Skip to content

God Of War Ragnarok – Đánh Giá Game

god of war ragnarok

God Of War Ragnarok – Đến giờ người viết vẫn còn nhớ như in cảm giác “nổi hết da gà” sau những tràng pháo tay vang rần rần, những tiếng hò reo phấn khích đến tràn ngập cả khán phòng khi hình ảnh nhân vật Kratos với một bộ râu hầm hố dần dần hiện lên màn ảnh sân khấu của kỳ triển lãm E3 2016.

Đó cũng chính là thời khắc lịch sử làm rung chuyển cả làng game khi Sony bất ngờ công bố sự trở lại của dòng game hành động huyền thoại, God of War, lấy bối cảnh ở vùng đất Bắc Âu cùng một lối chơi hoàn toàn mới.

Và kể từ khi ra mắt vào năm 2018, God of War phiên bản “Dad of Boi” đã tái khẳng định tầm ảnh hưởng của thương hiệu này khi bức phá hàng loạt kỷ lục doanh thu của Playstation chỉ trong vài ngày phát hành đầu tiên, cũng như “ẵm” luôn danh hiệu danh giá nhất: Game Of The Year (đánh bại Red Dead Redemption 2 tại The Game Awards) ngay sau đó. 

Chưa dừng lại, hành trình của bố con Kratos tiếp tục mang về chiến thắng tuyệt đối tại kỳ trao giải của Viện Hàn lâm, D.I.C.E. Awards lần thứ 22, được “chuyển hệ” rất thành công lên cỗ máy PC rồi còn được vinh danh là tựa “Game Hay nhất mọi thời đại” trong cuộc bình chọn của chuyên trang game đình đám IGN, đánh bay nhiều đối thủ nặng ký khác.

Nên không bất ngờ khi vài tháng qua, hậu bản mang tên God Of War Ragnarok đã “bung bét” thông tin khắp các mặt trận truyền thông và mạng xã hội đã bắt đầu “nóng” với các tin đồn lẫn “huỵch toẹt” về cuộc chạm trán “long trời lở đất” giữa Kratos với thần sấm Thor, số mệnh cậu bé Atreus hay diện mạo thật sự của người mẹ mang tên Faye, những câu hỏi mang tính “bước ngoặt” ở phần trước.  

Rồi ngoài việc phải đáp ứng kỳ vọng cực kỳ lớn lao đó thì liệu God Of War Ragnarok có đủ sức “bật” quả bom tấn nặng ký Elden Ring, ứng viên sáng giá nhất cho “ngôi vương” từ đầu năm nay hay không?

Hãy cùng Vietgame.asia đi tìm lời đáp qua bài đánh giá sau, bạn nhé!

BẠN SẼ THÍCH

Nghệ thuật kể chuyện đỉnh cao!

Có thể nói, nội dung hai phần game God of War làm người viết liên tưởng tới hai tập phim Avengers: Infinity WarAvengers: Endgame.

Nếu phần một – Infinity War gợi mở, dẫn dắt người xem tới mầm mống của một thảm họa đại diệt vong thì phần hai – Endgame là để giải quyết các nút thắt, đảo ngược quy trình của cái sự kiện mà gã phản diện Thanos từng nói là “không thể tránh khỏi được” – “I am inevitable” với cú búng tay huyền thoại của hắn. 

Tương tự, God of War Ragnarok lấy bối cảnh 3 năm sau phần đầu cũng là hồi kết đen tối được dự báo trước từ các chạm khắc ở Jotunheim với ngày tận thế Ragnarök (hay còn gọi Hoàng hôn của Chư thần) mà khởi đầu từ Fimbulwinter, một mùa đông vĩnh cửu bao trùm khắp toàn “cửu giới”.

Sau chặn đường đầy cam go để hoàn thành tâm nguyện của mẹ, Atreus ngày nào giờ đã là một thiếu niên khôn lớn, đầy bản lĩnh với niềm tin mãnh liệt rằng cậu sẽ tự xoay chuyển được cả số mệnh nếu nỗ lực đi tìm tung tích của vị chiến thần có tên “Tyr”. 

Nhưng mặt khác, Kratos hiểu rõ hơn ai hết cái giá phải trả nếu phải xung đột hay can thiệp vào “việc riêng” của các vị thần và ra sức ngăn cản cậu con trai giẫm vào chính vết xe đổ của mình năm xưa.

Chính mâu thuẫn ấy cùng sự phức tạp trong mối quan hệ tình thân giữa hai cha con, giữa một bên là ông bố “đơn thân” Kratos có phần bảo bọc, che chở cậu con trai đến thái quá và một bên là Atreus rất khát khao muốn thể hiện mình, đã được khắc họa khéo léo xuyên suốt tựa game qua nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau, lúc thăng lúc trầm, xen lẫn giữa cả tiếng cười và nước mắt. 

God of War Ragnarok không thiếu những phân cảnh hành động đến ngộp thở, những điểm nhấn cao trào hay các cú “ twist” làm người chơi phải “ngã ngửa ghế”

Bạn sẽ cực kỳ thích thú trước những cử chỉ quan tâm nhỏ nhặt, những biểu cảm kiểu “vừa giận, vừa thương” của chiến thần Kratos hay cá tính “khôn lỏi”, đôi khi có phần ngây thơ của cậu bé mà từng được mẹ đặt cho cái tên Loki – vị thần lừa lọc nức tiếng của thần thoại Bắc Âu. 

Ngoài ra thì dàn “kép” phụ cũng có nhiều đất diễn hơn phần trước.

God of War Ragnarok

Có thể kể đến như người lùn (dwarf) thợ rèn Sindri, nay trở thành một người bạn đồng hành đích thực, không chỉ thường xuyên hỗ trợ vật phẩm tư trang thiết yếu cho cả đội mà gã còn luôn gần gũi, động viên Atreus vào những lúc khó khăn nhất.

Vị thần “biết tuốt” kiêm “vựa muối” Mimir thì vẫn thông thái và hài hước như ngày nào, nay cộng thêm chú sóc thích “cà khịa” Ratatoskr luôn giúp những khoảng lặng trong game được lấp đầy, không bao giờ nhàm chán. 

God of War Ragnarok

Tất cả được điểm xuyết bằng diễn hoạt và biểu cảm đỉnh cao của các nhân vật, từng biến chuyển tâm lý trên khuôn mặt, từng thần thái hay ngữ điệu đều tái hiện lên một cách chân thật và tinh tế nhất. 

Với thời lượng hơn 20 giờ chơi (để đi hết chuỗi nhiệm vụ chính), God of War Ragnarok không thiếu những phân cảnh hành động đến ngộp thở, những điểm nhấn cao trào hay các cú “ twist” làm người chơi phải “ngã ngửa ghế”!


God of War Ragnarok

Lối chơi được nâng tầm

Người viết nhớ có một câu nói tiếng Anh khá hay: “If it ain’t broke, don’t fix it !”, tạm dịch là “nếu cái gì mà chưa hư thì đừng đem đi sửa” và cơ chế chiến đấu của God of War năm xưa thì đúng là như vậy, nó đã tốt và rất hoàn thiện rồi. 

Nên về cốt lõi thì cách chơi God of War Ragnarok không mang đến những sự “lột xác” ngoạn mục mà là kết tinh của các giá trị từng làm nên thành công của phần trước. 

Vẫn góc nhìn ngang vai đặc thù, vẫn hai nút tấn công chủ đạo Light, Heavy Attack kết hợp cùng các chiêu thức Runic quen thuộc nhưng Kratos đã có thêm những miếng đánh và cách tiếp cận mục tiêu mới.

God of War Ragnarok

Có thể kể đến như khả năng “gồng” nút tam giác hóa băng cây rìu Leviathan hay “nẹt lửa” song đao Blade of Chaos rồi tung ra những tuyệt chiêu diện rộng cực kỳ “sướng tay, đã mắt”!  

Bạn từng thấy khó chịu với những con quái hay “núp lùm” đánh lén từ đằng xa? Giờ Kratos có thể phi đao… xiên vào chúng làm điểm tựa rồi “phi thân” bay tới tẩn cho tới tấp, hay chơi “bắn tỉa” từ xa bằng cách phi một quả rìu vừa xoáy, vừa nảy từ tên này sang tên khác rất “đã”!

Mặt khác, khiên chắn nay có thêm nhiều lựa chọn chia theo hai trường phái riêng biệt: Khiên gọn nhẹ dành cho các tín đồ ưa dùng phản đòn (Parry) theo kiểu “ăn cả ngã về không” hay khiên nặng, cồng kềnh nhưng có thể hứng đòn, tích lũy năng lượng rồi tung ra một cú đập trời giáng.

Mà chưa kể bạn còn có thể gắn thêm “đồ chơi” (attachment) lên khiên để “độ” nữa đấy!

Yếu tố nhập vai (RPG) cũng trở lại và còn “lợi hại hơn xưa”, giúp ta có thêm nhiều sự lựa chọn khi xây dựng nhân vật, từ việc giữ nguyên cơ chế thăng cấp (tính bằng cách cộng dồn sức mạnh của các trang bị) cho đến tính năng khảm ngọc, đeo bùa (Relics) hay tinh luyện và thay đổi để “phối” các phụ kiện vũ khí.  

Nhưng trọng điểm trong cách chơi của God of War Ragnarok thì phải kể đến sự nâng tầm mang tính “cách mạng” của nhân vật Atreus.

về cốt lõi thì cách chơi God of War Ragnarok không mang đến những sự “lột xác” ngoạn mục mà là kết tinh của các giá trị từng làm nên thành công của phần trước

Khi là bạn đồng hành, Atreus không chỉ chủ động yểm trợ từ xa, triệu hồi linh thú quấy phá mà cậu còn biết đánh lạc hướng đối phương hay thậm chí lao vào cận chiến, dùng cung đánh phối hợp xối xả với cha mình rồi tung ra những pha kết liễu “chất như nước cất”.

Các loại mũi tên của Atreus thì vừa có tác dụng gây choáng, vừa cộng hưởng tác lực với các đòn đánh của Kratos.

Điều đáng nói là game sẽ còn có những phân đoạn cho người chơi được toàn quyền điều khiển một Atreus hoàn toàn độc lập với nhánh kỹ năng bắn cung, combo “chặt chém” và một kho đồ riêng biệt.

Và các cuộc phiêu lưu ấy của Atreus cũng chứa đựng “rất nhiều bất ngờ” mà người viết xin phép không “spoil” (bật mí), để dành cho bạn đọc tự tay khám phá!


Giá trị chơi lại cao, rất nhiều thứ để làm!

Đáp ứng mong mỏi của các fan từ phiên bản trước, God of War Ragnarok bổ sung thêm rất nhiều con trùm mini để người chơi tha hồ “vọc” và thử sức.  

Game cũng có số lượng kẻ thù đa dạng lên đến mức kinh ngạc! Từ những tên lính lâu la thích “giáp lá cà”, các tay kiếm khách lợi hại đến từ tộc tiên ánh sáng, những nữ yêu tinh có thiết kế quá “ngầu” cho đến những đối thủ đáng gờm tại Asgard cùng các Valkyrie với sức mạnh vô biên, khó lường, thật sự là người viết chưa bao giờ cảm thấy thiếu những trận chiến khốc liệt đầy cam go.    

Dù vậy nhưng độ khó của game vẫn được cân bằng khá tốt, mức mặc định (Give Me A Balance) phù hợp với tất cả mọi đối tượng người chơi, còn các mức cao hơn thì chắc chắn sẽ làm hài lòng những ai ưa chinh phục thử thách lớn như các game “hardcore” của nhà FromSoftware.

Tuyến nhiệm vụ phụ trong game cũng được xây dựng rất tốt với nội dung có chiều sâu, cơ chế giải đố (puzzle) hay ho, không trùng lặp, phần thưởng hấp dẫn và ẩn chứa nhiều bí mật thú vị luôn trực chờ người chơi khám phá. 

Chưa kể, các tác vụ mang tính chất sưu tầm (Labors) như kiểu đi kiếm và “mần” lũ quạ của Odin thì nay có cả một hệ thống tích điểm, đổi quà rất “xịn sò” luôn đấy!

God of War Ragnarok bổ sung thêm rất nhiều con trùm mini để người chơi tha hồ “vọc” và thử sức


Cửu giới lung linh và kỳ ảo

Bằng việc thiết kế màn chơi được phân theo từng khu vực có không gian biệt lập, chất lượng môi trường trong game từ mật độ chi tiết vật thể, bóng đổ cho tới giả lập ánh sáng luôn thỏa mãn được người viết và đẩy cỗ máy PS5 phải hoạt động hết cả công suất.

Chưa kể điều đó còn giúp đem đến một trải nghiệm chơi mượt mà, không ngắt quãng với yếu tố nói “không” với màn hình nạp (loading screen) lẫn các đoạn các cảnh (camera cut) xuyên suốt từ đầu đến cuối game, rất ấn tượng!

God of War Ragnarok

Ngay cả khi bị ràng buộc về mặt công nghệ (do game phát triển cho cả hệ máy PS4), nhưng định hướng nghệ thuật xuất sắc vẫn giúp God of War Ragnarok phô diễn những cảnh quan vô cùng lộng lẫy và sinh động.

Người viết đã từng phải “đứng hình” và xuýt xoa khi được chiêm ngưỡng những khu công nghiệp nặng đặc trưng của người lùn Svartalfheim, đồi núi trập trùng hùng vĩ phía xa chân trời Jotunheim, các kiến trúc ma mị huyền ảo trãi dọc cõi âm ty Helheim hay những mảng thực vật kỳ dị cùng các gam màu tương phản độc đáo ở Vanaheim. 

Ngay cả khi bị ràng buộc về mặt công nghệ (do game phát triển cho cả hệ máy PS4), nhưng định hướng nghệ thuật xuất sắc vẫn giúp God of War Ragnarok phô diễn những nền cảnh quan vô cùng lộng lẫy và sinh động

Bạch kim 10

God of War Ragnarok là kết thúc hoàn mỹ, khép lại một hành trình nhiều cung bật cảm xúc của cha con Kratos.

Với nội dung sâu sắc, giàu tính nhân văn cùng mọi khía cạnh đều được mài dũa, trau chuốt đến mức độ hoàn hảo, God of War Ragnarok xứng đáng được gọi là một kiệt tác nghệ thuật, khẳng định vị thế của đội ngũ Santa Monica cùng thương hiệu “chiến thần” trên thị trường game hành động đang ngày càng bị “lai căng” theo phong trào làm game "Soulslike". 

Thông tin

  • God of War Ragnarok
  • Nhà phát triển
    Santa Monica Studio
  • Nhà phát hành
    Sony Interactive Entertainment
  • Thể loại
    Hành động
  • Ngày ra mắt
    09/11/2022
  • Nền tảng
    PlayStation 4, PlayStation 5

Cấu hình tối thiểu

  • Hệ điều hành
    N/A
  • CPU
    N/A
  • RAM
    N/A
  • GPU
    N/A
  • Lưu trữ
    N/A
  • Thiết bị
    N/A

Cấu hình thử nghiệm

  • Hệ điều hành
    N/A
  • CPU
    N/A
  • RAM
    N/A
  • GPU
    N/A
  • Lưu trữ
    N/A
  • Thiết bị
    N/A
Game được hỗ trợ bởi SQUARE ENIX. Chơi trên PlayStation 5.

Tác giả

Teddie Danh

Gamer 🎮| Game Producer👨🏻‍💻| Games Journalist🖋️