọng to lớn từ phía Sony đối với thị trường game trên PC.
Mặc dù chỉ được chính thức công bố ra mắt trong một sự kiện hồi tháng 10 vừa qua, thế nhưng trên thực tế thì ngay sau sự thành công của phiên bản gốc trên nền PlayStation 4 một thời gian ngắn, Sony đã “ưu ái” trao quyền chuyển hệ tựa game lên nền PC cho Jetpack Interactive, một studio có trụ sở ở Canada đảm nhiệm với nguồn kinh phí dồi dào và khả năng tiếp cận đến tất cả công nghệ, tài nguyên và thậm chí là mã nguồn của phiên bản gốc nhằm đem đến cho game thủ một phiên bản hoàn thiện nhất.
Phải nói rằng, với tất cả những nguồn tài nguyên và thời gian dài đằng đẵng lên đến hai năm, đội ngũ kỹ sư ở Jetpack Interactive đã không làm cho các game thủ hâm mộ trên nền PC phải thất vọng.
Ngay từ cái nhìn đầu tiên, God of War PC hoạt động trơn tru hệt như một tựa game được phát triển dành riêng dành cho hệ máy này chứ không phải một phiên bản chuyển hệ thô cứng bị “khóa chết” ở tốc độ khung hình 30fps và những đoạn phim cắt cảnh độ nhoè nhoẹt thường thấy qua các game như Devil May Cry HD Collection, Onimusha: Warlords, hay xuất hiện “ngập tràn trong lỗi” với tựa game Batman: Arkham Knight ra mắt trước đây.
Dễ thấy nhất là phần trình đơn (Menu) của tựa game được thiết kế lại, với phần tùy chọn thiết lập (Settings) đầy đủ cho cả hình ảnh và điều khiển.
Đối với đồ họa của tựa game, nhóm phát triển đã đặt mức thiết lập tương đương với với phiên bản gốc trên PlayStation 4 làm mức mặc định nguyên bản (Original), qua đó cho phép người dùng nâng cấp (hay giảm cấp) các thiết lập đồ hoạ chuyên sâu khác nhau từ chất lượng của vân bề mặt (texture), đổ bóng (shadow), phản chiếu (reflection) hay lọc bất đẳng hướng (Anisotropic Filter)…
Thậm chí tựa game còn được tích hợp những công nghệ tăng tốc xử lý bằng A.I hiện đại như DLSS của NVIDIA hay FidelityFX Super Resolution của nhà AMD, đem đến khả năng “bứt tốc” ấn tượng cho những pha hành động siêu tốc, cần đến tốc độ dựng hình cao, đem đến những chuyển động mượt mà trong từng hành động mà ngay cả phiên bản gốc cũng không thể nào đáp ứng được.
Sự can thiệp chuyên sâu về cấu hình của game từ đội ngũ phát triển của Jetpack Interactive hiệu quả đến mức, game thủ có thể chơi God of War PC trên những máy có cấu hình yếu, các hệ thống sử dụng giải pháp đồ hoạ tích hợp như các APU AMD Ryzen 5 5600G hay các hệ thống PC cũ kỹ với mức cấu hình yêu cầu tối thiểu có thể lần ngược về các cỗ PC chơi game ra mắt hơn 10 năm về trước.
Thậm chí có rất nhiều chia sẻ từ một số người chơi “hệ PC cầm tay” rằng tựa game hoàn toàn có thể vận hành mượt mà trên các hệ thống này ở mức thiết lập thấp nhất và độ phân giải 720p. Điều này cũng cho thấy khả năng tương thích vô cùng ấn tượng của game trên các máy có cấu hình yếu, cũng như khả năng chạy được trên nền máy chơi game cầm tay Steamdeck sắp ra mắt vào cuối tháng 2 này.
Không chỉ có các game thủ sở hữu PC cấu hình hạn chế được lợi từ bản chuyển hệ này, những game thủ sở hữu các cỗ máy có cấu hình cao cấp với sức mạnh khổng lồ có thể tận hưởng được tựa game theo một cách ấn tượng hơn bất kỳ trải nghiệm nào mà phiên bản gốc có thể đem lại cho bạn.
Thoạt nhìn thì dường như tựa game không có nhiều khác biệt so với phiên bản gốc, thế nhưng tất cả đều được trau chuốt tỉ mỉ với vân bề mặt độ phân giải siêu cao với các hiệu ứng đổ bóng, khử răng cưa ở mức cao, hoàn toàn có thể đưa lên các mẫu TV đời mới với độ phân giải lên đến 8K mà không gặp phải hiện tượng “nổ hình” như với các tựa game chuyển hệ trước đây.
Đó là chưa kể người dùng có thể chơi với các màn hình có tỷ lệ khác biệt so với tỷ lệ 16:9 của các mẫu TV truyền thống, chẳng hạn như các màn hình siêu rộng tỷ lệ 21:9 như mẫu Gigabyte G34WQC A, đem đến trải nghiệm “đặc sệt” các bộ phim điện ảnh, hay tận dụng tốc độ quét hình siêu cao của các màn hình chơi game chuyên nghiệp.
Nhờ vậy mà kể cả các fan của dòng game đã trải nghiệm qua tựa game gốc trên hệ máy PlayStation 4 cũng có thể cảm nhận được sự mới mẻ, tràn đầy sức sống với phiên bản dành cho PC này (tất nhiên là nếu máy của bạn đủ mạnh và màn hình đủ “xịn” để có thể “gánh” game ở mức thiết lập cao nhất).
Về mặt điều khiển, God of War PC cũng được tinh chỉnh để thoát ra khỏi “cái bóng” của tay cầm dành riêng cho hệ máy PlayStation để đến với chuột và bàn phím theo một phương thức tự nhiên và trực quan nhất mà các game thủ hằng mong đợi.
Một trong những “cái dớp” khó chịu nhất của các tựa game chuyển thể chính là việc đội ngũ kỹ sư lập trình vẫn giữ nguyên các thông số của tay cầm điều khiển, chỉ mô phỏng lại nó thông qua các nút trên bàn phím thay cho các nút bấm chức năng, còn động tác di chuột được gán cho các cần điều khiển analog của tay cầm.
Cách làm này khá phổ biến ở các game chuyển hệ của nhà phát triển đến từ Nhật Bản, chẳng hạn như Ni no Kuni II: Revenant Kingdom hay Tomb Raider (2013), “ép buộc” người chơi phải dùng chuột với các mức gia tốc khác nhau của tay cầm (mouse acceleration) chứ không trơn tru, chính xác như các tựa game được phát triển trên nền PC truyền thống.
God of War PC cũng được tinh chỉnh để thoát ra khỏi “cái bóng” của tay cầm dành riêng cho hệ máy PlayStation để đến với chuột và bàn phím
Tệ hơn nữa, những tựa game chuyển hệ dạng này thường vẫn giữ nguyên tính năng “tự ngắm” (auto-aim), khiến cho việc điều khiển trở nên thảm họa, khiến người dùng thà tiếp tục sử dụng tay cầm điều khiển còn hơn là chơi game với bàn phím và chuột.
Phải nói rằng với một tựa game hành động chiến đấu có độ khó cao như God of War PC, chỉ một vài vấn đề nhỏ với điều khiển hoàn toàn có thể tạo ra một bản chuyển hệ “thảm họa” tầm cỡ như Dark Souls, khiến người chơi “ngập mặt trong hành”, biến trải nghiệm tổng thể của trò chơi trở thành cơn ác mộng, phá hỏng bất kỳ nỗ lực nào nhằm cải thiện chất lượng đồ hoạ và hiệu năng của game trên một nền tảng mới.
Thế nên cũng giống như những gì mà 343 Industries từng làm với bản chuyển hệ cho dòng game Halo danh tiếng trước đây, các kỹ sư của Jetpack Interactive đã gần như phải “đập ra làm lại” hệ thống điều khiển cho tựa game với những tinh chỉnh vô cùng tỉ mỉ và trực quan, cho phép game thủ có thể chơi bằng bàn phím và chuột với độ ổn định, chính xác và tốc độ cao.
Nhờ đó mà game thủ có thể chơi mượt mà tựa game từ đầu tới cuối ở mức độ khó cao nhất, với những trải nghiệm chiến đấu mới mẻ mà tay cầm điều khiển không thể mang lại cho bạn.
Cuối cùng, God of War PC có thể xem như bản chuyển hệ chỉn chu nhất khi gần như không có bất kỳ lỗi hay xung đột phần cứng nào trong quá trình trải nghiệm game, trừ một chút lỗi tràn bộ nhớ đệm đã được đội ngũ phát triển sửa chữa ngay trong bản vá 1.01 chỉ hai ngày sau khi tựa game chính thức phát hành và lỗi xung đột với… trình gõ tiếng Việt.
Điều này cho thấy đội ngũ kiểm soát chất lượng và thử nghiệm trò chơi đã phối hợp vô cùng hiệu quả với nhóm phát triển nội dung chuyển hệ.
Thậm chí đây cũng là công đoạn mất rất nhiều thời gian, công sức cũng như tiền bạc, thế nên rất nhiều những studio chuyển hệ game phải gấp rút cho ra mắt trò chơi rồi… sửa sau nhờ dựa vào những phản hồi của người chơi.
Có thể thấy rõ điều này với tựa game chuyển hệ có thể xem là thành công nhất từ trước tới nay là Horizon Zero Dawn PC cũng ra mắt với ngập tràn những lỗi khó có thể chấp nhận được, và Virtuos Games, studio chịu trách nhiệm chính cho bản chuyển hệ này, đã phải mất rất nhiều thời gian và bản cập nhật để có thể hoàn thiện tựa game.
Về tổng thể, ngoài cốt truyện, lối chơi, chất lượng đồ hoạ và âm nhạc đã trở thành “huyền thoại” đạt được vô vàn những giải thưởng danh giá trên phiên bản gốc, bản chuyển hệ God of War PC lại tiếp tục “ghi điểm” là bản chuyển hệ xuất sắc nhất mọi thời đại của Sony, đặt một dấu mốc quan trọng cho các tựa game độc quyền trên hệ máy PlayStation “đổ bộ” lên PC trong tương lai gần.
Và cũng với điều này, chúng ta hoàn toàn có thể hy vọng những tựa game tiếp theo, đặc biệt là Uncharted: Legacy of Thieves Collection sẽ đạt được những thành công tương tự.
BẠN SẼ GHÉT
Mức giá cao!
Là một bản chuyển hệ hoàn hảo, gần như kể cả những game thủ khó tính nhất cũng không thể nào “bới móc” được bất kỳ chê trách nào đối với God of War PC ngoại trừ mức giá của tựa game này có phần khá “chát” nếu so sánh với phiên bản gốc.
Tất nhiên là với gần hai năm thời gian với biết bao công sức bỏ ra cho phiên bản chuyển hệ này, mức giá lên đến 50USD là hoàn toàn xứng đáng cho một siêu phẩm.
Thế nhưng nếu so sánh với phiên bản gốc trên nền PlayStation 4 có thường xuyên được khuyến mãi với mức giá chỉ xấp xỉ… 10USD, thì mức giá của phiên bản chuyển hệ này khá cao.
Đó là chưa kể đến các card đồ hoạ thế hệ mới trên thị trường còn quá đắt đỏ để game thủ có thể nâng cấp, khai thác hết được những yếu tố tuyệt vời được thêm thắt cho phiên bản này ở mức tốc độ khung hình cao.
Mặc dù vậy, yếu tố vụn vặt này hoàn toàn có thể xem nhẹ khi bạn là một fan trung thành của “chiến thần” Kratos.